Trẻ thở “khò khè” theo mô tả của phụ huynh và của bác sĩ chưa hẳn giống nhau
Các mẹ lo lắng khi nghe thấy tiếng thở khò khè của con nhỏ, tuy nhiên khi mô tả với bác sĩ lại chưa chắc đúng với “khò khè” theo chuyên môn. Vậy, khò khè chính xác là như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp với phần chia sẻ của BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - BV Nhi đồng 2.
1. Như thế nào gọi là "khò khè"? Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ nhỏ?
Thưa BS Đặng Kim Huyên, khò khè là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân khiến trẻ hay khò khè là gì?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Nguyên nhân khò khè cũng tương tự như bệnh lý đường hô hấp. Khò khè là từ được chuyển từ âm thanh khi thở để nghe dễ hiểu. Cho nên những âm thanh đó được diễn tả không chính xác qua từ khò khè. Trong tiếng địa phương, có người gọi là khò khè, có người gọi là khò khứ, rồ rồ, rống như bò, rù rù như mèo.
Khi mình đánh trống thì từ xa xa sẽ nghe tiếng vang, phổi cũng giống vậy. Phổi sẽ cộng hưởng với lồng ngực, tạo âm vang từ phía ngoài. Giả sử, mình có cục đàm ở ngay mũi, khi hít không khí vào và đi qua cục đàm này thì sẽ tạo ra âm thanh giống như chui qua chỗ hẹp. Nếu âm thanh này vang xa xuống phổi thì sẽ nghe được âm lượng khác, nếu âm thanh này ở trên mũi thì sẽ nghe được âm lượng khác.
Nhưng được gọi chung dễ hiểu là khò khè. Vậy khò khè nào đúng như ba mẹ tả, khò khè nào không đúng như ba mẹ tả? Người ta đã làm nghiên cứu bằng cách dựa trên kết quả diễn tả bệnh của cha mẹ và kết quả khám bệnh của bác sĩ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ là 50:50, nghĩa là 50% trẻ khò khè chưa chắc là chữ “khò khè” bác sĩ sử dụng.
Nguyên nhân khò khè là do bị ứ đọng dịch đàm, không khí đi vào sẽ làm rung thành phế quản và tạo nên âm thanh. Định nghĩa theo hàn lâm thì khò khè chủ yếu do đường hô hấp dưới (từ trái khế trở xuống phổi là đường hô hấp dưới). Tiếng khò khè được các thầy thuốc dùng để chỉ tổn thương của đường hô hấp dưới. Những gì gây ra tắc nghẽn trên đường đi của đường hô hấp đều gây ra tiếng khò khè.
2. Trẻ khò khè vào ban đêm, cha mẹ cần làm gì?
Ban đêm, em bé thở rất dữ khi ngủ, khiến gia đình lo lắng nhưng không nỡ đánh thức. Trường hợp này, phụ huynh cần xử lý như thế nào ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Đây là vấn đề thường gặp ở những bạn nhỏ có vấn đề ở đường hô hấp. Có trường hợp cả nhà thức giấc và ngồi xung quanh bạn nhỏ này, mẹ phải làm đủ tư thế để bạn nhỏ bớt tiếng khò khè.
Khoảng 70% các em nhỏ được đưa đến gặp thầy thuốc vì khò khè. Đó là sự lo lắng của cả gia đình khi nghe trẻ có tiếng khò khè.
Vì vậy, việc khò khè cần phải được xử lý ngay vị trí bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh sẽ không biết được tắc nghẽn ở vị trí nào. Khi áp tai vào lưng thì nghe khò khè nhưng thực sự là đường dẫn truyền từ phía mũi.
Khi các bạn sinh viên đi thực tập, chúng tôi đã làm thí nghiệm bằng cách nhỏ nước muối vào mũi 1 bạn sinh viên, những bạn còn lại sẽ dùng ống nghe để nghe phổi của bạn này. Tất cả đều nghe tiếng khò khè, vì nó vang từ mũi dẫn truyền xuống phổi. Do đó, âm thanh khò khè của trẻ sẽ được thầy thuốc xác minh lại.
Ở nhà, chúng ta có thể phân biệt được một phần. Nếu khò khè do tắc nghẽn ở sâu trong phế quản thì sẽ nghe tiếng khò khè thường xuyên. Nếu khò khè do tắc nghẽn ở mũi thì âm thanh sẽ thay đổi, lúc có lúc không, do mũi to hơn ống phế quản nên cục đàm sẽ di chuyển. Đặc biệt là mấy bạn nhỏ sẽ hít hít, hỉ hỉ và làm thông thoáng bớt đường thở.
Chúng ta sẽ dùng nước muối để nhỏ và làm thông thoáng mũi. Sau khi sạch ở mũi thì tiếng khò khè sẽ giảm đi. Như vậy đó là cách phân biệt đơn giản.
Nhưng có trường hợp, bố mẹ đưa đến gặp bác sĩ và nói trẻ bị khò khè kèm theo bệnh hen. Khi bác sĩ khám thì bác sĩ sẽ bị đi theo hướng tiếng mà bố mẹ gọi là khò khè giống hen. Nhưng người mẹ lại nói với bác sĩ là nghe tiếng thở kỳ lắm. Khi khám thì bác sĩ mới biết đó là tiếng rít thanh quản, nhưng bố mẹ vẫn gọi đó là tiếng khò khè. Vị trí tổn thương là vùng hai thanh âm bị sưng. Nếu có dịp, chúng ta sẽ cùng trao đổi về vấn đề này, vì nó nguy hiểm hơn hen suyễn và nó diễn ra rất nhanh.
Khi con nhỏ bị khò khè thì bố mẹ sẽ tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện. Những tiếng rít thanh quản cũng được bố mẹ gọi là khò khè. Nếu người thầy thuốc không nghe và chứng kiến được tiếng rít này thì sẽ bị dẫn đường bởi tiếng khò khè như là ở trong phế quản, ở phía xa của phổi.
Trong thời đại 4.0 trong tay mọi người đều có điện thoại thông minh, tại sao chúng ta không ghi hình lại để cho bác sĩ xem, đó là cách chính xác nhất để chẩn đoán. Đó là phương tiện mà quý phụ huynh nên tận dụng để bác sĩ và phụ huynh có tiếng nói chung, hơn là chỉ nói con bị khò khè. Như vậy chúng ta sẽ gỡ được những nguyên nhân gây khò khè.
3. Có nên tự ý mua thuốc tây hay áp dụng mẹo dân gian khi trẻ bị khò khè?
Một số trường hợp cha mẹ thường tự ý mua thuốc tây cho trẻ uống, hoặc áp dụng các mẹo dân gian. BS có ý kiến gì về việc này ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Không thể trách phụ huynh khi họ có suy nghĩ và những cách xử lý bộc phát vì họ không được tập huấn như những nhân viên y tế khác. Nhưng không phải mọi thứ chúng ta đưa vào cơ thể trẻ nhỏ là bình thường.
Có trường hợp em bé bị khò khè do hóc hạt chôm chôm thì người bố đã thò tay vào trong để lấy hạt chôm chôm ra ngoài. Vô tình đã khiến hạt chôm chôm đi sâu vào trong. Do đó, có những kỹ thuật nếu chúng ta không biết thì không nên thực hiện và đưa trẻ đến người có chuyên môn để được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng. Điều đầu tiên là không làm hại con mình, để con được an toàn.
Khi trẻ bị khò khè thì luôn để trẻ tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng, vì đàm hay những chất ứ đọng, khò khè nhiều trẻ sẽ có khuynh hướng ói. Sau khi vừa ăn vừa uống sữa xong thì lượng thức ăn trong dạ dày sẽ trào lên qua việc ho khò khè, có nguy cơ đột ngột tràn vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ. Chúng ta phải quan sát con, nếu trẻ mệt hơn, khó thở hơn thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Tắc nghẽn ở trên trái khế là tắc nghẽn nghiêm trọng nhất vì đó là đường thở trung tâm, nên phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu tắc nghẽn ở phế quản thì có nhiều thời gian hơn vì phế quản có nhiều ống, nên tắc một vài ống thì đứa nhỏ có thể cầm cự được nhưng cũng phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Khi ở nhà, điều đầu tiên là cho trẻ ngồi. Có một số bà mẹ khi trẻ bị ói thức ăn hay sữa thì sẽ ngửa trẻ ra phía sau, đó là động tác vô cùng nguy hiểm. Do vậy, khi trẻ bị khò khè hoặc có đàm thì phải để trẻ ngồi hơi ngả về trước hoặc nằm nghiêng để bảo vệ phổi không bị sặc vì những chất dịch này. Thứ hai, chúng ta có thể dùng dung dịch nước muối để nhỏ vào mũi, làm thông mũi. Đây là việc đơn giản, mọi người trong gia đình đều có thể làm được.
Về phế quản thì sẽ được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh gì và hướng dẫn phụ huynh có sẵn phương tiện nhỏ tại nhà như máy xông khí dung, bình xịt qua buồng đệm. Những phương tiện này luôn đi kèm với phương tiện chẩn đoán rõ ràng và được hướng dẫn là khi nào được phép sử dụng. Không nên tự ý sử dụng khi có máy xông khí dung tại nhà.
Vì xông khí dung được các bác sĩ hướng dẫn thuốc giãn phế quản mà hôm đó trẻ khò khè do nghẹt mũi thì việc sử dụng máy xông khí dung là không cần thiết và ảnh hưởng đến phế quản. Như vậy, phải cần có chỉ định của bác sĩ và bác sĩ sẽ hướng dẫn khi nào cần sử dụng. Nghĩa là khi khò khè mà lồng ngực lên xuống, khó thở, cánh mũi phập phồng thì các bác sĩ cho phép sử dụng máy xông khí dung.
Một số trẻ bị hen thường xuyên thì các bác sĩ sẵn sàng cho các bà mẹ tự xông khí dung tại nhà, sau đó gọi điện hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc kỹ càng, chính xác hơn. Nhưng điều đầu tiên để cứu trẻ ra khỏi cơn khò khè thì các bác sĩ đã hướng dẫn chi tiết, cha mẹ không được tự ý điều trị.
Ngoài ra, chúng ta có những biện pháp dân gian. Không phải tất cả biện pháp dân gian đều dở, có những điều rất hay như thuốc ho từ lá hẹ, nước giá, chưng mật ong. Đó là những biện pháp dân gian rất tuyệt vời. Nhưng cần lưu ý, ví dụ như mật ong thì không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì gây ngộ độc tiêu hóa và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ làm cho con của mình an toàn.
Có câu chuyện về ông bố nghe người khác mách rằng phải sử dụng ổ trùn (giun) để trị khò khè. Khi ông bố nướng xong thì bắt con mình (3 tuổi) ăn hết số giun đó!
Chúng ta phải hiểu rằng, con mình là 1 đứa nhỏ nên những gì đưa vào miệng trẻ, đưa lên da trẻ phải có ý kiến của chuyên gia để em nhỏ được an toàn. Điều đó sẽ là kim chỉ nam cho quý phụ huynh hành động một cách an toàn cho trẻ nhỏ.
4. Hậu quả của việc trẻ bị khò khè kéo dài
Trẻ bị khò khè thời gian dài nếu không được điều trị đúng cách thì sẽ gây ra hậu quả gì, thưa BS ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Không ai mong muốn con mình sẽ mắc bệnh lâu dài.
Nếu trẻ bị nhiễm siêu vi đường hô hấp thì trẻ sẽ ho, hắt hơi, khò khè. Người lớn khi hắt hơi sẽ có đàm và bị nghẹt mũi, chúng ta sẽ hỉ, khạc, phun cục đàm ra ngoài. Nhưng những em nhỏ không biết làm điều này, đàm sẽ chảy xuống mũi, có em sẽ liếm dịch đàm đó và cục đàm sẽ gây tiếng khò khè. Nhiệm vụ của chúng ta là lấy cục đàm ra ngoài và thông thoáng lỗ mũi chó trẻ.
Những em bé sơ sinh dù bị nghẹt rất ít dịch đàm nhưng cũng tạo ra tiếng khò khè. Các em nhỏ không biết thở bằng miệng cho nên chuyện tím môi sau khi có cục đàm ở mũi là chuyện thường ngày.
Thậm chí, cục đàm sẽ di chuyển xuống phế quản, gây tắc nhánh phế quản và làm xẹp phổi. Đó là thảm họa đối với những em bé sơ sinh. Chúng ta có nhiệm vụ là lấy cục đàm ra ngoài, để cục đàm không gây tắc nghẽn, cục đàm không di chuyển.
Đối với em bé lớn đã biết thở bằng miệng, khi bị nghẹt mũi thì các em sẽ há miệng thở để phổi có không khí. Nhưng đó là điều không đúng. Chúng ta sẽ dạy trẻ cách làm thông thoáng mũi và thở bằng mũi.
Nếu như khò khè dai dẳng, kéo dài thì vấn đề thực sự nằm ở đường hô hấp dưới. Khi bị tắc nghẽn lâu dài, viêm mạn tính sẽ gây ra hệ lụy cho chức năng phổi, có khả năng xuất hiện cơn hen hay không? Thầy thuốc sẽ làm sạch mũi em bé, thông thoáng đường hô hấp trên nhưng vẫn còn nghe tiếng khò khè thì bắt đầu nghi ngờ phế quản của đường hô hấp dưới.
Lúc đó, bác sĩ sẽ dùng thuốc giãn phế quản. Nếu sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản mà trẻ bớt khò khè (đáp ứng phế quản) thì sẽ nghĩ đây là trường hợp bị hen. Sau những chẩn đoán đó thì chúng ta sẽ có phương pháp can thiệp.
Nếu để khò khè kéo dài thì đứa nhỏ sẽ bị hen sẽ không được điều trị, đến lúc nào đó, trong lòng phế quản sẽ tái cấu trúc. Tái cấu trúc là đường thở sẽ tạo ra cấu trúc mới mà cấu trúc này không phù hợp cho việc thở bình thường. Từ đó, chức năng phổi của trẻ sẽ không còn như trước đây, sự co giãn phổi không hoạt động tốt và sẽ có rất nhiều cơn tắc nghẽn đường thở.
Như vậy, chúng ta không nên để bệnh của trẻ kéo dài như vậy. Một em bé dưới 1 tuổi bị khò khè 1-2 đợt thì đã là yếu có nên cẩn thận. Trẻ từ 2-7 tháng tuổi là độ tuổi dễ nhiễm siêu vi đường hô hấp, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây tắc nghẽn đường phế quản khiến chúng ta lầm tưởng chỉ 1 đợt khò khè thì không sao. Nhưng có thể đó là đợt đầu tiên của cơn hen.
Cho nên trong năm đầu đời, nếu trẻ bị 2-3 đợt khò khè thì nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi để chúng ta kiểm soát cơn khò khè. Đó là cách hành xử cần thiết khi có con nhỏ bị khò khè.
5. Phải xác định chính xác khò khè nằm ở vị trí nào trên đường hô hấp
Lời khuyên dành cho phụ huynh để giúp trẻ phòng ngừa tình trạng khò khè?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Việc quan trọng là phải đưa trẻ đến bác sĩ để xác định chính xác khò khè nằm ở vị trí nào trên đường hô hấp. Tiếng khò khè theo đúng chuyên môn phải xuất phát từ đường hô hấp dưới. Nếu có dịp chúng ta sẽ nói về câu chuyện tiếng khò khè, vì phụ huynh phải được nghe thì mới dễ nhận biết. Ngay cả thầy thuốc cũng phải được tiếp xúc và nghe tiếng khò khè rất nhiều lần mới dám khẳng định.
Những vấn đề liên quan đến khò khè, nếu mẹ hay quên thì phải có cuốn sổ ghi chép. Khi đến gặp thầy thuốc chúng ta sẽ kể trong thời gian qua, trong vòng 6 tháng, 12 tháng, 2-3 tuổi hoặc khi vừa sinh ra đã bị khò khè. Trẻ bị khò khè khi vừa sinh ra thì đa phần sẽ gắn liền với bệnh lý bẩm sinh, có dị tật trên đường thở. Nếu cha mẹ tinh mắt sẽ phát hiện kịp thời và giúp cho con mình tiếp cận thầy thuốc sớm nhất có thể.
Không phải tiếng khò khè nào cũng là hen, không phải tiếng khò khè nào cũng là bệnh lý của đường hô hấp đơn thuần. Một em nhỏ bị sặc do hóc dị vật cũng có thể gây ra khò khè. Một số em nhỏ bị viêm thanh quản cấp cũng được gọi là khò khè, nhưng từ chuyên môn gọi là tiếng rít. Như vậy, âm thanh khò khè có thể là hen hoặc có thể không phải là hen.
Chúng ta sẽ có cách xử lý khác nhau sau khi được chẩn đoán. Khi chúng ta muốn sử dụng phương tiện, dụng cụ, thuốc hoặc tất cả mọi thứ tác động lên trẻ nhỏ kể cả đường ăn uống, đường thuốc uống và những vật đắp trên da thì đều phải hỏi ý kiến nhà chuyên môn. Vì da của các bé rất mỏng, phế quản rất dễ tổn thương. Nếu cha mẹ không biết điều này thì sẽ làm hại cho các con.
Điều này sẽ giúp cho trẻ có phế quản khỏe mạnh và bảo đảm được tính mạng cho con an toàn trước khi đưa đến bệnh viện. Việc gây tổn thương cho con do sự không hiểu biết thì không cha mẹ nào mong muốn. Chỉ mong rằng mọi người cẩn thận khi muốn tác động điều gì đó lên con mình, để trẻ luôn được an toàn.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình