Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ em mắc COVID-19 trở nặng, nhọc nhằn điều trị vì thừa cân, béo phì

"Quá cân sẽ buộc các em nhập viện khi trưởng thành, nhưng COVID-19 khiến các em nhập bệnh viện Nhi Đồng sớm hơn" - BS Trần Thị Hồng Tâm từ Children's Healthcare of Atlanta (Hoa Kỳ) cho biết.

Béo phì, thừa cân là một trong những nhóm người được Bộ Y tế cảnh báo dễ trở nặng khi mắc COVID-19. Điều này không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn trở thành mối nguy hiểm với trẻ em.

Mới đây, BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã chia sẻ lại một kinh nghiệp thực chiến của đồng nghiệp - BS Trần Thị Hồng Tâm từ Children's Healthcare of Atlanta (Hoa Kỳ), nơi số lượng trẻ em mắc COVID-19 và trở nặng tại đây tăng lên đột biến vài tuần nay.

BS Trần Thị Hồng Tâm cho hay: “Làm việc ở khoa Hồi sức tích cực mùa COVID-19 giúp mình có kinh nghiệm hơn khi điều trị các trẻ em bị béo phì. Có thời điểm phải tiếp nhận đến 5 trẻ nhập viện để thở oxy, nằm liên tiếp ở các phòng gần nhau. Các em có chung đặc điểm là COVID-19, viêm phổi và béo phì. Cân nặng và chỉ số BMI vượt ngoài khung ghi chép của màn hình máy tính. Quá cân sẽ buộc các em nhập viện khi trưởng thành, nhưng COVID-19 khiến các em nhập bệnh viện Nhi Đồng sớm hơn”.

Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng thành phố

BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ cho rằng, câu chuyện BS Trần Thị Hồng Tâm chia sẻ không chỉ xa vời ở Hoa Kỳ, mà cách nửa vòng trái đất mà tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố “thế trận” cũng hầu như không khác, số trẻ mắc diễn tiến nặng và nhọc nhằn điều trị vì béo phì liên tục xuất hiện, ngày càng đông và gây nhiều thách thức.

“Trong đó có em bé 5 tháng và nặng gần 8 ký, nằm viện dùng Corticoids kéo dài vì thiếu máu tán huyết miễn dịch. Hôm qua vào sốc nhiễm trùng, nghi là do tụ cầu, vừa đặt nội khí quản thở máy xong thì rất khó chích vein, các bác sĩ đã vật lộn khá lâu để tiếp cận đặt catheter truyền thuốc và kháng sinh cho đứa trẻ mũm mĩm”.

Hiện, lượng bệnh trẻ em ngày càng nặng - đông, BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết, khoa Nhiễm đã mở rộng phân suất hoạt động và tăng cường số ca kíp trực, tất cả để đối đầu trực diện và bảo vệ an toàn cho hàng trăm trẻ xuất nhập mỗi ngày.

Mỹ: Số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng lên mức cao chưa từng thấy

Theo báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi Mỹ, tính đến ngày 19/8, hơn 4,59 triệu trẻ em ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát.

Hơn 180.000 ca trẻ em nhiễm bệnh chỉ trong một tuần qua, tương đương với cả đợt bùng phát hồi mùa đông năm 2020. Con số này cũng tăng gấp 4 lần so với mức 38.000 ca/tuần vào tháng 7/2021. Tình hình rất đáng lo ngại khi mùa tựu trường đang tới gần và trẻ em vẫn chưa được tiếp cận với vắc xin.

Theo TS Paul Offit - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng và là một bác sĩ khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) cho biết: “Biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đó là lý do tại sao chúng xuất hiện nhiều ở trẻ em”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Mỹ), biến thể Delta dễ lây hơn hai lần so với các biến thể trước đó và nó có thể gây ra bệnh nặng hơn ở những người chưa được tiêm chủng. Vì phần lớn trẻ em chưa được chủng ngừa nên nhóm này có nguy cơ nhiễm virus cao hơn.

GS James Versalovic tại Bệnh viện Nhi đồng Texas (Mỹ) cũng lo lắng: “Kể từ đầu tháng 7, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng số ca nhập viện do COVID-19 là trẻ em và thanh thiếu niên. Biến thể Delta là chủng dễ lây lan nhất của COVID cho tới nay và hiện chiếm hơn 90% số ca mắc ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây thực sự là một sự gia tăng đáng lo ngại.

Bởi trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc nhóm được tiếp cận vắc xin, trong khi nhiều trẻ trong nhóm trên 12 tuổi vẫn chưa được chủng ngửa và chưa đến 50% thanh thiếu niên tại khu vực này được tiêm chủng đầy đủ dù năm học mới sắp bắt đầu”, ông Versalovic nói.

Tình hình tương tự tại Pháp khi các bệnh viện ở miền Nam nước này cũng chứng kiến số ca mắc COVID-19 ở nhóm từ 0-19 tuổi phải nhập viện tăng cao hơn so với 3 làn sóng lây nhiễm trước đó.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu có sự khác biệt đáng kể trong các triệu chứng của biến thể Delta so với các biến thể trước đó hay không. Song theo các chuyên gia, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi và sốt vẫn là những triệu chứng hàng đầu. Trước đó hầu hết trẻ em mắc COVID-19 là không có triệu chứng và biến thể Delta có thể tạo ra nhiều triệu chứng ở trẻ em hơn so với trước đây.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đầu tuần này đã cấp phép đầy đủ cho vắc xin của Pfizer để sử dụng cho người Mỹ từ 16 tuổi trở lên, trong khi Moderna cũng đang đợi cấp phép đầy đủ cho người từ 18 tuổi.

Tuy nhiên trẻ em dưới 16 tuổi không được chấp thuận hoàn toàn và việc cấp phép sử dụng khẩn cấp chỉ áp dụng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi. Các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiến hành để xem vắc xin hoạt động như thế nào ở trẻ em, đặc biệt là liệu chúng có an toàn hay không và liều lượng thích hợp là bao nhiêu. Điều này đồng nghĩa với việc, quy trình cấp phép vắc xin cho nhóm tuổi này sẽ khó có thể hoàn tất trước cuối năm nay.

Trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan hơn và thời tiết khô lạnh của những tháng mùa đông có thể khiến virus dễ dàng lây lan hơn, các chuyên gia khuyến cáo, vắc xin và các biện pháp chủ động phòng ngừa như khử khuẩn, đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội vẫn là vũ khí tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở trẻ em.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X