Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: Người bệnh khớp du xuân ngày tết cần lưu ý gì?

Dịp tết là khoảng thời gian mọi người đi lại nhiều như: đi chúc tết, đi chùa, đi du lịch. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra những lưu ý giúp người bệnh xương khớp du xuân an toàn, vui khỏe.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra những lưu ý giúp người bệnh xương khớp du xuân an toàn, vui khỏe.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Tết là khoảng thời gian mọi người đi lại nhiều, ngay cả những người cao tuổi bị đau khớp cũng rất cố gắng đi chùa, nhà thờ trong dịp này. Xin BS cho biết việc đi lại nhiều có ảnh hưởng như thế nào với người bệnh xương khớp?

Theo các nghiên cứu đều cho kết quả như nhau rằng đi bộ được xem là một hình thức tập vật lý trị liệu và là một biện pháp điều trị không dùng thuốc rất có lợi cho gần như các bệnh nhân có bệnh lý nội khoa, đặc biệt là những người có bệnh lý về cơ xương khớp.

Tuy nhiên, cường độ, mức độ, tần suất, thời gian, cách thức đi bộ sẽ được hướng dẫn, thay đổi tùy theo tình trạng mỗi người. Nếu như đi bộ nhiều với cường độ quá nhanh, đi thời gian dài thì tác hại của chúng trên một số bệnh lý, đặc biệt là những bệnh có tổn thương ở chi dưới thì cũng giống như sử dụng quá mức hoặc như một chấn thương sẽ làm cho tình trạng tổn thương khớp tiến triển nặng hơn.

2. Ngày tết, bệnh viện và phòng mạch cũng tạm nghỉ (ngoại trừ khoa cấp cứu). Vậy toa thuốc kê cho người bệnh xương khớp trước khi nghỉ tết có khác biệt gì so với trong năm không ạ?

Đây là vấn đề mà các thầy thuốc cũng như bệnh nhân rất quan tâm trong các dịp nghỉ lễ dài ngày như Tết vì tất cả các cơ quan đều sẽ nghỉ từ 1 - 2 tuần và các bệnh lý khớp là những bệnh mạn tính, điều trị trong thời gian dài, liên tục mới giúp cho bệnh được ổn định. Vì vậy, thầy thuốc và bệnh nhân đều phải tính toán làm sao để tránh tình trạng bệnh nhân hết thuốc vào những ngày này, khiến việc điều trị bị gián đoạn, làm cho bệnh mất ổn định.

Ngoài ra, những bệnh trong cơ xương khớp khi điều trị trong giai đoạn chưa ổn định thì bác sĩ cần cân nhắc, nếu như có các đợt bùng phát thì cần có những thuốc dự phòng như thế nào, đặc biệt với những đối tượng chắc chắn sẽ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ để có thể khởi phát tình trạng bùng phát này, giả sử như chuẩn bị du xuân thì cần những phương pháp dự phòng để có thể bảo đảm mình có thể hưởng những ngày Tết trọn vẹn, không bị bệnh hành hạ do những sinh hoạt bất thường trong ngày Tết.

3. Có ý kiến cho là nên uống thuốc giảm đau “chặn trước” trước khi phải đi lại nhiều hay tập thể dục, vì đợi đến khi đau rồi mới uống thì không kịp. Theo BS điều này có đúng?

Trong thực tế, hiệu quả của thuốc giảm đau chỉ để cắt cơn đau và thường sẽ gắn liền với các tác dụng phụ trên gan, thận, dạ dày,...Khi chưa có cơn đau thì không nên dùng thuốc giảm đau để dự phòng mà chỉ khi có cơn đau rồi mới sử dụng.

Tuy nhiên, ở trên bệnh nhân cơ xương khớp sẽ có những tình huống chắc chắn sau đó, bệnh nhân sẽ có những khó khăn trong vận động do đặc điểm bệnh lý khớp của mình, chẳng hạn bị thoái hóa khớp gối mà phải ngồi trên những chuyến bay hoặc chuyến xe nhiều giờ đồng hồ, khiến bệnh nhân bị cứng khớp và di chuyển ra khỏi xe, máy bay sẽ rất khó khăn.

Những trường hợp này trước khi máy bay hạ cánh hoặc xe dừng, bệnh nhân nên dùng trước 1 viên thuốc kháng viêm không steroid từ 1-2 tiếng để có thể phòng ngừa tình trạng cứng, đau khớp khiến bệnh nhân bị hạn chế cử động.

4. Để chuẩn bị cho chuyến du xuân, ngoài việc mang theo thuốc BS kê, người bệnh xương khớp cần quan tâm những vấn đề gì nữa? Với những người phải đi máy bay đường dài hay phải ngồi xe lâu, họ cần lưu ý gì để đỡ bị đau khớp, thưa BS?

Trên bệnh nhân bị khớp, nếu như bị bất động một thời gian thì sẽ có tình trạng cứng khớp và sau đó sẽ rất khó để cử động lại. Như vậy, trước khi đi du xuân, mọi người nên có kế hoạch cụ thể và đặt chỗ trước, chẳng hạn như trên máy bay bệnh nhân sẽ chọn những vị trí ngồi ở hàng ghế gần đường đi, hàng ghế thoát hiểm, ngoài ra khi di chuyển bằng xe ô tô nên chọn những vị trí nào ngồi tương đối thoải mái để có thể co/ duỗi các khớp chân khoảng 30 - 45 phút nhằm ngăn ngừa tình trạng cứng khớp do bất động quá lâu.

Với những bệnh nhân bị đau khớp, du xuân cũng là một trong những vấn đề khiến bệnh nhân lo lắng và suy nghĩ rất nhiều. Như vậy, để tránh tình trạng khi đến địa điểm vui chơi nhưng do bệnh lý đau khớp khiến bệnh nhân không tham gia được vào cuộc đi chơi thì cần có kế hoạch cụ thể.

Chẳng hạn bệnh nhân nên chọn 1 đôi giày phù hợp, bảo đảm mềm và thích hợp với bàn chân, không sử dụng những đôi giày đế cao, bó chặt, thậm chí giày mới cũng khiến chúng ta bị đau chân, gây khó khăn cho việc di chuyển của người bệnh xương khớp.

Bên cạnh giày, trang phục cũng rất quan trọng. Trang phục phải gọn gàng, thoải mái, vì nếu chọn trang phục cầu kỳ sẽ khiến bệnh nhân dễ bị vấp, di chuyển không thoải mái dẫn đến té ngã, hay trang phục bó sát khiến máu không lưu thông được cũng không tốt cho bệnh nhân.

Hành lý cũng phải gọn nhẹ và nên cho bệnh nhân sử dụng những vali có bánh xe kéo để tránh dùng lực nhiều. Đồng thời, nên nghiên cứu những nơi bệnh nhân sắp đến sẽ như thế nào, nên đi du lịch đến những địa điểm nào mà có thể gây khó khăn chẳng hạn như địa hình hiểm trở hoặc phải đi bộ, leo địa hình quá nhiều thì phải hạn chế.

Ngay cả nơi ở cũng phải chọn lựa, ở nơi mặt bằng phẳng. Nếu như ở chỗ cao phải lựa nơi có thang máy, phòng ở vị trí nào có thể đi ra xe hoặc đi lại tiện lợi, tránh phải đi những quãng đường xa.

5. Bạn đọc AloBacsi nhờ tư vấn trường hợp người già đi du lịch, xuất hiện những vết bầm ở chân, cần phải xử trí như thế nào ạ?

Nếu ngồi quá lâu, bên cạnh tình trạng cứng khớp thì sẽ có tình trạng ngồi sẽ làm hạn chế sự lưu thông tuần hoàn, máu nuôi ở chi cũng như các khớp. Sự hạn chế này trên một số cơ địa đặc biệt có bệnh lý về hệ tĩnh mạch chi dưới sẽ làm xuất hiện phù ở chi dưới rất hay gặp ở những người lớn tuổi.

Như vậy, trong những cơ chế trên, chúng ta thấy chưa có cơ chế nào có thể gây nên hiện tượng bầm vì hiện tượng bầm lại của những va chạm, sang chấn, làm vỡ mạch máu ở dưới da, xuất huyết ra thành mạch. Như vậy, nếu bệnh nhân có hiện tượng bầm, người nhà nên để ý có thể đó là những va chạm khi di chuyển hoặc ngồi trên xe.

Để phòng ngừa, nên cẩn thận không gây ra những va chạm mạnh. Hoặc khi xuất hiện những vết bầm rồi thì xử trí tốt nhất là ngay lập tức, dùng đá (túi đá, túi lạnh…) để chườm vào vị trí xuất hiện vết bầm, hạn chế tình trạng chảy máu liên tục sẽ làm vết bầm lan rộng hơn.

Chườm lạnh để sơ cứu vết bầm chân bằng dụng cụ có sẵn trên đường đi

6. Nhờ BS hướng dẫn cách giúp cải thiện tình trạng đau, mỏi sau một ngày đi lại rất nhiều?

Trong dịp Tết, đa phần chúng ta phải di chuyển nhiều hơn như đi chúc tết, du xuân, thăm người thân,... thì sau 1 ngày phải đi quá nhiều sẽ có tình trạng căng cơ, mỏi cơ, đặc biệt là ở bắp chân, chi dưới. Vì vậy, trong những trường hợp này, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, gác chân cao lên, mát xa ở vùng bắp chân bị cứng mỏi, có thể chườm đá hoặc chườm nóng sẽ mang lại cảm giác thoải mái cho bệnh nhân mà còn giảm tình trạng căng, mỏi cơ nhanh.

Với những biện pháp như trên, nếu phải đi nhiều dẫn đến tình trạng căng mỏi cơ quá nặng thì có thể dùng thêm những viên giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc các thuốc kháng viêm không steroid.

7. Dịp tết phải đi lại nhiều như vậy thì người bệnh xương khớp có cần duy trì tập thể dục không ạ?

Để tăng độ bền của các bắp cơ và tăng độ linh hoạt của xương khớp thì chúng ta cần những bài tập toàn thân, vừa cải thiện cơ-xương-khớp, vừa bảo đảm sự lưu thông máu tới tất cả các cơ quan. Như vậy, việc đi lại nhiều sẽ gây ra tình trạng quá tải chi dưới, còn các lợi ích của vận động, tập thể dục, tập vật lý trị liệu, vận động toàn thân thì không có.

Nếu bệnh nhân bị đau khớp muốn đi lại nhiều vào dịp Tết thì cần phải có các biện pháp để dưỡng cho cơ bắp chân mà không được ngưng các bài tập toàn thân hằng ngày.

8. BS có lời khuyên dành cho người bệnh xương khớp để họ có những chuyến du xuân vui khỏe?

Nếu như chúng ta có kế hoạch cụ thể như nghiên cứu lộ trình sẽ đi, nơi ở, chuẩn bị những dụng cụ phục vụ cho bản thân, thuốc uống hằng ngày cho bệnh lý mãn tính cũng như thuốc dự phòng cho những trường hợp có cơn đau kịch phát đặc biệt cho những tình huống sử dụng thuốc quá nhiều, hay những dụng cụ hỗ trợ như nẹp gối cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối, nẹp lưng cho những người có tình trạng đau lưng mạn tính.

Với những biện pháp này, bệnh nhân có thể du xuân thoải mái, đón một cái tết đầy đủ, ý nghĩa mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh lý xương khớp của bản thân.

Chân thành cảm ơn ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể giúp người bệnh xương khớp có chuyến du xuân vui khỏe!

Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X