Hotline 24/7
08983-08983

Trực khuẩn gram âm, trực khuẩn gram dương là gì?

Nhiều bạn đọc đi khám phụ khoa, kết quả viêm âm đạo do trực khuẩn gram âm, trực khuẩn gram dương, các bạn thắc mắc với AloBacsi loại vi khuẩn đó là gì? Xin chia sẻ bài viết của Bệnh viện Quân y 103.

Nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí (NTKK) thường là nhiễm trùng hỗn hợp nhiều loài cả kỵ khí và ái khí. Hiện tượng này khá phổ biến do vi khuẩn kỵ khí có mặt ở khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt tập trung với số lượng lớn ở khoang miệng và ống tiêu hóa, nhất là ở đại tràng. Chúng là phần quan trọng của hệ quần thể vi khuẩn bình thường (vi hệ) trên người.

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn kỵ khí

vi khuẩn kỵ khí phát triển trong điều kiện hoàn toàn không có oxy. Đa số các vi khuẩn kỵ khí gây bệnh đều thuộc hệ vi khuẩn chí của người nên phải có một số điều kiện cần thiết làm giảm áp lực oxy tổ chức giúp cho vi khuẩn kỵ khí xâm nhập và phát triển là: ứ trệ tuần hoàn, thiếu máu, hoại tử tổ chức. Vì vậy các nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí thường xuất hiện ở các bệnh nhân sau phẫu thuật, đa chấn thương, đái đường, sỏi thận, ung thư gây chèn ép và sau dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

Các loài vi khuẩn kỵ khí thường gặp trong các nhiễm trùng ở người:


Trong số vài trăm loài vi khuẩn kỵ khí có mặt ở người và trong thiên nhiên người ta đã tìm thấy khoảng 100 loài vi khuẩn kỵ khí có mặt trong các bệnh phẩm của người.

Dưới đây là những loài vi khuẩn kỵ khí thường gặp nhất ở người:

1. Trực khuẩn kỵ khí Gram âm


1.1. Bacteroides

Chúng là một nhóm lớn các trực khuẩn gram âm hình que mảnh hoặc hình cầu-trực khuẩn, cư trú ở đại tràng và một số vị trí trong cơ thể. Trong phân người bình thường chứa tới 1011 vi khuẩn Bacteroides  trong 1g phân (các loài vi khuẩn kỵ khí khác có số lượng khoảng 108/g). Chúng tham gia vào các nhiễm trùng hỗn hợp ở nhiều vị trí khác nhau, nhất là nhiễm trùng ổ bụng.

1.2. Prevotella

Cũng là những trực khuẩn gram âm dạng que mảnh hoặc ngắn (cầu-trực khuẩn). Chúng thường thấy trong các nhiễm trùng đường hô hấp trên, trong apxe não và phổi. Ngoài ra còn thấy ở đường sinh dục nữ và trong các nhiễm trùng khung chậu, apxe vòi trứng.

1.3. Fusobacterium

Là những trực khuẩn gram âm đa hình, thường có mặt trong khoang miệng và ruột người bình thường. Giống này bao gồm rất nhiều loài và hay gặp trong các nhiễm trùng hỗn hợp gây ra bởi các vi khuẩn thuộc vi hệ bình thường ký sinh trên niêm mạc.

1.4. Mobiluncus


Giống này gồm những trực khuẩn gram âm hình cong lưỡi liềm hơi nhọn hai đầu, di động, bắt màu gram đa dạng, thường là gram âm. Thường phân lập được từ dịch viêm âm đạo. Chúng cũng là một phần của vi hệ ở âm đạo người bình thường.



2. Trực khuẩn kỵ khí Gram dương

2.1. Actinomyces


Giống này gồm nhiều loài, gây ra bệnh Actinomycosis. Chúng là những trực khuẩn Gr(+) nhưng độ dài đa dạng, có thể ngắn, dài, hình gậy tày hoặc mảnh. Một số chủng Actinomyces chịu được oxy và có khả năng mọc trong điều kiện có oxy. Actinomyces nhậy cảm penicilline G và erythromycine.

2.2. Lactobacillus


Các loài thuộc giống Lactobacillus là thành viên chủ yếu của quần thể vi hệ bình thường ở âm đạo phụ nữ. Sản phẩm chuyển hóa của chúng là acid lactic giúp duy trì pH thấp ở đường sinh dục nữ. Nhóm này rất hiếm khi gây bệnh.

2.3. Propionibacterium


Những loài thuộc giống này là thành viên của quần thể vi hệ bình thường trên da. Chúng gây bệnh khi xâm nhập sâu xuống dưới da trong các phẫu thuật tạo hình hoặc trong các trường hợp viêm tắc tuyến bã. vi khuẩn này tham gia vào bệnh sinh của bệnh trứng cá.

2.4. Clostridium


Các vi khuẩn thuộc giống này là những trực khuẩn gram dương, sinh bào tử. Những loài gây bệnh do chúng có ngoại độc tố mạnh. 4 loài gây bệnh chủ yếu trong giống này đã được biết, gồm:

2.4.1. Clostridium tetani

Clostridium tetani gây bệnh uốn ván. Trực khuẩn hình que hai đầu tròn,  có nhiều lông quanh thân, di động, có khả năng sinh bào tử tròn hoặc bầu dục ở một đầu. Thể sinh dưỡng dễ chết ở nhiệt độ 56 - 60 độ C trong 30 phút. Bào tử có sức chịu đựng cao, muốn diệt phải sấy ướt 120 độ C trong 30 phút.

Bào tử của chúng phân bố rộng khắp ở môi trường, xâm nhập cơ thể qua các vết thương, phát triển thành thể sinh dưỡng và tiết ra ngoại độc tố (tetanus toxin). Độc tố tetanus có đặc điểm lan dọc theo dây thần kinh hướng tâm về hệ thần kinh trung ương.

Tại hệ thần kinh trung ương, độc tố uốn ván gắn vào các thụ thể gangliosides, ngăn chặn sự giải phóng các yếu tố ức chế dẫn truyền thần kinh, dẫn đến co thắt các cơ. Biểu hiện ban đầu là cứng hàm, cứng gáy, khó nuốt rồi đến co cứng cơ toàn thân, co giật. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tử vong do co thắt cơ hô hấp. Bệnh uốn ván hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng cách tiêm vacxin dự phòng hoặc dùng kháng huyết thanh uốn ván phòng khẩn cấp trong trường hợp vết thương sâu kín.

2.4.2. Clostridium botulinum

Clostridium botulinum gây bệnh ngộ độc thịt (botulism). C. botulinum cũng có hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động, có khả năng sinh bào tử hình bầu dục ở một đầu. Bào tử của chúng cũng phân bố rộng khắp ở ngoài môi trường.

Các loại thực phẩm đóng hộp nếu không được xử lý kỹ, còn sót bào tử (nhất là thịt hộp), ở điều kiện yếm khí, giàu dinh dưỡng, bào tử sẽ phát triển thành thể sinh dưỡng. Thể sinh dưỡng của C. botulinum tiết ra độc tố botulinum. Đây là loại độc tố mạnh nhất được biết cho đến nay.

Sau khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố thấm rất nhanh qua niêm mạc ruột tới hệ thần kinh ngoại vi và ức chế giải phóng acetylcholine ở các choninergic synap, gây tê liệt toàn thân. Tỉ lệ tử vong rất cao. Khi ăn phải bào tử của C. botulinum, bào tử có thể chuyển thành thể sinh dưỡng ngay trong lòng đại tràng, tiết ra độc tố và gây bệnh. Vì vậy với các đồ hộp hỏng tuyệt đối không sử dụng.

Ngộ độc thịt có thể được điều trị bằng kháng độc tố.

2.4.3. Clostridium perfringens

vi khuẩn này cũng phân bố rộng khắp ngoài môi trường và gây bệnh hoại thư sinh hơi. Bệnh hoại thư sinh hơi ở người do vết thương nhiễm C. perfringens, nhất là vết thương chiến tranh hoặc đa chấn thương, hoặc sau nạo thai với dụng cụ không vô trùng. Từ vết thương ô nhiễm, vi khuẩn phát triển lan tràn, tiết ra độc tố hoại thư.

Các tổ chức mô bị hoại thư sinh ra nhiều khí CO2 và H2 đọng trong tổ chức mô và dưới da. Tất cả các chủng C. perfringens đều có độc tố hoại thư và độc tố tan máu. Nếu nhiễm khuẩn huyết do C. perfringens bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh. Điều trị cần phẫu thuật mở rộng vết thương kỵ khí và sử dụng penicilline G.

C. perfringens còn gây ra ngộ độc thực phẩm do chúng có enterotoxin, thời gian ủ bệnh 8 - 24 giờ. Điều trị bằng kháng sinh nhóm beta - lactamin đường uống (ampicillin, amoxicillin, cephalexin).

2.4.4. Clostridium difficile

Gây bệnh viêm đại tràng chảy máu có màng giả. C. difficile có mặt trong đại tràng của người bình thường khoảng 10-20% các trường hợp. Vi khuẩn này có khả năng đề kháng với hầu hết các kháng sinh thông thường đang sử dụng (trừ vancomycin). Vì vậy chúng trở nên gây bệnh khi dùng KS phổ rộng kéo dài làm ức chế hầu hết các vi khuẩn đại tràng, nhất là các kháng sinh ức chế rộng các vi khuẩn kỵ khí (nhóm lincosamid và metronidazol).

C. difficile trong điều kiện thoát ức chế cạnh tranh trở nên tăng nhanh về số lượng và tiết ra độc tố tế bào cùng enterotoxin. Triệu chứng ban đầu là ỉa chảy sau đó các tế bào viêm bị hoại tử từng mảng kết hợp với fibrin hình thành nên lớp màng giả (giả mạc) trong lòng đại tràng.

Chẩn đoán dựa trên phát hiện enterotoxin trong phân bằng thử nghiệm miễn dịch hoặc phát hiện độc tố tế bào trong phân thông qua phản ứng trung hòa trên tế bào nuôi. Điều trị bằng vancomycin.

3. Cầu khuẩn kỵ khí Gram dương

Gồm các loài thuộc giống Peptostreptococcus. Chúng là những cầu khuẩn kỵ khí gram dương có kích thước và hình dáng đa dạng và cũng là thành viên của vi hệ bình thường trên da và niêm mạc. Chúng thường được phát hiện trong các nhiễm trùng hỗn hợp gây ra bởi các vi khuẩn thuộc vi hệ trên người. Đôi khi, chúng là tác nhân duy nhất trong  một số trường hợp phân lập từ u vú, nhiễm trùng não, phổi.

4. Cầu khuẩn kỵ khí Gram âm

Trong các cầu khuẩn kỵ khí gram âm, chỉ có các loài thuộc giống Veillonella đôi khi được tìm thấy trong các nhiễm trùng hỗn hợp gây ra bởi các vi khuẩn thuộc vi hệ trên người. Các nhiễm trùng do Veillonella phối hợp với các vi khuẩn khác thường được tìm thấy trong các apxe vùng bụng, vùng tiểu khung và vùng răng hàm mặt.

5. Tiêu chuẩn gợi ý chẩn đoán nhiễm trùng kỵ khí

- Mủ rất thối

- Có hơi (gas) trong tổ chức mô (CO2 và H2)

- Nuôi cấy vi khuẩn ái khí âm tính.

6. Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng kỵ khí

Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng kỵ khí trong hầu hết các trường hợp là phẫu thuật, dẫn lưu kết hợp kháng sinh.

Phần lớn các vi khuẩn kỵ khí có thể điều trị bằng clindamycin và metronidazol. Clindamycin được chỉ định cho các nhiễm trùng kỵ khí ở phần cơ thể trên vòm hoành, có thể kết hợp với metronidazol. Kháng sinh thay thế là cefoxitin, cefotetan, mezlocillin, piperacillin. Những kháng sinh này không hiệu quả bằng clindamycin nhưng có thể chỉ định cho các nhiễm trùng kỵ khí phần dưới vòm hoành và cần kết hợp với metronidazol. Với nhiễm trùng do Bacteroides và Prevotella thì kháng sinh lựa chọn vẫn là penicilline G.

Bệnh viện Quân y 103

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X