Hotline 24/7
08983-08983

Thực phẩm TỐT nên ăn và XẤU cần tránh cho trái tim khỏe mạnh

Trái tim người lớn tuổi thường xảy ra những vấn đề tim mạch gì? Ăn thế nào để duy trì một trái tim khỏe mạnh?... BS.CK2 Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và BS.CK2 Dương Thị Kim Loan - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Thống Nhất đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Khi nào các chức năng của tim bắt đầu lão hóa?

Thưa BS, hệ thống tim mạch của chúng ta sẽ thay đổi thế nào qua năm tháng? Và đến giai đoạn nào của cuộc đời thì các chức năng của tim bắt đầu lão hóa ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Con người sinh ra sẽ có lão hóa, sau đó dẫn đến bệnh tật. Theo thống kê từ các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, hệ thống mạch máu qua những thay đổi trong cuộc sống, cũng như các yếu tố bệnh tật làm lòng mạch bị xơ vữa từ từ. Ban đầu hình thành các lớp xơ vữa bám lên sau đó tiến dần đến hình thành mảng xơ vữa.

Những yếu tố tác động trong cơ thể con người như bệnh tật, rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết áp hay từ những yếu tố thúc đẩy khác của vấn đề bệnh lý đái tháo đường, mỡ trong máu dẫn đến hình thành mảng xơ vữa ngày càng to và nhiều. Những yếu tố khác thúc đẩy có thể dẫn đến vỡ mảng xơ vữa hoặc lấp, gây tắc nghẽn lòng mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Trên cơ thể lớp da là lão hóa có thể thấy rõ nhất, đối với mạch máu khi càng lớn tuổi sẽ càng giảm độ đàn hồi (xơ cứng) làm áp lực cao hơn từ đó tim sẽ bị thay đổi bởi những áp lực đó. Những thay đổi từ lớp mỡ thường gặp là mỡ trong máu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim làm mạch máu dày lên.

Bên cạnh đó, lão hóa sẽ có sự hình thành các mảng canxi hóa và khi các mảng canxi hóa này lắng đọng ở thành mạch, van tim (siêu âm thấy van tim đóng vôi) hay ở cột sống (thường gọi là thoái hóa cột sống, gai cột sống) những yếu tố này góp phần làm khả năng tống máu của tim bơm ra ngoài khó khăn.

Ước lượng, có 5% dân số lão hóa thành công (không có bệnh tật) quả tim sẽ làm việc nhẹ nhàng. Nếu lão hóa không thành công, do lối sống hay bệnh tật, không có thói quen kiểm tra sức khỏe để điều trị sẽ làm tim mau lão hóa và suy giảm chức năng nhiều hơn.

2. Ai là người có nguy cơ lão hóa, suy giảm chức năng tim?

Có phải bất kỳ ai trong chúng ta khi già đi trái tim đều sẽ bị lão hóa, suy giảm chức năng, thưa BS? Nếu không thì ai là người có nguy cơ này hơn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Tất cả chúng ta ai cũng sẽ lão hóa theo thời gian. Vấn đề lão hóa thấy rõ nhất là:

- Thận: Khi càng già đi, đặc biệt sau 30, 40 tuổi chức năng thận sẽ giảm theo tuổi, tế bào cầu thận xơ hóa theo.

- Gan: Giảm về khối lượng kích thước, khả năng chuyển hóa giảm.

- Một số vấn đề nhỏ ở dạ dày.

- Tim cũng có quá trình lão hóa: Quá trình lão hóa cơ thể thành công, thể hiện qua việc tế bào tự chết theo chu trình. Nếu quả tim bị suy giảm chức năng, khả năng làm việc hầu như phải có yếu tố bệnh lý tác động từ bên ngoài. Vấn đề mọi người lo ngại nhất là bệnh lý mạch vành tim (mạch vành tim giống như cửa gõ nuôi sống quả tim).

- Những yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu, hẹp van tim, rối loạn nhịp tim, sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên chức năng cơ tim dẫn đến tim bóp không hiệu quả, suy giảm chức năng cơ tim.

- Tóm lại những yếu tố do lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, lối sống ít vận động hoặc do bệnh tật có thể thay đổi được để bảo vệ tim.

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định

3. Đâu là yếu tố tác động sức khỏe tim mạch ở người lớn tuổi?

Theo BS, trong cuộc sống hiện nay, đâu là những yếu tố tác động đến sức khỏe tim mạch người lớn tuổi ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Theo các hiệp hội tim mạch trên thế giới (như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) định nghĩa:

- Người lớn (trên 18 tuổi): trưởng thành về mặt tinh thần và thể chất

- Người lớn tuổi (trên 60 tuổi): theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới hay liên hợp quốc và cả Việt Nam đều đồng thuận độ tuổi này.

- Đứng về góc độ y khoa dựa trên các thực chứng nghiên cứu lâm sàng, định nghĩa người lớn tuổi (người cao tuổi) là những người trên 65 tuổi. Điều này cũng đồng thuận với các quốc gia phát triển và có liên quan đến vấn đề hưu trí. Ở người lớn tuổi (người lão hóa) được chia thành lão hóa sớm (dưới 75 tuổi) và lão hóa muộn (trên 75 tuổi).

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch ở người lớn được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm yếu tố mắc phải (lối sống): gồm vấn đề dinh dưỡng, vận động thể chất, tinh thần, đặc biệt là thói quen tìm hiểu và bảo vệ sức khỏe của người bệnh, thói quen kiểm tra sức khỏe ở một độ tuổi nhất định (giống như đi xe phải bảo dưỡng xe định kỳ).

- Nhóm yếu tố di truyền, đột biến gen: có thể tác động đến bản thân hoặc quả tim và có biểu hiện bệnh sớm hơn những người khác.

4. Dinh dưỡng quan trọng với sức khỏe tim mạch như thế nào?

Dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu với sức khỏe.

- Vậy với tim mạch, dinh dưỡng quan trọng như thế nào?

- Nhờ BS nói cụ thể hơn, những tác động tiêu cực đến tim mạch người lớn tuổi nếu ăn uống sai cách và tác động tích cực khi có chế độ ăn uống khoa học?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, khi còn là bào thai dinh dưỡng đã đóng vai trò rất quan trọng. Từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và trở thành người cao tuổi xuyên suốt quá trình đó dinh dưỡng luôn luôn đồng hành và giúp cơ thể tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh. Nếu có dinh dưỡng tốt, chúng ta sẽ có một trái tim khỏe mạnh. Dinh dưỡng có vai trò phòng ngừa bệnh lý tim mạch, bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và các bệnh lý khác.

Đối với cơ thể sống của chúng ta nếu lựa chọn thực phẩm không hợp lý, những thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại (chất béo no, chất béo bão hòa, chất béo ở nhiệt độ thường sẽ bị đông lại như mỡ, dầu dừa,…) khi ăn vào cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch ngày càng nhanh hơn, sớm hơn kể cả khi còn rất trẻ.

Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin chống các gốc tự do sẽ làm cơ thể chúng ta bị ảnh hưởng bởi tình trạng stress, oxi hóa. Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, C, E, D sẽ thúc đẩy quá trình giảm sức đề kháng của cơ thể.

Để có một trái tim khỏe chúng ta phải biết cách chọn hệ dưỡng chất tốt cho tim mạch như:

- Chất béo không no: axit không no một nối đôi, axit không no nhiều nối đôi.

- Chất béo không bão hòa: dầu mè, dầu olive

- Hệ vitamin: vitamin A, C, E, đặc biệt là vitamin D3, cũng như vitamin K2 để giúp cơ thể nâng sức đề kháng.

5. Để tim mạch của người lớn tuổi khỏe mạnh, cần cung cấp những dưỡng chất gì?

Vậy theo BS, để hệ thống tim mạch của người lớn tuổi khỏe mạnh, cần cung cấp những dưỡng chất gì cho cơ quan quan trọng bậc nhất cơ thể này ạ?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Để có một trái tim khỏe mạnh:

- Không để dư thừa năng lượng: Không để thừa cân, béo phì vì hậu quả của thừa cân, béo phì là quá trình xơ vữa động mạch và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hệ tim mạch.

- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Lựa chọn những thực phẩm từ chất bột đường, đặc biệt là chất béo có lợi cho tim mạch. Chọn các vitamin, khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp bảo vệ hệ tim mạch.

6. Các vấn đề tim mạch nào thường xảy ra ở người lớn tuổi?

Nhờ BS Quang Trung chia sẻ cụ thể hơn, với người lớn tuổi, thường gặp các vấn đề nào về tim mạch ạ? Việc chức năng tim suy giảm hoặc mắc các vấn đề tim mạch gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe chung của người cao tuổi, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Về góc độ tim mạch ở những người lớn tuổi thường gặp:

- Xơ vữa động mạch: Là quá trình diễn tiến bệnh âm thầm nhất. Người lớn tuổi sẽ bắt đầu xuất hiện xơ cứng mạch máu do tuổi, cộng với xơ cứng và vôi hóa dẫn đến tổn thương mạch máu từ đó giảm chức năng co bóp cơ tim (nhồi máu cơ tim).

- Những yếu tố thúc đẩy khác làm suy giảm chức năng co bóp cơ tim thường gặp ở người lớn tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipud máu, thận mạn, gout. Những yếu tố nguy cơ này khi xảy ra sẽ thúc đẩy làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ hay những biến chứng khác như cắt cụt chi.

Suy giảm chức năng co bóp cơ tim sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người cao tuổi và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Người mắc bệnh sẽ giảm tự tin vào cuộc sống. Nếu có tìm hiểu về bệnh và hợp tác với bác sĩ sẽ giúp họ vượt qua và có cuộc sống bình thường. Mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh. Phát hiện bệnh ở giai đoạn càng muộn mức độ ảnh hưởng sẽ càng trầm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn.

Khi tìm đến bác sĩ sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ nhập viện để tiếp tục cuộc sống, công việc hằng ngày, kéo dài tuổi thọ giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh. Nhờ những tiến bộ của khoa học, bác sĩ có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim hay đột quỵ. Từ đó người bệnh có thể thực hiện được những đam mê, ước muốn trong cuộc sống.

7. Để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch cần lưu ý những gì?

Để ngăn chặn những tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, người lớn tuổi nên làm những gì? Cần lưu ý ra sao trong sinh hoạt, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Không riêng người lớn tuổi, mà ngay cả người trẻ tuổi khi có khái niệm về quý trọng sức khỏe, bảo vệ sức khỏe cần phải hành động ngay vì bệnh là một quá trình lâu dài. Ví dụ như khi hút thuốc lá, không thể hôm nay hút thuốc và vài tháng sau mắc bệnh.

Tương tự, huyết áp hay đái tháo đường, khi chúng ta quan tâm sức khỏe sẽ nhận thấy các thông số huyết áp, đường huyết bất thường. Khi đó cần đến gặp bác sĩ để nhờ bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên, giải pháp để điều trị. Tùy vào mức độ huyết áp, đường huyết áp bị ảnh hưởng trong cơ thể và thời gian bị ảnh hưởng bao lâu mà cơ thể sẽ bị tổn thương tương tự. Mức huyết áp, đường huyết càng cao cơ thể sẽ tổn thương càng nhanh.

Để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu lên sức khỏe cơ thể nói chung hoặc sức khỏe tim mạch nói riêng chúng ta cần lưu ý:

- Về lối sống: Quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, thực phẩm hằng ngày.

- Vận động thể lực: Giúp cơ thể có được sức khỏe cường tráng, không riêng hệ tim mạch mà hệ cơ, hệ hô hấp, hệ miễn dịch cũng sẽ được phát triển, phát huy tối đa giúp ngăn ngừa bệnh tật.

- Sức khỏe tinh thần: Nếu chúng ta làm trong môi trường thường bị áp lực, stress sẽ gây mất ngủ, dễ suy giảm sức đề kháng cũng như làm mạch máu dễ xơ vữa nhiều hơn, làm tim dễ bị loạn nhịp hơn và đột quỵ, cơn đau tim nhiều hơn.

- Tập thói quen quan tâm sức khỏe: Chủ động đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tổng quát ở những lứa tuổi nhất định, thời điểm nhất định để sớm phát hiện những bất thường trong cơ thể từ đó nhờ bác sĩ tư vấn, kê toa để bảo vệ sức khỏe ổn định nhất.

8. Nguyên tắc xây dựng thực đơn thân thiện với trái tim cho người lớn tuổi là gì?

Về dinh dưỡng, nhờ BS chia sẻ thêm, nguyên tắc xây dựng thực đơn mỗi ngày thân thiện với trái tim cho người lớn tuổi là gì?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Bên cạnh các lối sống tích cực như vận động, không bị stress hay lo âu, thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tầm soát các nguy cơ về tim mạch thì đối với chế độ dinh dưỡng cần lưu ý:

- Có mức năng lượng cho khẩu phần ăn vừa đủ tùy theo từng người: Người cao tuổi có tình trạng thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, thiếu cân hoặc có mức vận động, tình trạng bệnh lý sẽ chọn mức năng lượng vừa đủ. Giảm 1/3 số lượng calo so với lúc còn trẻ.

- Cân đối hệ dưỡng chất: Chất tinh bột, chất đạm, chất béo (nhiều chất béo không no, chất béo bảo vệ hệ tim mạch ít cholesterol, nhiều axit béo omega 3) và hệ dưỡng chất đầy đủ vitamin khoáng chất (tập trung vào các vitamin như vitamin A, C, B và vitamin D3, K2 giúp xương chắc khỏe).

- Có một lượng chất xơ: Giúp tăng cường hệ miễn dịch của đường tiêu hóa, hấp thu từ từ các dưỡng chất như đường sẽ phòng ngừa vấn đề tăng đường huyết ở người cao tuổi. Góp phần phòng ngừa bệnh lý tim mạch.

- Người cao tuổi thường có thói quen uống ít nước (uống nước không đủ) dẫn đến tình trạng thiếu thể tích, có thể tuột huyết áp, rất nguy hiểm đối với hệ tim mạch. Ngược lại người cao tuổi cũng không nên uống quá nhiều nước sẽ ảnh hưởng đến tình trạng tim mạch, khó kiểm soát huyết áp.

- Hạn chế chất natri (chất muối) nêm trong khẩu phần ăn: Từ việc chọn lựa thực phẩm cho đến các dưỡng chất trong thực phẩm chế biến sẵn, ngay cả trên bàn ăn cũng phải hạn chế lượng muối ăn vào cơ thể.

- Hạn chế thói quen không tốt như uống rượu bia.

9. Những thực phẩm nào tốt và không tốt cho tim mạch?

Đâu là những thực phẩm tốt cho tim mạch cần tăng cường bổ sung, ưu tiên trong bữa ăn? Thực phẩm nào không tốt cho tim mạch cần tránh ạ?

BS.CK2 Dương Thị Kim Loan trả lời: Đối với người cao tuổi để có một trái tim khỏe mạnh nên:

- Không ăn quá nhiều calo: Trung bình một bữa ăn sẽ ăn khoảng 1 chén cơm, thay vì lúc trẻ ăn 3 chém cơm. Như vậy, chúng ta sẽ không bị thừa calo (thừa năng lượng).

- Người cao tuổi sẽ giảm khối cơ một cách sinh lý: Phải ăn đủ lượng đạm như thịt, cá, sữa, trứng,… đặc biệt là đạm đậu nành để đảm bảo khối cơ được chắc khỏe.

- Cần một lượng năng lượng từ chất béo nhưng không quá nhiều: Dư chất béo sẽ dẫn đến dư thừa năng lượng. Đặc biệt nên chọn những chất béo có lợi cho hệ tim mạch là những chất béo có axit béo không gây xơ vữa động mạch có từ dầu mè, dầu olive, đặc biệt từ mỡ cá (axit béo omega 3) có trong các loại cá biển sâu như cá thu, cá ngừ, cá nục, cá trích và nên ăn ít nhất 2 lần/tuần.

- Ăn đa dạng thực phẩn: Từ cơm, cá, chất béo, rau, trái cây. Đặc biệt người cao tuổi thường không đủ chất đạm và tình trạng hấp thu không tốt nên cần bổ sung sữa mỗi ngày.

- Uống đủ nước: Khoảng 6 - 8 ly/ngày, tương đương 1,5 - 2 lít nước. Không nên để người lớn tuổi uống quá 2 lít nước/ngày

10. Đâu là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch cần phải đi khám?

Nhiều người lớn tuổi thường cảm nhận được nhịp tim của mình chậm hơn lúc trẻ.

- Thực hư điều này như thế nào? Nhịp tim của người lớn tuổi bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường, thưa BS?

- Đâu là dấu hiệu cảnh báo tim mạch ở người lớn tuổi có vấn đề cần được thăm khám ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Trung trả lời: Việc cảm nhận rằng khi càng lớn tuổi nhịp tim càng chậm lại là cảm nhận chính xác. Người trẻ có thể nhịn tiểu được nhưng khó kiểm soát được sự nóng tính, tuy nhiên người lớn tuổi có thể kiểm soát được sự nóng tính nhưng không kiểm soát việc nhịn tiểu. Đó là sự thay đổi trong cơ thể con người, chủ yếu là hệ quả hệ thần kinh giao cảm.

Những em bé trong bụng mẹ tần số tim bình thường là 140, 150. Khi các bé ra đời tần số tim giảm xuống 120, 140. Khi chúng ta càng lớn tần số tim càng chậm dần. Đó là sự thay đổi của hệ thần kinh giao cảm. Đối với một người bình thường tần số tim đẹp nhất, tốt nhất là khoảng 55 đến dưới 80 lần/phút. Với quả tim đập chậm rãi, mức tiêu thụ năng lượng sẽ càng ít và quả tim chúng ta sẽ sống thọ hơn.

Đối với những người lớn tuổi, tần số tim đẹp nhất là 55 đến dưới 80 lần/phút (tần số tim lúc nghỉ) nhưng nếu tần số tim dưới 50 lần/phút đó là một dấu hiệu bát thường mà chúng ta cần đến gặp bác sĩ để nhờ bác sĩ hỡ trợ, tìm ra nguyên nhân.

Một số ít trường hợp vì lý do lớn tuổi bị xơ hóa hay thiếu máu nuôi làm cho bộ phận tạo nhịp tim trong cơ thể không còn bóp tốt. Để cải thiện vấn đề này bác sĩ tim mạch sẽ có những biện pháp như cấy máy trợ tim để giúp qur tim hoạt động điều độ hơn.

Những dấu hiệu tim mạch người bệnh cần đi khám:

- Nên đo huyết áp thường xuyên ở nhà. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Hoa Kỳ nếu lúc nghỉ, huyết áp thường lớn hơn 130/80 là dấu hiệu bất thường.

- Về tần số tim, nếu nhịp tim nghỉ thường xuyên ≤ 50 hoặc ≥ 80 là dấu hiệu bất thường, cần đi khám để bác sĩ dùng thuốc kiểm soát đưa tần số tim về giới hạn hợp lý và có trái tim khỏe hơn.

- Đau tức ngực kéo dài có thể là vấn đề của nhồi máu cơ tim hoặc phình bóc tách mạch máu do huyết áp cao hay trên nền mạch máu xơ cứng, xơ vữa quá nhiều. Những vấn đề cảnh báo của yếu liệt từ hệ tim mạch do huyết áp cao là dấu hiệu gợi ý đột quỵ hay đau đầu nhiều và không thể kiểm soát được bằng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol. Những trường hợp này cần đến gặp bác sĩ để nhờ bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán xác định bệnh.

Phần 2: Bổ sung dòng sữa chuyên biệt tác động đến trái tim người cao tuổi thế nào?

Phần 3: Trà, cà phê có tốt cho tim mạch không?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X