Hotline 24/7
08983-08983

Tình thương từ gia đình và nhà trường quan trọng ra sao đối với trẻ tăng động giảm chú ý?

Theo Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bên cạnh các thuốc điều trị của sĩ, thì giáo dục từ nhà trường và gia đình luôn luôn phải có tình thương để con thấy rằng, dù tuân theo quy tắc chung của gia đình, của cộng đồng nhưng vẫn được cha mẹ yêu thương, chăm sóc.

1. Điều gì làm kích thích tình trạng tăng động của trẻ?

Thưa chuyên gia, trong cuộc sống thường ngày điều gì sẽ làm kích thích tình trạng tăng động của trẻ nhiều hơn?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Cha mẹ thương con bằng tất cả những gì mình có, ngay cả cách giáo dục con cũng là tất cả những gì cha mẹ biết được, hiểu được và tương tác khi ở chung với trẻ. Tuy nhiên, có một số cách giáo dục, tương tác chưa phù hợp với đặc điểm của trẻ và cần phải điều chỉnh.

Tăng động giảm chú ý là một vấn đề mang tính chất bẩm sinh, đến một giai đoạn nào đó sẽ thể hiện triệu chứng ra bên ngoài.

Tuy nhiên môi trường và giáo dục là yếu tố không thể bỏ qua. Điều này góp phần tác động trong việc thể hiện, cũng như giảm bớt triệu chứng khó khăn của trẻ.

Cha mẹ cần tìm hiểu xem cách giáo dục của mình đã giúp con dễ dàng tuân theo kỷ luật, hiểu và cảm nhận được những giới hạn bản thân hay chưa. Bên cạnh đó, giáo dục ở nhà trường là chương trình giáo dục chung cho tất cả các bé, do đó với những bé gặp khó khăn cần có phương pháp riêng để giúp các em có cơ hội tiếp thu bài cũng như tương tác với lớp.

Các em ít tập trung, giảm chú ý nên rất khó để ngồi yên theo học một tiết học kéo dài từ 35 - 45 phút. Vì vậy có thể chia nhỏ bài tập thành các phần và chấp nhận các em có những hành vi biểu hiện không như mong muốn. Quan trọng nhất, mục đích cuối cùng là giúp cho các em phát triển toàn diện với tất cả những gì các em có.

2. Trẻ tăng động có nên chơi thể thao để tiêu hao năng lượng?

Thưa chuyên gia, khi thấy con tăng động nhiều phụ huynh sẽ tìm một vài biện pháp để trẻ tiêu hao năng lượng như chơi thể thao,… Điều này có nên hay không và nếu có thể thì nên cho những em bé này chơi những môn thể thao như thế nào ạ?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Dù trẻ có hay không có vấn đề tăng động giảm chú ý cũng nên vận động thể dục thể thao. Đây là hoạt động thể chất, giúp cơ thể trao đổi chất, phát triển chiều cao,… bên cạnh các giờ học hay vui chơi online điện tử.

Nhiều phụ nói với nhau khi có con tăng động giảm chú ý nên cho con hoạt động nhiều để giải tỏa bớt năng lượng. Điều này vẫn có thể áp dụng nếu thấy đây là biện pháp hiệu quả đối với các con.

Tuy nhiên, vận động thể chất không làm tăng tương tác của trẻ với bạn bè, không phải trẻ tăng động giảm chú ý được cho vận động nhiều sẽ ngồi yên, ngoan ngoãn vì đây là vấn đề khó khăn của con và kéo dài.

Nhưng trong những thời điểm khác nhau nếu có vận động sẽ giúp trẻ vừa phát triển về thể chất, vừa có cơ hội giải tỏa năng lượng ra bên ngoài để sau đó con có thể tập trung, chú ý cho các nhiệm vụ nhiều hơn.

Không có tiêu chuẩn chung về môn thể thao phù hợp, tùy vào độ tuổi, giới tính, tính cách, đặc điểm phát triển của trẻ mà có thể chọn lựa các trò chơi như vận động đối kháng, trò chơi tập thể,…

Ví dụ trẻ có tính thích cạnh tranh thì trò chơi đối kháng cũng là một cách giúp con thể hiện sự ganh đua nhưng đồng thời cũng học được tinh thần hợp tác cùng với nhau. Hoặc các trò chơi đồng đội, cần sự phối hợp sẽ rất phù hợp cho những trẻ chưa tự tin về mặt tương tác xã hội, để các con được làm quen, học cách tương tác với người khác hiệu quả trong môi trường xã hội bên ngoài.

3. Cha mẹ nên dành tình thương thế nào cho những trẻ tăng động giảm chú ý?

Thưa chuyên gia liều lượng thuốc đã có các bác sĩ nhưng liều lượng tình thương như thế nào để các bậc phụ huynh và thầy cô có thể kiên nhẫn hơn với những trẻ tăng động giảm chú ý ạ?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Thuốc là việc của các bác sĩ tâm thần nhi, tùy thuộc vào mỗi trẻ mà sẽ có một liều lượng thuốc cũng như kế hoạch điều trị khác nhau để giúp cho các em.

Song song đó, giáo dục luôn luôn phải có tình thương. Trong các kỹ năng làm cha mẹ, có chia ra những kiểu giáo dục con khác nhau. Cách tích cực và tốt nhất là cân bằng được 2 yếu tố: Thứ nhất là kỷ luật và giới hạn; Thứ hai là sự quan tâm, yêu thương.

Nếu phụ huynh chỉ có kỷ luật mà không thể hiện cho trẻ thấy được sự yêu thương, chăm sóc thì lúc đó trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ đang độc đoán, chỉ đưa ra những quy luật và ép mình làm theo. Khi đó con sẽ sợ, mặc dù làm theo nhưng không phục và con không hiểu tại sao mình phải làm những điều này.

Nếu cha mẹ chỉ thể hiện sự yêu thương, chăm sóc, nuông chiều, đáp ứng mọi mong đợi, đòi hỏi của con mà thiếu vắng các quy tắc thì có thể sẽ làm con thiếu tính kỷ luật và khó hòa nhập trong môi trường xã hội sau này.

Cách phù hợp và tốt nhất là cha mẹ vừa cân bằng những giới hạn cho con vừa đưa ra những kỷ luật để giúp con tuân theo quy tắc chung, nề nếp của gia đình, nội quy của nhà trường và sau này là quy tắc của xã hội.

Từ đó, giúp con phát triển bản thân, đồng thời để con thấy rằng, mặc dù con phải tuân theo quy tắc chung của gia đình, của cộng đồng nhưng vẫn được cha mẹ yêu thương, chăm sóc. Đây là điều các bậc phụ huynh cần hướng đến.

4. Có thể phòng tránh tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý ngay từ khi còn trong bụng mẹ không?

Thưa chuyên gia, liệu rằng có thể phòng tránh tình trạng trẻ tăng động giảm chú ý ngay từ khi các mẹ mang thai không và cần lưu ý gì trong giai đoạn mang thai?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Rối loạn tăng động, giảm chú ý cho đến thời điểm này việc đưa ra chẩn đoán phải cân nhắc và thận trọng. Chẩn đoán này đa số dựa vào việc chúng ta quan sát lâm sàng.

Nghĩa là bác sĩ, chuyên gia trực tiếp làm việc với phụ huynh, quan sát cách trẻ tương tác, tham khảo ý kiến của thầy cô, bạn bè, ông bà, các môi trường trẻ hiện diện.

Cho đến thời điểm hiện tại, theo các nghiên cứu vẫn chưa có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý của trẻ ngay từ trong thai kỳ của người mẹ.

Trong thai kỳ, tất nhiên sẽ thực hiện theo những khuyến cáo của các bác sĩ sản khoa để có thai kỳ khỏe mạnh, là nền tảng hy vọng trẻ có thể đạt được điều kiện tốt nhất để phát triển sau này.

5. Cân bằng giữa thuốc và tình thương của cha mẹ quan trọng thế nào?

Nhờ chuyên gia chia sẻ, cũng như nhấn mạnh vai trò của việc cân bằng giữa thuốc và tình thương của cha mẹ dành cho con trẻ, đặc biệt là với trẻ bị tăng động giảm chú ý ạ!

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Một đứa trẻ sinh ra dù hoàn thiện, lành lặn hay có những khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc tinh thần, tương tác vẫn là con của mình và mối dây liên kết huyết thống không bao giờ xóa bỏ được, đây là điều rất thiêng liêng và bền chặt.

Dù con có những biểu hiện khó khăn trong giáo dục, trong tương tác, đôi khi chưa vâng lời, kém tập trung, hay sơ sót thì vẫn là con của mình. Khi đã có tình thương cưu mang thì tình thương đó trong giáo dục có thể để đồng hành cùng các con.

Hành trình đó có thể gian nan, khó khăn hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, hy sinh của cha mẹ, nhưng là một gia đình, dù như thế nào vẫn là con của mình. Với tình thương đồng hành cùng con đến hiện tại thì có thể cùng con đi tiếp những khó khăn sắp tới.

>>> Phần 1: Nhận diện trẻ tăng động giảm chú ý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X