Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc điều trị tăng huyết áp có tương tác với thuốc tim mạch, tiền đình, mỡ máu?

Huyết áp trồi sụt liên tục do nguyên nhân nào? Đau đầu có phải triệu chứng của bệnh tăng huyết áp? Thuốc điều trị tăng huyết áp có tương tác với các loại thuốc khác?... là những thắc mắc đã được ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Mệt mỏi khi uống thuốc điều trị tăng huyết áp, do đâu?

Mẹ em năm nay 52 tuổi, mẹ em bị cao huyết áp từ tháng 6/2021, rơi vào giai đoạn mãn kinh. Vào tháng 6/2021 mẹ em có triệu chứng bị trễ kinh nên đã tăng huyết áp lên 200, mẹ em trước giờ tim mạch rất ổn, đã đi khám nhiều nơi huyết áp luôn trong mức ổn định. Lần đó đến nay mẹ em đã thăm khám 3 lần.

Mẹ em hạn chế ăn muối dẫn đến việc bị thiếu natri và kali. Hiện tại mẹ em đang dùng thuốc theo đơn của bác sĩ được 1 ngày, xuất hiện triệu chứng mệt, người luôn mệt mỏi. Mẹ em ăn đồ ngọt hay mặn đều làm cao huyết áp. Mong bác sĩ cho em lời khuyên ạ.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Mẹ bạn đang bị lo lắng, hiện nay người ta gọi là stress, rối loạn lo âu. Nhất là khi mẹ bạn vào giai đoạn mãn kinh, thường xuyên bị bốc hỏa, tim đập nhanh. Nhiều gánh nặng trên vai người phụ nữ Việt, lo lắng cho gia đình, con cái. Vì vậy, mẹ của bạn với những gánh nặng trong cuộc sống có lẽ là đang trong giai đoạn stress, nên uống thuốc nào cũng thấy mệt.

Chu kỳ tăng huyết áp - giảm huyết áp, khỏe - mệt tôi gặp thường xuyên và nguyên nhân lớn nhất là stress, lo lắng, căng thẳng. Do vậy, điều trị những tình trạng này là rất quan trọng. Bạn nên đưa mẹ quay lại nơi thăm khám, bác sĩ có thể kê thêm thuốc thần kinh, kết hợp thuốc huyết áp và thuốc an thần, bù nội tiết, tư vấn tâm lý.

>>> Nhiều người trẻ vừa qua ngưỡng 20, 30 tuổi đã bị tăng huyết áp

>>> Kiểm soát huyết áp, chỉ số bao nhiêu là lý tưởng?

2. Thuốc điều trị huyết áp có nên uống chung với các thuốc khác?

Em được bác sĩ chẩn đoán rối loạn chức năng tiền đình, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng axit uric máu và kê đơn thuốc gồm: Betaserc tab 24mg, Ginkgo biloba 120mg, Agi-neurin 125mg, Febuxostat 80mg, Rosuvastatin 10mg, Levosulpirid 50mg. Em bị tăng huyết áp và có uống Apitim 5. Bác sĩ cho em hỏi thì những loại thuốc ở trên có thể uống chung với thuốc cao huyết áp được không? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Trường hợp của bạn điển hình cho những căn bệnh của thời đại, tăng mỡ máu, tăng axit uric máu, huyết áp cao. Có thể bạn phát hiện các tình trạng sức khỏe này là do xét nghiệm tổng quát. Thực tế, xét nghiệm tổng quát sẽ giúp bác sĩ khám phá ra những rối loạn tiềm tàng trong cơ thể, chẳng hạn như mỡ máu (nguy cơ tim mạch).

Những loại thuốc bạn đang sử dụng giúp tuần hoàn não (Ginkgo Biloba), Rosuvastatin (mỡ máu), Febuxostat (axit uric máu) là để kiểm soát các yếu tố nguy cơ đi kèm. Trong khi đó yếu tố chính - tăng huyết áp đã được Apitim (Amlodipin) kiểm soát. Bạn yên tâm, các loại thuốc này có thể sử dụng cùng với nhau. Thuốc hạ áp gần như không có chống chỉ định phối hợp với thuốc khác.

3. Huyết áp trồi sụt liên tục, có phải là tăng huyết áp?

Em năm nay 18 tuổi, trước kia đo huyết áp thì trên 140, sau đó đi khám thì bác sĩ bảo không làm sao và chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Em cũng đi tập thể dục và ăn ít đi để giảm cân và huyết áp của em đã cải thiện rõ rệt (116-125). Nhưng 1-2 tuần gần đây em có việc nên không duy trì chế độ được và khi đo lại thì buổi trưa là 130 còn buổi chiều tối thì là 142. Vậy cho em hỏi là em có bị tăng huyết áp không ạ? Và có cần uống thuốc không? Em cảm ơn BS.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: 18 tuổi chưa phải là tuổi thường gặp của tăng huyết áp. Mặc dù hiện nay tăng huyết áp trẻ hóa nhưng độ tuổi này cũng rất hiếm gặp, thường là rơi vào khoảng 30, 40. Đa số tuổi của bạn thường liên quan đến thể trạng. Bạn cung cấp thông tin luyện tập giảm cân, nên tôi cho rằng bạn đọc đặt câu hỏi có thừa cân.

Như vậy, trong giai đoạn này bạn có thể gặp áp lực thi cử, học tập cùng với yếu tố thừa cân, mập mạp sẽ làm cho huyết áp “mấp mé” tăng lên. Do đó, khi đi khám bác sĩ thấy nguy cơ không cao nên đề nghị thay đổi lối sống là hoàn toàn hợp lý. Nếu bạn uống thuốc mà không thay đổi lối sống (ăn kiêng, luyện tập thể dục) thì cũng sẽ không cải thiện được huyết áp. Rất may bạn đã thử nghiệm và thành công, trường hợp của bạn không đáng ngại, bởi vì chưa chính thức bị tăng huyết áp, do đó bạn nên kiểm soát yếu tố cân nặng, lo lắng, chế độ ăn uống.

4. Đau đầu có phải triệu chứng của bệnh tăng huyết áp?

Tôi năm nay 41 tuổi, quê Bình Định. Vào tháng 9 năm 2016 tôi có bì tăng huyết áp (170) rồi từ đó tinh thần tôi có vấn đề lúc nào cũng sợ bị tăng huyết áp rồi đột quỵ. Đầu tôi lúc nào cũng ê ẩm đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, trong người lúc nào cũng rần rần rất khó chịu.

Có lúc đo huyết áp thì rất bình thường (tầm 130 trở lại) nhưng cũng có lúc thấy hơi cao (dưới 150), nhưng những lúc như thế thì cơn đau đầu ê ẩm, nhưng người lại không thấy mệt gì. Như vậy tình trạng đau đầu của tôi có phải do huyết áp không? Tôi cần làm gì để hết đau đầu? Xin cảm ơn.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Huyết áp của bạn lúc lên lúc xuống, như vậy không chắc chắn bị tăng huyết áp. Theo định nghĩa, bệnh tăng huyết áp là sự tăng huyết áp lâu dài, do áp lực của dòng máu tác động lên mạch máu.

Vậy tình trạng tăng huyết áp của bạn là do đâu? Ví dụ, mặc dù ở nhà huyết áp chỉ khoảng 120mmHg, nhưng ra ngoài trời nắng, kẹt xe…, huyết áp khi đó có thể lên đến 160-170mmHg. Rất nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể tác động lên huyết áp.

Do đó, bạn nên lập bảng theo dõi huyết áp, và nên đo vào lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi (không nên đo khi nhức đầu, chóng mặt…). Nếu lúc yên tĩnh, nghỉ ngơi đo huyết áp bình thường nghĩa là không phải tăng huyết áp.

Nhức đầu, chóng mặt có thể là triệu chứng và thường gặp ở nhiều bệnh lý, nguyên nhân khác nhau (do căng cơ, viêm xoang), không phải do tăng huyết áp làm nhức đầu. Đây là hiểu lầm thường gặp. Khi huyết áp tăng hầu như không có triệu chứng, vì vậy mới gọi căn bệnh này là “kẻ giết người” thầm lặng.

>>> Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân do đâu?

>>> Vì sao bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tần số tim?

5. Khó thở, đau đầu kèm đau thắt ngực trái, nên tiếp tục uống thuốc huyết áp hay đi khám?

Lần đầu tiên là huyết áp của em lên 180/90mmHg. Em đã thăm khám, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) và cấp thuốc cho em uống bao gồm Normodipine 5mg (uống 1 viên buổi sáng), Doniwell 25mg uống 1 viên buổi tối, Boncium uống 1 viên buổi sáng.

Em uống được 4 ngày thì thấy khỏe hơn, qua ngày thứ 5 huyết áp lại lên 150, cảm thấy khó thở nhiều và thỉnh thoảng có bị đau thắt ngực trái, thỉnh thoảng kèm đau đầu. Mong BS cho em lời khuyên, em có nên tiếp tục uống thuốc xem tình trạng có cải thiện không hay ngừng thuốc để đi tái khám luôn ạ? Do nhà em xa bệnh viện nên muốn hỏi ý kiến bác sĩ trước ạ. Em cảm ơn BS.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Trong thông tin, bạn không cung cấp về độ tuổi. Nếu là người trẻ tuổi thì đây là một câu chuyện khác, có thể là do lo lắng, căng thẳng. Nhưng nếu là người lớn lớn tuổi thì đây có thể thực sự là tăng huyết áp. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, Normodipine là thuốc tốt để hạ huyết áp.

Trong giai đoạn đầu theo như bạn nói, thuốc có làm giảm huyết áp nhưng sau đó tăng lên. Bác sĩ có thể đánh giá về Thần kinh (trạng thái lo lắng), nên trong toa thuốc của bạn có thuốc an thần nhẹ Doniwell. Việc chỉnh huyết áp nên tính theo tháng, không chỉnh theo ngày. Huyết áp có thể thay đổi theo nhiều trạng thái (tâm lý, gắng sức, ăn uống) và những bệnh kèm theo.

Do đó, bạn bình tĩnh sử dụng toa thuốc, theo dõi huyết áp theo chu kỳ 1 tuần đo 2-3 lần và trong 5 ngày trước khi đi khám nên đo sáng-chiều. Bạn cũng nên lập bảng theo dõi huyết áp, qua đó bác sĩ sẽ tư vấn thích hợp. Ngoài mục tiêu huyết áp, cần lưu ý đến nhịp tim. Với người nhịp tim nhanh thì việc kiểm soát huyết áp cũng rất khó.

Chương trình do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM, chuỗi Nhà thuốc An Khang, được tài trợ bởi Merck healthcare Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X