Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát tần số tim?

Trong chương trình tư vấn trên AloBacsi, ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, trong điều trị tăng huyết áp, việc kiểm soát tần số tim 80 lần/ phút là rất quan trọng, giảm biến cố tim mạch, tử vong cho người bệnh

1. Tần số tim với người bệnh tăng huyết áp, bao nhiêu là lý tưởng?

Bên cạnh việc kiểm soát các chỉ số huyết áp, một vấn đề rất đáng được lưu tâm trong điều trị tăng huyết áp, đó là tần số tim.

- Vì sao kiểm soát tần số tim lại có vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp thưa BS?

- Tần số tim nên đạt bao nhiêu là tốt nhất và có thể giao động trong mức nào để giảm các biến cố tim mạch ạ? Nếu không đạt đúng con số mà BS đưa ra thì mức này có thể giao động trong khoảng bao nhiêu là tốt nhất ạ? (43p48 - 45p37)

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Tần số tim (nhịp tim) sinh lý của một người giao động từ 60-100 lần/ phút. Người ta thấy rằng, nhịp tim chậm tốt hơn nhịp tim nhanh. Khoảng 10 năm trước, một nghiên cứu thú vị “Beautiful” so sánh người bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim có tần số tim dưới 70 lần/ phút với người trên 70 lần/ phút. Kết quả ghi nhận, những dưới giữ nhịp tim dưới 70 lần/ phút ít nhập viện, ít bị nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não hơn so với người có nhịp tim trên 70 lần/ phút.

Trở lại tăng huyết áp, thực tế kiểm soát tần số tim dưới 70 lần/ phút rất khó. Do đó, khuyến cáo với người tăng huyết áp tần số tim nên dưới 80 lần/ phút. Như vậy, huyết áp chuẩn 130/80 mmHg và tần số tim dưới 80 lần/ phút thì nguy cơ bệnh tật và tử vong giảm thấp rất đáng kể.

Trong chương trình tư vấn trên AloBacsi, BS Tuấn Anh nhấn mạnh, trong điều trị tăng huyết áp, việc kiểm soát tần số tim 80 lần/ phút là rất quan trọng, giảm biến cố tim mạch, tử vong cho người bệnh

>>> Nhiều người trẻ vừa qua ngưỡng 20, 30 tuổi đã bị tăng huyết áp

2. Bệnh tăng huyết áp có di truyền không?

Tăng huyết áp có di truyền không thưa BS? Bố em bị tăng huyết áp, khả năng di truyền cho em là bao nhiêu %? Liệu có cách nào để ngăn chặn nguy cơ này cho em cũng như con cái sau này không ạ? Xin cảm ơn BS.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Không phải cha mẹ bị tăng huyết áp có nghĩa là con cái cũng bị căn bệnh này. Mặc dù hiện nay, người ta tìm thấy một số gen nhưng bằng chứng trực tiếp cho thấy gen này biến đổi rất hiếm gây bệnh tăng huyết áp.

Gen chỉ là yếu tố tiềm tàng, không phải là chắc chắn bắt buộc sẽ mắc bệnh. Nói chính xác hơn, đây là yếu tố gia đình, nghĩa là người ta thấy rằng cha mẹ bị tăng huyết áp thì con cái có thể có nguy cơ cao hơn gia đình khác. Thứ hai nữa, ở cùng gia đình sẽ có lối sống tương tự như nhau, chẳng hạn như đều ăn mặn, ít vận động thì nguy cơ mắc tăng huyết áp sẽ cao hơn so với gia đình yêu thích thể thao, thường xuyên vận động, ăn nhạt...

Do đó, theo tôi tăng huyết áp không trực tiếp di truyền mà có yếu tố gia đình. Và những điều này bạn có thể tránh khỏi được. Ví dụ, bạn đừng để bị thừa cân, béo phì; bạn đừng ăn nhiều chất béo, nhiều đường; bạn đừng uống rượu, hút thuốc lá và có lối sống khỏe mạnh, hằng ngày tập thể dục thể thao thì khả năng di truyền là “zero”.

>>> Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân do đâu?

3. Hậu COVID-19 làm tăng huyết áp, mất bao lâu sẽ ổn định?

Ba tôi 69 tuổi, bị cao huyết áp đã điều trị ổn định, trước đó mắc COVID-19 làm tăng huyết áp trở lại dù uống thuốc đúng liều. Xin nhờ BS giải đáp giúp, huyết áp xáo trộn hậu COVID-19 có bất thường không? Bao lâu tình trạng này sẽ hết và làm gì để khắc phục?

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh trả lời: Thực tế ghi nhận bệnh nhân không bị cao huyết áp, nhưng sau khi mắc COVID-19 bị bệnh này. Hoặc trước kia kiểm soát được huyết áp, nhưng sau mắc COVID-19 huyết áp không kiểm soát được. Do đó, gánh nặng hậu COVID-19 gây ra nhiều yếu tố, rối loạn thần kinh (hay quên, mất ngủ), rối loạn tim mạch (nhịp tim nhanh, huyết áp tăng cao).

Những rối loạn hậu COVID-19 này sẽ được bác sĩ khám và điều trị. Thứ nhất là trong đơn thuốc có thể có một chút thuốc an thần để giảm lo lắng, huyết áp sẽ được kiểm soát tốt hơn. Như vậy toa thuốc thường là thuốc nâng đỡ thể trạng, gia tăng miễn dịch và thuốc an thần. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao thì sẽ điều chỉnh tăng liều thuốc để huyết áp ổn định.

Một tin vui nữa là, hội chứng hậu COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, thường khoảng 1-2 tháng các rối loạn này sẽ thuyên giảm và trong vòng vài tháng sẽ biến mất.

Chương trình do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM, chuỗi Nhà thuốc An Khang, được tài trợ bởi Merck healthcare Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X