TTƯT.GS.TS.BS Trương Quang Bình: Bóng cây chuẩn mực của ngành Tim mạch, Đại học Y Dược TPHCM
Một tấm gương về sự chuẩn mực của người thầy giáo - thầy thuốc - nhà khoa học là hình ảnh mà nhiều thế hệ học trò tại Đại học Y Dược TPHCM (UMP) - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (UMC) nghĩ về GS.TS.BS Trương Quang Bình - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Bệnh viện.
Gần 40 năm làm nghề y, TTƯT.GS.TS.BS Trương Quang Bình đã chia sẻ câu chuyện về những người thầy đầu tiên trong sự nghiệp, tình yêu với màu áo trắng, tình yêu với chuyên ngành Tim mạch, những trăn trở với nghề y... Tất cả đã tạo nên phong thái chỉn chu, sự tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng công việc của thầy Bình - người dùng trái tim để sửa lỗi những trái tim.
Những người thầy trồng người
“Trong tâm niệm của tôi, tôi sẽ không thể trưởng thành nếu không có những người thầy” - GS.TS.BS Trương Quang Bình mở đầu ký ức về các vị ân sư của mình.
“Người thầy đầu tiên khá lớn tuổi, tiếp nhận tôi vào lớp 1 ở một ngôi trường làng. Thầy đã dạy tôi những nét chữ đầu tiên, đánh vần đầu tiên. Giờ đây tôi vẫn nhớ hình ảnh của thầy, một người thầy rất mô phạm, mặc áo trắng, quần kaki xanh và đội nón nhựa. Trong thâm tâm tôi cũng muốn trở thành một người thầy mô phạm như thế”.
Cho đến những năm trung học thì GS Bình ấn tượng về thầy chủ nhiệm lớp 12. Thầy không chỉ dìu dắt, dạy dỗ mà còn có tấm lòng bao dung đối với lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới: “Thích nhất là thầy dễ dàng tha thứ khi tôi có lỗi lầm. Thật sự ở độ tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, tôi có những trò tinh nghịch dữ lắm, nhưng thầy đều khuyên bảo và tha thứ để tôi bước tiếp con đường học hành”.
Lên đại học là một khung trời rộng mở, chàng sinh viên y khoa choáng ngợp với những người thầy mới. Trong số đó có một thầy kiến thức uyên bác, mặc dù đang giảng dạy về sức khỏe con người nhưng khi nói đến y học thống kê, thầy cầm phấn lên bảng giải một bất đẳng thức từ đầu tới cuối như một giáo sư toán học thực thụ. Hình ảnh ấy khiến GS Bình cảm nhận rõ ngoài chuyện học chuyên ngành thì còn rất nhiều điều phải học để sau này trở thành một người thầy thuốc trọn vẹn hơn.
“Sau khi ra trường, người thầy trên con đường làm việc của tôi là GS Nguyễn Đình Hối. Làm việc với thầy, tôi cảm nhận được nhiều điều, đặc biệt là cách đối nhân xử thế, nhìn nhận vấn đề của thầy để lại những dấu ấn rất lớn, những hoạt động sau đó của tôi cũng đi theo hướng của thầy” - GS Bình kể lại.
Đó là những người thầy trong từng giai đoạn lớn lên, trưởng thành, để lại những ảnh hưởng và ấn tượng sâu sắc với GS.TS.BS Trương Quang Bình.
Nghiêm túc trên giảng đường, nghiêm cẩn trong công việc, nghiêm khắc với lỗi sai
“Ngày trước đi học “sợ” thầy bao nhiêu thì sau này thấy biết ơn và cảm nhận sự gần gũi của thầy bấy nhiêu” - đó là cảm nhận chung của những người học trò từng học GS Trương Quang Bình - một giảng viên khá khó tính, một người quản lý nghiêm túc và nghiêm khắc. Đó là nét tính cách cần có ở cương vị của ông để công việc được trơn tru, thuận lợi, giúp được cho bệnh nhân tốt nhất.
“Mỗi người thầy giúp cho tôi thêm kỹ năng, từ đó phần nào cũng ảnh hưởng đến tính cách của tôi. Nhưng thật sự tôi cảm thấy các thầy đối với tôi tương đối “dễ” hơn là tôi đối với học trò của mình, đó có lẽ là tính cách của riêng tôi, cũng có thể là tính cách của người miền Trung” - GS.TS.BS Trương Quang Bình chia sẻ.
Mảnh đất Quảng Ngãi hồi xa xưa ấy có một thiếu niên hay đọc sách về những vị anh hùng, tướng lĩnh trong các cuộc chiến, từ đó: “Tôi nhận thấy họ phải gương mẫu, chuẩn mực thì mới làm được việc. Có thể đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cách làm việc của tôi sau này”.
Trong nghề y phải thật cẩn thận, chu đáo, chi tiết trong từng trường hợp bệnh, mặc dù mình đã biết rõ tiền sử của người đó rồi, bởi vì bệnh tật thiên hình vạn trạng. Một câu chuyện mà sau gần 40 năm hành nghề, GS Trương Quang Bình không thể quên được, sự việc không phải xuất phát từ việc thiếu kiến thức, mà do chưa đủ cẩn thận.
“Đó là một bệnh nhân vào bệnh viện mấy lần rồi, lần này có triệu chứng tái phát như trước. Bệnh nhân nhập viện vào ca trực của một đồng nghiệp giỏi, anh ấy đưa ra chẩn đoán và điều trị.
Với sự tin tưởng vào những lần trước tôi tiếp xúc với người bệnh và tin tưởng vào đồng nghiệp nên đến khi tiếp nhận, tôi đã không để ý tới mức tối đa, tiếp tục chẩn đoán theo hướng của đồng nghiệp đã có. Tuy nhiên vấn đề của bệnh nhân không phải như vậy.
Cũng may là sự việc không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, bệnh nhân sau đó vẫn khỏe mạnh xuất viện nhưng trong 1-2 ngày chưa có chẩn đoán chính xác, người đó đã không được điều trị đúng vấn đề, phải chờ làm thêm xét nghiệm chúng tôi mới nhận định lại được”.
Đó là một dấu ấn nhắc nhở bản thân GS T trong việc hành nghề, và cũng là một dấu ấn là tôi truyền đạt lại cho những thế hệ sau để đừng mắc lỗi như vậy: “Một sơ sẩy của bác sĩ, hậu quả không chỉ bệnh nhân gánh chịu mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình của họ. Nghĩ như vậy sẽ thấy hậu quả rất lớn”.
Những trăn trở 10 năm của người thầy thuốc - thầy giáo
Sau hơn 60 năm cuộc đời, mỗi người đều trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ, có những cái đỉnh đã chạm đến nhưng với GS Trương Quang Bình, điều đọng lại là những nỗi trăn trở của mỗi chặng đường sự nghiệp mà ông đang giải quyết, đã vượt qua.
Trăn trở đầu tiên của GS Bình (cũng là của nhiều đồng nghiệp trẻ) là kiến thức học được trong 6-7 năm ở trường không đáng là bao so với những gì cần giải quyết cho người bệnh: “Khi tôi học Nội trú Nội, đã lăn lộn trong bệnh viện. Ra Nội trú thì nghĩ mình hiểu biết nhiều lắm, có thể chẩn đoán và điều trị tốt cho người bệnh, nhưng thực tế không như vậy.
Làm việc nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, thì những gì đã học là chưa đủ, đặc biệt là trong bệnh tim mạch. Cho nên trong suốt 10-15 năm sau khi ra trường tôi lại lao vào học tập - học để làm, còn 6 năm ở trường - học để thi - mới chỉ là bắt đầu thôi”.
Hồi thập niên 90, đối với các bác sĩ trẻ, vấn đề vật chất không đặt nặng quá. Ra trường được phân công đi về tỉnh 1-2 năm sau mới quay lại lấy bằng là chuyện bình thường, anh chị em có xuất phát điểm gần như nhau, ai cũng như ai, không phải chú tâm vào cơm áo gạo tiền. Với GS Bình: “Có thể là một chuyện không may nhưng cũng rất may. Với tư thế đó tôi chỉ chăm chú học hành để có kiến thức và kỹ năng cho nghề của mình”.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, nhận thấy được khả năng cũng như tình yêu với bệnh động mạch vành, BS Trương Quang Bình được Bộ môn Nội phân công học tập và giảng dạy về lĩnh vực Tim mạch.
Để có thể hiểu sâu, tiếp cận nhiều hơn, ông tiếp tục nâng cao kiến thức về tim mạch học can thiệp tại các bệnh viện trong - ngoài nước; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực rối loạn lipid máu ở người bệnh động mạch vành và can thiệp tim mạch.
Hơn 10 năm sau khi ra trường, cảm thấy có đủ kiến thức và kinh nghiệm làm việc thì GS Trương Quang Bình có thêm một trăn trở mới là làm sao để đội ngũ trở nên đồng đều. Đó là mong muốn lớn nhất khi ông đồng hành cùng các chuyên khoa trong việc xây dựng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM với nhiều mũi nhọn, cũng như khi ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TPHCM.
Bởi vì, bệnh nhân khi đến với bệnh viện, nếu gặp được một bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì vấn đề sức khỏe của họ được giải quyết trơn tru, thuận lợi, hiệu quả, nếu lỡ gặp một bác sĩ chưa đầy đủ kinh nghiệm hoặc chưa được tận tâm cho lắm thì thời gian điều trị kéo dài, kết quả chưa tốt… Như vậy có gì đó may rủi, khiến cho GS Bình suy nghĩ phải làm sao để kiện toàn đội ngũ.
“Giải quyết nỗi trăn trở này khó hơn nhiều so với việc củng cố kiến thức và trình độ chuyên môn của cá nhân mình, bởi vì mọi người trong đội ngũ có hoành cảnh, xuất thân, suy nghĩ, tâm tính… khác nhau. Nhưng vẫn phải quyết tâm làm chứ không mình cứ ray rứt hoài”.
Sau khi hạ quyết tâm, GS Bình tìm hiểu và lên kế hoạch cho từng người trong đơn vị: học sau đại học, tu nghiệp ở nước ngoài, học ngoại ngữ… chi tiết hóa cho từng thành viên. Tất nhiên không thể đồng đều 100% nhưng nếu được khoảng 70-80% thì khoa phòng đã tốt lên rất nhiều. Quãng thời gian này không ngắn, cũng phải 10 năm.
Nghĩ về hành trình được học, làm việc cùng GS.TS.BS. Trương Quang Bình, PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi - Trưởng Đơn vị Hình ảnh Tim mạch BV ĐHYD TPHCM luôn cảm thấy mình thật sự may mắn khi được “một người thầy nhân văn đi trước dẫn đường”.
PGS Khôi vẫn còn nhớ như in trong lần gặp đầu tiên, thầy Bình đã hỏi: “Em đi học nước ngoài về chắc cũng chịu khó viết và dịch bài?”, PGS Khôi liền đưa thầy xem bản thảo về điện tâm đồ mà anh tâm huyết dịch từ một cuốn sách giáo khoa nổi tiếng ở Đức. Và đó chính là cơ duyên mà cuốn sách đầu tiên của anh được ấn hành. “Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ sự quan tâm sâu sắc cũng như sự đòi hỏi về năng lực chuyên môn mà thầy dành cho thế hệ sau này. Thầy không chỉ dành sự ưu ái những bác sĩ trẻ có hoài bão; mà thầy còn nhắc nhở, động viên các bác sĩ chưa đạt được kỳ vọng mà thầy đặt ra bằng tất cả tình cảm và sự chân tình”.
Sau hơn 10 năm trau dồi kiến thức của bản thân, 10 năm để kiện toàn đội ngũ thì 10 năm gần đây nhất GS Trương Quang Bình có thêm nỗi trăn trở xuất phát từ việc ông là người thầy thuốc cũng là người thầy giáo, mong muốn có một môi trường đào tạo y khoa đầy đủ: đầy đủ mặt bệnh, đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, đầy đủ phương tiện điều trị.
“Quan trọng nhất môi trường đó ngọn lửa học tập phải nóng, sinh viên, học viên từ nơi khác đến đều được hòa nhập, việc tự học được tiến triển nhanh chóng và thuận lợi. Họ sẽ tiếp thu kiến thức, năng lượng vào bản thân, sau này khi họ tỏa đi những nơi khác cũng tạo ra được môi trường như vậy.
Đây là trăn trở cũng phải thực hiện trong thời gian rất lâu, và giờ đây tôi thấy bắt đầu có những đốm lửa như vậy rồi. Hi vọng những đốm lửa này ngày càng lan rộng, để cho dòng chảy kiến thức và niềm đam mê nghề ngày càng mạnh mẽ, tỏa ra nhiều nơi thì chắc chắn sức khỏe của cộng đồng sẽ được tốt hơn”.
Đây cũng là trăn trở trong mấy mươi năm làm nghề mà GS Trương Quang Bình muốn chia sẻ nhất, mong có thêm nhiều đồng nghiệp đồng hành, tạo nên những thành quả tốt hơn trên con đường của thầy thuốc và thầy giáo.
Vun đắp trước, rồi tình yêu và quả ngọt sẽ đến
Trong 8-12 tiếng mặc áo blouse, người bác sĩ có trách nhiệm với công việc, đồng nghiệp, khoa phòng, cộng đồng. Sau nửa ngày đó, bác sĩ trở về với bản thân và gia đình. Theo GS Trương Quang Bình, trách nhiệm với chính bản thân mình là mỗi người phải làm cho kiến thức, thể lực, tâm hồn tốt hơn lên. Với gia đình, trách nhiệm là phải chăm sóc, có chăm sóc thì mới yêu thương. Tiếp theo là kết nối với bạn bè, có những người bạn từ thời tiểu học cho tới bây giờ ông vẫn còn liên lạc.
“Khi chúng ta chú tâm vào làm việc, gắn bó và xây dựng thì tình yêu sẽ đến. Ví dụ như việc xây dựng Trung tâm tim mạch, phải bỏ công ra làm hằng ngày thì tình yêu sẽ đến với nó. Con người hay gia đình cũng vậy, không đòi hỏi người khác yêu thương mình rồi mình cảm nhận được mới đáp lại mà mà hãy tận tâm, tận tụy vun đắp trước.
Kết quả của chuyện mình làm đối với sức khỏe của người bệnh, đơn vị của mình, gia đình của mình nếu theo nguyên tắc đó, chắc chắn tình yêu đến và quả ngọt cũng sẽ đến.” GS Trương Quang Bình tâm niệm.
“Những người thầy đi trước của tôi có lẽ cũng kỳ vọng về học trò của mình có thể làm được điều gì, tiếp nối được điều gì, hi vọng là với những trăn trở và hoạt động của tôi, tôi cũng đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của các thầy.
Cảm ơn các thầy đã đặt niềm tin, đã trao nhiệm vụ để cho tôi có thể hoạt động, cố gắng hoàn thành những điều đó, trở thành trái ngọt của mình”.
Tự nhiên trong tâm tính, GS.TS.BS Trương Quang Bình thích màu trắng, bởi màu trắng tạo cảm giác thanh khiết, nho nhã, trung tính và cũng mang nét nghiêm túc, mô phạm, như hình mẫu người thầy/con người mà ông hướng đến. Lựa chọn thứ hai sau màu trắng là màu be, một gam màu dịu dàng, không nổi bật. Nhưng với những ai từng gặp GS Bình, từ các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp, bác sĩ trẻ, sinh viên… thì dù là màu trắng trung tính hay màu be nhã nhặn, ông vẫn có dấu ấn riêng, một người thầy đáng kính, một nhà khoa học uy tín, một bác sĩ tận tâm mà họ nhớ mãi không quên.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình