Hotline 24/7
08983-08983

Cẩn trọng với biến chứng nhiễm trùng máu của bệnh chốc ở trẻ nhỏ

Chốc lở là 1 bệnh da liễu rất thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện là những vết loét đỏ trên mặt, quanh miệng, mũi, trên tay và chân. BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh chốc lở cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo; trường hợp ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

1. Trẻ vệ sinh kém dễ bị chốc hơn

Xin BS giải thích rõ hơn, chốc là bệnh lý như thế nào?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Chốc là bệnh lý nhiễm trùng, nguyên nhân thường do nhóm tụ cầu và nhóm liên cầu.

Bệnh gây ra những vết lở loét trên da và đây là một nhóm bệnh lây nhiễm.

 BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Mức độ phổ biến của căn bệnh này đối với trẻ nhỏ như thế nào, thưa BS? Trẻ ở độ tuổi nào dễ mắc bệnh chốc nhất?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Đây là căn bệnh xuất hiện trên toàn thế giới và phân bố ở nhiều lứa tuổi nhưng thường nhất là trẻ nhỏ. Những trẻ vệ sinh kém sẽ dễ bị tình trạng chốc.

2. Nguyên nhân gây bệnh chốc lở

Xin BS cho biết, những nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này? Thời tiết nắng nóng như ở nước ta có phải là yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh chốc?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Khí hậu nóng ẩm, vệ sinh kém, trẻ thường xuyên tiếp xúc với đất cát bẩn, hay cào gãi sẽ dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng chốc lở.

3. Dấu hiệu bệnh chốc ngoài da

Trẻ bị chốc sẽ có những dấu hiệu gì? Những đặc điểm của căn bệnh này ra sao, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Thời điểm khởi phát, trên người trẻ bắt đầu xuất hiện những nốt sẩn, mảng hồng ban, từ đó hình thành mụn nước. Sau đó, mụn nước lở ra và chảy dịch vàng, đóng mài.

4. Cách phân biệt chàm và chốc

Thưa BS, làm thế nào để phân biệt bệnh chốc và bệnh chàm?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Bác sĩ sẽ có biện pháp phân biệt bệnh chốc và bệnh chàm. Một số kinh nghiệm để phụ huynh phân biệt 2 bệnh này như sau: Chàm là một dạng viêm da cơ địa khởi phát khi trẻ còn nhỏ. Vết chàm thường xuất hiện ở vùng mặt, phần mặt duỗi của trẻ và ở những vùng nếp gấp của người lớn.

Đặc điểm của chàm là những vết sẩn, hồng ban sau đó hình thành mụn nước và chảy dịch. Từ đó có mảng da khô và lớp hằn cổ trâu.

Chốc là bệnh lý có thể mắc ở mọi lứa tuổi và bất cứ lúc nào. Đặc điểm của chốc là chảy dịch vàng và đóng mài vàng.

5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh chốc?

Chỉ khám lâm sàng liệu có thể nhận biết bệnh chốc không, thưa BS? Những cận lâm sàng nào cần thiết để chẩn đoán bệnh chốc?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Những trường hợp bị chốc nhẹ chỉ cần khám lâm sàng là đủ. Những trường hợp nặng, có biến chứng cần làm thêm một số xét nghiệm như soi cấy dịch để tìm nguyên nhân nhiễm trùng, tầm soát biến chứng (viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng huyết...).

6. Dùng kháng sinh đủ liều khi điều trị chốc

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị bệnh chốc và trường hợp nào trẻ sẽ được dùng kháng sinh, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Như đã chia sẻ, chốc là một bệnh nhiễm trùng nên sử dụng kháng sinh là điều bắt buộc để điều trị. Chúng ta có thể sử dụng kháng sinh đường uống hoặc đường bôi.

Các trường hợp chốc nhẹ (dưới 5 thương tổn da) có thể dùng những loại kháng sinh đường bôi. Trẻ có từ 5 thương tổn da trở lên, loét lở sâu hoặc chốc xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể phải dùng kháng sinh đường uống.

Khi cho trẻ sử dụng kháng sinh đường uống, phụ huynh cần lưu ý rằng trẻ phải uống đủ liều (7 - 10 ngày). Một số phụ huynh tự ý ngưng kháng sinh khi thấy các vết chốc có vẻ như đã lành. Hành động này chẳng những khiến vết chốc không nhanh khỏi mà còn biến chứng và trẻ bị kháng thuốc.

7. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh chốc

Bệnh chốc có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Biến chứng nguy hiểm nhất của chốc là nhiễm trùng huyết và hội chứng 4S (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome - Hội chứng tróc vảy do tụ cầu).

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từng tiếp nhận một trường hợp trẻ ban đầu chỉ bị tróc da nhưng người nhà không đưa đến bác sĩ mà tự ý đắp lá tại nhà. Một vài ngày sau, các vết lở loét lan ra toàn thân, trẻ rơi vào tình trạng sốt, lạnh run, nhập viện khi đã bị nhiễm trùng máu và phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.

8. Hạn chế thức ăn nóng, chua, cay, ngọt khi trẻ bị chốc

Ngoài tuân theo phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra, phụ huynh nên lưu ý những vấn đề gì khi có con trẻ bị chốc? Những thực phẩm nào nên tăng cường hoặc hạn chế, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Chốc ở trẻ em thường nổi ở mũi, miệng, tay, chân. Chốc ở miệng đặc biệt gây đau, rát, khó chịu, do đó trẻ sẽ biếng ăn hơn bình thường.

Cần tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn nóng, chua, cay để không làm vết lở loét nặng thêm cũng như gây đau đớn cho trẻ. Hạn chế những loại thực phẩm giàu chất béo, quá ngọt. Đường ngọt là một trong những chất khiến vi trùng tăng sinh, phát triển.

Ưu tiên các loại thực phẩm mát, mềm, dễ tiêu để trẻ dễ hấp thu. Nên tăng cường các loại rau xanh để cung cấp thêm vitamin. Đặc biệt cần bổ sung thêm kẽm để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giảm tình trạng viêm.

9. Cách vệ sinh cho trẻ bị bệnh chốc

Việc tắm rửa, vệ sinh da cho trẻ có những điều gì cần lưu ý, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Khi bị chốc, trẻ sẽ có cảm giác ngứa ngáy, đôi khi khó chịu. Phụ huynh có thể dùng các thuốc bôi có thành phần kháng sinh để giúp tổn thương mau lành.

Nên chọn các loại sản phẩm vệ sinh có độ pH trung tính, hạn chế hương liệu để không gây kích ứng da. Lựa chọn quần áo làm từ chất liệu mềm, thoáng mát sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn.

Cần nhấn mạnh rằng chốc có thể lây, vì thế tốt nhất nên cho trẻ nghỉ học.

10. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ bị chốc

Cần làm gì để hạn chế lây lan khi trong gia đình có trẻ bị bệnh chốc, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Đầu tiên, nên cắt ngắn móng tay và móng chân của trẻ để tránh việc trẻ gãi vết chốc sau đó chạm vào những người thân trong gia đình.

Sau khi chăm sóc trẻ, phụ huynh phải rửa tay bằng xà phòng để diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó, còn phải vệ sinh, quét, lau nhà cửa thường xuyên và tẩy rửa những đồ chơi hoặc đồ vật mà trẻ thường tiếp xúc.

11. Bệnh chốc kéo dài khoảng 7 - 10 ngày

Thời gian từ khi trẻ mắc bệnh đến khi khỏi hẳn sẽ mất khoảng bao lâu? Đến giai đoạn nào bệnh sẽ không lây sang người khác?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Chốc thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày hoặc 14 ngày. Khi sang thương đã đóng mài thì bệnh cũng giảm nguy cơ lây.

12. Phòng bệnh chốc không khó

Xin hỏi BS, cần phải làm gì để phòng ngừa căn bệnh này?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Trẻ nhỏ là nhóm dễ mắc bệnh chốc nhất vì sức đề kháng yếu. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng được bằng cách hạn chế cho trẻ chơi đất, cát bẩn; vệ sinh nhà cửa thường xuyên; giữ móng tay, móng chân trẻ sạch sẽ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X