Tiểu són không khó trị
Dù rất khó chịu nhưng vì xấu hổ nên không ít người chấp nhận chung sống với chứng bệnh khó nói này.
Tè… không tự chủ
Tiểu són là triệu chứng rất thường gặp, nhất là ở phụ nữ sau 50 tuổi. Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ sau khi sinh cũng hay rơi vào tình trạng này. Chính vì cho rằng điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe và lại mắc cỡ nên đa số những người mắc phải thường âm thầm chịu đựng hoặc chọn cách đối phó bằng việc sử dụng băng vệ sinh hằng ngày hay mặc tã.
Phụ nữ mang thai dễ loạn tiểu tiện - Ảnh: Khánh Anh
Từng phải phẫu thuật để trị chứng tiểu són, chị Hoàng V. (quận Cầu Giấy- Hà Nội) kể trước đây cứ có cảm giác muốn tiểu mà tiểu không kịp là lập tức nước tiểu rỉ ra đến khi nào thấy nhẹ bụng thì thôi. Vì thế, buồn tiểu là chị phải chạy ngay ra toa-lét nhưng nhiều khi còn bận việc này việc kia thế là đành “chung thân” với băng vệ sinh.
Cứ nghĩ là thận yếu nên uống thuốc nam, thuốc bắc nhưng rồi bệnh cũng chẳng đỡ, cuối cùng chị đến bệnh viện với một phẫu thuật nhỏ thế mà bệnh khỏi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh, Khoa sản BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết có một số nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện như tiểu són do bàng quang không ổn định, gây nên cảm giác buồn tiểu rất đột ngột và mạnh, nếu không đi sẽ bị són tiểu.
Bệnh nhân mỗi lần đi tiểu thì lượng nước tiểu ra rất ít nhưng lại thường xuyên buồn tiểu. Có khi vừa từ nhà vệ sinh ra đã buồn tiểu trở lại hay bước hụt một cái lại… ướt quần, thậm chí chị nghe tiếng nước chảy hay đang rửa tay cũng có thể són tiểu. Có người chỉ cần thấy ai đó mở vòi nước xè xè, cười to, ho, hắt hơi, đi nhanh hoặc mang vác vật nặng … là đã tè ra quần.
Chữa bệnh nhờ luyện tập
Hiện nay đa số các trường hợp tiểu són có thể chữa trị khỏi. Trong ba phương pháp điều trị (phẫu thuật, tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu, dùng thuốc) thì tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu được sử dụng phổ biến nhất.
Tùy nguyên nhân mà việc điều trị sẽ được chỉ định thích hợp nhưng có những trường hợp bệnh nhân chỉ cần tập các động tác nhằm tăng cường sức cơ của cơ quan kiểm soát sự đi tiểu là đã có thể giải quyết được. |
Ở nam giới, phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lý thường đưa đến hiện tượng này. Tuy nhiên, ngay cả những phụ nữ trẻ nếu làm việc căng thẳng, chơi thể thao hoặc nghỉ ngơi quá ít sau kỳ thai sản cũng hay mắc.
Theo bác sĩ Sinh, có khoảng 30% số ca tiểu són xảy ra sau sinh nhưng phần lớn có thể tự khỏi. Số còn lại sẽ tồn tại ở các mức độ khác nhau nhưng không ít trường hợp cả ngày phải “đóng khố”. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh luôn lo lắng, xấu hổ, buồn chán…
Việc phải áp dụng các biện pháp tự điều chỉnh như thường xuyên phải đi tiểu, mất ngủ, giảm khả năng lao động hay liên tục dùng băng vệ sinh có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục.
Theo BS Nguyễn Thị Thu Hải, Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, tiểu són không chỉ do thận yếu. Để biết nguyên nhân, tốt nhất là đi khám bác sĩ nội khoa để có hướng điều trị.
Các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng cũng cho rằng quan trọng là tìm ra nguyên nhân để trị bệnh, không phải cứ tiểu nhiều là thận hư, thận yếu và tự tìm thuốc bổ thận để uống.
AloBacsi.vn
Theo Khánh Anh - Người Lao động
Theo Khánh Anh - Người Lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình