Thưa GS-BS Ngọc Phượng, tại sao viêm lộ tuyến tử cung cứ bị tái phát hoài?
(AloBacsi) - Em đã đặt thuốc nhiều lần thì có đỡ nhưng cứ tái phát. Em có nên đốt điện hay áp lạnh không, thưa bác sĩ?
Em xin kính chào GS-BS Ngọc Phượng,
Em năm nay 28 tuổi, lấy chồng 2 năm nhưng chưa có con. Vùng kín của em không ngứa, không hôi nhưng mỗi khi gần chồng em hay bị đau. BS phụ khoa cho biết là em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Sau khi đặt thuốc thì có bớt cứ tái đi tái lại hoài.
Xin BS hướng dẫn em cách điều trị cho dứt hẳn để em có con. Em trân trọng cảm ơn BS!
Trúc Mai - trucmai...@yahoo.com.vn
Chào Trúc Mai,
Cổ tử cung (CTC) có 2 phần là CTC trong và CTC ngoài.
CTC trong là nơi tập trung các tuyến tiết ra chất nhầy loãng, trong và dai. Nếu nội tiết mạnh thì tuyến phát triển nhiều hơn, lan ra tới CTC ngoài. Khi đặt mỏ vịt vào, BS sẽ nhìn thấy các tuyến này, đó gọi là “lộ tuyến” (tuyến lộ ra ngoài).
Như vậy, lộ tuyến là do nội tiết tố, hoàn toàn bình thường. Chứ như tôi đây, già rồi, mãn kinh rồi, muốn kiếm lộ tuyến cũng không có nữa (cười). Nhưng mà nhiều tuyến quá, tiết ra chất nhầy nhiều quá, gây ẩm ướt làm cho chị em khó chịu.
Chị em có thể đặt thuốc, đốt lạnh, đốt điện cũng được nhưng sau đó chắc chắn nó sẽ tái lại, bởi vì nguyên nhân cơ bản là nội tiết tố thì vẫn còn. Tuy nhiên, nếu cứ đốt đi đốt lại thì tử cung sẽ có sẹo cứng, gây khó khăn cho việc sinh nở. Bởi vì khi mang thai và sinh con thì tử cung phải giãn nở ra.
Như vậy, lộ tuyến là bình thường và bản thân lộ tuyến không ảnh hưởng tới việc có con. Viêm lộ tuyến cũng không làm cho giao hợp đau mà là do âm đạo khô. Nhiều khi anh chồng thiếu tế nhị, không tạo được hưng phấn cho vợ nên người vợ chưa kịp tiết ra chất nhầy, âm đạo khô làm cho giao hợp đau.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Thưa BS Phượng,
Cháu bị dính buồng tử cung bán phần sau khi sinh con bị sót nhau. Xin hỏi, bệnh này có chữa được không và chữa như thế nào? Cháu cảm ơn BS rất nhiều ạ.
Thu Hien - thuhien_...@yahoo.com
Chào cháu,
Rất tiếc là dính buồng tử cung là một trong những nguyên nhân gây vô sinh mà cho tới nay tôi cũng chưa điều trị được. Bởi vì khi bị sót nhau, người ta phải nạo cả lớp dưới của nội mạc tử cung.
Nội mạc tử cung có 2 lớp: lớp dưới là lớp căn bản, lớp trên là lớp chức năng. Mỗi tháng khi mình có kinh, lớp bên dưới sẽ sản sinh ra lớp chức năng, làm cho bên trên dày lên.
Đến cuối chu kỳ kinh, khi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ giảm thì các mạch máu giữa 2 lớp này bị teo đi. Lớp ở trên (lớp chức năng) do không được nuôi nữa nên bị hoại tử và bong ra thì mình mới chảy máu, có kinh.
Khi nội mạc bong ra là bong toàn bộ, tức là mỗi tháng nội mạc tử cung thay mới 1 lần, cứ bong ra hết rồi lại phát triển trở lại nhờ lớp đáy (lớp cơ bản) bên dưới.
Sau khi sinh bị sót nhau thì phải tiến hành nạo, không chỉ nạo lớp ở trên mà nếu không cẩn thận sẽ làm tổn thương cả lớp đáy bên dưới. Buồng tử cung ở phía trước và phía sau rất gần nhau, khi không còn lớp đáy lẫn lớp trên làm đệm ở giữa thì hai bên sẽ dính vào nhau.
Và như vậy, cho dù mình tách nó ra thì cũng không còn lớp đáy để tạo thành lớp chức năng. Khi không còn lớp chức năng để nhau thai bám vào thì không thể nuôi thai được.
Đó là chưa kể đến vấn đề khi mình tách ra nó lại bị dính trở lại. Nếu dính 5-10% thì cũng còn hi vọng nhưng trường hợp của cháu bị dính đến 50% là quá nhiều, không thể điều trị để có thai được nữa.
Trong 42 năm làm nghề bác sĩ, tôi chưa thấy trường hợp nào bị dính buồng tử cung, sau khi tách ra mà có thai được. Phải nói thiệt tình như vậy để chị em biết, khi sinh con thì phải vào bệnh viện đàng hoàng, và cực kỳ tránh việc nạo phá thai.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Kính thưa bác sĩ,
Chào cháu Nga,
Em bé sinh ra theo cách này vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng vấn đề ở đây là không có BS nào đồng ý làm việc đó cho cháu đâu. Tiêm thuốc kích thích trứng phải đúng chỉ định, không phải ai muốn tiêm cũng được.
Bởi vì khi tiêm thuốc này, không chỉ kích thích 2-3 nang noãn để rồi rụng trứng, thành ra sinh đôi; mà có khi nó ra 20-30 nang noãn, tức là xảy ra quá kích, nhiều khi làm cho tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim, màng phổi và có thể chết được.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng vậy, kể cả thuốc bổ đều có 2 mặt: lợi ích và những tác dụng phụ không mong muốn. Khi cần thì mới sử dụng, đúng thời điểm và đúng liều lượng thì mới có lợi. Ngược lại thì sẽ phản tác dụng. Vì vậy, khi chỉ định dùng thuốc này cho bệnh nhân, BS phải hết sức thận trọng.
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Thưa bác sĩ,
Cháu năm nay 17 tuổi, cháu bị huyết trắng ra nhiều đã 6 năm rồi. Cháu từng uống thuốc nam mà không đỡ. Hiện kinh nguyệt của cháu tương đối đều. Trước chu kỳ, huyết trắng màu trắng trong như lòng trắng trứng, các ngày còn lại trong tháng (hầu như mỗi ngày) đều có huyết trắng màu trắng ngà hơi xanh không hôi, không gây ngứa rát... nhưng làm cháu cảm thấy lo lắng, khó chịu và mất tự tin.
Cháu hiện đang dùng nước rửa phụ khoa tinh dầu tràm trị nấm Candida nhưng huyết trắng vẫn còn nhiều , tình trạng không cải thiện. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu bị vậy là sinh lý hay bệnh lý? Và phải chữa trị như thế nào, ở đâu ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ!
Lê Vy - sammy...@...mail.com
Chào cháu Lê Vy,
Nhìn chung, các cháu ở độ tuổi dậy thì có nội tiết tố mạnh nên sẽ ra nhiều huyết trắng sinh lý. Có cháu ra nhiều, có cháu ra ít. Thường thì huyết trắng loãng và trong như lòng trắng trứng, ra nhiều vào ngày thứ 10 - 18,19 sau khi hành kinh.
Sau khoảng thời gian trên thì các tế bào của âm đạo bị bong ra làm cho huyết trắng đục lại, đôi khi có thêm vi trùng nên làm cho huyết trắng ngả màu.
Đối với các cháu chưa có gia đình thì sử dụng dung dịch vệ sinh như thế là đủ rồi. Mỗi lần đi tiêu - tiểu thì rửa sạch, lau khô chứ không cần đặt thuốc hay uống thuốc.
Còn chuyện huyết trắng nhiều là do nội tiết tố, cho thấy cơ thể cháu phát triển tốt, sau này có con cũng sẽ tốt.
Nhiều cháu có cả nấm nhưng nên nhớ điều này: bất kỳ người phụ nữ nào, từ nữ hoàng cho tới thường dân thì trong âm đạo cũng có khoảng 22 loại vi trùng và cả nấm chung sống hòa bình với nhau, không gây viêm. Nhưng có thể do cháu uống 1 loại kháng sinh mạnh, vô tình giết chết một số vi trùng trong âm đạo thì nấm sẽ phát triển mạnh lên, gây viêm nhiễm. Vì vậy, kháng sinh chỉ nên uống đúng liều thôi, dùng quá liều sẽ dẫn đến nhiễm nấm.
Ngoài ra, các cháu cũng nên lưu ý:
- Vệ sinh hàng này: sau mỗi lần tiêu tiểu thì nên rửa sạch lau khô thì tốt hơn chỉ lau bằng giấy. Khi chùi thì nên chùi từ trước ra sau vì nếu làm ngược lại, vô tình mình đưa phân dính qua âm đạo. Các bé gái thường không biết điều này.
- Vệ sinh khi hành kinh: nên thay băng vệ sinh thường xuyên vì máu là môi trường nuôi cấy vi trùng rất tốt. Khi cháu nghe mùi hôi tức là vi trùng đã phát triển rồi, rất dễ gây viêm.
- Quần lót: nên chọn loại bằng coton cho thoáng khí. Giặt xong thì nên phơi ngoài nắng để tia nắng giết chết vi khuẩn và nấm. Phụ nữ Việt Nam thường có tâm lý e ngại nên phơi quần lót thì giấu vào chỗ khuất, hoặc phơi bên trong những quần áo lớn, điều này hoàn toàn không nên.
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, từ ngày 15/6/2011, danh sách BS tư vấn Khám bệnh Online của AloBacsi có thêm hai chuyên gia tâm huyết. Đó là GS - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên giám đốc BV Từ Dũ sẽ "gỡ rối" cho chị em về bệnh phụ khoa. Và, TS.BS Lê Tuyết Hoa - 20 năm công tác tại BV Chợ Rẫy - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết sẽ giải đáp mọi thắc mắc về Nội Tiết - Tiểu đường. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn.
AloBacsi.vn |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình