Hotline 24/7
08983-08983

Thụt tháo đại tràng bằng cà phê: nên hay không?

“Cho hậu môn uống cà phê” hay thải độc đại tràng bằng cà phê là chiêu thức làm sạch đại tràng mới nổi trong thời gian gần đây. Thực hư hiệu quả của phương pháp này thế nào? Liệu có thải được độc tố, ký sinh trùng? ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng Đơn vị Tiêu hóa Gan mật - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã có lời giải đáp đầy đủ trong bài viết dưới đây.

Gần đây trên mạng xã hội nổi lên thông tin thụt tháo đại tràng bằng cà phê giải độc tố, thanh lọc cơ thể giúp ăn ngon, ngủ yên. Quan niệm của BS về vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Gần đây, trong quá trình làm việc tôi thường nhận được câu hỏi về vấn đề thải độc đại tràng. Thông tin này lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí nhiều spa cũng đi theo trào lưu này, quảng cáo thụt tháo bằng cà phê, trà xanh, giấm với những lời có cánh để tẩy độc đại tràng. Theo đó, những hạt trà xanh, cà phê hữu cơ nàỳ khi bơm vào hậu môn sẽ kích thích từng ngóc ngách của ruột để thải độc, thậm chí thải cả ký sinh trùng để ăn ngon, ngủ yên, trẻ đẹp.

Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, trào lưu thụt tháo đại tràng bằng cà phê, trà xanh, đặc biệt là cà phê hữu cơ là hoàn toàn sai sự thật. Hiện, không có cơ sở khoa học cũng như không có nghiên cứu nào trên thế giới khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này.

Những hình ảnh lan truyền trên mạng, các dụng cụ tự thụt tháo để truyền nước cà phê hữu cơ vào hậu môn để thanh lọc, đi cầu ra ngoài, tất cả đều không đúng chỉ định y khoa.

Thụt tháo đại tràng bằng cà phê: nên hay không

Đi cầu như thế nào là bình thường? Trong y học, thụt tháo đại tràng thường chỉ định trong những trường hợp nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Thứ nhất, trời sinh voi sinh cỏ. Ông trời đã phú cho muôn loài, trong đó có loài người một cơ chế thải độc tuyệt vời, đó là phổi hít vào thở ra, đi tiêu - tiểu. Trong đó, đi cầu là đẩy những chất cặn bã kèm theo thực phẩm - thuốc men không hấp thu được thải ra ngoài theo đường hậu môn.

Theo sinh lý bình thường (tùy mỗi cá thể) 1 tuần có thể đi cầu khoảng 3-4 lần, hoặc có thể 12-13 lần. Mỗi người là một cá thể, không ai giống ai nhưng nếu đi cầu với số lần như vậy vẫn trong giới hạn bình thường. Chỉ bất thường khi một tuần đi cầu dưới 3 lần hoặc trên 13 lần.

Có người đến than thở với tôi “Tui đi cầu không đều, ngày đi 1 lần, có ngày lại đi 2 lần, tuần đi tổng cộng 10 lần, vậy tui có bệnh rồi, tại thằng bạn tui ngày nó đi có lần à”. Rồi có người lại cho rằng “Ông chồng tui mỗi ngày đi 1 lần, tuần đi 7 lần, còn tui tuần đi có 4 - 5 lần, vậy là bị ứ chất độc rồi, phải thải độc”. Thực chất, đây là quan niệm không đúng. Chúng ta hãy tính số lần đi cầu theo tuần chứ đừng tính theo ngày. Việc đi cầu này tương tự như nhịp tim, có người đập 100 lần, lại có người đập 60-70 lần, không ai giống ai.

Thứ hai, việc thụt tháo, bơm chất bã cà phê hữu cơ vào hậu môn để nó len lỏi hút độc ra, xin thưa là không có. Bản chất của vấn đề, khi bơm tinh chất trà xanh hay cà phê truyền vào hậu môn chỉ là một cách để tăng lượng chất bã vào trong lòng hậu môn, mà đây là những chất kích thích để chúng ta đi cầu nhiều hơn.

Trong y học, liệu pháp thụt tháo thường chỉ định trong những trường hợp bệnh não gan, hôn mê gan. Chúng tôi phải thụt tháo kèm với thuốc để tẩy độc chất trong gan ra ngoài. Ngoài ra, những người bị táo bón, tắc ruột hoặc bán tắc ruột thì cần thụt tháo. Vì khi bị tắc không đi ra được thì phải thụt tháo để làm sạch, nếu không sẽ bị ứ đọng, chướng bụng gây biến chứng. Bên cạnh đó, việc thụt tháo trong y học còn được chỉ định cho những trường hợp phẫu thuật nói chung và phẫu thuật đường tiêu hóa nói riêng để không bị dơ phẫu trường, an toàn cho bệnh nhân, hơn nữa sau mổ bệnh nhân không bị xì phân ra. Đây là mục đích của việc thụt tháo trong y học, chứ không phải tẩy độc trước mổ.

Thụt tháo đại tràng bằng cà phêThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương khẳng định, trào lưu thụt tháo đại tràng bằng cà phê hữu cơ hay trà xanh không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào xác định tính hiệu quả

Hậu quả của việc làm theo lời đồn, lời quảng cáo có cánh mua cà phê hữu cơ hay trà xanh để thải độc đại tràng, thải ký sinh trùng là gì thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương trả lời: Hậu quả đầu tiên là làm không đúng kỹ thuật, ngay cả trong bệnh viện làm đúng kỹ thuật thì vẫn có những nguy cơ như trầy xước hậu môn, lở loét hậu môn, đặc biệt là viêm đoạn cuối của ruột già (trực tràng). Thậm chí, nếu làm không đúng có thể gây lở loét, thủng ruột, lúc đó phải mổ cấp cứu.

Hậu quả thứ 2, cho dù làm đúng kỹ thuật không xảy ra các biến chứng kể trên thì việc đưa những chất bã (kể cả cà phê là chất hữu cơ) vào thì nó vẫn là những chất kích thích đối với bề mặt của ruột. Trong lòng ruột của chúng ta trơn láng như nệm nhung, hay nói cách khác nó được mặc một lớp áo nỉ. Nếu chúng ta ăn uống bình thường, nó sẽ đi theo hệ tiêu hóa xuống kích thích ruột, co bóp, nhào trộn, rồi đẩy chất bã ra ngoài. Còn nếu chúng ta đưa ngược trở vào hậu môn thì sẽ kích thích bề mặt ruột, lúc này lớp áo nỉ dễ bị tổn thương, gây viêm loét đại tràng mạn tính về lâu dài.

Hậu quả thứ 3, việc thụt tháo có thể gây ra rối loạn chất muối và nước trong cơ thể. Mà chất muối là điện giải đồ, nó hoạt động rất tinh tế có thể kích thích hoạt động cơ bắp, tim, não… Khi bị rối loạn dẫn đến người mệt mỏi, loạn nhịp tim, hoàn toàn không tốt cho cơ thể. Bởi thông thường, khi bác sĩ thụt tháo sẽ phải pha dung dịch nước muối đẳng trương hoặc dung dịch thuốc cần để điều trị bệnh, không phải thụt tháo như vậy.

Hậu quả thứ 4, nó làm tổn thương cơ vòng hậu môn - đây là vị trí rất nhạy cảm. Chúng ta kiềm chế được phản xạ đại tiện, đi cầu tốt là nhờ cơ này. Khi thụt tháo không đúng cách, thanh lọc đâu chưa thấy mà cơ vòng hậu môn dễ bị hư tổn. Đến lúc nào đó nó sẽ bị nhão khiến phân tự nhiên són ra, điều này còn khổ hơn nữa. Hoặc nó thắt lại, không chịu nhả ra dẫn đến đi cầu rất khó khăn. Thậm chí, khi thụt tháo như vậy sẽ thành phản xạ có điều kiện, không có gì đưa vào thì sẽ không đi cầu được.

Như vậy, việc thụt tháo để thải độc không có nghiên cứu và hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học nào về y học. Tương tự, thụt tháo để thải ký sinh trùng cũng như vậy. Ký sinh trùng là phải đúng thuốc mới tẩy nó ra được, nhiều khi tẩy còn không ra. Trong những chỉ định thụt tháo đại tràng của y học không có chỉ định nào thụt tháo để tẩy ký sinh trùng, giun sán.

Như vậy, việc thụt tháo đại tràng bằng cà phê, trà xanh hữu cơ là lời đồn đại trên mạng, nếu làm theo có thể tiền mất tật mang, hiệu quả đâu chưa thấy mà đã đổi lấy nhiều nguy cơ. Do đó, chúng ta hãy quên chuyện này đi, đừng làm tự làm “bác sĩ google”.

Mời bạn xem thêm các chủ đề giao lưu trực tuyến cùng ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương:

>>> Ngộ độc Botulinum, nhận biết và phòng ngừa bằng cách nào?

>>> Phải làm gì khi có polyp đường tiêu hóa?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X