Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ tăng động giảm chú ý nên ăn gì, kiêng gì?

Hiện nay, không có bằng chứng nào cho thấy chế độ ăn gây ảnh hưởng đến việc rối loạn hành vi tăng động, giảm chú ý ở trẻ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, việc ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh và đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến sự không tập trung, hiếu động thái quá và bốc đồng cảm xúc. Đây là một trong những trạng thái rối loạn phổ biến nhất mà trẻ em có thể mắc phải. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều người lớn.

Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn tăng động và giảm chú ý vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các nghiên cứu về tình trạng này cho thấy di truyền đóng vai trò chính gây ra triệu chứng này. Các yếu tố khác chẳng hạn như: độc tính môi trường, dinh dưỡng kém trong thời kỳ bào thai cũng có liên quan đến căn bệnh này.

Bệnh rối loạn tăng động và giảm chú ý không được cho là bệnh có thể điều trị được mà chỉ có thể điều trị thay thế bằng cách giảm các triệu chứng của bệnh. Đồng thời kết hợp với trị liệu hành vi cũng như các loại thuốc hỗ trợ cho quá trình điều trị. Hơn nữa, thay đổi chế độ ăn uống hay chế độ dinh dưỡng cũng có thể kiểm soát được các triệu chứng gây nên bệnh.

I. Chế độ ăn uống ảnh hưởng thế nào đến rối loạn tăng động giảm chú ý?

Không có đủ bằng chứng để kết luận rằng rối loạn tăng động giảm chú ý bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chế độ ăn uống. Tất cả mọi người, cho dù họ có rối loạn tăng động giảm chú ý hay không, đều được hưởng lợi từ thói quen ăn uống lành mạnh. 

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ thiếu hụt dinh dưỡng cao hơn ở những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là sắt, magie, kẽm, axit béo omega - 3, vitamin B2, B6 và B9…

Những thiếu hụt này có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự hoặc làm tăng các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.

Tình trạng dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp, gây khó chịu nhưng không phải là phản ứng miễn dịch, có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

II. Nguyên tắc dinh dưỡng

Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, thực phẩm tươi và nhiều lựa chọn lành mạnh nhưng ít thực phẩm chế biến sẵn, đường và muối...  là điều quan trọng đối với tất cả mọi người, cho dù có bị rối loạn tăng động giảm chú ý hay không. Sự cân bằng giữa carbohydrate, protein và chất béo cũng cần thiết để có chế độ dinh dưỡng tối ưu. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm khả năng thiếu hụt năng lượng có thể giúp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn tăng động giảm chú ý có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ. Những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gặp rắc rối với các bước liên quan đến việc chế biến một bữa ăn lành mạnh tại nhà như nên nấu món ăn gì, chuẩn bị ra sao, các bước chuẩn bị để  chế biến, nấu ăn... Điều này có thể dẫn đến việc ăn các bữa ăn tiện lợi (chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chế biến sẵn) hoặc ăn ở ngoài thường xuyên hơn.

Thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống. Thuốc kích thích có thể làm giảm cảm giác thèm ăn. Khi dùng những thuốc này vào buổi sáng, một người có thể không đói vào bữa trưa và có thể bỏ ăn.

III. Chế độ ăn liên quan đến bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến rối loạn tăng động giảm chú ý, một số loại thực phẩm có thể làm tăng hoặc giảm các triệu chứng bệnh. Một số điểm cần lưu ý trong chế độ ăn của người mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý gồm:

1. Giàu chất dinh dưỡng

Các nghiên cứu liên quan đến triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em chỉ ra rằng trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có nồng độ chất khoáng thấp ví dụ như sắt, magie và vitamin D. Bổ sung thực phẩm giàu những thành phần dinh dưỡng trong chế độ ăn này giúp giảm xuất hiện triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

2. Kiểm soát thực phẩm

Kiểm soát chế độ ăn là phương pháp thường được sử dụng để phân biệt xem một người có nhạy cảm với thực phẩm hay không. Quá trình này liên quan đến việc cắt bỏ hầu hết các loại thực phẩm trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó người dó có thể ăn lại từng loại thực phẩm một. Đây là một phương pháp rất hữu ích giúp bạn tìm ra được những thực phẩm nào gây ra các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

3. Thực phẩm bổ sung

Với những trẻ kén ăn, việc bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cân nhắc sử dụng các thực phẩm bổ sung để đảm bảo trẻ nhận được đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bổ sung hay thuốc gì phụ huynh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ khám dinh dưỡng uy tín trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại nào.

Xem thêm: Dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ: Những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh?

IV. Thực phẩm tốt dành cho trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý

1. Acid béo omega 3

Sử dụng chất béo omega-3 có liên quan trực tiếp đến sự cải thiện triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Omega-3 rất quan trọng đối với não bộ của chúng ta. Với những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý đặc biệt là trẻ em, nghiên cứu chỉ ra họ có nồng độ acid béo rất thấp do đó ăn thực phẩm giàu omega 3 mang lại tác động tích cực đối với các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Thực phẩm giàu acid béo omega-3: cá mòi, cá hồi, cá vược, động vật có vỏ ( hàu, tôm), thực phẩm có nguồn gốc thực vật (hạt chia, hạt lanh, quả óc chó và đậu nành)

2. Chất đạm

Nhìn chung, protein là lựa chọn dinh dưỡng đa lượng hàng đầu của các chuyên gia dành cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Ăn protein giúp cơ thể chúng ta tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh cần thiết cho sự tập trung, chú ý và bình tĩnh. Những thực phẩm giàu protein có thể kể đến bao gồm: trứng, cá, các loại thịt gia cầm và thịt bò nạc, các loại hạt hoặc đậu.

3. Carbohydrate phức hợp

Carbohydrate phức hợp là thực phẩm giàu carbohydrate ở dạng tự nhiên giúp não giải phóng serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng. Trong khi tất cả các loại carbohydrate giúp cơ thể giải phóng serotonin, thì các loại carbs phức hợp cũng chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, do đó giúp giải phóng serotonin một cách từ từ.

V. Những thực phẩm cần hạn chế cho trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể cảm thấy tốt hơn nếu hạn chế hoặc tránh những thực phẩm dưới đây:

- Tinh bột: Giảm các sản phẩm làm từ bột trắng, gạo trắng và khoai tây bỏ vỏ như bột mì, bột ngô, bột gạo làm các loại bánh, khoai tây chiên.

- Thực phẩm chứa chất tạo màu nhân tạo: Có thể khiến người rối loạn tăng động giảm chú ý trở nên hiếu động, bốc đồng và thiếu tập trung hơn nên cần hạn chế tối đa, đặc biệt là chất tạo màu đỏ và màu vàng. Những chất này có nhiều trong các loại bánh kẹo, đồ uống giải khát…

- Thực phẩm chứa chất phụ gia: Như aspartame, nitrit, natri benzoat,… có trong mì chính, các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, mì tôm, pizza, lạp xưởng,…)

- Đường tinh chế: Nhiều người, đặc biệt là trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý trở nên hiếu động, thiếu tập trung hơn sau khi ăn kẹo hoặc các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường khác như siro, mật ong, nước giải khát, nước ngọt… Do đó, cần hạn chế cho trẻ ăn những loại thực phẩm này.

- Các chất kích thích: Caffein có trong cà phê, sô cô la đen… khiến người tăng động khó ngủ, ghi nhớ kém, giảm tập trung chú ý và khả năng hoạt động trí não vào ban ngày.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X