Hotline 24/7
08983-08983

12 vấn đề cần biết để chăm sóc thú cưng tốt hơn

Chó, mèo ngày nay được xem như một thành viên trong gia đình, là bạn tâm giao của nhiều người. Việc chăm sóc đúng cách là rất quan trọng để chúng luôn khỏe mạnh. TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa – Giảng viên Khoa Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM; Phụ trách chuyên môn cao cấp tại Bệnh viện Thú y SaigonPet sẽ giúp bạn đọc AloBacsi “bỏ túi” nhiều kinh nghiệm chăm sóc thú cưng và những lưu ý khi nuôi thú cưng tại nhà.

1. Mèo có thể chết nếu uống thuốc kháng sinh của người

Nhiều người dùng thuốc cho chó, mèo tương tự như dùng thuốc cho trẻ em. Khi chó, mèo không khỏe thì mua thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm chia nhỏ liều ra cho thú cưng uống. Việc làm này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Câu hỏi này có thể xác định là sai ngay từ đầu. Về phía nhân y, khi trẻ em bị ho, bị sốt cũng không nên tự ý mua thuốc về cho trẻ dùng.

Thứ hai, mặc dù nhiều người nuôi chó, mèo và gọi là “em”, là “bé” nhưng không có nghĩa chúng là em bé thực sự. Về mặt sinh học, các loài đều khác nhau. Một số thuốc an toàn cho người, ví dụ như mua được Paracetamol không cần toa, nhưng nếu cho mèo uống, con mèo có thể chết trong vòng 10 phút. Tương tự, một số thuốc của mèo không thể dùng cho chó và một số thuốc của chó không được dùng cho mèo.

Sô-cô-la nếu chó ăn phải có thể chết. Hành, nho và nhiều loại thực phẩm khác an toàn cho người nhưng không thể cho thú cưng ăn.

Vì vậy, lời khuyên là nếu chó, mèo bị bệnh phải đưa đến người có chuyên môn là bác sĩ thú y. Không nên nhân cách hóa thú cưng, nghĩ nó là người rồi mua thuốc của người cho uống.

2. Các thực phẩm tốt cho người nhưng gây hại cho chó

Xin nhờ BS chỉ ra các loại thực phẩm nào ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thú cưng, không nên cho thú cưng ăn?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Sô-cô-la, nho tươi, nho khô, hành, tỏi gây nguy hiểm cho chó.

Các loại hạt có thể gây nguy hiểm nếu chó bị mắc hạt trong cổ khi ăn.

Một số thực phẩm tốt cho người, như yaourt có đường, lại không tốt cho thú cưng.

3. Huấn luyện chó ăn đúng nơi, đúng giờ

Khi người lớn hoặc trẻ nhỏ trong nhà lỡ ăn phải các thức ăn của chó, mèo thì phải xử lý như thế nào, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Mặc dù xem chó, mèo như thành viên trong gia đình nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chó, mèo chạm vào thức ăn của người, hoặc thức ăn không được che đậy kỹ bị gián, chuột bò qua được xem là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể dùng nữa.

Thức ăn đó có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm giun sán, không nên sử dụng.

Trong nhà nên có một góc riêng dành cho chó, mèo ăn ở đó. Nên tập cho chó ăn trong vòng 10 phút. Sau 10 phút, nếu chó chưa ăn xong cũng phải cất đi. Dần dần chó sẽ có thói quen ăn trong khoảng thời gian cho phép.

4. Không nên cho chó, mèo ngủ chung

Thú cưng được tiêm chủng đầy đủ, xổ giun định kỳ, tắm rửa sạch sẽ có thể ngủ chung với chúng ta được không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Hầu hết các gia đình ở châu Âu, Mỹ, Canada, Úc đều có nuôi chó, mèo. Vaccine, xổ giun được gọi là “preventive medicine”, nghĩa là phòng ngừa.

Chó, mèo, thú cưng nuôi trong nhà nếu đảm bảo vệ sinh thì rất an toàn. Nhưng việc cho chó, mèo ngủ chung được khuyên là không nên. Dù sao chó, mèo cũng có lúc chạy ra vườn chơi đùa mà không có ý thức vệ sinh như con người.

5. Bị chó, mèo nhà cắn phải xử lý thế nào, có cần tiêm phòng không?

Nhiều người nghĩ khi bị chó, mèo nuôi trong nhà cắn thì chỉ cần sát trùng sơ qua, vì thú cưng trong nhà được chăm kỹ thì không bị dại. Xin hỏi BS, quan điểm này đúng hay sai?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Quan điểm này có phần đúng, có phần sai. Bản thân tôi và các đồng nghiệp là bác sĩ thú y, mỗi ngày tiếp xúc với rất nhiều động vật, chó, mèo không biết rõ nguồn gốc. Trong trường hợp này, cần chủ động tiêm vaccine phòng ngừa trước cho mình.

Tuy nhiên, không phải cứ bị chó, mèo cào hay cắn là phải đi tiêm ngừa. Khi bị chó, mèo cắn hay cào, có 2 nguy cơ: Nhiễm trùng vết thương và nhiễm bệnh dại. Bệnh dại là một bệnh gây chết người và không có thuốc trị.

Khi bị động vật cắn, cào, chúng ta có hướng xử lý như sau:

- Nếu là chó, mèo hoang không biết nguồn gốc, bắt buộc phải đến gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị, chống nhiễm trùng và ngừa các bệnh tetanus, dại,...

- Nếu vết cắn do chó, mèo nuôi trong nhà tạo thành vết thương nguy hiểm, phải nhanh chóng đến bác sĩ để được cho phác đồ riêng.

- Nếu vết thương không nguy hiểm và vật nuôi trong nhà đã tiêm phòng dại, nguy cơ người bị nhiễm dại rất ít, có thể theo dõi tại nhà.

Hiện nay, CDC của Mỹ cho phép đưa chó từ Việt Nam sang Mỹ, với điều kiện phải xét nghiệm. Mèo thì không cần phải xét nghiệm vì tỷ lệ bị dại ở mèo rất hiếm.

Khi chó, mèo nuôi trong nhà được phòng ngừa đầy đủ, nguy cơ người bị nhiễm dại cũng rất ít.

6. Bị chó cắn sau 10 ngày vẫn còn sống thì có khả năng mắc bệnh dại không?

Khi bị chó cắn, nếu quan sát trong 10 ngày, thấy chó không chết, người cũng không sao có nghĩa là không bị nhiễm dại. Xin hỏi BS điều này có đúng không?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Điều này chưa chắc đúng.

Chó đã được tiêm phòng sẽ được bảo vệ khoảng 80%, nhưng vẫn còn 20% nguy cơ. Người bị con thú cắn, cào nếu chưa được vaccine phòng hộ, nên đi tiêm phòng ngay. Điều này các bác sĩ nhân y sẽ có hướng dẫn kỹ hơn.

Con chó đã được tiêm phòng vẫn phải theo dõi. Theo khoa học, nếu sau 14 ngày mà con chó không có biểu hiện của bệnh dại thì ngay lúc nó cắn người cũng không phát virus dại.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, dù được bảo vệ 80% nhưng vẫn còn 20% nguy cơ, người chưa tiêm vaccine ngừa dại nên đi tiêm ngay.

7. Tại sao chó, mèo tăng cân sau khi triệt sản?

Sau khi triệt sản, chó, mèo bắt đầu tăng cân. Lý do nào dẫn đến tình trạng này và làm sao để giảm cân cho chó, mèo?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Đầu tiên, cần phải hiểu vì sao nên triệt sản thú cưng? Lý do thứ nhất là không để thú cưng sinh sản ngoài mong muốn. Thứ hai, triệt sản để thú cưng không có hành vi bỏ nhà đi hoang, cắn nhau trong mùa sinh sản. Thứ ba, triệt sản có thể ngừa một số bệnh liên quan đến sinh dục.

Ở người, cả nam và nữ đều tăng cân khi đến tuổi trung niên vì nội tiểt rối loạn. Sau khi triệt sản, hormone trong cơ thể chó bắt đầu thấp xuống, xu hướng biến dưỡng tăng lên khiến chó tăng cân dù ăn ít hơn.

Chúng ta cần cho chó vận động, chạy nhảy nhiều và ăn ít lại. Ở nhiều nước trên thế giới, 80% thú nuôi đều được triệt sản, 20% còn lại dùng để nhân giống.

Sau khi triệt sản, cần kiểm soát chế độ ăn uống, cho thú cưng vận động nhiều để đảm bảo sức khỏe.

8. Chó, mèo cũng cần ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng

Nhiều người cho rằng chó, mèo là động vật ăn thịt nên không cần ăn rau, không cần bổ sung chất xơ. Bên cạnh đó, nên cho thú cưng ăn thêm chất béo để lông mượt hơn. Quan điểm này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Con người cần các nhóm chất dinh dưỡng carbohydrate, đạm, xơ, chất béo, vitamin, khoáng chất để cơ thể khỏe mạnh. Chó, mèo là động vật ăn thịt nhưng đã được thuần hóa và chung sống với con người từ rất lâu.

Thức ăn cho chó mèo được gọi là omnivorous, nghĩa là thức ăn tạp. Chúng ta phải đảm bảo những nguồn dinh dưỡng đã nêu.

Quan điểm cho chó, mèo ăn chất béo để lông mượt là chưa đúng. Bộ lông chó mèo cũng giống như da của chúng ta. Lông khỏe mạnh nhờ nguồn chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Chính vì vậy, người nuôi chỉ cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối thì lông chó, mèo sẽ khỏe, đẹp.

9. Thức ăn ôi thiu có thể khiến chó bị rối loạn tiêu hóa

Nhiều ý kiến cho rằng đường ruột của chó, mèo khỏe hơn đường ruột của người. Chó, mèo có thể ăn thức ăn dư thừa, ôi, thiu, chén ăn không cần vệ sinh thường xuyên. Ý kiến này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Hệ vi sinh vật trong đường ruột của chó, mèo khác với người. Nhưng như đã nói, chó mèo từ lâu đã được thuần hóa, không còn là động vật ăn thịt mà trở thành động vật ăn tạp. Hệ vi sinh vật trong đường ruột của chó, đặc biệt là những con chó thuần chủng, rất nhạy cảm.

Chuyên gia khuyên rằng chỉ nên cho chó ăn một loại thức ăn để giữ hệ vi sinh vật ổn định. Chính vì vậy, không nên cho chúng ăn thức ăn ôi thiu.

Trong quá trình khám và điều trị, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa. Lời khuyên là chỉ nên cho chó ăn trong vòng 10 phút, nếu chưa ăn xong cũng phải mang đi. Ngoài tránh tình trạng thức ăn ôi thiu còn tránh được côn trùng như kiến, gián, ruồi nhặng bâu vào.

Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh khi nuôi thú cưng.

10. Tắm không đúng cách khiến chó, mèo bị hôi nhiều hơn

Xin hỏi BS, khi nuôi mèo thì ít cần tắm rửa, vệ sinh, còn nuôi chó thì phải vệ sinh thường xuyên hơn có đúng không?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Hệ vi sinh vật trên da người khác với trên chó, mèo. Dù ở người nhưng khác độ tuổi thì hệ vi sinh vật trên da cũng khác nhau. Tương tự, hệ vi sinh vật trên da chó và mèo khác nhau.

Dù xem như thành viên trong gia đình, nhưng vẫn cần làm rõ chúng vẫn là chó, mèo. Tuyến mồ hôi của chó, mèo nằm trên mũi và dưới bàn chân nên không hề toát mồ hôi qua da. Chó, mèo có hệ vi sinh vật trên da để bảo vệ da một cách tự nhiên.

Tắm rửa cho thú cưng quá thường xuyên dẫn đến bị loạn khuẩn, có mùi nấm men.

Không nên tắm cho mèo thường xuyên. Mèo tự biết cách làm vệ sinh cơ thể. Chúng ta có thể chải lông cho nó, cắt gọn móng, chuẩn bị cho mèo bàn cào móng.

Ở chó cũng vậy. Ví dụ, poodle là một giống chó đặc biệt, không bị rụng lông mà lông mọc ngược trong tai nên phải thưởng xuyên cắt tỉa lông và nhổ lông tai. Những con chó ta chỉ cần tắm rửa bình thường, không dùng xà phòng của người để tắm cho chó.

Tắm nhiều, tắm sai cách sẽ gây loạn khuẩn và làm chó, mèo hôi hơn.

11. Có nên tắm cho chó, mèo bằng sữa tắm của người hay không?

Có thể dùng xà phòng của người để tắm cho thú cưng được không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Hệ vi sinh vật và độ axit trên da của chó, mèo khác với con người. Dùng xà phòng của người tắm cho chó, mèo có thể gây loạn khuẩn. Đối với chó, mèo, nên dùng các sản phẩm vệ sinh soap-free, không chứa xà phòng.

Nếu chó, mèo không quá bẩn, chỉ cần dùng nước là đủ. Có thể để ý, những con chó, con mèo ở quê không được tắm thường xuyên, chạy chơi đùa nghịch thoải mái lại rất khỏe. Thú cưng ở thành thị được tắm nhiều lại dễ mắc bệnh về da hơn.

12. Nên cho chó, mèo phơi nắng ít nhất 15 phút mỗi sáng

Bác sĩ nhân y thường khuyên mọi người tắm nắng thường xuyên để không bị thiếu vitamin D. Các bé cún có cần phải tắm nắng hay không? Nếu có thì thời gian bao lâu là tốt nhất?

TS.BS Nguyễn Văn Nghĩa trả lời: Mọi sinh vật đều cần ánh mặt trời, đó có thể coi như nguồn sống. Vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.

Chó, mèo cũng cần được phơi nắng ít nhất 15 phút mỗi ngày, nên phơi buổi sáng để hạn chế tia cực tím. Một số giống chó qua lai tạo như pug, bulldog có mũi rất ngắn và rất nhạy cảm với nhiệt độ ở vùng nhiệt đới như Việt Nam. Nên cho chó, mèo phơi nắng vào buổi sáng, khi nhiệt độ chưa cao.

Ánh năng buổi trưa và chiều không tốt vì nhiều tia cực tím.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X