Tổn thương gan, mắt, não, phổi do nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Ít ai ngờ rằng việc tiếp xúc gần gũi với thú cưng lại là nguyên nhân gây nhiễm ký sinh trùng, nguy hiểm nhất là có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Những chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM sẽ giúp bạn đọc AloBacsi nhận biết nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng, cách nhận biết, phòng tránh và điều trị bệnh.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng trong nhà
Người nuôi thú cưng có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như thế nào? Những loại ký sinh trùng nào có thể nhiễm phải khi tiếp xúc gần với thú cưng?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng nặng và khó chữa hơn nhiễm ký sinh trùng từ người. Ký sinh trùng đường ruột nói chung ở con người và thú cưng khác nhau hoàn toàn. Khi lây giữa những con thú cưng với nhau, ký sinh trùng nằm trong ruột và thải ra phân. Khi ký sinh trùng từ thú cưng đi vào cơ thể người, chúng có thể đi đến tất cả những cơ quan khác như não, mắt, gan,... Vì vậy, nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng sang người sẽ nặng hơn nhiễm những ký sinh trùng ở người.
Cách lây cũng rất đơn giản. Trong chất tiết (nước bọt, phân,...) của vật nuôi có trứng sán, trứng ký sinh trùng. Khi ăn phải thức ăn đã bị vật nuôi liếm qua hay khi người nuôi chạm vào phân thú cưng trong lúc dọn vệ sinh mà không rửa tay, sau đó đưa tay vào miệng thì sẽ bị nhiễm ký sinh trùng.
Người có miễn dịch kém có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao hơn
Nhiều thông tin cảnh báo rằng ký sinh trùng có thể đi khắp cơ thể, len vào não, gan, phổi của người. Những người nào có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao hơn, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những người có miễn dịch kém có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao hơn. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm phải.
Không phải tất cả ký sinh trùng đi vào cơ thể đều lên não, một số loại bị thải ra ngoài. Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng không nhiều, quan trọng là việc phòng ngừa.
Nhiễm ký sinh trùng từ thói quen chơi và ngủ cùng thú cưng
Thói quen nào khiến người nuôi thú cưng bị nhiễm ký sinh trùng? Ký sinh trùng có những con đường nào để đi từ thú cưng sang người?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những thói quen như ôm hôn, cho thú cưng ngủ chung, cho thú cưng ăn gần bàn ăn, tiếp xúc gần với chất thải của thú cưng,... có thể khiến người nuôi bị nhiễm ký sinh trùng. Nuôi thú cưng nhưng không đảm bảo vệ sinh, để con vật phóng uế lung tung, không xổ giun định kỳ,... đều tạo ra nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Những triệu chứng cảnh báo khi bị nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng là gì?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Triệu chứng thường gặp là nổi mề đay liên tục không hết. Bình thường, con người cũng có thể bị nổi mề đay nhưng rất dễ hết nếu tránh được nguyên nhân như thức ăn,...
Đa số người nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng có biểu hiện ngứa rất nhiều, tái đi tái lại nhiều lần vì nguồn lây vẫn còn trong nhà và trong cơ thể. Triệu chứng thứ hai là đau đầu, nhức mắt.
Tùy theo cơ quan bị ký sinh trùng tấn công mà người bệnh có những triệu chứng kèm theo khác nhau nhưng dễ nhận biết nhất vẫn là ngứa.
Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng
Làm thế nào có thể phát hiện sớm việc nhiễm ký sinh trùng để điều trị kịp thời? Xét nghiệm nào cho kết quả nhanh và ít tốn kém, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi nuôi thú cưng là đã có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nên cần phải phòng tránh chứ đừng chờ đến lúc có dấu hiệu, phải làm xét nghiệm.
Khi xuất hiện triệu chứng, cần làm xét nghiệm lượng tế bào ái toan trong máu và tìm kháng thể kháng ký sinh trùng trong máu.
Ở những người không có triệu chứng, có thể khi làm xét nghiệm nhận được kết quả là có kháng thể nhưng lại không nhiễm ký sinh trùng. Điều này rất quan trọng để phân tích kết quả và quyết định việc có điều trị hay không.
Nếu nuôi thú cưng trong nhà, có cần thiết phải làm xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ hay không?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu không có triệu chứng thì việc xét nghiệm định kỳ là không cần thiết. Quan trọng là phải phòng ngừa nguy cơ và xổ giun định kỳ cho người và thú cưng. Điều này đảm bảo an toàn cho cả người nuôi và thú cưng.
Xét nghiệm và điều trị nhiễm ký sinh trùng ở đâu?
Lộ trình điều trị nhiễm ký sinh trùng do vật nuôi như thế nào và thường kéo dài bao lâu? Xét nghiệm và điều trị ký sinh trùng ở đâu tốt, hiệu quả?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các bệnh viên đa khoa tỉnh hay bệnh viện huyện, các bệnh viện ở TPHCM như Bệnh viện Nhiệt đới, Trung tâm Sốt rét - Ký sinh trùng đều có phác đồ điều trị. Thông thường, tùy theo mức độ nhiễm mới đưa ra quyết định có điều trị hay không. Hiện nay, vấn đề điều trị ký sinh trùng khá “loạn”. Nhiều người không có triệu chứng nhưng vẫn làm xét nghiệm và lo lắng thái quá, dùng thuốc lâu dài dẫn đến hư gan.
Tùy theo mức độ tổn thương và mức độ nhiễm ký sinh trùng, có thể sử dụng một liều duy nhất hoặc uống theo đợt 5 ngày, 2 liều cách nhau 3 tuần,... Việc điều trị phải căn cứ vào từng trường hợp, không có phác đồ chung.
Phòng tránh bệnh ký sinh trùng lây nhiễm do nuôi thú cưng
Thú cưng ngày nay được xem như một thành viên trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều người. Làm thế nào để sống chung an toàn với vật nuôi, tránh bị nhiễm ký sinh trùng?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần có giới hạn nhất định khi nuôi thú cưng. Cần có khu vực vệ sinh riêng cho thú cưng, phải xổ giun định kỳ. Thú cưng không thể ăn chung, ngủ chung với người. Những người có thói quen quá thân mật với thú cưng phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm ký sinh trùng.
Rửa tay bằng xà phòng có diệt được ký sinh trùng không?
Việc xổ giun định kỳ có giúp phòng tránh nhiễm ký sinh trùng không? Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, vuốt ve thú cưng đã đủ sạch và an toàn chưa?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Rửa tay bằng xà phòng có thể làm sạch vi khuẩn và một số tác nhân nhưng nếu trứng giun bám vào móng tay thì cần phải cắt móng tay. Khi trứng giun đã vào miệng thì việc rửa tay không có tác dụng. Rửa tay là việc cần làm nhưng không có nghĩa là rửa tay có thể phòng tránh nhiễm ký sinh trùng. Phải tránh việc ký sinh trùng trong chất thải của thú cưng đến được miệng.
Xổ giun định kỳ cho vật nuôi trong nhà từ 3-6 tháng/ lần
Nên xổ giun cho chó, mèo, thú cưng bao lâu một lần?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Lời khuyên là nên xổ giun cho thú cưng từ 3 - 6 tháng/lần và nên cho thú cưng đi khám sức khỏe định kỳ để được hướng dẫn về cách chăm sóc chúng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình