Hotline 24/7
08983-08983

Thụt tháo đại tràng, thải độc bằng cà phê, trà xanh có trị được “bách bệnh”?

Thụt tháo đại tràng trị được “bách bệnh” - điều này hoàn toàn không được chứng minh về mặt Y học. Đây là khẳng định ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trong một chương trình được phát sóng mới nhất trên AloBacsi.

Thụt tháo đại tràng bằng bã cà phê, nước cà chua… là trào lưu không mới nhưng còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi người dùng cho rằng áp dụng phương pháp này thấy bụng nhẹ hẳn, người hết mệt mỏi, khỏe và đẹp, thì bác sĩ cật lực phản đối bởi vì đây là giải pháp phi tự nhiên có thể gây ảnh hưởng sức khỏe.

1. Vai trò của đại trực tràng là gì?

Nhiều người cho rằng đại trực tràng thực chất chỉ là cái túi chứa phân trước khi thải ra ngoài. Vì vậy, nếu không đi ngoài được thì nên thụt tháo để nhẹ bụng. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Đại trực tràng có vai trò nào khác ngoài việc đơn thuần chỉ là “cái túi chứa phân”?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Quan niệm dân gian cho rằng, đại trực tràng chỉ là túi chứa phân mà không có chức năng gì khác. Tuy nhiên, không có cơ quan nào là không có chức năng. Ngay cả ruột thừa cũng có vai trò của nó, chỉ khi vị viêm ruột thừa cấp mới bắt buộc phải cắt bỏ, chứ không phải dư thừa. Do vậy, đại tràng hay ruột già hoàn toàn không phải túi chứa phân mà có rất nhiều chức năng.

- Chúng ta nghĩ rằng, các chất đã được sử dụng hết ở ruột non nên khi xuống đại tràng chỉ còn cặn bã, thành phân. Tuy nhiên, điều này không đúng. Đây là chốt chặn cuối cùng để hấp thu những gì còn sót lại. Đặc biệt là hấp thu nước và chất muối vào cơ thể, để các chất này không lọt ra ngoài. Sau đó, còn lại thì mới thải ra ngoài dưới dạng phân.

- Đại tràng có chức năng tiết dịch chất nhầy chứ không phải túi chứa phân. Nếu không có tiết dịch chất nhầy thì phân khô cứng, không có chất nhầy trong ruột để di chuyển.

- Chức năng miễn dịch: Miễn dịch là đề kháng của cơ thể. Trong ruột chúng ta là một cộng đồng “dân cư” có cả vi khuẩn. Và thường là những vi khuẩn tốt sống cộng sinh với cơ thể, để ngăn chặn những kẻ địch lọt vào cộng đồng trong ruột của chúng ta và sẽ bị đánh đuổi đi. Cơ thể chúng ta, những tế bào bạch cầu, kháng thể sản xuất cũng như tập luyện là thao trường huấn luyện. Trước khi đưa những tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể ra chiến trường thật sự thì phải đi vòng qua lớp dưới bề mặt đại tràng.

- Có chức năng thải độc nhưng không phải theo cách như chúng ta nghĩ. Nghĩa là cộng đồng dân cư với những vi khuẩn tốt sống trong ruột, ăn những chất cặn bã để lên men. Nhờ đó tạo một môi trường trong ruột không quá chua cũng không quá mặn, không quá kiềm cũng không quá axit để ngăn ngừa những chất độc thấm ngược lại vào cơ thể và thải ra ngoài.

- Giúp ruột co bóp, điều hòa: Để phân điều hòa, không táo bón và cũng không tiêu chảy.

- Lên men: Sản xuất ra những chất như vitamin. Ví dụ vitamin B12 được hấp thu ở đoạn cuối cùng của ruột non và đoạn đầu của ruột già, nếu thiếu B12 sẽ gây ra tình trạng tê nhức, thiếu máu,…

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp về thụt tháo đại tràng trên AloBacsi

2. Thụt tháo đại tràng, thải độc bằng cà phê, trà xanh có trị được “bách bệnh”?

Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ kỹ hơn, thụt tháo đại tràng, thải độc bằng cà phê, trà xanh liệu có trị được "bách bệnh" như: thải độc tố, hết mụn nám, giảm cân, trị táo bón, thậm chí cả ung thư...?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Điều này hoàn toàn không được chứng minh về mặt y học. Những sinh viên Y khoa từ lúc mới vào trường cho đến lúc ra trường đều phải học những môn y học cơ sở. Nghĩa là giải phẫu người, tìm hiểu sinh lý hoạt động của con người như thế nào khi bệnh tật, gặp vấn đề về sức khỏe. Người ta đã thực hiện trên chuột, trên người,… và không có cơ chế thụt tháo - thải độc bằng cà phê, trà xanh mà trị “bách bệnh” này.

Tuy nhiên, có một vấn đề đúng, đó là những người ăn ít chất xơ, uống ít nước dễ bị táo bón và trong người rất khó chịu. Các chất cặn bã không thải ra ngoài được sẽ dẫn đến khó ngủ, bực bội, ăn không ngon. Từ đó, một số chức năng khác trong cơ thể bị ảnh hưởng như chức năng miễn dịch, chức năng tiết mật, chức năng dạ dày,… làm cho cơ thể chúng ta ngứa ngáy. Như vậy, việc thải độc đại tràng bằng cách thụt tháo chỉ hiệu quả với những người bị táo bón lâu ngày mà những phương pháp uống thuốc không hỗ trợ được. Khi đó, việc thụt tháo giống như cấp cứu tạm thời. Cho đến nay, hoàn toàn không có nguyên cứu khoa học, y học nào chứng minh thụt tháo đại tràng giúp người khỏe ra, hết mụn, đẹp da,…

Trong y học người ta rất quan trọng việc nghiên cứu. Như trong đại dịch COVID-19, vắc xin COVID-19 muốn sử dụng trên người phải qua nghiên cứu trên chuột, trên người tình nguyện, mới sử dụng cho người. Tất cả đều dựa trên cơ chế nghiên cứu không phải chúng ta nghĩ là được.

3. Thụt tháo đại tràng gây hại như thế nào?

Thụt tháo đại tràng có thể gây ra những vấn đề nào cho sức khỏe nói chung và đại trực tràng nói riêng, thưa BS? Và thao tác thụt tháo có thể gây ra những tai biến nào?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Chúng ta nghĩ thụt tháo đại tràng là tốt cho cơ thể nhưng về mặt y học sẽ gây hại rất nhiều:

- Rối loại sự hấp thu của chất muối và chất nước trong cơ thể: Vì nó là chức năng quan trọng hấp thu lại cuối cùng. Đừng nghĩ chất muối và chất nước là các chất bỏ đi. Cơ thể chúng ta hoạt động, điện tim, điện não, điện cơ hoạt động được là nhờ chất muối và chất nước trong cơ thể. Nếu thiếu các chất đó, cơ thể sẽ mất nước, điện tim đập lộn xộn, hoạt động loạng quạng, xây xẩm, giống như cơ thể bị rối đội hình.

- Mất cân bằng “cộng đồng dân cư”: Trong ruột có một cộng đồng dân cư là vi khuẩn đường ruột. Khi chúng ta thụt tháo, tương tự như một ngôi làng đang sinh sống yên ổn, với rất nhiều người tốt, và đột nhiên không có cháy nhà mà đem nước vào cứu hỏa gây ngập lụt và tạo ra sự mất cân bằng. Đến khi môi trường sống bị xâm nhập, người tốt bị ngập nhà, họ sẽ bỏ đi nơi khác vì không sống được và tương tự những loại vi khuẩn tốt cũng như vậy. Đây là điều kiện để những con vi khuẩn có hại phát triển và chúng ta sẽ mất chức năng.

- Ruột chúng ta có một lớp màng nhầy là đại tràng tiết ra, nó rất quan trọng. Khi chúng ta thụt tháo là lấy đi hết lớp nhầy của ruột già tiết ra. Bình thường, mỗi ngày ruột già tiết ra lớp nhầy và giúp chúng ta đi ngoài ra theo chương trình tuần hoàn, nhưng nếu bị thụt tháo lấy hết ra ngoài, trường hợp ruột không tốt sẽ tiết lại không kịp, còn ruột mạnh thì phải nai lưng ra làm. Điều này giống như xe máy bị xả bỏ nhớt mà không châm lại; hoặc như xây thành rồi phá thành, vô tình làm tăng gánh nặng đại tràng. Nếu thiếu lớp chất nhầy, vi khuẩn có hại, độc tố không bám dính vô được và không trôi theo phân ra ngoài. Lớp nhầy của đại tràng tiết ra như được thoa một lớp kem dưỡng da, nếu không có lớp này ruột sẽ mong manh dễ vỡ.

- Động tác thụt: Đại tràng mong manh dễ vỡ, thụt tháo như vậy sẽ làm tổn thương da, xây xát niêm mạc ruột, gây chảy máu, viêm loét ruột. Có những người thắc mắc “tại sao người đó làm không bị mình làm lại bị viêm loét ruột”, thì đây gọi là “bụng làm dạ chịu”, không than vãn.

- Gây rò rỉ ruột: Vấn đề này ít người chú ý hơn. Bản chất ruột chúng ta là những tế bào rất nhỏ, phải nhìn bằng kính hiển vi. Các tế bào xếp giống như những viên đá xếp gần nhau và có hồ dính lại. Khi chúng ta thụt rửa đại tràng giống như xây nhà mà ngâm những viên gạch vào nước thường xuyên sẽ dẫn đến nhà dễ thấm, khi đó gây ra rò rỉ các chất, thay vì hấp thu ngược vô máu thì nó rò rỉ ngược ra ruột. Điều này dẫn đến mất các chất, suy dinh dưỡng mà chúng ta không biết và nặng nhất là mất chất đạm, mất miễn dịch trong cơ thể.

Như vậy, tóm lại, việc này rất có hại, nếu làm không khéo sẽ không chỉ trầy xước mà có thể thủng ruột và phải phẫu thuật.

4. Vì sao nhiều người thụt tháo đại tràng thấy thon gọn, giảm cân?

Đây không phải là lần đầu AloBacsi cảnh báo về vấn đề này. BS Lưu Phương cũng đã nhiều lần lên tiếng xác định đây là giải pháp phản khoa học. Tuy nhiên, thực tế nhiều bình luận khẳng định, họ sử dụng nhiều năm vẫn thấy khỏe, vóc dáng thon gọn.

- Xin hỏi, vì sao người dùng thấy khỏe, trong khi bác sĩ lại phản đối phương pháp này?

- Mặc dù không có triệu chứng khiến người dùng nghĩ họ khỏe nhưng thực tế liệu giải pháp này “tẩm ngẩm tầm ngầm” gây hại đại trực tràng không thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Thụt tháo đại tràng sẽ làm cơ thể thon gọn nhưng thon gọn một cách bệnh lý, gây mất nước, dẫn đến sụt cân. Lúc đang khát, cân nặng sẽ giảm nửa kg, 1 kg là bình thường so với lúc uống đầy đủ nước. Một số loại thuốc quảng bá trên mạng uống vào sẽ giảm cân nhưng thực sự nó làm rối loạn hấp thu các chất trong ruột, dẫn đến mất chất nước điện giải, dễ bị giảm cân hoặc gây tiểu nhiều làm giảm cân.

Khi thụt tháo đại tràng sẽ mất nước nên giảm cân hoặc khi thụt thấy độc tố nhiều quá nên không ăn nữa từ đó sẽ giảm cân. Nhưng đây chỉ là hiệu ứng phụ, không phải hiệu ứng chính của thụt tháo để giảm cân. Trong bụng chúng ta chứa phân nhiều nhưng phân đó di chuyển từ từ và khi chúng ta thụt tháo giống như việc bắt ép, “cưỡng chế” đi ngoài.

Thấy khỏe hơn là một cảm giác cực kỳ chủ quan, đó là do cảm giác mình muốn khỏe thì sẽ khỏe. Như vắc xin ngừa COVID-19 trước khi được sử dụng sẽ tiêm thí nghiệm. Trong đó có người tiêm vắc xin thật, có người tiêm vắc xin giả (chỉ là nước, không có vắc xin), nhưng kết quả nghiên cứu vẫn có những người ngừa được bệnh.

Như vậy, hiệu ứng tâm lý rất lớn, nhất là các vấn đề liên quan đến khỏe hay mệt. Các quý ông nghĩ xem, chỉ cần hôm nay nhận tin em lấy chồng là tôi không khỏe chút nào, người tôi mệt mà không biết bệnh gì. Nhưng ngày mai có tình yêu mới tự nhiên tôi thấy khỏe mạnh vô cùng, ăn uống ngon hơn hẳn. Tương tự, khi chúng ta nghĩ trong đầu, thụt tháo là lấy độc, người sẽ thon gọn, thì tự nhiên khi thụt xong trong người thấy phơi phới.

