Trầm cảm, tâm thần phân liệt do mắc bệnh vảy nến
Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhân bị vảy nến kèm tình trạng trầm cảm, tâm thần phân liệt.
BSNT-BS.CK2 Nguyễn Thị Tuyến - Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, người bệnh là nữ 31 tuổi, quê Hưng Yên. Những dấu hiệu triệu chứng đầu tiên của bệnh vảy nến đã xuất hiện hơn 10 năm trước với vài nốt đỏ có ít vảy ở tay.
Thời điểm đó, bệnh nhân không biết và cũng không nghĩ mình bị vảy nến. Chị tự mua thuốc về bôi thì tình trạng có thuyên giảm, thỉnh thoảng tái phát. Nhưng bệnh nhân chỉ xem là bị dị ứng thông thường.
Năm 2015, chị lập gia đình và chuyển vào Vũng Tàu. Lúc này các nốt tổn thương xuất hiện nhiều, lan tỏa hơn. Bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán vảy nến.
Vảy nến là là một bệnh lý mạn tính nên việc điều trị mang tính kiểm soát lâu dài, không thể khỏi hẳn. Chính vì vậy, bệnh nhân bị chồng và gia đình chồng đổ lỗi, cho là chị giấu bệnh, chủ tâm lừa họ. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề hơn, mâu thuẫn ngày càng gay gắt.
Từ đó, tính tình bệnh nhân thay đổi theo hướng trầm lặng. Chị cũng không dám chia sẻ câu chuyện với gia đình, chỉ lấy lý do đi học để về Hà Nội.
Các triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân dần trở nên rõ ràng hơn và được người nhà phát hiện trong một lần đến thăm. Theo lời người thân, bệnh nhân thích nằm một mình, ngại giao tiếp, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bên cạnh việc điều trị bệnh vảy nến, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán tâm thần phân liệt. Đây là một trong những tình trạng nặng và khó để kiểm soát.
Theo BSNT-BS.CK2 Nguyễn Thị Tuyến, vảy nến là một bệnh lý lành tính, khá phổ biến, không lây, nhưng mạn tính. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bệnh tới người mắc thường trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác bởi tổn thương hiện hữu ngay ở ngoài da.
Điều này gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề, không chỉ bởi tổn thương bệnh mà bởi cả sự kì thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị vảy nến có thể đạt sạch tổn thương trên 90% hoặc thậm chí hoàn toàn. Điều bệnh nhân cần nhất là sự thấu hiểu, đối xử công bằng, không kì thị của xã hội và sự đồng hành của người thân.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình