Hotline 24/7
08983-08983

Tràn dịch khớp gối: Có nên chườm nóng - lạnh, xoa bóp và khi nào nên chọc hút dịch?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, tràn dịch khớp gối là triệu chứng xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, việc hiểu đúng nguyên nhân và cách điều trị là “chìa khóa” để vượt qua tình trạng này.

1. Tràn dịch khớp gối là gì?

Thưa BS, một số người bị sưng đau đầu gối, đi khám được kết luận tràn dịch khớp gối. Nhờ BS giải thích dịch từ đâu tràn vào khớp ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Đây là câu hỏi mà các bác sĩ Cơ xương khớp gặp rất nhiều. Thậm chí nhiều bệnh nhân không dám tắm vì sợ nước ngấm vào khớp, nhưng điều này không đúng.

Khớp được cấu tạo bởi sụn, xương, dây chằng và màng hoạt dịch của khớp. Màng hoạt dịch là nơi có tế bào cung cấp chất nhờn giúp khớp trơn láng, vận động dễ hơn, cung cấp dinh dưỡng giúp sụn khớp hoạt động. Do đó nếu màng hoạt dịch tổn thương sẽ tăng tiết dịch nhiều hơn làm tràn dịch khớp gối. Nghĩa là tự thân khớp gối sản xuất dịch nhiều hơn, gọi là dịch bệnh lý chứ không có nơi nào tràn dịch vào khớp.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 

2. Điểm qua các bệnh lý gây tràn dịch khớp gối

Thưa BS, những bệnh lý nào có thể xuất hiện tình trạng tràn dịch khớp gối ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: BS sẽ nói về 2 nhóm bệnh thường gặp nhất để bệnh nhân biết khi nào cần đi khám và cần tuân thủ điều trị ra sao.

Nhóm thường gặp nhất gây tràn dịch khớp gối là nhóm bệnh lý liên quan đến cấu trúc giải phẫu của khớp gối. Đó là thoái hóa khớp gối - căn bệnh nhiều người lo sợ. Thoái hóa là tình trạng lão hóa chung của khớp trong đó có sụn, dây chằng. Khi bệnh nhân hoạt động gắng sức như gập gối, giậm chân mạnh, khiêng vác nặng có thể rạn nứt nhẹ phần sụn do lão hóa và kích thích viêm. Lúc này, màng hoạt dịch sẽ tiết dịch nhiều hơn. Bệnh nhân có thể sưng, đau, ấm nhẹ ở khớp gối.

Ngoài nhóm bệnh lý về cơ năng là các bệnh lý do viêm. Viêm có thể do vi trùng hoặc không do vi trùng, do bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp hoặc liên quan đến tinh thể như bệnh gút. Các bệnh lý này cũng làm tràn dịch khớp gối. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần điều trị đặc hiệu hơn để giảm tình trạng tràn dịch khớp gối chứ không để tràn dịch mới điều trị. Một nguyên nhân khác gây tràn dịch khớp gối là chấn thương.

3. Bệnh nhân tràn dịch khớp gối không chườm nóng, chườm lạnh, không đắp - bôi thuốc

Thưa BS, khi bị tràn dịch khớp gối, bệnh nhân có cần chườm nóng, chườm lạnh hay xoa dầu không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Không cần thiết chườm nóng, chườm lạnh hay xoa dầu. Có 2 nguyên nhân:

Nếu tràn dịch khớp gối do chấn thương, chắc chắn không thể chườm nóng mà nên chườm lạnh. Trong tràn dịch khớp gối có thể vừa tràn dịch khớp, vừa tràn máu khớp nếu chấn thương.

Bệnh nhân tràn dịch khớp gối không nên đắp thuốc, bôi thuốc, nắn bóp. Điều này sẽ làm tình trạng tràn dịch càng nặng hơn. Thậm chí gây tổn thương da, lở loét, nhiễm trùng. Bôi dầu nóng quá mức làm bỏng da, chườm lạnh quá mức gây bỏng lạnh, và không chườm đắp thuốc không rõ ràng.

Tóm lại, bệnh nhân tràn dịch khớp gối không nên bôi đắp bất cứ thứ gì. Hãy nghỉ ngơi và đến gặp bác sĩ Cơ xương khớp càng sớm càng tốt.

4. Không xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt lên đầu gối tràn dịch

Thưa BS, xoa bóp nhẹ nhàng có thể cải thiện tình trạng tràn dịch khớp gối không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Bệnh nhân không nên xoa bóp khớp gối. Khi tràn dịch khớp gối trong bệnh gút có tình trạng tăng cảm đau tại chỗ nhiều, BS hay nói đùa là một cơn gió thoảng qua cũng khiến người bệnh khó chịu. Do đó, việc xoa bóp chỉ làm tác động lực lên cùng da tổn thương khiến bệnh nhân đau hơn. Vì vậy, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh vận động. Châm cứu, bấm huyệt càng không được thực hiện trong trường hợp này.

5. Khi nào nên chọc hút dịch khớp gối?

Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để điều trị tràn dịch khớp gối ạ? Trường hợp nào cần chọc hút dịch ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng tràn dịch ít, vừa hay nhiều. Bên cạnh đó còn tùy theo bệnh lý gây triệu chứng tràn dịch khớp gối. Bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá để đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu dịch ít, bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa. Nếu lạm dụng chọc hút nhiều lần sẽ gây nhiễm trùng khớp gối.

Do đó, việc chọc hút phải do bác sĩ quyết định. Nếu thấy khớp gối sưng quá to, gây đau, ngoài việc chọc hút dịch chẩn đoán còn có tác dụng giảm áp giúp người bệnh bớt đau nhức.

Tóm lại, tùy theo mức độ dịch ít hay nhiều mà bác sĩ quyết định điều trị nội khoa, chờ đợi hay chọc hút liền.

6. Dịch khớp gối thế nào cần được xét nghiệm?

Thưa BS, dịch khớp cho chúng ta biết thông tin gì ạ? Trường hợp nào cần xét nghiệm dịch khớp gối ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Khi khám, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng tiền căn đến bệnh sử. Nếu không có dấu hiệu gợi ý viêm khớp do nhiễm trùng khớp, bác sĩ sẽ dựa vào tính chất dịch khớp để xác định. Nếu dịch màu vàng nhạt, có độ sánh nhất định thì không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu có dịch khớp kèm theo tình trạng sưng, nóng, đỏ, sốt toàn thân, bác sĩ sẽ rút dịch khớp để xét nghiệm.

Bác sĩ chỉ xét nghiệm tế bào trong dịch khớp. Nếu nghi ngờ bệnh gút hoặc bệnh tương tự gút như giả gút, bác sĩ sẽ soi tìm tinh thể trong dịch khớp. Nếu dịch lỏng, dơ, không trong suốt, đổi màu, giảm độ sánh, bác sĩ sẽ nghi ngờ nhiễm trùng và cấy dịch khớp tìm vi trùng. Hoặc nếu nghi ngờ tràn dịch khớp gối do lao có thể làm xét nghiệm liên quan đến lao. Điều này vừa đơn giản, vừa phức tạp do bác sĩ quyết định chứ không phải lúc nào cũng giống nhau.

7. Chọc hút dịch khớp gối quá nhiều lần tăng nguy cơ nhiễm trùng

Thưa BS, nhiều bệnh nhân than phiền họ phải chọc hút dịch khớp gối nhiều lần nhưng vẫn tái đi tái lại. Vậy có cách nào điều trị dứt điểm tràn dịch khớp gối không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Để biết câu trả lời phải quay lại câu hỏi đầu tiên: Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối là gì?

Nếu tràn dịch khớp gối do thoái hóa làm sụn khớp tổn thương quá nhiều, người bệnh sẽ được tư vấn tư thế sinh hoạt, tập luyện phù hợp. Điều này tránh tình trạng quá tải lên sụn khớp. Thậm chí phải can thiệp phẫu thuật nội soi để cắt gọt mảnh vỡ của sụn trong khớp.

Những nguyên nhân khác phải điều trị bệnh lý gây tràn dịch khớp gối. Ví dụ, bệnh gút nếu được điều trị tốt thì dịch không tái lại, viêm khớp dạng thấp cũng tương tự. Vì khi chọc hút khớp quá nhiều lần sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mặc khác, sẽ không có bệnh nhân nào có thể đi chọc hút dịch hàng tuần, hàng tháng.

Tóm lại, bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối nên thăm khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp để có phương pháp điều trị phù hợp với từng người. Trong khuôn khổ chương trình, BS không thể cho các bạn câu trả lời phù hợp với tất cả tình huống tràn dịch khớp gối.

Lạm dụng chọc hút nhiều lần sẽ gây nhiễm trùng khớp gối (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

8. Làm sao để tránh nhiễm trùng sau chọc hút khớp gối?

Thưa BS, người bệnh cần lưu ý gì sau khi chọc hút dịch khớp gối ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Chọc hút là thủ thuật khá nhẹ nhàng. Thậm chí bác sĩ có kinh nghiệm không cần gây tê bệnh nhân. Do chọc hút không làm bệnh nhân quá đau, chỉ tương tự như cách lấy máu. Sau khi chọc hút, nếu bệnh nhân không có tình trạng choáng, đau hoặc sợ chỉ cần nghỉ ngơi tại chỗ 5-10 phút, sau đó có thể ra về.

Khi về nhà, bệnh nhân không nên để vị trí đâm kim bị ướt, dơ tránh tình trạng nhiễm trùng.

9. Điều trị tận gốc là cách chấm dứt tình trạng tràn dịch khớp gối

Nhờ BS đúc kết vài ý chính trong chủ đề này, cũng như cho lời khuyên đến những bệnh nhân đang bị tràn dịch khớp gối ạ!

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời: Tràn dịch khớp gối là triệu chứng gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, người vận động mạnh, chấn thương đột ngột. Khi mắc bệnh, chúng ta phải nghỉ ngơi và đi khám, điều trị phù hợp để tình trạng cải thiện nhanh hơn.

BS thường so sánh cho bệnh nhân tưởng tượng, bệnh này như cục sắt ngâm nước muối, để lâu ngày cục sắt sẽ rỉ sét. Do đó, nếu để bệnh lâu ngày, dịch viêm sẽ tiết ra nhiều làm phá hủy cấu trúc sụn khớp.

Một số triệu chứng nhận biết tràn dịch khớp gối:

- Khớp gối sưng to so với bên còn lại

- Cảm giác cộm nếu lượng dịch không quá nhiều

- Khó khăn khi gập, duỗi đầu gối

- Đau vào mỗi sáng và tăng lên theo sinh hoạt

- Khó chịu khi chống chân

Khi có các triệu chứng trên, nếu nghỉ ngơi 1-2 ngày nhưng không giảm, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ. Đừng tự nghĩ ra một số bệnh nặng như tai biến và đi châm cứu, tiêm thuốc không rõ ràng.

Ngoài nguyên nhân thường gặp do thoái hóa khớp, chấn thương còn có bệnh lý khác như bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, nhất là phụ nữ trẻ. Do đó, chúng ta phải làm rõ để chẩn đoán, điều trị tận tận gốc mới mong chấm dứt tình trạng tràn dịch khớp gối.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X