6 dấu hiệu cảnh báo rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Rối loạn tăng động giảm chú ý không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi mà còn gây rắc rối trong các mối quan hệ. Phát hiện sớm rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ sẽ giúp bố mẹ biết cách giúp con.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Tiếng Anh: Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có sự khác biệt trong phát triển não bộ và hoạt động của não ảnh hưởng đến sự chú ý, khả năng ngồi yên và tự kiểm soát.
Những dấu hiệu cảnh báo rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ:
1. Hành vi nguy hiểm
Trẻ mới biết đi (trẻ từ 1 - 3 tuổi) bị rối loạn tăng động giảm chú ý thực sự có ít sự kích thích trong não, do đó, chúng cần được kích thích nhiều hơn để đưa bộ não đến mức kích thích cơ bản. Để đạt được sự kích thích này, trẻ có thể có các hành vi cực kỳ mạo hiểm và gây nguy hiểm cho chính bản thân chúng.
2. Khiến người khác gặp nguy hiểm
Mọi trẻ nhỏ đều thiếu sự kiểm soát ham muốn, nhưng trẻ bị mắc rối loạn tăng động giảm chú ý còn thiếu kiểm soát ham muốn nhiều hơn. Trẻ muốn được thực hiện điều mình mong muốn ngay lập tức. Do đó, chúng có thể khó hòa đồng trong các nhóm chơi.
Ví dụ, trẻ thường khiến người khác gặp nguy hiểm bằng những hành vi bốc đồng hoặc trở nên hung hăng (cắn, đánh, đá, đẩy mạnh, giật đồ chơi).
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường trở nên hung hăng, cắn, đẩy mạnh bạn
3. Khó duy trì tình bạn
Mọi trẻ nhỏ đều chỉ đang học các kỹ năng xã hội cơ bản để bắt đầu và duy trì các mối quan hệ và cần người lớn hướng dẫn. Tuy nhiên, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý gặp khó khăn nhiều hơn trong việc này.
Ví dụ, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý hay ngắt lời người khác, thường xuyên nói chuyện riêng, nói to hoặc thiếu kiên nhẫn khi phải chờ đến lượt. Khi thường xuyên có những hành vi này, trẻ sẽ khó có một tình bạn lâu dài.
4. Học tập kém
Nếu trẻ đứng cuối lớp về thành tích học tập, giáo viên sẽ có biện pháp can thiệp để giúp trẻ học tập tốt hơn. Nếu điều này không mang lại kết quả hoặc trẻ gặp khó khăn trong việc chú ý (hoặc cả hai), bạn nên đưa trẻ đi khám bởi có thể trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
5. Giận dữ thường xuyên
Trẻ nhỏ có thể giận dữ khi không đạt được mong muốn. Tuy nhiên, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể nổi cơn thịnh nộ trong khoảng thời gian dài 15-30 phút mỗi ngày, đôi khi vài lần một ngày. Khi giận dữ, trẻ có thể mất kiểm soát cả hành vi và cảm xúc.
6. Phản ứng tích cực thái quá
Cha mẹ thích nhìn thấy con mình hào hứng với mọi thứ. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ thường xuyên tỏ ra hứng thú với một sự kiện nhỏ, cũng cần phải để ý.
Ví dụ, một đứa trẻ tỏ ra quá phấn khích khi nghe nói trẻ sẽ được đi ra ngoài và đạp xe (mặc dù đây là việc thường xuyên diễn ra). Trẻ có thể phấn khích đến nỗi nhảy từ ghế này sang ghế khác, hét to và khua khoắng tay chân loạn lên.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình