Hotline 24/7
08983-08983

Tiết lộ sức khỏe qua làn da

Những nốt ban đỏ, ngứa, da bong tróc, đóng vảy… là những dấu hiệu không thể bỏ qua!



 

Da bong tróc: thiếu nước

 

Dấu hiệu: Da bong tróc thành vẩy và thường gây ngứa.

 

Nguyên nhân: Cơ thể thiếu nước khiến da khô và bong tróc. Chứng khô da cũng thường xuyên “hỏi thăm” những phụ nữ ngoài 40 tuổi với lý do giảm hormon.

 

Lời khuyên: Bắt đầu khắc phục chứng bong tróc da bằng việc uống ít nhất 1,5 lít nước/ngày (trà, nước thuốc sắc, nước chanh…), thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày, không nên tắm lâu và tránh tắm nước quá nóng.

 

Nếu triệu chứng bong tróc da vẫn kéo dài và gây khó chịu cho bạn, hãy đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị kịp thời.

 

Nấm da kéo dài: triệu chứng có thể báo hiệu bệnh tiểu đường

 

Dấu hiệu: Nấm da thường xuất hiện ở giữa các ngón chân hay ở những nếp gấp trên da (như dưới ngực, nách…).

 

Ban đầu, nấm chỉ là một vết màu đỏ, sau đó da bong vẩy và có màu xám trắng. Dần dần, nấm loang rộng thành vòng tròn.

 

Nguyên nhân: Có hai khả năng: vi khuẩn tạo thành do yếu tố bên ngoài như nước ăn chân hay do đi giày suốt ngày. Hoặc có thể do yếu tố bên trong như bệnh tiểu đường (căn bệnh thường gắn với sự giảm hệ thống miễn dịch).

 

Lời khuyên: Để phòng ngừa bệnh nấm da, tránh mặc quần áo lót chật, lau khô người sau khi tắm, không đi giày ẩm.

 

Nếu bị nấm, hãy đến phòng khám da liễu để có sự điều trị kịp thời.

 

Nốt ruồi “khả nghi”: nguy cơ ung thư

 

Dấu hiệu: Để nhận ra u hắc tố (một loại gây ung thư da) hoặc một nốt ruồi “khả nghi” có 5 dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu thương tổn không đối xứng

- Bờ mép nốt ruồi bất thường

- Màu sắc không đồng nhất, với sắc thái từ nâu đến đen. Đôi khi có những vùng mất sắc tố có màu trắng.

- Tiến triển: thay đổi theo kích thuớc, hình dạng, bề nổi và màu sắc.

 

Nguyên nhân: Phơi nắng quá nhiều hay do tiền sử bệnh từ gia đình. Có khoảng 10% bệnh nhân ung thư da do gia đình có tiền sử mắc bệnh.

 

Lời khuyên: Bạn cần đi khám ngay khi trên da bỗng nhiên xuất hiện các vết đốm sắc tố hay mụn ruồi “khả nghi” cho dù nó có màu đỏ, nâu nhạt, sẫm, xanh, đen hay kích thước thế nào đi chăng nữa.

 

Để phòng chống ung thư da, tránh ra ngoài nắng từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều, tự bảo vệ với mũ, kính râm và áo chống nắng, đặc biệt nhớ thoa kem chống nắng.

 

Da bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều: rối loạn chức năng tuyến giáp

 

Dấu hiệu: Nước da có màu vàng, xanh xao, lạnh và đôi khi kèm theo rụng tóc. Hoặc ngược lại, da nóng, có màu đỏ, đổ mồ hôi nhiều với những cơn bốc hoả ở mặt.

 

Nguyên nhân: Những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho chứng giảm năng tuyến giáp (tuyến giáp không hoạt động). Còn dấu hiệu thứ hai lại báo hiệu chứng tăng năng tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động quá mạnh).

 

Lời khuyên: Hãy đến gặp bác sĩ sớm để nhận biết chính xác xem có phải do rối loạn tuyến giáp không để có phương pháp điều trị kịp thời.

 

Nốt ban đỏ, ngứa kèm theo vảy phía trên: bệnh vảy nến

 

Dấu hiệu: Trong trường hợp bị bệnh vảy nến, chúng ta thấy những mảng tổn thương với các nốt ban đỏ có vảy phía trên, kích thước có thể bằng một đồng tiền xu hoặc lớn hơn và có thể gây ngứa.

 

Vị trí tổn thương thường hay gặp ở các vùng tỳ đè, vùng hay bị cọ xát như khuỷu tay, đầu gối, mấu chuyển, xương cụt, mặt trước cẳng chân, mặt duỗi cẳng tay... và có tính chất đối xứng hai bên, hoặc xuất hiện trên những tổn thương da đủ độ sâu như vết mổ, vết gãi... gọi là hiện tượng Koebner.

 

Nguyên nhân: Bệnh vảy nến liên quan đến yếu tố di truyền, có cơ chế tự miễn và được khởi động bởi các yếu tố môi trường như stress, nhiễm khuẩn khu trú, chấn thương da, một số thuốc, thời tiết, chế độ ăn....

 

Lời khuyên: Để phòng ngừa bệnh, hãy tránh xa strees và các ổ nhiễm khuẩn tai mũi họng, tránh dùng một số thuốc, không chà xát, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

 

Khi bị bệnh, hãy điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ!

 

Da khô, ngứa: thiếu Omega 3

 

Dấu hiệu: Da khô, ngứa, thậm chí xuất hiện những mảng chàm.

 

Nguyên nhân: Cơ thể thiếu các axit béo không bão hoà (omega 3).

 

Lời khuyên: Vì cơ thể không sản xuất được các axit béo nên hãy “nạp đầy” chúng qua chế độ ăn uống. Cá béo (cá hồi, cá trích, cá ngừ), dầu lanh, dầu cải… là những nguồn Omega 3 phong phú. Còn đối với Omega 6, hãy tìm đến dầu hướng dương hay dầu ngô.

 

Xuất hiện đột ngột những nốt mẩn đỏ: dị ứng da

 

Dấu hiệu: Ngứa và gây ban đỏ da, mề đay.

 

Nguyên nhân: Dị ứng da là một phản ứng bất thường của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của một chất lạ mà cơ thể không dung nạp. Đường xâm nhập vào cơ thể có thể là đường hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc qua da, qua niêm mạc miệng, mắt, mũi..

 

Chất lạ gây dị ứng có rất nhiều chung quanh chúng ta như: thực phẩm hằng ngày (tôm, cua, cá biển, thịt gà, bò...), nước sinh hoạt (nhất là nước giếng chưa lọc hết tạp chất), bụi trong mền gối, xà phòng, mỹ phẩm, lông của các con vật nuôi như chó mèo, phấn hoa, tình trạng cơ thể nhiễm giun sán...

 

Lời khuyên: Nguyên tắc điều trị chính là phải tìm cho ra và loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng.
 

Trong khi chưa tìm được nguyên nhân, tạm thời có thể dùng thuốc chống dị ứng.  Tuy nhiên, để tránh những phản ứng phụ của thuốc uống khi phải tăng liều (buồn ngủ chẳng hạn) có thể thay bằng thuốc bôi, có tên là Phenergan (khi nào ngứa thì bôi, ngứa chỗ nào thì bôi vào chỗ ấy).

 

Theo Khiết Linh - Dân trí/ Topsante

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X