Thực hiện thành công thêm 1 ca chia gan để ghép, cứu sống 2 người bệnh
Ngày 2/1/2025, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa thực hiện thành công ca chia gan để ghép cho 1 bệnh nhân nam và 1 bé trai từ người hiến chết não.
Sau khi nhận được tin có nguồn hiến gan từ người cho chết não, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã liên tục thảo luận để tìm người ghép phù hợp.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan mật tụy Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với ghép gan từ người lớn sẽ cần khoảng 60% lá gan. Riêng đối với trẻ nhỏ, hầu hết chỉ cần thùy trái khoảng 20% gan. Nên có thể thực hiện chia gan để ghép và cứu sống 2 bệnh nhân.
Trường hợp thứ nhất là một người đàn ông, cách đây khoảng 7 năm, bệnh nhân bị viêm xoang, sau khi xét nghiệm phát hiện men gan cao. Mặc dù chữa trị nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, dẫn đến xơ gan,…
Bệnh nhân vẫn tái khám và uống thuốc hằng tháng nhưng cách phẫu thuật 2 - 3 tháng, ông có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu ít, bụng to,…
Vợ bệnh nhân cho biết: “Trong 2 năm chờ đợi lá gan phù hợp, gia đình luôn hy vọng sẽ đến lượt mình”.
Trường hợp thứ hai là bé trai (14 tháng, ở Đắk Lắk) được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối, ứ mật do teo mật bẩm sinh, xẹp phổi, nhiễm trùng, viêm phổi, nôn ra máu… Bệnh nhi được chỉ định ghép gan, nếu không chỉ sống được khoảng 2 năm.
Sau 2 lần trì hoãn vì chưa tìm được gan phù hợp và sức khỏe bé không tốt, may mắn bệnh nhi đã được thực hiện phẫu thuật.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, các bác sĩ ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn và hiểu được nguyên lý của việc chia gan, tối ưu để có được mảnh ghép tốt nhất cho người bệnh.
BS Trần Công Duy Long nhận định: “Chia gan trong cơ thể thuận tiện hơn rất nhiều so với chia gan ngoài cơ thể vì nhận định được mạch máu, giải phẫu, kiểm soát cầm máu tốt hơn và rút ngắn thời gian đưa ra bên ngoài”.
Khi nhận gan từ người hiến chết não thường là nhận nguyên lá gan nên về phương diện chức năng gan cả một bộ máy rất lớn sẽ giúp người bệnh phục hồi và lọc ra chất độc nhanh hơn.
Bên cạnh đó, khi nhận tạng từ người chết não thì cấu trúc giải phẫu có thể rộng hơn, mạch máu lớn hơn, kỹ thuật mổ, sự chuẩn bị tốt hơn, từ đó dễ dàng ghép cho người nhận.
Ngoài ra, ghép gan từ người hiến chết não sẽ giúp tiết kiệm chi phí và phục hồi nhanh. Ghi nhận tỷ lệ tai biến, biến chứng ghép tạng từ người cho chết não sẽ thấp hơn từ người hiến sống.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình