Trẻ ngộ độc vì nhầm sữa tắm là sữa uống
Uống nhầm sữa tắm, ngộ độc thủy ngân vì nhai nhiệt kế là tai nạn có thể xảy ra chỉ trong tích tắc bạn rời mắt khỏi con.
1001 kiểu ngộ độc
Trẻ em từ 1 - 5 tuổi nguy cơ bị tai nạn càng nhiều. Tác nhân gây tai nạn phần lớn do sự bất cẩn của cha mẹ trong sinh hoạt gia đình. Nhiều cháu đã uống phải dầu gội, nước tẩy javel, hóa chất phun sơn, xăng dầu…
Anh Quách Ngọc Dũng (Thái Bình) làm thợ sơn, cuối ngày làm việc anh thường mang những dụng cụ con lăn và dung dịch pha sơn về nhà. Một lần do bận quá nên anh vội để bình nước pha sơn ngay lối ra vào nhà. Cậu con trai 2 tuổi của anh tưởng rằng nước sôi để nguội nên lấy uống. Kết quả cháu Tiến Anh bị bỏng miệng nặng vì dung dịch kiềm trong nước pha sơn.
Những trường hợp xảy ra ngộ độc thường rơi vào những cháu tinh nghịch, hiếu động, tò mò. Khi xảy ra ngộ độc nhiều gia đình đã không biết cách sơ cứu nên khi vào viện gây khó khăn cho việc cứu chữa hơn.
Ngộ độc chì từ thuốc nam
Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, khoa Nhi - BV Bạch Mai, nguy cơ ngộ độc thuốc, ngộ độc thực phẩm ở trẻ vẫn xảy ra thường xuyên. Nhiều cha mẹ tự ý cho con dùng các loại thuốc thay vì đến bệnh viện.
Gần đây, khoa Nhi - BV Bạch Mai đã cấp cứu cho một trường hợp thương tâm vì ngộ độc chì, thủy ngân trong thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Từ 1 tháng tuổi, L. (Lý Nhân, Hà Nam) đã hay đi ngoài phân sống, mỗi ngày 7-8 lần, khám ở nhiều nơi không thuyên giảm. Qua giới thiệu của nhiều người bố mẹ cháu tìm đến tận hiệu thuốc T. H của lương y Tô Đình T. ở tận thành phố Pleiku (Gia Lai). Ông T. cắt cho một lọ thuốc và quảng cáo thuốc được bào chế gia truyền có những viên màu bạc trông như bi xe đạp và quả quyết đây là loại thuốc đặc trị tiêu chảy rất công hiệu.
Ngộ độc do hóa chất thì không nên sơ cứu như gây nôn ói. Trẻ ngộ độc hóa chất thường với số lượng không nhiều vì mùi, vị khó uống. Khi đó, trẻ đã bị bỏng miệng, bỏng đường tiêu hóa.
Nếu cha mẹ làm sơ cứu gây nôn, trẻ có thể còn bị bỏng thêm đường hô hấp do trẻ hít phải những hóa chất đó khi nôn ra. |
Ông T. dặn dò rất kỹ phải cho uống cùng sữa nên bố mẹ cháu L. đã làm theo. Sau khi uống thuốc cháu L. giảm đi phân sống hẳn. Nhưng L. lại bỏ bú, người sốt, mệt hơn. Nghĩ là con bệnh nặng nên gia đình càng đổ thuốc vào sữa cho uống tiếp nữa.
Vài ngày sau, thấy sức khỏe càng xấu đi, cháu mới được đưa đến BV Bạch Mai Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, hôn mê sâu, co giật và nhiễm cùng một lúc 3 loại chất độc là chì, asen và thủy ngân (có trong thuốc của ông lang T.). Gan bị nhiễm độc nặng, chỉ số đông máu giảm. Sau nhiều ngày tích cực điều trị, bệnh nhi mới qua cơn hiểm nghèo.
PGS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi cho biết những loại thuốc tự bào chế chưa qua kiểm định cực kỳ nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Đây cũng là bài học cho nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng thuốc nam, thuốc bắc lành mà tùy tiện cho trẻ dùng thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo BS Lê Xuân Ngọc, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Trung ương: Nếu ngộ độc do hóa chất thì không nên sơ cứu như gây nôn ói. Trẻ ngộ độc hóa chất thường với số lượng không nhiều vì mùi, vị và tính axit nên khó uống. Khi đó trẻ đã bị bỏng miệng, bỏng đường tiêu hóa. Nếu cha mẹ làm sơ cứu gây nôn, trẻ có thể còn bị bỏng đường hô hấp do trẻ hít phải những hóa chất đó khi nôn ra.
Để giảm thiểu tình trạng trẻ bị ngộ độc hóa chất, không có biện pháp nào hay hơn sự cẩn thận của cha mẹ. Không để những đồ hóa chất trong tầm tay của trẻ em, nhất là những nơi gần đồ ăn uống. Khi để những hóa chất đó phải có nhãn mác rõ ràng. Nhiều người thường tái sử dụng những chai, lọ chuyên dụng để đựng hóa chất khiến trẻ nhầm tưởng.
Theo VTC
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình