Tổng quan về ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng 90% các trường hợp đều liên quan đến việc hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc.
I. Ung thư phổi là gì? Có bao nhiêu loại?
Ung thư phổi xảy ra khi có sự xuất hiện của một khối u ác tính do sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu không được điều trị, nó có thể lây lan (di căn) ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể.
Loại ung thư phổi phổ biến nhất là ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). NSCLC chiếm khoảng 80 - 85% tất cả các trường hợp.
Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 15 - 20% các trường hợp còn lại. SCLC phát triển và lây lan nhanh hơn NSCLC, vì vậy nó ít có khả năng được chữa khỏi khi điều trị.
Trong một số trường hợp, khối u ung thư phổi có thể chứa cả tế bào NSCLC và SCLC.
Ung thư này là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư
II. Các triệu chứng của ung thư phổi
Các triệu chứng của ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ về cơ bản là giống nhau, bao gồm:
- Ho kéo dài
- Ho có đờm hoặc ra máu
- Đau ngực, đặc biệt khi hít thở sâu, cười hoặc ho
- Khàn tiếng
- Hụt hơi
- Khó thở
- Suy nhược cơ thể và mệt mỏi
- Chán ăn
- Sụt cân
Khi ung thư lan rộng, bạn sẽ xuất hiện thêm một vài triệu chứng khác, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào vị trí các khối u mới hình thành ở đâu. Ví dụ:
- Hạch bạch huyết: xuất hiện cục u
- Xương: đau nhức, đặc biệt là ở lưng, xương sườn hoặc hông; gặp các vấn đề về thăng bằng hoặc tê tay chân
- Não: nhức đầu, chóng mặt
- Gan: vàng da và mắt
- Các khối u ở đỉnh phổi có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ.
- Nếu khối u đè lên tĩnh mạch lớn vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim sẽ dẫn đến sưng mặt, cổ và cánh tay.
Ngoài ra, ung thư phổi đôi khi tạo ra một chất tương tự như hormone, gây ra một loạt các triệu chứng được gọi là hội chứng paraneoplastic, bao gồm:
- Yếu cơ
- Buồn nôn, nôn ói
- Giữ nước
- Huyết áp cao
- Đường trong máu cao
- Lú lẫn
- Co giật
- Hôn mê
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi
III. Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi
Bất cứ ai cũng có thể bị ung thư phổi, nhưng 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc.
Kể từ khi bạn hút thuốc lá, nó đã bắt đầu làm hỏng mô phổi của bạn. Lúc này phổi vẫn có thể sửa chữa những tổn thương, nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục hút thuốc sẽ khiến phổi ngày càng khó tự sửa chữa.
Một khi các tế bào bị tổn thương sẽ làm tăng khả năng phát triển ung thư phổi. Nhưng ngược lại, nếu bạn kịp thời ngừng hút thuốc, bạn sẽ giảm nguy cơ ung thư phổi theo thời gian.
Nguyên nhân thứ 2 gây ung thư phổi là tiếp xúc với radon - một loại khí phóng xạ không mùi, không màu được tạo ra từ sự phân rã tự nhiên của uranium. Nó có thể được tìm thấy trong môi trường, nhà ở, trường học và nơi làm việc. Radon bốc lên từ mặt đất, xâm nhập vào các tòa nhà qua các vết nứt nhỏ. Những người hút thuốc lá và tiếp xúc với khí radon có nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao.
Hít phải các chất độc hại khác, đặc biệt trong thời gian dài, cũng có thể gây ung thư phổi. Trong đó, bao gồm:
- Thạch tín
- Cadimi
- Crom
- Niken
- Sản phẩm dầu mỏ
IV. Yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư phổi là hút thuốc, xì gà và hút tẩu, bởi các sản phẩm thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc hại.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 15 đến 30 lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc càng lâu thì khả năng mắc ung thư phổi càng lớn.
Với những người không hút thuốc lá, thì việc hít phải khói thuốc lá hoặc tiếp xúc với khí radon cũng là yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Tiền sử gia đình bị ung thư phổi
- Tiền sử cá nhân của bệnh ung thư phổi, đặc biệt nếu bạn là người hút thuốc
- Xạ trị ở ngực trước đó
Dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn đầu không rõ rệt, vì vậy phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển và di căn.
V. Các giai đoạn của ung thư phổi
Các giai đoạn ung thư sẽ giúp nhận biết mức độ di căn của ung thư và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn đầu, trước khi ung thư di căn thì cơ hội điều trị thành công sẽ cao hơn. Bởi vì ung thư phổi không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nên việc chẩn đoán thường được phát hiện khi nó đã lan rộng.
1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ
Chia thành 4 giai đoạn chính như sau:
Giai đoạn 1: Ung thư được tìm thấy trong phổi, nhưng nó chưa lan ra ngoài phổi.
Giai đoạn 2: Ung thư được tìm thấy ở phổi và các hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn 3: Ung thư ở phổi và các hạch bạch huyết ở giữa ngực.
Giai đoạn 3A: Ung thư được tìm thấy trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi ung thư bắt đầu phát triển lần đầu.
Giai đoạn 3B: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở bên đối diện của ngực hoặc đến các hạch bạch huyết trên xương đòn.
Giai đoạn 4: Ung thư đã lan đến cả hai phổi, vào khu vực xung quanh phổi hoặc đến các cơ quan khác.
2. Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)
Chia thành 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn giới hạn, ung thư chỉ được tìm thấy ở một phổi hoặc các hạch bạch huyết lân cận cùng bên ngực.
- Giai đoạn mở rộng có nghĩa là ung thư đã lan rộng tới:
- Khắp một lá phổi
- Đến phổi đối diện
- Đến các hạch bạch huyết ở phía đối diện
- Đến tủy xương
- Đến các cơ quan khác
Tại thời điểm chẩn đoán, 2 trong số 3 người bị SCLC đã ở giai đoạn mở rộng.
Bác sĩ có thể cần thực hiện nhiều xét nghiệm để chẩn đoán ung thư phổi
VI. Chẩn đoán ung thư phổi
Sau khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ cho làm làm một số xét nghiệm để chẩn đoán ung thư phổi như:
Xét nghiệm hình ảnh: Một khối u bất thường có thể được nhìn thấy trên phim chụp Xquang, CT và PET/CT.
Xét nghiệm tế bào đờm: Bạn sẽ ho để tạo ra đờm, sau đó bác sĩ sẽ lấy đờm để xét nghiệm thông qua kính hiển vi giúp xác định xem có tế bào ung thư hay không.
Sinh thiết: giúp xác định xem các tế bào khối u có phải là ung thư hay không. Có thể lấy mẫu mô bằng cách: Nội soi phế quản, nội soi trung thất hoặc sử dụng kim.
VII. Điều trị ung thư phổi
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, việc điều trị của bạn đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bác sĩ chuyên khoa về phổi, ung thư và phẫu thuật lồng ngực.
1. Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC)
Giai đoạn 1 NSCLC: Bạn có thể phải phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi. Hoặc hóa trị cũng có thể được áp dụng, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ tái phát cao.
Giai đoạn 2 NSCLC: Bạn cần phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ phổi của mình. Giai đoạn này cũng có thể phải cần đến hóa trị.
Giai đoạn 3 NSCLC: Bạn có thể điều trị kết hợp hóa trị, phẫu thuật và xạ trị.
Giai đoạn 4 NSCLC: đặc biệt khó chữa, bao gồm các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch.
2. Điều trị cho bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC)
Bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong hầu hết các trường hợp sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị.
Bên cạnh việc điều trị trên, đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối cũng có thể chọn các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, nghĩa là sẽ tập trung vào điều trị các triệu chứng của để giảm bớt khó chịu và cải thiện chất lượng sống.
Từ bỏ và tránh xa khói thuốc lá sẽ giúp bạn thoát khỏi "tử thần" ung thư phổi
VIII. Phòng ngừa ung thư phổi
Để phòng ngừa ung thư phổi bạn có thể thực hiện bằng những cách sau đây:
- Không hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
- Tránh tiếp xúc với khói bụi
- Vệ sinh nơi ở, làm việc sạch sẽ, thoáng mát
- Giữ lối sống lành mạnh, khoa học
- Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phòng tránh và điều trị tích cực
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình