Hotline 24/7
08983-08983

Không phải tất cả những người hay ăn đồ ngọt đều bị tiểu đường

Đó là một trong những giải đáp của TS.BS Trần Viết Thắng - Phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM về các thắc mắc phổ biến đối với bệnh tiểu đường.

1. Ăn nhiều đồ ngọt tăng 20 - 25% nguy cơ mắc tiểu đường

Ăn nhiều đường và đồ ngọt sẽ bị tiểu đường, đúng hay sai, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Đối với người ăn nhiều đồ ngọt, nguy cơ mắc tiểu đường tăng khoảng 20 - 25% so với người ăn ít đồ ngọt. Do đó, nếu ăn nhiều đồ ngọt, nguy cơ bị tiểu đường sẽ cao hơn. Tuy nhiên, điều này không phải 100% hay tất cả những người ăn nhiều đồ ngọt sẽ bị tiểu đường.

2. Cần thăm khám, làm xét nghiệm để phân biệt tiểu đường type 1 và type 2

Bệnh tiểu đường type 1 chỉ xảy ra ở trẻ em, còn type 2 là bệnh của người lớn. Thực hư thông tin này như thế nào, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Trước đây, nhiều ghi nhận rằng tiểu đường type 1 thường gặp ở trẻ em. Những người mắc tiểu đường trong độ tuổi dưới 30 sẽ được nghĩ là tiểu đường type 1. Còn tiểu đường type 2 thường gặp ở những người lớn tuổi (trên 30 tuổi).

Tuy nhiên, về sau với những thay đổi lối sống, các quan niệm này không còn đúng. Việc mắc tiểu đường type 2 vẫn có thể gặp ở trẻ em 8 tuổi hoặc những lứa tuổi trẻ hơn. Những người lớn tuổi khoảng 50 - 60 tuổi vẫn có thể mắc tiểu đường type 1.

Vì vậy, để phân biệt được tiểu đường type 1 hay type 2, cần có bác sĩ chuyên khoa, ngoài việc thăm khám, hỏi tiền sử, có thể thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để phân biệt hai nhóm này.

3. Tiểu đường type 2 và tiểu đường type 1 đều nguy hiểm

Bệnh tiểu đường type 1 nguy hiểm hơn bệnh tiểu đường type 2. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Đối với tiểu đường type 1, cần có insulin để đảm bảo được kiểm soát đường huyết, ngừa các biến chứng của tiểu đường. Nếu không có insulin, có thể dẫn tới hôn mê tăng đường huyết và tử vong.  

Còn với tiểu đường type 2, có thể kiểm soát đường huyết bằng thuốc viên, và đôi khi cũng cần insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, với những bệnh nhân mắc tiểu đường type 2, ở những giai đoạn đầu, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát đường huyết bằng thuốc viên hoặc thay đổi chế độ ăn. 

Như vậy, việc phân ra hai nhóm tiểu đường type 1 và type 2 nhằm có những phương pháp điều trị kịp thời, tránh những tình huống bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 nhưng điều trị theo phương pháp của tiểu đường type 2. Việc này có thể dẫn đến đường tăng cao, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê do tăng đường huyết. 

Các vấn đề nguy hiểm của bệnh tiểu đường, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, đường tăng cao sẽ gây ra các biến chứng của bệnh. Quan trọng là làm sao để kiểm soát đường huyết, chọn được mục tiêu điều trị giúp làm giảm biến chứng, để người bệnh có cuộc sống gần như bình thường. 

4. Tiểu đường là bệnh lý mạn tính không lây

Tiểu đường là bệnh truyền nhiễm, có thể lây từ người này sang người khác. Thông tin này đúng hay sai, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Bệnh tiểu đường không phải bệnh truyền nhiễm, được xếp vào bệnh không lây. Đây là bệnh lý mạn tính liên quan đến thay đổi lối sống, chế độ ăn, luyện tập thể lực, môi trường và sự kết hợp những thay đổi trên nền tảng cơ địa gen của người bệnh có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường. Nhấn mạnh, tiểu đường là bệnh lý không lây.

5. Có phải cứ bị tiểu đường là cần tiêm insulin?

Cứ bị bệnh tiểu đường là cần tiêm insulin. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Nếu là tiểu đường type 1, bệnh nhân cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết và phòng ngừa các biến chứng nặng nề của tăng đường huyết để lại. Nếu bệnh nhân tiểu đường type 1 không tiêm insulin, người bệnh sẽ rơi vào hôn mê tăng đường huyết, một tình trạng nhiễm toan ceton, nếu không điều trị kịp thời sẽ tử vong. Nếu không có insulin, người bệnh sẽ không thể ổn định đường huyết.

Đối với tiểu đường type 2, trong những giai đoạn đầu hoặc thể nhẹ của bệnh, bệnh nhân có thể điều trị bằng việc điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi lối sống là có thể kiểm soát đường huyết. Một số người bệnh cần uống thuốc viên để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, một số bệnh nhân tiểu đường type 2, khi dự trữ chức năng tế bào beta của tụy cạn, có thể bác sĩ sẽ tiêm insulin để giúp bệnh nhân ổn định đường huyết.

Như vậy, ở bệnh nhân tiểu đường type 1 bắt buộc sử dụng insulin, còn tiểu đường type 2 đa số bệnh nhân không cần sử dụng insulin ở giai đoạn đầu, nhưng theo diễn tiến tự nhiên của bệnh khi mắc đái tháo đường trên 10 năm, có thể cần sử dụng insulin để ổn định đường huyết.

6. Người tiểu đường có nên kiêng tuyệt đối thực phẩm có đường?

Người bệnh tiểu đường cần kiêng tuyệt đối thực phẩm có đường. Đúng hay sai, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Đây là vấn đề người bệnh thường lo lắng và tìm hiểu thêm bởi vì họ cho rằng, bệnh tiểu đường có liên quan đến chế độ ăn quá nhiều đường. Do đó, kiêng tất cả những loại đồ ăn có chứa chất bột đường.

Tuy nhiên, cơ thể cần năng lượng để hoạt động, năng lượng này phải có sự cân đối giữa chất bột đường, protein (chất đạm), chất mỡ để có đủ sức khỏe giúp hoạt động bình thường.

Do đó, đối với vấn đề dinh dưỡng, bác sĩ không khuyến cáo bệnh nhân bỏ hoàn toàn chất bột đường, chỉ nên hạn chế các chất bột đường có hại cho cơ thể, các chất có chỉ số đường cao dễ gây tăng đường huyết, chứa nhiều lượng carbohydrat như các loại nước ngọt, kẹo,.... Còn lại, người bệnh vẫn có thể sử dụng các loại thực phẩm chứa chất carbohydrat trong thành phần dinh dưỡng như người bình thường.

7. Nhịn ăn ở bệnh nhân tiểu đường có thể rơi vào hôn mê hạ đường huyết

Nhịn ăn, bỏ bữa để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Đúng hay sai, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Nhịn ăn ở người tiểu đường là quan điểm sai lầm, bởi vì, nhịn ăn sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động và sinh hoạt như người bình thường. Nếu người bệnh đang sử dụng các loại thuốc hạ đường huyết, việc nhịn ăn sẽ làm tăng tình trạng hạ đường và rơi vào tình trạng hôn mê hạ đường huyết nếu không được xử trí kịp thời.

Vì vậy, điều quan trọng ở bệnh nhân tiểu đường là ăn đúng bữa, ăn đủ bữa và ăn lượng thức ăn phù hợp. Nếu kiêng khem quá mức, bỏ bữa sẽ sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường của người bệnh.

8. Việc luyện tập được chứng minh luôn có lợi cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường không nên chơi thể thao. Thực hư thông tin này như thế nào ạ?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Khi nói đến điều trị người bệnh tiểu đường thường nhắc đến kiềng 3 chân. Chân thứ nhất là điều chỉnh chế độ ăn, chân thứ hai là luyện tập thể lực, chân thứ ba là sử dụng thuốc.

Thông thường, bác sĩ chỉ tập trung vào việc sử dụng thuốc cho người bệnh. Trong khi đó, bệnh nhân phải biết chế độ ăn phù hợp với mình và phải luyện tập thể lực mỗi ngày. Theo các hướng dẫn chung, người bệnh cần luyện tập ít nhất 30 - 45 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Việc tập luyện giúp sự tiêu thụ của chất bột đường, giảm đề kháng insulin và cải thiện đường huyết cho người bệnh. Hoàn toàn không cấm người bệnh luyện tập thể lực.

Việc lựa chọn các bài tập cho người tiểu đường phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể sẽ phù hợp hơn. Ví dụ, những bệnh nhân có biến chứng bệnh võng mạc, những bệnh tăng áp lực lên mắt sẽ không phù hợp với những bài tập nâng tạ. Hoặc người bệnh có bệnh lý đi kèm như thoái hóa khớp gối, những bài tập liên quan tới chạy bộ sẽ không phù hợp cho người bệnh. Vì vậy, nên lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh đi kèm.

Chỉ khi đường quá cao, chưa ổn định, việc luyện tập không có lợi cho giai đoạn đó. Tuy nhiên, sau khi đã ổn định đường huyết, việc luyện tập được chứng minh luôn luôn có lợi cho người bệnh.

9. Nên thận trọng trước các thông tin quảng cáo điều trị tiểu đường

Trong thực tế lâm sàng, những quan niệm nào của người dân BS nhận thấy chưa đúng? BS có những lời khuyên gì cho những người mắc bệnh tiểu đường?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Quan điểm về điều trị đái tháo đường, nếu tìm hiểu thông tin trên mạng sẽ có rất nhiều vấn đề điều trị đái tháo đường và chúng ta cần thận trọng khi tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thống.

Ví dụ, quảng cáo chữa khỏi đái tháo đường trong vòng vài ngày, những loại thuốc không cần điều trị hết tất cả các biến chứng của đái tháo đường vẫn có thể chữa khỏi bệnh… Mọi người nên thận trọng với những thông tin này. Bởi vì, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, việc điều trị cần sự kiên nhẫn, lâu dài, theo dõi và tái khám định kỳ, kiểm tra, tầm soát các biến chứng bệnh theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng.

Hiện tại, chưa có công thức chung cho việc điều trị đái tháo đường, do đó, các quảng cáo điều trị khỏi đái tháo đường trong một khoảng thời gian ngắn hoặc chữa khỏi biến chứng, mọi người nên thận trọng trước các thông tin này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X