Chưa kể những lời chia sẻ trên mạng hay comment đều là qua bàn phím, chúng ta chưa thấy người thật, việc thật. Điều này rất khó kiểm chứng qua mạng xã hội. Trong khi bác sĩ cần có chứng chỉ hành nghề, không phát biểu những điều không có chứng cứ khoa học. Tương tự như quảng cáo nhan nhản trong thời gian trước kia như: “Nhà tôi 3 đời làm thuốc nam, nhà tôi 3 đời làm thuốc, uống thuốc này vô sẽ khỏe”, xuất hiện đầy trên Youtube, Tiktok, điều này rất vô lý và sẽ không đúng khoa học.

Ngay cả nền Y học Cổ truyền của phương Đông cũng không có người thầy thuốc Đông Y được đào tạo bài bản mà đưa ra những căn cứ không có khoa học, không có chứng cứ như vậy. Ví dụ dẫn chứng bài thuốc này của Hải Thượng Lãn Ông hay bài thuốc này theo sách cổ về Đông dược, chứ không bao giờ nói một cách phản khoa học là thụt tháo đại tràng, thụt tháo bằng cafe là tẩy độc.

Comment trên mạng, comment ẩn danh, chúng ta không biết người đó là ai. Hay một Tiktoker nổi tiếng sẽ không đồng nghĩa với việc người đó là bác sĩ. Chúng ta hay xếp sự nổi tiếng và kiến thức về Y học đồng nghĩa là hoàn toàn sai. Đó là chưa kể, có những bác sĩ giả mạo, những người làm Y tế giả mạo. Vì vậy, chúng ta phải là người tiếp nhận tin tức thông minh, đừng tin những điều vô căn cứ, không có chứng cứ khoa học.

5. Detox, thải độc đại trực tràng, cách nào tốt nhất?

Vậy thực tế, đại tràng của chúng ta có cần được detox, thải độc sau nhiều thập kỷ hoạt động? Vì sao?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Ông trời đã phú cho chúng ta 4 kiểu detox tự nhiên: đi tiểu, đi ngoài bình thường, ra mồ hôi, thở. Mỗi ngày chúng ta ra mồ hôi, rửa mặt thường xuyên, tập thở, đó là đề detox cho cơ thể.

Do đó, Đông Y cổ đại hay những người nghiên cứu thuật khí công cổ đại của Ấn Độ bàn luận về Yoga. Nghĩa là họ dùng phương pháp tự nhiên của ông trời và có phương pháp để tập thở. Còn chúng ta không tập thở lại nghĩ những chuyện cao siêu như thụt tháo.

Như vậy, chúng ta có những cách detox tự nhiên như sau:

- Tập thể dục vừa sức với mình, ra mồ hôi.

- Mỗi ngày tắm rửa, lau chùi, rửa mát sạch sẽ.

- Uống đủ nước, 2 lít nước mỗi ngày.

- Tập đi vận động, đi tới đi lui để kích thích ruột hoạt động, co bóp dễ đi tiểu, đi ngoài tự nhiên.

- Ăn uống nhiều thức ăn có canh, ăn đủ các nhóm thịt, béo, chất bột đường, rau xanh và trái cây sạch.

Y học Cổ đại nhấn mạnh tầm quan trọng của detox, Yoga là Y học Cổ truyền của Ấn Độ, họ nhấn mạnh phương pháp thở, tập luyện các động tác. Những thầy thuốc Đông Y cổ đại như Hải Thượng Lãn Ông và những người tập luyện võ họ đều dùng cách detox và giữ cơ thể bằng cách tập thở, uống nhiều nước, ăn nhiều rau là cách tự nhiên nhất.

Chúng ta nên ăn chín uống sôi, rửa sạch, mua hàng có bao bì, nhãn mác trong siêu thị, được kiểm định. Ngày nay, vấn nạn thực phẩm bẩn rất phổ biến. Chúng ta pha phẩm màu quá nhiều xanh, đỏ, tím, vàng sẽ gây hại. Vì vậy cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và người tiêu dùng nên cẩn trọng.

Ví dụ như phụ nữ dùng son môi, kem dưỡng da đôi khi không để ý dẫn đến việc sử dụng mỹ phẩm không có nhãn mác, hàng trôi nổi. Nếu son lẫn chì, khi thoa sẽ ngấm vào gây hại vô cùng. Lúc này detox không còn ý nghĩa nữa. Bánh mì gói bằng giấy báo cũng rất độc hại, vì giấy báo in là mực có chì và kim loại nặng và nếu nhiễm vào thức ăn, khi chúng ta cầm ăn sẽ nhiễm độc từng ngày mà không biết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X