Hotline 24/7
08983-08983

Tự bổ sung nội tiết tố: Phòng bệnh hay rước bệnh ?

Nhiều phụ nữ sau khi điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư phụ khoa đã bị mãn kinh đột ngột dẫn đến tình trạng bứt rứt, giảm trí nhớ...

Để khắc phục biến cố này, một số chị em đã đến các cơ sở không đủ chuyên môn hoặc tự sử dụng các thuốc có chứa nội tiết tố thay thế để phòng bệnh mà không biết mình đang rước thêm bệnh.
 
Nguy cơ tái phát ung thư
 
TS-BS Trần Văn Thiệp, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, Trưởng bộ môn Ung thư, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, những bệnh nhân (BN) ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo) sau khi điều trị, nếu có cắt bỏ buồng trứng sẽ đưa đến mãn kinh sớm, đột ngột.
 
Với BN không được phẫu thuật mà chỉ hóa trị, xạ trị cũng có thể bị mãn kinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Mãn kinh do điều trị bệnh thường gây ra triệu chứng và hậu quả nghiêm trọng hơn mãn kinh tự nhiên. Cách xử trí hiệu quả nhất trong tình huống này là sử dụng nội tiết thay thế. Tuy nhiên, mỗi dạng bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau, tránh nguy cơ kích thích các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.

Cũng theo TS-BS Trần Văn Thiệp, với ung thư buồng trứng, âm hộ, âm đạo và ung thư cổ tử cung, sau khi cắt bỏ tử cung và buồng trứng thì việc sử dụng nội tiết tố thay thế là tránh viêm teo âm hộ, âm đạo. Phần lớn người bệnh có thể không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng có một số BN bị gia tăng khả năng mắc thêm ung thư vú. Với BN bị ung thư nội mạc tử cung càng không nên điều trị nội tiết tố. Dù người bệnh đã được cắt buồng trứng thì nội mạc tử cung vẫn bị ảnh hưởng, có thể kích thích tế bào ung thư phát sinh trở lại.

TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, BV Từ Dũ TP.HCM - tư vấn, việc mãn kinh xảy ra do buồng trứng ngưng hoạt động. Sự ngừng hoạt động của buồng trứng sẽ làm giảm dần nồng độ nội tiết và phần lớn phụ nữ thích nghi với sự thay đổi nội tiết này. Tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 48 - 52 tuổi. Một số phụ nữ mãn kinh sớm trước 40 tuổi, có thể do di truyền, bệnh lý hoặc vì điều trị bệnh ung thư, bệnh tự miễn như: lupus đỏ, bệnh nhược giáp...
 
Khi mãn kinh đột ngột, nồng độ nội tiết sinh dục, đặt biệt là estrogen giảm đột ngột, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu: mất kinh, khô âm đạo, giao hợp đau, cơn bừng bốc hỏa, són tiểu, vã mồ hôi, mất ngủ, loãng xương, giảm trí nhớ, đột quỵ, tim mạch. Để giải quyết các triệu chứng khó chịu trên, sử dụng nội tiết tố thay thế nhằm bù lại lượng estrogen và progesterone bị thiếu hụt. Tuy nhiên, những người có tiền căn hoặc đang bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, viêm tắc tĩnh mạch, đột quỵ, bệnh đau nửa đầu, ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân thì không nên sử dụng nội tiết tố thay thế.
 
Tầm soát ung thư tại BV Chợ Rẫy TP.HCM

Nguy hại từ thuốc ngừa thai

TS-BS Lê Thị Thu Hà khuyên, người bệnh mãn kinh sớm có thể dự phòng ảnh hưởng do thiếu estrogen bằng cách tập thể dục, vận động thường xuyên; trong đó đi bộ, chạy bộ, bơi lội là những môn thể thao thích hợp. Nên thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời vào buổi sáng, từ bảy-tám giờ. Cải thiện chế độ ăn: giảm chất béo, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước. Nên uống sữa, dùng các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, các loại thuốc chứa canxi. BN cần tránh để cơ thể béo phì, có thể dùng thuốc hạ lipid và cholesterol trong máu. Ngoài ra, người bệnh nên tham gia công tác xã hội cho cuộc sống thoải mái, làm việc trong môi trường mát, tránh căng thẳng, điều trị bệnh cao huyết áp...

Ở BN ung thư, TS-BS Trần Văn Thiệp tư vấn, với những trường hợp không được điều trị nội tiết tố thay thế, có thể phòng, chống dựa trên từng triệu chứng lâm sàng. Ví dụ, với bệnh loãng xương có thể sử dụng thuốc nhóm raloxifen, ăn thực phẩm nhiều canxi và sữa, phô mai, các loại rau xanh, bổ sung vitamin D, uống sữa đậu nành có chứa estrogen từ thực vật. Nếu mắc bệnh trầm cảm thì sử dụng nhóm thuốc gabapentin... Nếu mãn kinh gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể sử dụng nội tiết tố thay thế, nhưng nên dùng trong thời gian ngắn. BS sẽ cho BN ung thư nội mạc tử cung sử dụng loại nội tiết tố phối hợp giữa estrogen và progesterone trong thời gian thích hợp, sẽ an toàn hơn nội tiết tố estrogen đơn thuần.

Ngược lại, BN ung thư phụ khoa, gia đình có người bị ung thư vú, hay chỉ đơn giản là tuyến vú có bướu lành, phải hết sức thận trọng điều trị vì dễ phát sinh thêm ung thư vú và ung thư phụ khoa. Những BN này nên sử dụng nội tiết tố estrogen đơn thuần với liều thấp, không sử dụng nội tiết tố phối hợp giữa estrogen và progesterone vì sẽ gia tăng nguy cơ ung thư. Riêng người mắc ung thư vú thì không được sử dụng nội tiết tố thay thế.

TS-BS Trần Văn Thiệp lo ngại, hiện có nhiều phụ nữ có thói quen mua thuốc ngừa thai để ngăn việc có con và trị mụn mà không được BS tư vấn. Trong khi thuốc ngừa thai chứa nội tiết tố cũng góp phần gia tăng ung thư vú, nhất là trên BN có nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả phụ nữ khi dùng nội tiết tố estrogen để kích thích rụng trứng trong điều trị hiếm muộn cũng đối diện với nguy cơ ung thư vú.

AloBacsi.vn
 Theo Phụ nữ online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X