Hotline 24/7
08983-08983

Trúng gió có phải đột quỵ?

Hiện nay, nhiều người đang có sự hiểu nhầm về trúng gió là một dạng đột quỵ, dễ dẫn đến nhầm lẫn, khiến chậm trễ sơ cứu gây hậu quả đáng tiếc. Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Chuyên gia y học cổ truyền, hai bệnh lý này có biểu hiện và cách xử trí hoàn toàn khác nhau.

1. Trúng gió dưới góc nhìn Đông y

Thưa BS, trúng gió trong Đông y được chia thành mấy loại, có tên gọi như thế nào?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Theo Đông y, có 3 nguyên nhân gây bệnh gồm nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân.

Trong ngoại nhân có 60 nguyên nhân gây bệnh và lục dâm, trong đó gió (phong) đứng đầu. Gió xâm nhập phần trên và bên ngoài, đi theo 4 bước: mạo phong, cảm phong, thương phong và trúng phong. Cảm, mạo nằm ở mức độ nhẹ; thương là nửa trong nửa ngoài; trúng đã đi vào tạng phủ. Cần phân biệt 4 loại này để có hướng xử trí thích hợp.

2. Cạo gió có tác dụng gì?

Nhiều bạn đọc cho biết, họ thường xuyên bị chóng mặt, nôn. Sau khi cạo gió và nằm nghỉ, họ đỡ dần và khỏe lại. Trong Đông y gọi tình huống này là gì, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong Đông y, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Vấn đề cảm mạo do phong gây nên có thể cạo gió, đánh gió để làm cho da ửng đỏ lên, đạt được hiệu quả trong điều trị.

Khi nghe trong bụng chộn rộn, cảm giác hơi nhợn ói, sau đó được cạo gió ngay thắt lưng thì khỏe lại, trong Đông y gọi tình huống này là gì, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đây gọi là tình huống phong hàn phạm kinh lạc, nhất là kinh bàng quang chi phối vùng lưng. Khi xâm nhập vào vùng kinh này, nó gây một số triệu chứng, trong đó có đau vùng thắt lưng, kèm theo những rối loạn về tiêu hóa.

Vấn đề này nếu đánh vào nguyên nhân, nghĩa là cạo gió hoặc đánh gió, khu phong sẽ cải thiện được. Trường hợp không cải thiện, hãy nhờ đến thầy thuốc để có hướng xử trí phù hợp.

3. Đột quỵ lý giải dưới góc nhìn Đông y

Thưa BS, bệnh đột quỵ trùng khớp với loại trúng gió nào trong Đông y?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong Đông y có 4 mức độ ở ngoại nhân: mạo phong, cảm phong, thương phong và trúng phong. Đột quỵ là một trong những chứng mà Đông y cũng gặp trong hội chứng trúng phong, ảnh hưởng đến tạng can, khiến tay chân người bệnh mềm nhũn, kết hợp với can khí uất kết gây nên tình trạng yếu liệt nửa người.

Tình huống này thuộc phạm vi chính trúng phong.

4. Điều trị các mức độ trúng gió trong Đông y

Hướng điều trị các loại trúng gió trong Đông y như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Đối với cảm mạo, có khu phong tán hàn. Ở mức độ nhẹ có thể cạo gió, đánh gió, xông hơi, chích lể, giác hơi... đều có thể cải thiện được.

Tuy nhiên, ở giai đoạn thương phong đòi hỏi người thầy thuốc phải có sự hòa giải trong nguyên nhân gây bệnh. Nếu đã vào hội chứng trúng phong, đây là một cấp cứu của Đông y cũng như y học hiện đại, không đơn thuần có thể giải quyết tại nhà hay sử dụng các phương pháp thông thường để điều trị.

5. Cạo gió, chích lể chống chỉ định khi bị trúng phong

Xin hỏi BS, các phương pháp như chích lể, trích máu đầu ngón tay thường được áp dụng cho loại trúng gió nào và phải thực hiện như thế nào để an toàn và đúng cách, thưa BS?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Chích lể, cạo gió, đánh gió, xông hơi... chỉ có thể giải quyết giai đoạn cảm mạo, cảm phong, mạo phong, thương phong và người thực hiện phải được đào tạo bài bản.

Để chích lể, chúng ta phải xác định huyệt nào giải quyết được vấn đề nào ở bệnh nhân. Sau khi xác định được huyệt, phải sát trùng và chích lể nặn máu để cải thiện tình trạng.

Đến giai đoạn trúng phong, không được sử dụng các phương pháp thông thường này.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Chuyên gia y học cổ truyền

6. Khi nào phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay?

Xin hỏi BS, những biểu hiện trúng gió nào cho thấy người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp thông thường và những biểu hiện nào cho thấy cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Mạo phong là khi ra đường gặp gió, nổi da gà. Về tới nhà bắt đầu có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi gọi là cảm phong. Giai đoạn này có thể chăm sóc tại nhà, sử dụng các phương pháp xông hơi, giác hơi, đánh gió... để khu phong.

Giai đoạn thương phong cần có sự can thiệp của thầy thuốc. Đến mức trúng phong, bệnh nhân đang ngồi có thể ngã ra, hôn mê bất tỉnh, tay chân mềm nhũn thì cả Đông y và Tây y đều phải tiến hành cấp cứu.

Có thể đưa bệnh nhân đến các thầy thuốc hoặc đi cấp cứu tại các bệnh viện để can thiệp kịp thời. Đối với đột quỵ, chúng ta đều biết về “thời gian vàng” cấp cứu người bệnh.

7. Đừng làm lỡ mất thời gian vàng cấp cứu đột quỵ

Nhờ BS hướng dẫn cách nhận diện và xử trí trúng gió. Trong cộng đồng vẫn nhiều người nhầm lẫn những khái niệm khiến trễ giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Hiện nay, nhiều người muốn làm thầy thuốc nhưng lại không đến giảng đường, từ đó phát sinh những nhầm lẫn giữa phong trong Đông y với đột quỵ, Nhiều người lên mạng hướng dẫn cộng đồng cách trị phong bằng cạo gió, cắt gió hoặc dùng kim chích lể.

Giai đoạn đầu cảm mạo do phong có thể giải quyết bằng cách khu phong tán hàn, sử dụng các phương pháp thông thường như giác hơi, xông hơi, cạo gió.

Tuy nhiên, khi người bệnh đã ngã vật ra, hôn mê, tay chân mềm nhũn, phải lập tức đưa đi cấp cứu. Không nên tin vào những thông tin thất thiệt trên mạng về việc dùng kim chích lể nặn máu, từ đó mất “thời gian vàng” để cấp cứu.

Hãy giao sức khỏe cho thầy thuốc, chỉ có thầy thuốc mới có thể giải quyết kịp thời những vấn đề nhầm lẫn giữa trúng phong với đột quỵ, từ đó có xử trí thích hợp, cứu sống bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X