Ho, khò khè kéo dài 3 lần trong vòng 1 năm, trẻ có khả năng bị hen suyễn
Bệnh hen ở trẻ nhỏ có tỷ lệ cao gấp đôi so với người lớn. Tuy nhiên thực tế ở nước ta, bệnh hen lại bị chẩn đoán rất chậm trễ, nhất là đối với lứa tuổi dưới 2 tuổi. Vậy làm sao khi trẻ bị hen suyễn, giải pháp nào có thể điều trị hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây, với sự tư vấn của ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Đường hô hấp của trẻ em rất nhạy cảm với những yếu tố làm co thắt hoặc viêm nhiễm
Một số thông tin cho thấy, tỷ lệ hen suyễn ở trẻ cao gấp 2 lần so với người lớn. Thực hư thông tin này như thế nào và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn ở Việt Nam hiện nay ra sao, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Hen hay còn gọi là suyễn ở trẻ em là một vấn đề bệnh lý tắc nghẽn mạn tính đường hô hấp của trẻ. Tôi thường ví đường thở của trẻ giống như đường đi còn phổi của trẻ là một căn nhà. Nếu đường dẫn khí bị tắc nghẽn thì không khí không thể lưu thông từ bên ngoài vào “căn nhà” để các phế nang trao đổi khí.
Sự viêm nhiễm ngày càng nhiều, viêm nhiễm mạn tính sẽ làm tắc nghẽn đường dẫn khí.
Như số liệu, tỷ lệ bệnh hen suyễn ở người lớn chỉ khoảng 5%. Tuy nhiên, người ta thấy rằng, tỷ lệ bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể lên đến 10%. Lý do là đường thở của trẻ là những đường thở nhỏ và đường hô hấp của trẻ em rất nhạy cảm với những yếu tố làm trẻ bị co thắt hoặc viêm nhiễm. Chính vì vậy, tỷ lệ này tăng cao ở trẻ em.
Trẻ sinh non, sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh hen cao hơn
Những trẻ nào sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý hen cao hơn? Yếu tố di truyền, gia đình, ô nhiễm môi trường có tác động như thế nào đến bệnh lý hen ở trẻ?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Có những yếu tố kích thích khiến trẻ có thể khởi phát cơn hen hoặc có những yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh hen hơn như cơ địa, sinh non. Những trẻ bị sinh non cần phải hỗ trợ oxy hoặc cần phải can thiệp sớm bằng những biện pháp để giúp phổi của trẻ trưởng thành sẽ có nguy cơ bị hen hơn những trẻ bình thường.
Người ta thấy rằng những trẻ sinh mổ cũng có khả năng dễ bị bệnh hen hơn. Những trẻ có cơ địa dị ứng dễ trở thành hen hoặc viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa cao hơn 20% so với những trẻ khác.
Môi trường ô nhiễm, trong nhà có người hút thuốc lá vô tình làm cho đường hô hấp của trẻ bị kích thích liên tục. Hút thuốc lá thụ động được chứng mình là có thể làm tổn thương phổi của trẻ, tăng nguy cơ hen suyễn.
Việc đốt nhang trong nhà cũng tạo ra khói bụi, khiến đường thở của trẻ bị kích thích. Hiện tượng ô nhiễm không khí do khói công nghiệp, khói bụi của xe làm cho dị ứng qua đường hô hấp của trẻ ngày càng tăng và tỷ lệ bệnh đường hô hấp, hen suyễn tăng lên.
Chậm chẩn đoán hen vì nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường
Tại Việt Nam, trẻ ở độ tuổi nào thường mắc bệnh hen suyễn nhiều nhất và trẻ đến viện với những dấu hiệu đặc trưng nào? Vì sao việc chẩn đoán hen ở trẻ thường bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Bệnh hen suyễn có thể gặp ở trẻ em mọi lứa tuổi, nhưng cao nhất là từ 5 - 12 tuổi.
Dấu hiệu hen suyễn ở trẻ dưới 2 tuổi thường bị bỏ qua vì mọi người thường nghĩ ho, khò khè, sổ mũi ở những trẻ này chỉ là bệnh lý hô hấp thông thường. Bác sĩ cũng dễ bỏ qua việc chẩn đoán hen vì bệnh hen thường chỉ bắt được trong cơn hen. Cần phải cho trẻ làm một số biện pháp thăm dò chức năng hô hấp mới có thể phát hiện ra hen.
Từ 2 - 5 tuổi là lứa tuổi mẫu giáo, thường có những bệnh lý viêm nhiễm khi đi học và được chẩn đoán là viêm hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản,... Nếu hỏi bệnh sử cẩn thận và cặn kẽ, có thể phát hiện ra hen suyễn.
Đối với lứa tuổi lớn hơn, việc phát hiện ra hen cũng dễ dàng hơn qua thăm khám và hỏi bệnh sử. Có thể thấy, lứa tuổi mắc bệnh hen cao nhấy và được chẩn đoán, bắt bệnh hen suyễn nhiều nhất là lứa tuổi học đường, từ 5 - 12 tuổi.
Phòng ngừa hen suyễn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố
Cần phải làm gì để phòng hen suyễn ở trẻ? Nếu bố hoặc mẹ bị hen suyễn thì làm cách nào để phòng tránh cho con?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Phòng ngừa hen suyễn liên quan đến nhiều yếu tố. Đối với những trẻ nhỏ đi học mầm non, thời gian học ở lớp nhiều, môi trường ở trường lớp phải sạch sẽ, không khí phải thoáng mát. Việc trẻ lây virus hoặc các bệnh viêm hô hấp dễ làm trẻ bị kịch phát cơn hen vì hen có yếu tố khởi phát là viêm nhiễm trước đó hoặc khói bụi.
Chính vì vậy, việc lựa chọn môi trường cho trẻ ở lứa tuổi học đường là vấn đề mà phụ huynh cần quan tâm.
Môi trường ở nhà cũng tương tự. Trong nhà có người hút thuốc lá hoặc đốt nhang nhiều, nhà nhiều bụi từ thùng giấy, rèm, thảm, mạt bụi nhà cũng là yếu tố làm kịch phát cơn hen ở trẻ.
Môi trường xung quanh của trẻ rất quan trọng. Không nên ở trong máy lạnh suốt, nên mở cửa để không khí được trao đổi liên tục.
Nếu ba mẹ bị hen suyễn, tỷ lệ con bị hen suyễn sẽ cao hơn những gia đình bình thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta tuân thủ việc phòng ngừa bằng thuốc theo bác sĩ hoặc tuân thủ việc tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ, vấn đề hen suyễn sẽ được kiểm soát một cách tốt và hiệu quả.
Tăng sức đề kháng để phòng ngừa hen ở trẻ
Ở các thành phố lớn, ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Khi phụ huynh đưa trẻ ra ngoài đi học, đi chơi, cần trang bị như thế nào để bảo vệ đường hô hấp của trẻ và tránh bệnh hen suyễn?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Yếu tố môi trường có thể làm kịch phát cơn hen của trẻ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là phụ huynh khăng khăng giữ con trong phòng kín.
Việc giữ con tránh xa các yếu tố kích thích, những yếu tố khởi phát giúp con không lên cơn hen, phòng ngừa hen suyễn tốt hơn. Khi ra đường, có thể dùng khẩu trang để tránh bụi mịn. Trong những ngày ô nhiễm không khí lên đến mức báo động, hạn chế cho con ra ngoài.
Tăng cường sức đề kháng của con bằng cách ăn uống đầy đủ, vận động thường xuyên, tiêm ngừa cúm mùa là những biện pháp có thể phòng ngừa việc môi trường ô nhiễm và các yếu tố xung quanh có thể làm con lên cơn hen.
Trẻ bị hen, không bắt buộc phải có máy lọc không khí
Khi có trẻ bị hen suyễn, phụ huynh có nên sử dụng máy lọc không khí không? Phương pháp này có tối ưu không, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc lọc không khí. Máy lọc không khí chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi. Việc quan trọng là vệ sinh nhà cửa, tránh khói thuốc lá, hạn chế khói bụi.
Rửa mũi an toàn tại nhà cho trẻ
Súc họng và rửa mũi cho trẻ như thế nào là đúng cách để có thể phòng ngừa hen suyễn cũng như các bệnh lý hô hấp khác?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi con trẻ có những vấn đề sổ mũi, viêm hô hấp trên cần phải rửa mũi, phụ huynh sẽ rửa mũi một cách an toàn cho trẻ. Với những trẻ hợp tác, chúng ta có thể rửa mũi cho trẻ dễ dàng và hiệu quả.
Tuy nhiên, những trẻ quấy khóc, không hợp tác, phụ huynh chỉ rửa mũi một cách đơn giản nhất có thể bằng cách nhỏ nước muối sinh lý lên tăm bông để lấy dịch mũi tiết phía bên ngoài hoặc dùng khăn mềm lau mũi.
Không nên đè trẻ để rửa mũi một cách thô bạo. Nước muối có thể khiến trẻ bị sặc. Trong lúc khóc quấy, nước muối được bơm vào có thể lên tai hoặc vô tình làm trầy xước niêm mạc của trẻ.
Phân biệt hen suyễn với bệnh lý hô hấp thông thường
Xin hỏi BS, có những dấu hiệu nào cảnh báo một đứa trẻ đang lên cơn hen suyễn không? Làm sao để phân biệt được tình trạng ho kéo dài do bệnh lý hô hấp và hen suyễn?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Trẻ lên cơn hen sẽ có biểu hiện khò khè do đường hô hấp bị viêm nhiễm, không khí không vào được. Đôi khi trẻ bị mệt từng cơn, không nói nên lời.
Trẻ có thể thở nghe tiếng rít, đây là tiếng đặc trưng khi không khí không vào được đường thở. Trẻ thở hổn hển, khó thở, những trường hợp nặng có thể tím tái, vật vã, vã mồ hôi.
Khi trẻ đã lên cơn ho, khò khè kéo dài 3 lần trong vòng 1 năm có khả năng bị suyễn. Việc chẩn đoán chính xác phải làm lúc trẻ đang trong cơn và do bác sĩ nghe phổi, làm thêm các biện pháp thăm dò chức năng hô hấp.
Phương pháp chẩn đoán hen suyễn khi trẻ không thành cơn
Xin hỏi BS, làm thế nào để chẩn đoán hen suyễn khi trẻ không trong cơn hoặc không có dấu hiệu điển hình nào? Việc đo hô hấp ký, đo xung ký cần phải lưu ý những vấn đề gì?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Những trẻ không thành cơn, ho không khò khè nhiều, sổ mũi tái đi tái lại sẽ được thăm khám, được đo hô hấp ký hoặc dao động xung ký tùy theo lứa tuổi.
Qua kết quả đo hô hấp ký và dao động xung ký, có thể biết được trẻ có bị tắc nghẽn đường hô hấp hay không. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo. Đo hô hấp ký và dao động xung ký kết hợp với khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng mới có thể đưa ra kết luận hoàn thiện rằng trẻ có hen hay không.
Bác sĩ có một nghiệm pháp là nghiệm pháp dùng thuốc kiểm tra giãn phế quản. Bác sĩ sẽ phun khí dung để xem trẻ có đáp ứng với thuốc phun khí dung hay không để trả lời câu hỏi liệu trẻ có bị hen suyễn.
Mỗi lần trẻ lên cơn hen là một lần đối diện với nguy cơ suy hô hấp và tử vong
Nếu bé được chẩn đoán hen suyễn, phụ huynh cần trang bị những kỹ năng, kiến thức gì để chăm sóc trẻ? Nên lưu ý những vấn đề nào để bệnh tình của trẻ không tiến triển nặng hơn, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Trẻ đã được chẩn đoán hen suyễn, điều phụ huynh cần làm đầu tiên là phải bình tĩnh. Điều trị đúng và tuân thủ đúng có thể trị khỏi hoàn toàn.
Viêm mạn tính đường hô hấp có những thuốc để kháng viêm. Đối với những trẻ bị ho khò khè khi thời tiết thay đổi, còn gọi là ho khò khè do virus, có thể dùng thuốc uống lâu dài để phòng ngừa nhiễm virus, tránh lên cơn hen suyễn.
Phòng ngừa bằng thuốc dạng hít đòi hỏi người nhà phải tuân thủ việc hít thuốc. Hít thuốc này chính là hít kháng viêm để làm cho đường hô hấp của trẻ được thông thoáng, không bị tắc nghẽn, trẻ dễ thở hơn.
Hai biện pháp trên có thể kết hợp với nhau, tùy theo bác sĩ chẩn đoán trẻ thuộc dạng thể hình nào của hen.
Lưu ý quan trọng nhất là phải tuân thủ điều trị vì hen suyễn phải điều trị lâu dài chứ không phải có thể trị dứt ngay.
Vấn đề đặc biệt lưu ý là không được cho trẻ lên cơn. Mỗi lần trẻ lên cơn là một lần đối diện với nguy cơ suy hô hấp và tử vong. Đường thở viêm nhiễm và co thắt khiến không khí không vào được, khi đó trẻ bị tím tái, suy hô hấp, vã mồ hôi, nôi ói, không nói được. Đó là những dấu hiệu nguy hiểm của một cơn hen nặng, cơn hen nguy kịch. Cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình