Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ đái dầm, khi nào cần đi khám?

“Đái dầm ban đêm là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ. 85% tình trạng này sẽ chấm dứt khi trẻ lên 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu sau tuổi này trẻ vẫn còn đái dầm thì nên đưa đi khám” - BS.CK1 Lê Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viên Nhi Đồng Thành phố khuyến nghị.

85% trẻ hết tiểu dầm khi lên 5 tuổi

Tình trạng đái dầm ở trẻ là gì, thưa BS? Đái dầm thường gặp nhất ở độ tuổi nào?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái dầm hay tiểu dầm ban đêm là tình trạng nước tiểu tự động chảy ra, tự động đi tiểu khi ngủ mà em bé không nhận thức được. Đây là chuyện hết sức bình thường ở trẻ em.

Từ lúc mới sinh cho đến 5 tuổi, tình trạng này được xem là bình thường. Từ mốc 5 tuổi trở đi, tỷ lệ trẻ hết đái dầm ban đêm là 85%. Từ 5 tuổi đến 15 tuổi, còn 15% trẻ tiếp tục tiểu dầm ban đêm. Tỷ lệ này sẽ giảm dần theo thời gian, chỉ còn khoảng 1 - 2% trẻ sau 15 tuổi vẫn còn đái dầm, dẫn đến tỷ lệ người lớn đái dầm cũng chiếm khoảng 1 - 2%.

Các nguyên nhân khiến trẻ đái dầm

Tình trạng đái dầm ở trẻ khi nào được xem là bệnh lý?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Về nguyên nhân, vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nào. Có nhiều yếu tố phối hợp như giảm hormone chống bài niệu về ban đêm nên tăng nước tiểu lúc đêm, ngủ quá say nên trung tâm đánh thức trên não không thể đánh thức trẻ khi bàng quang đầy nước tiểu, bàng quang nhỏ hoặc bàng quang tăng hoạt về đêm. Ngoài ra còn một số vấn đề về tâm lý.

Do chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, người ta chia đái dầm thành 2 nhóm: đái dầm nguyên phát và đái dầm thứ phát. Đái dầm nguyên phát là tình trạng trẻ đái dầm từ nhỏ đến lớn không có nguyên nhân và chỉ đái dầm vào ban đêm, ban ngày trẻ hoàn toàn bình thường.

Đái dầm thứ phát là tình trạng trẻ đã từng hết đái dầm ít nhất 6 tháng, sau đó bị lại. Vào ban ngày, trẻ có triệu chứng tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, thậm chí có thể tiểu không kiểm soát.

Nhóm thường được đề cập ở trẻ em là nhóm tiểu dầm nguyên phát và đơn thuần.

Trẻ lớn đái dầm - có thể liên quan đến bệnh lý

Trẻ 9, 10 tuổi, có trường hợp 10 - 15 tuổi nhưng vẫn đái dầm. Có những bệnh lý nào khiến trẻ hay bị đái dầm dù đã lớn?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đái dầm ở trẻ sau 5 tuổi cần phải theo dõi và tìm nguyên nhân vì ngoài đái dầm, vẫn còn một số bệnh làm tăng nước tiểu cũng gây đái dầm. Phụ huynh hay lo lắng về chức năng thận, không biết thận con em mình bình thường hay bị suy chức năng. Một số nhóm bệnh làm suy chức năng thận làm tăng nước tiểu cũng có thể gây đái dầm.

Trẻ bị tiểu đường sẽ đi tiểu nhiều hơn, nước tiểu nhiều hơn góp phần gây đái dầm. Bất thường hormone chống bài niệu, hay còn gọi là đái tháo nhạt, cũng khiến tình trạng đi tiểu nhiều hơn, có thể đái dầm. Những bất thường của hệ tiết niệu như niệu quản cắm lạc chỗ, bàng quang không đủ thể tích,... cũng có thể gây đái dầm.

Như vậy, đái dầm có rất nhiều nguyên nhân, phải đưa trẻ đi khám để chẩn đoán. Khi trẻ đái dầm đến khám, bác sĩ phải tìm xem có bao nhiêu bệnh, những bệnh nào trẻ có thể gặp phải, sau đó chẩn đoán bệnh. Nếu không tìm ra nguyên nhân hoặc không có nguyên nhân cụ thể nào gây đái dầm, bác sĩ chẩn đoán đây là đái dầm đơn thuần nguyên phát, tiếp cận theo hướng điều trị riêng.

Trẻ đái dầm có phải mắc bệnh thận?

Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ đã lớn nhưng vẫn đái dầm là do chức năng thận bị kém. Theo BS, quan điểm này có đúng không, có phải đứa trẻ nào đái dầm cũng là do thận kém?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Như đã phân tích nguyên nhân ở trên, ngoài thận kém cô đặc nước tiểu hoặc chức năng thận không tốt còn có một số nhóm bệnh gây tăng nước tiểu, đặc biệt là tăng nước tiểu vào ban đêm.

Thận kém chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều nguyên nhân gây đái dầm, không phải là nguyên nhân duy nhất.

Đái dầm gây nhiều vấn đề tâm lý cho trẻ

Trẻ lớn vẫn đái dầm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cả tâm lý của trẻ, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Như đã chia sẻ, đái dầm ở trẻ dưới 5 tuổi là điều bình thường. Sau 5 tuổi, mặc dù tình trạng này vẫn còn, nhưng tỷ lệ sẽ giảm dần theo thời gian. Với một trẻ bị đái dầm nguyên phát đơn thuần, trẻ vẫn có sức khỏe hầu như bình thường, nghĩa là trẻ vẫn sinh hoạt, lớn lên, phát triển trí tuệ hoàn toàn như một trẻ bình thường.

Đái dầm nguyên phát đơn thuần không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đái dầm lại ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ rất nặng nề.

Lấy ví dụ, một bạn nhỏ đêm nào cũng đái dầm sẽ có áp lực đầu tiên đến từ gia đình, cha mẹ phải chăm sóc con như thế nào, phải giặt giũ mền chiếu gối nhiều lần, thậm chí trẻ phải mặc tã. Điều này khiến trẻ tự ti rất nhiều. Khi tuổi càng lớn, trẻ có những hoạt động tập thể Đoàn, Hội ở trường hay đi cắm trại qua đêm bên ngoài. Đái dầm sẽ trở thành trở ngại lớn đối với trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý về sau, đặc biệt là sự tự tin của trẻ.

Cần đi khám nếu ngoài 5 tuổi bé vẫn đái dầm

Khi trẻ bị đái dầm thường xuyên, trường hợp nào phụ huynh cần cho con em của mình đi khám? Khi đi khám, trẻ có cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm nguyên nhân đái dầm không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Sau 5 tuổi trẻ vẫn đái dầm thì phụ huynh nên cân nhắc đưa trẻ đi khám sớm vì 85% trẻ đã hết đái dầm từ mốc 5 tuổi. Đưa trẻ đi khám để nếu có nguyên nhân thì trẻ sẽ được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn làm sao để hạn chế được tình trạng đái dầm, quyết định thời điểm cần can thiệp thuốc. Đái dầm nguyên phát đơn thuần vẫn có thuốc điều trị.

Khi khám cần làm các xét nghiệm để tìm các nhóm bệnh có khả năng làm trẻ đái dầm như đái tháo đường, đái tháo nhạt, bất thường về cấu trúc hệ tiết niệu,... Có 2 xét nghiệm đơn giản là: xét nghiệm nước tiểu và siêu âm kiểm tra những bất thường về cấu trúc hệ tiết niệu có thể giúp loại trừ một số bệnh liên quan.

Điều trị đái dầm cho trẻ bằng thuốc chống bài niệu

Có những phương pháp nào để điều trị cho trẻ bị đái dầm thường xuyên? Trường hợp nào trẻ cần được can thiệp bằng thuốc?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Nếu là đái dầm có nguyên nhân, trẻ sẽ được điều trị theo nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân có liệu trình điều trị khác nhau. Đối với nhóm trẻ đái dầm nguyên phát đơn thuần, có nhiều bước để điều trị. Đầu tiên, cần điều chỉnh lối sống như hạn chế uống nước vào ban đêm để giảm nước tiểu, trẻ phải ngưng một số loại thức ăn gây tiểu nhiều, trẻ sẽ được hướng dẫn làm sao để lượng nước nhập sau 5 giờ chỉ còn khoảng 20% trong nhu cầu. Sau đó, trẻ sẽ được theo dõi. Nếu có thể cải thiện tình trạng, nên tiếp tục duy trì và đợi đái dầm giảm từ từ.

Trong trường hợp đái dầm ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ, stress trong gia đình thì nên cân nhắc lựa chọn điều trị. Hiện tại có 2 phương pháp điều trị. Phương pháp không dùng thuốc sẽ dùng chuông báo tiểu dầm. Thiết bị này có một bộ cảm nhận về nước tiểu gắn trong quần lót của trẻ. Khi nước tiểu thoát ra ngoài làm ướt bộ cảm nhận, chuông báo sẽ phát ra âm thanh lớn để giúp trẻ tỉnh dậy để đi tiểu. Phụ huynh có thể thử điều trị bằng cách này trước khi quyết định điều trị thuốc.

Khi trẻ không đáp ứng với biện pháp không dùng thuốc hoặc phụ huynh không mua được thiết bị, trẻ được sử dụng thuốc chống bài niệu. Đây là một chất được sản xuất giống như cơ thể, khi uống vào sẽ làm ngưng sản xuất nước tiểu vào ban đêm. Thời gian điều trị thuốc khoảng 3 - 4 tháng. Sau điều trị, tỷ lệ đáp ứng thuốc vào khoảng 60%.

Cha mẹ nên đồng hành, giúp đỡ trẻ vượt qua khó khăn

Đái dầm tuy không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ quá nhiều nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý, đặc biệt là ở trẻ lớn. Phụ huynh nên chăm sóc, động viên tinh thần cho trẻ trong trường hợp con bị đái dầm như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Điều quan trọng nhất là phụ huynh hiểu và đồng hành. Ba mẹ phải là người đồng hành với con vì đây không phải lỗi của trẻ, trẻ hoàn toàn không mong muốn điều này. Phụ huynh nên có cách để xử lý khi trẻ đái dầm như lót tấm chống thấm trên giường để hạn chế giặt giũ, giảm bớt công việc nhà.

Thứ hai, phụ huynh cần động viên để con biết được đây không phải lỗi của con để tránh việc con bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. Cha mẹ phải hiểu có thể vài năm nữa con sẽ hết tình trạng này vì về mặt diễn tiến, bệnh sẽ hết từ từ.

Khi cha mẹ nhận thấy con đã có những dấu hiệu bị ảnh hưởng tâm lý, tự ti với bạn bè thì cần đưa con đi khám và can thiệp sớm để con lấy lại sự tự tin trong cuộc sống, đặc biệt là khi trưởng thành.

Đái dầm sẽ tự hết khi đến thời điểm phù hợp

Các bậc phụ huynh thường truyền nhau các phương thuốc dân gian trị đái dầm như màng mề gà, bong bóng lợn, mang cua,... Xin hỏi BS, các phương pháp này có hiệu quả hay không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Không chỉ đái dầm mà hầu như tất cả các bệnh đều có các phương thuốc dân gian được truyền tai. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh hiệu quả của các phương pháp này. Có thể việc điều trị bằng phương pháp dân gian trùng hợp tình cờ rơi vào tình huống hết bệnh.

Đái dầm khi đến thời điểm phù hợp sẽ tự hết, mỗi cá nhân có thời điểm khác nhau. Như vậy, việc điều trị bằng các phương pháp dân gian không có bằng chứng về hiệu quả và tốn nhiều chi phí không cần thiết. Phụ huynh nên hạn chế những tình huống này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X