Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều người trẻ vừa qua ngưỡng 20, 30 tuổi đã bị tăng huyết áp

Ngày nay, tăng huyết áp không chỉ là “mối đe dọa” với người lớn tuổi, mà còn tấn công ở cả người trẻ, vừa qua ngưỡng 20, 30. Điều này cho thấy, biến chứng do tăng huyết áp có thể sẽ đến sớm hơn, diễn ra nhanh hơn nếu bệnh không được kiểm soát tốt.

Đây là thông điệp được ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM truyền tải chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tăng huyết áp có phải bệnh chỉ xảy ra ở người già?”. Mặc dù đây không phải là vấn đề sức khỏe mới lạ nhưng đánh động cộng đồng trong việc nhận thức về mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp, do đó nhận được sự quan tâm rất lớn, thu hút hơn 50.000 lượt xem trên các nền tảng của AloBacsi.

Chương trình tư vấn về tăng huyết áp nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng

1. Việt Nam, cứ 10 người có 3 trường hợp bị tăng huyết áp

Theo định nghĩa, huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch, được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. Tăng huyết áp được xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh nêu lên thực trạng, tăng huyết áp ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Tại Việt Nam và trên thế giới, cứ trong 10 người sẽ có 3 người bị tăng huyết áp. Nếu trước đây, tỷ lệ mắc căn bệnh này chỉ khoảng 5-10%, thì hiện nay đã vào khoảng 30%.

Gánh nặng tăng huyết áp rất phức tạp. Trong thực tế, tại phòng khám, chuyên gia gặp nhiều người bệnh mới ngoài 20, 30 tuổi đã được chẩn đoán tăng huyết áp. Tỷ lệ này tại các khảo sát cho thấy, khoảng 20-25% tăng huyết áp xảy ra ở lứa tuổi 25-30. Trong khi trước đó, 60-70% là gặp ở người từ 60, 70 và 80 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc, biến chứng có thể xảy ra sớm hơn.

Tăng huyết áp ngày càng gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam

Tăng huyết áp được phân loại nguyên phát (vô căn - không rõ nguyên nhân) chiếm đến 90%, thường liên quan đến lối sống, môi trường hoặc cơ địa và thứ phát (xảy ra sau một bệnh lý như bệnh thận, bệnh nội tiết, bệnh tim mạch/ sử dụng thuốc, điển hình như NSAIDs, corticosteroid, thuốc tránh thai, thuốc cảm, thực phẩm bổ sung nhân sâm, cam thảo…) chỉ khoảng 10%.

Chuyên gia lý giải, sở dĩ người trẻ ngày càng tiệm cận đến nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp là bởi các yếu tố như béo phì, uống nhiều rượu bia, ít hoạt động thể lực, thuốc lá, ăn ít rau, quả và stress xảy ra chồng chất trong độ tuổi 20, 30.

2. Ba nghịch lý trong điều trị bệnh tăng huyết áp

Theo BS Xuân Anh, vấn đề đáng ngại nhất của tăng huyết áp không chỉ dừng ở việc ngày càng trẻ hóa, mà căn bệnh này sở hữu ba nghịch lý. Thứ nhất, tăng huyết áp rất dễ chẩn đoán nhưng thường không được phát hiện. Thứ hai, trị liệu đơn giản nhưng thường không được điều trị. Thứ ba, có rất nhiều thuốc hiệu lực và điều trị cho mọi người nhưng thường lại không có hiệu quả.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Theo báo cáo từ Chương trình phòng chống Tăng huyết áp quốc gia, hơn 11 triệu người Việt Nam trưởng thành có tăng huyết áp, nhưng chỉ 1/10 bệnh nhân tăng huyết áp được kiểm soát huyết áp đầy đủ. Cụ thể hơn, thống kê cho thấy, 52% bệnh nhân không biết bị tăng huyết áp, 19% bệnh nhân biết bị tăng huyết áp và không điều trị, 18% bệnh nhân biết bị tăng huyết áp, được điều trị và không kiểm soát được huyết áp. Chỉ có 11% bệnh nhân biết bị tăng huyết áp, được điều trị và kiểm soát huyết áp.

“Trên thực tế lâm sàng, tỉ lệ kiểm soát tốt huyết áp còn khá khiêm tốn. Những con số này đặt ra nhu cầu cấp bách cần phải có các hướng dẫn về mục tiêu điều trị, thuốc khởi trị và chiến lược phối hợp thuốc để đạt được huyết áp mục tiêu và cải thiện sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bởi nếu không đạt được điều này, hậu quả là tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tổn thương mắt, đau tim và suy tim, suy thận; hay quên, mất trí nhớ một phần là do huyết áp. Cứ mỗi trị số huyết áp tăng thêm 20/10 mmHg thì nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp đôi. Như vậy, nếu để huyết áp tăng lên 180/110 thì nguy cơ tử vong do tim mạch tăng lên 8 lần so với bình thường” - BS Xuân Anh cho biết.

Đa số bệnh nhân mắc tăng huyết áp không có triệu chứng, song lại có những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, căn bệnh này được ví như “silent killer” - kẻ “giết người” thầm lặng. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chỉ một số trường hợp tăng huyết áp quá cao (cơn tăng huyết áp, tăng huyết áp ác tính) có những biểu hiện như nhức đầu (vùng chẩm), chảy máu cam, chóng mặt, rối loạn thị giác, đau ngực, phù chân.

Do vậy, BS Xuân Anh khuyến nghị, cách tốt nhất để phát hiện tăng huyết áp là đo huyết áp, không nên dựa vào các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt. Ngày nay có rất nhiều dụng cụ đo huyết áp với kết quả chính xác. Chuyên gia lưu ý, khi đo huyết áp lưng thẳng tựa vào ghế, khuỷu tay ngang tim, chân đặt thẳng trên sàn. Lựa chọn phòng yên tĩnh, nhiệt độ phòng dễ chịu.

Ngoài ra, cần nghỉ ngơi 3-5 phút, không vận động 30 phút trước khi đo, không hút thuốc, dùng cafein hay ăn uống. Trong quá trình đo không nói chuyện, tay không cầm nắm và thả lỏng. Nên sử dụng thiết bị điện tử được kiểm duyệt, vòng quấn phù hợp kích thước bắp tay. Đo 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 phút. Lấy số trung bình 2 lần sau.

3. Điều trị tăng huyết áp, đừng quên kiểm soát tần số tim!

Trong chương trình, BS Xuân Anh đặt ra câu hỏi cho khán thính giả, đối với người bệnh tăng huyết áp, tim đập nhanh hay chậm là tốt? Câu trả lời là tim đập chậm tốt hơn đập nhanh. Khi tim đập nhanh, tiêu thụ rất nhiều oxy và làm áp lực trong máu tăng cao, điều đó hoàn toàn có hại.

Chuyên gia dẫn chứng khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu (ESC/ ESH) năm 2018, nhịp tim trên 80 lần/ phút là yếu tố ảnh hưởng đến biến cố tim mạch. Ngay cả khi bệnh nhân đã kiểm soát huyết áp nhưng tần số tim cao thì vẫn tồn tại biến cố tim mạch (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim) nhiều hơn so với người kiểm soát tốt cả huyết áp lẫn lần số tim.

Trong lâm sàng, BS Xuân Anh nhìn nhận, tăng tần số tim là một yếu tố tiên lượng lâu dài cho các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp. Ở bệnh nhân huyết áp được kiểm soát tốt, tỷ lệ biến cố của nhóm nhịp tim cao so với nhóm thấp hơn là 53%.

“Có thể thấy, nhiệm vụ của y giới hiện nay rất nặng nề. Bên cạnh huyết áp mục tiêu 120/80mmHg thì điều quan trọng không kém trong điều trị tăng huyết áp là phải kiểm soát được nhịp tim dưới 80 lần/ phút. Do đó, ngoài giảm trị số huyết áp bằng thuốc giãn mạch thì còn có những nhóm thuốc để giảm nhịp tim” - BS Xuân Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề điều trị tăng huyết áp, chuyên gia nhấn mạnh một số nguyên tắc trọng điểm cần ghi nhớ. Đầu tiên, tăng huyết áp phải điều trị lâu dài, suốt đời, với thế kiềng 3 chân: “ăn uống hợp lý; thuốc men đều đặn và luyện tập thường xuyên”, đồng thời theo dõi chặt chẽ. Thứ hai là điều trị liên tục, không dừng thuốc đột ngột để tránh tình trạng huyết áp tăng cao trở lại. Hiện tượng này dễ gây nhiều tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Thứ ba, thay đổi lối sống luôn cần thiết để dự phòng cũng như điều trị tăng huyết áp. Trong đó, thay đổi lối sống bao gồm: ăn hạn chế muối (dưới 5-6 gam mỗi ngày); uống rượu vừa phải (nam từ 20-30g ethanol/ngày, nữ từ 10-20g ethanol/ngày), ăn tăng thêm rau, trái cây và các sản phẩm ít chất béo; cai thuốc lá. Ngoài ra, cần giảm BMI xuống <25kg/m2, vòng bụng < 90cm (nam) và < 80cm (nữ) giới. Bên cạnh đó, cần tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút; mức độ gắng sức trung bình mỗi ngày, 5-7 ngày mỗi tuần

Thứ tư, điều trị tăng huyết áp bao gồm cả kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch tổng thể và bảo vệ mạch máu. Thứ năm, sử dụng thuốc càng đơn giản càng dễ tìm mà có tác dụng càng tốt. Hiện nay, khoa học tiến bộ mang đến nhiều cơ hội mới, khuynh hướng kết hợp vừa uống ít lần trong ngày, vừa đạt được nhiều tác dụng trong một viên thuốc, giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.

“Nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết chỉ sử dụng mỗi ngày một lần, tác dụng 24 tiếng. Một số loại thuốc còn có tác dụng 2 trong 1, thậm chí 3 trong 1, thay vì phải uống nhiều loại thuốc một lần thì hiện nay chỉ cần uống 1 viên duy nhất nhưng đạt được 2 hoặc 3 tác dụng. Điều này giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn” - BS Xuân Anh nói.

Cuối cùng, tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên thời gian sử dụng thuốc kéo dài, đòi hỏi việc sử dụng thuốc phải đạt hiệu quả về cả tình trạng sức khỏe và kinh tế của bệnh nhân.

Riêng về thuốc, BS Xuân Anh thông tin thêm, bác sĩ có rất nhiều “vũ khí” để điều trị tăng huyết áp, với 5 nhóm thuốc hạ huyết áp điển hình, bao gồm: ức chế men chuyển (các thuốc có đuôi "il"), ức chế thụ thể (các thuốc có đuôi "an"), chẹn bêta (các thuốc có đuôi "ol"), chẹn canxi (các thuốc có đuôi "pine") và thuốc lợi tiểu.

Khi dùng thuốc huyết áp cần lưu ý đúng giờ, liên tục, đều đặn; uống đủ liều lượng (không tự ý giảm liều/ tăng liều thuốc). Đặc biệt, không tự ý bỏ thuốc huyết áp và phải tái khám theo lịch hẹn, thảo luận cùng bác sĩ về vấn đề tuân thủ điều trị (tác dụng phụ, không tiện lợi, thuốc dùng 1 lần hay 2 lần một ngày). Song song đó, sự hỗ trợ của người thân cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp, bao gồm note nhắc nhở, hộp chia liều thuốc.

Chương trình tư vấn sức khỏe liên quan đến Tăng huyết áp do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Hội Bác sĩ gia đình TPHCM, chuỗi Nhà thuốc An Khang, được tài trợ bởi Merck healthcare Việt Nam với thời lượng dài đến 90 phút nhưng sức hút lớn đến giờ phút cuối cùng.

Trong đó phần 1 là góc nhìn tổng quan về bệnh tăng huyết áp. Phần 2 giải đáp rất nhiều thắc mắc nóng hổi của khán thính giả gửi về chương trình như: nguy cơ di truyền của bệnh tăng huyết áp; nguyên nhân khiến tỷ lệ kiểm soát huyết áp còn khá khiêm tốn; huyết áp mục tiêu có thể giao động trong khoảng bao nhiêu; điều trị tăng huyết áp cho người mới phát hiện bệnh; những sai lầm thường gặp trong điều trị khiến bệnh tăng huyết áp khó kiểm soát… Để theo dõi đầy đủ chương trình, mời bạn đọc xem TẠI ĐÂY.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X