Hotline 24/7
08983-08983

Trà, cà phê có tốt cho tim mạch không?

Trà, cà phê là những thức uống quen thuộc của nhiều người. Song vẫn còn tồn tại nhiều lo lắng khi sử dụng, đặc biệt là câu chuyện ảnh hưởng sức khỏe tim mạch. Chuyên gia về Dinh dưỡng và Tim mạch đã giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Phần 1: Thực phẩm TỐT nên ăn và XẤU cần tránh cho trái tim khỏe mạnh

Phần 2: Bổ sung dòng sữa chuyên biệt tác động đến trái tim người cao tuổi thế nào?

1. Hồi hộp, đánh trống ngực có phải biểu hiện bệnh tim?

Tôi hay bị hồi hộp đánh trống ngực, đó có phải là bị bệnh tim mạch không?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Một người bình thường không cảm giác được nhịp đập của quả tim. Nếu cảm giác tim có những cơn hồi hộp đánh trống ngực thì đó là một bất thường.

Khi tim đập nhanh sẽ cảm giác hồi hộp nhưng quá nhanh và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vấn đề huyết áp, gây tuột huyết áp. Khi leo cầu thang, hoạt động gắng sức hay chạy bộ lúc này tần số tim sẽ đập rất nhanh và cảm giác hồi hộp (gọi là hồi hộp đánh trống ngực).

Trường hợp này, nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và đo điện tim xem có bất thường nào không. Có thể làm thêm siêu âm tim để đánh giá sơ bộ về chức năng tim hoặc xét nghiệm máu để có cái nhìn tổng quan hơn về sức khỏe. Sau đó, dựa trên kết quả xét nghiệm máu cũng như hình ảnh học bác sĩ tổng hợp để chẩn đoán, xác định chắc chắn tình trạng hồi hộp đánh trống ngực đó là gì.

Tại thời điểm đi khám nếu chưa nhìn thấy được nguyên nhân sẽ sử dụng máy theo dõi nhịp tim 2 ngày, 4 ngày hay 7 ngày. Từ đó xác định tình trạng hồi hộp.

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định

2. Cách đối phó khi có dấu hiệu cảnh báo tim mạch cần cấp cứu?

Các biểu hiện cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu là gì? Xin cho biết cách phát hiện và đối phó khi gặp tình huống đó?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Để người bệnh có thể đối phó với các bệnh lý tim mạch hay các dấu hiệu cấp cứu hầu như rất ít. Trường hợp ở nhà phát hiện huyết áp cao (>140/90) và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như đau đầu, nóng mặt, tê tay tê chân thì có thể sử dụng thuốc hạ áp tác dụng nhanh (Captopril). Tùy thuộc vào mức huyết áp mà có thể ngậm trước 1 viên hoặc 2 viên để huyết áp hạ xuống, giảm triệu chứng.

Dù sử dụng thuốc nhưng vẫn phải liên hệ với bác sĩ đang theo dõi để bác sĩ cho lời khuyên nên sử dụng thuốc huyết áp nào tiếp theo giúp huyết áp không bị tăng về đêm. Ở những người cao huyết áp, thường có biểu hiện tăng huyết áp ban đêm về sáng và đó cũng là thời điểm rất dễ đột quỵ do vấn đề thay đổi về nhiệt độ, thời tiết dẫn đến cơn tăng huyết áp đột biến.

Vì vậy, ngoài việc cơn tăng huyết áp có thể xử trí thì những dấu hiệu cảnh báo khác như đau ngực dữ dội, đau đầu, yếu tay, yếu chân, khó thở đột ngột nên đến trực tiếp bác sĩ bất kể lúc nào. Để có đội ngũ y tế chăm sóc, chẩn đoán giúp chúng ta vượt qua.

3. Làm sao ước tính được nguy cơ bị bệnh tim mạch?

Tôi năm nay 50 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lá, huyết áp 150/60 mmHg. Khả năng tôi bị bệnh tim như thế nào? Làm sao ước tính được nguy cơ bị bệnh tim mạch?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Theo hướng dẫn phòng ngừa tim mạch của Hiệp hội Hoa Kỳ:

- Nam giới từ 40 tuổi trở đi được xem như một yếu tố nguy cơ tim mạch.

- Hút thuốc lá là nguy cơ thứ 2, tùy thuộc vào thời gian hút thuốc lá (mới đây hay đã lâu) mà mức tổn thương cơ thể sẽ khác nhau.

- Đo huyết áp, kết quả 150/60 nghĩa là khoảng cách huyết áp giữa số trên và số dưới rộng, xa nhau (khoảng cách huyết áp trên áp rộng). Con số này phản ánh đã bị xơ cứng mạch máu, khi đó mạch máu trở nên giòn và dễ bể. Nếu huyết áp quá cao sẽ dễ gây xuất huyết não.

- Chưa kể đến các yếu tố nguy cơ tim mạch khác do chưa xét nghiệm như mỡ trong máu, đái tháo đường, axit uric. Các yếu tố này chỉ có thể phát hiện khi kiểm tra sức khỏe. Hiện nay, tần số tim cũng được ví như một yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch. Tần số tim càng nhanh, mức tiêu thụ năng lượng càng cao trên những người có yếu tố nguy cơ xơ vữa mạch máu, mảng xơ vữa càng dễ vỡ và thúc đẩy đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Các yếu tố nguy cơ tim mạch của trường hợp này khá cao, vừa có bất thường về huyết áp, vừa xơ cứng động mạch vừa có yếu tố thuốc lá. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác chưa được tầm soát. Cần đến bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, xét nghiệm.

4. Uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch?

Tôi nghiện cà phê, không uống là không chịu được. Xin hỏi bác Kim Loan, uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch không?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Khi nói đến cafe là nói đến sự tỉnh táo để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả, năng động. Rất nhiều người có nhu cầu uống cafe sáng. Cafe có một yếu tố tích cực, nhờ chất cafein làm chúng ta hưng phấn, không buồn ngủ để thích ứng với khối lượng công việc nhiều và 8 tiếng làm việc.

Chất cafein trong cafe sẽ làm nhịp tim tăng lên. Tùy theo lượng cafe uống vào và nồng độ cafe chúng ta pha mà sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim. Do đó, phải theo khả năng bản thân, theo dõi cơ thể sau khi uống cafe có hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực hay không. Nếu có, nghĩa là tim đang tăng hoạt động và thúc đẩy tăng huyết áp, ảnh hưởng đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Khi nhịp tim quá nhanh việc tưới máu cho động mạch vành, cơ tim sẽ ít đi.

Do vậy, việc uống cafe là hoàn toàn thông thường nhưng chúng ta phải lắng nghe cơ thể thì cafe mới thực sự mang lại chất lượng cuộc sống và phòng các bệnh tật.

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Thống Nhất

5. Trà hoa cúc trắng có tốt cho tim mạch?

Em thường xuyên uống trà hoa cúc trắng nguyên bông sấy khô vào buổi sáng và tối. Trên mạng có bảo trà hoa cúc rất tốt cho tim mạch, có đúng như vậy không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Có rất nhiều loại trà như trà xanh, trà ô long, trà hoa cúc. Khi uống trà cần lưu ý:

- Xuất xứ nguồn gốc trà phải an toàn.

- Trước khi uống, cần xác định có dị ứng với những thành phần của trà hay không.

- Mục tiêu uống trà: Bổ sung lượng nước cho cơ thể, thanh lọc những chất thải trong cơ thể để chúng ta có một giấc ngủ ngon, nâng sức đề kháng. Sử dụng trà một cách hợp lý.

- Trà hoa cúc có rất nhiều lợi ích, bổ sung nước, thanh lọc, giúp ngủ ngon. Tùy theo mục đích, chúng ta có thể uống trà vào buổi sáng hay buổi tối.

- Cần để ý, xem cơ thể chúng ta có phù hợp với loại trà đó hay không.

- Hiệu quả của trà không chỉ nghe qua dân gian mà phải có chứng cứ nghiên cứu về trà hoa cúc rõ ràng về những lợi ích vượt trội tốt cho sức khỏe khi sử dụng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X