Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan tư vấn "Tránh lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh cơ xương khớp"

14g chiều 10/8, bạn đọc AloBacsi có dịp gặp lại ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan tại buổi tư vấn trực tiếp với chủ đề "Tránh lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh cơ xương khớp".

Đồng hành cùng Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.com từ tháng 3/2016, đây là lần thứ 2 ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan tham gia tư vấn trực tiếp với bạn đọc để giải đáp các câu hỏi về các bệnh lý nội khoa thuộc cơ xương khớp.

Hẳn bạn đọc AloBacsi còn nhớ buổi tư vấn vào buổi tối muộn của BS Thục Lan - nữ BS có nụ cười tươi tắn và giọng nói dịu dàng vào cuối tháng 3: ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan trả lời bạn đọc AloBacsi về bệnh xương khớp. Lần trở lại này, BS Hồ Phạm Thục Lan sẽ tiếp tục giải đáp những câu hỏi của bạn đọc về các bệnh lý về các chứng bệnh xương khớp, loãng xương, thuốc giảm đau khi bị đau nhức xương khớp…

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp - BV Nhân dân 115 (TPHCM), Phó CN Bộ môn Nội trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, được biết đến với công trình giải mã gene người Việt để chữa loãng xương.

Buổi tư vấn trực tuyến của BS Thục Lan diễn ra vào 14g chiều thứ tư (10/8).

Bạn đọc thắc mắc về các bệnh lý nội khoa thuộc cơ xương khớp có thể gửi câu hỏi ngay hôm nay để được ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan tư vấn. Cũng trong khung giờ trên, bạn đọc có thể gọi vào hotline 08983 08983 để gặp trực tiếp BS Thục Lan.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP

Bạn đọc Trần Thị Đào - 35 tuổi, TPHCM

Chào BS Thục Lan,
 
Tôi đọc trên mạng thấy nói nhiều về tác hại khi lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhưng tôi phân vân là làm sao để nhận diện được thuốc đó có chứa corticoid để biết mà tránh không lạm dụng.
 
Mình cần phải nhìn thành phần của thuốc hay sao ạ?
 
BS có thể kể tên giúp tôi một số loại thuốc thông dụng có chứa corticoid mà bệnh nhân phải tránh được không ạ? Xin chân thành cảm ơn BS đã giải đáp thắc mắc của tôi.
 
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Đào,

Rất cảm ơn câu hỏi của bạn vì đây là 1 vấn nạn xã hội mà tới bây giờ các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Làm thế nào để nhận diện được thuốc đó có chứa corticoid để biết mà tránh không lạm dụng hiện nay có lưu hành 2 dòng thuốc: 1 dòng là được cơ quan y tế quản lý và 1 dòng thuốc tự truyền tay trong cộng đồng.

Dòng thuốc được cơ quan y tế quản lý luôn luôn có ghi thành phần biệt dược ở tờ giấy hướng dẫn hoặc vỏ thuốc, hộp thuốc. Nếu thấy các tên sau: cortisol, prednisone, prednisolone, methylprednisolone, dexamethasone là những dẫn xuất thông thường của corticoid thì các sản phẩm trên có chứa corticoid như Soluprednisone, Medrol, Menison, Solumedrol.

Ngoài ra, các dạng thuốc thoa ngoài da (Diprosone), thuốc nhỏ mắt (Dexacol), thuốc xịt mũi (Nasonex, Flosinase), xịt họng (Seretide, Symbicort, Pulmicort) cũng có thể chứa corticoid như: Betamethasone, fluticasone, budesonide…

Tuy nhiên các dạng thuốc truyền tay nằm ngoài quản lý của hệ thống y tế như: thuốc Bắc, thuốc Tàu, thuốc nam, thuốc gia truyền… gần như luôn luôn có chứa dexamethasone và do không có bản hướng dẫn, không có công thức biệt dược nên bệnh nhân không biết được là đang sử dụng sản phẩm có chứa dexamethasone. Do đó, để tránh tình trạng sử dụng sản phẩm có chứa corticoid mà không biết tốt nhất không nên sử dụng các thuốc truyền tay không rõ nguồn gốc.


Bạn đọc Thu Phương - phuonghel124...@gmail.com 

Chào AloBacsi,

Nhờ BS giải đáp giúp em thắc mắc sau ạ. Mẹ em bị đau khớp hơn 5 năm nay. Trước có đi khám BS và uống thuốc theo đơn, sau đó gia đình không đủ điều kiện nên mẹ em ngừng thuốc.

Khoảng hơn 1 năm gần đây, mẹ em bị đau nhiều hơn, thấy nhiều người mách dùng Prednisolone giúp giảm đau khớp nên mẹ em có mua về sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nguời khác lại bảo loại thuốc này có chứa corticoid, nếu dùng nhiều có thể gây nghiện không thể cai được. Điều này có đúng không ạ? Mẹ em có nên tiếp tục sử dụng thuốc này không thưa BS?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Thu Phương,

Theo như thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn bị đau khớp 5 năm nhưng chưa rõ là bệnh lý khớp gì, chính xác nhất mẹ bạn cần phải đi khám để được chẩn đoán xác định và sử dụng thuốc phù hợp . Còn về vấn đề sử dụng corticoid dù viêm hay không viêm thì corticoid cũng không thể sử dụng đơn độc để giảm đau kháng viêm được do thuốc có rất nhiều tác dụng phụ như: suy tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa đường mỡ, giảm đề kháng cơ thể… Ngoài ra, chỉ sử dụng corticoid khi có chỉ định và sự theo dõi của BS, không nên tự ý dùng thuốc.

Về vấn đề gây nghiện của corticoid thì bản chất corticoid không phải là thuốc phiện hoặc dẫn xuất của thuốc phiện nên dùng từ gây nghiện thì không chính xác, tuy nhiên sau khi sử dụng thuốc 1 thời gian mà không có sự theo dõi của BS thì dễ dẫn đến tình trạng ức chế trục hạ đồi tuyến yên thượng thận, cơ thể sẽ thiếu cortisone để hoạt động, nếu không dùng thuốc bệnh nhân sẽ rất mệt mỏi, không hoạt động được, chỉ cần uống lại liều cũ là bệnh nhân lại thấy khỏe hẳn lên, hết đau nhức, triệu chứng này y như của người bị nghiện xì ke. Do đó, quan niệm thông thường cho là khi sử dụng thuốc sẽ gây nghiện.


Bạn đọc Trịnh Văn Bình - 31 tuổi, TPHCM

Chào BS, tôi có một ông bác, đợt về quê vừa rồi nghe bác bảo bị đau khớp, thế là bà hàng xóm bảo ra hiệu thuốc mua liều đề-xa về uống là khỏi liền. Bác tôi liền nghe theo, uống vài hôm bệnh giảm đau hẳn nhưng được mấy hôm thấy người có cảm giác nặng, tay chân giống như phù, bụng thì cồn cào, đi ngoài phân đen. Sau đó, bác đành ngưng thuốc nhưng khổ nỗi đau khớp lại tiếp tục hoành hành.
 
Đang băn khoăn chưa biết làm thế nào thì thấy trên AloBacsi có giao lưu với BS Lan nên tôi muốn hỏi là thuốc đề-xa có tác dụng như thế nào, nó có tác dụng phụ không và có nguy hiểm không? Xin cảm ơn!
 
ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Bình,

Thuốc có đề xa tức là viên dexamethasone là dẫn xuất của corticoid, thuốc uống vào có nhiều tác dụng phụ trong đó có tác dụng phụ giữ muối, giữ nước, gây ảnh hưởng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa khi đó người bệnh sẽ có triệu chứng như anh mô tả tay chân giống như phù, bụng thì cồn cào, đi ngoài phân đen.

Do thuốc có tác dụng kháng viêm mạnh nên anh dùng vào thì triệu chứng đau giảm liền nhưng thuốc dexamethasone chỉ giảm triệu chứng chứ không giảm bệnh gốc vì vậy khi anh ngưng thuốc thì triệu chứng sẽ tái phát lại ngay.

Do đó tốt nhất anh phải đi khám lại 1 cơ quan y tế chuyên về cơ xương khớp để được khám, chẩn đoán, điều trị bệnh chứng thay vì tự động uống các thuốc không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm.

Bạn đọc Phạm Thị Phương Thảo - Đắk Nông


BS ơi, em gái tôi bị mụn khá nhiều, gần đây có sử dụng Cortibion để bôi lên vết mụn thấy đỡ hẳn. Tuy nhiên, tôi nghe mấy chị đồng nghiệp bảo thuốc này độc lắm vì có chứa corticoid, họ còn đưa tôi đọc mấy bài về tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều loại thuốc này. Tôi lo lắm, nói em tôi không chịu nghe vì nó bảo bạn nó sử dụng hết mụn, hết vết thâm.

Xin hỏi nếu cứ tiếp tục dùng thuốc này thì tình trạng da sẽ càng mỏng đi hay sao ạ, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ung thư da không thưa BS?


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Dẫn xuất của corticoid có tính kháng viêm rất mạnh vì vậy nó có thể giảm triệu chứng của tất cả các bệnh, kể cả bệnh ngoài da. Do đó khi sử dụng thời gian ngắn tình trạng mụn sẽ cải thiện nhưng nếu lạm dụng thì corticoid sẽ đưa đến tình trạng teo da, sạm da và tăng sinh tuyến bã nhờn làm cho mụn nhiều hơn.


Bạn đọc Trương Minh Phương Thảo - 38 tuổi, Bạc Liêu

BS ơi, mấy ngày nay do đi ngoài đường không đeo kính nên mắt tôi đỏ hết cả. Sau đó, tôi có ra hiệu thuốc mua 1 chai thuốc nhỏ mắt Polydexa. Một thời gian dài trước đây tôi đã sử dụng loại thuốc nhỏ mắt này rồi. Tôi thì thấy loại này rẻ tiền quá cũng e ngại lắm nhưng khi nhỏ vào thì rất mát mắt, lại có cảm giác là bụi bẩn đã đi ra ngoài nên rất thích sử dụng.

Xin hỏi BS tôi có nên sử dụng thuốc Polydexa thường xuyên được không? Tôi đọc báo thì thấy đây là thuốc có chứa corticoid gây mù mắt? Tôi đã sử dụng thời gian dài vậy thì có nguy cơ mù lòa không ạ? Xin cảm ơn BS.

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Thảo,

Bạn cần cẩn thận khi sử dụng Polydexa vì trong loại thuốc nhỏ mắt này có chứa dexamethasone là dẫn xuất của corticoid khi sử dụng kéo dài có thể đưa đến biến chứng ở mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Ngoài ra nếu bạn có tổn thương giác mạc thì rất nguy hiểm khi nhỏ dexamethasone. Nếu chỉ có phản ứng do đi dường không đeo kính tốt nhất bạn chỉ nên dùng nước mắt nhân tạo. Trong trường hợp có bệnh lý ở mắt phải đi khám ở BV và sử dụng thuốc theo chỉ định của BS.

Bạn đọc Kim Dung - TPHCM

BS ơi, cho tôi hỏi vôi hóa cột sống là gì? Tôi đã đau lưng gần 4 năm nay. Đi khám BS bảo tôi bị vôi hóa cột sống (L3, L4, L5). Hiện nay tôi có tập luyện đi bộ và bơi nhưng bệnh không thấy thuyên giảm.

Xin hỏi bệnh này chữa trị thế nào và có thể hết hẳn được không? Xin cảm ơn!


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Kim Dung,

Xin lỗi chị Kim Dung, có lẽ từ vôi cột sống là chị muốn ám chỉ đến gai cột sống là hình ảnh của bệnh lý thoái hóa cột sống rất thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh gây đau khi có tổn thương của đĩa đệm hoặc ống sống dẫn đến chèn ép rễ hoặc tủy. Đây là 1 bệnh lý tiến triển theo thời gian do đó các biện pháp tập luyện như đi bộ, bơi, vật lý trị liệu rất cần thiết để làm chậm tiến triển của bệnh nhưng cho tới hiện nay vẫn chưa có biện pháp để điều trị dứt hẳn bệnh.



Bạn đọc Nguyễn Thị Hằng - hangurri…@gmail.com

Mẹ tôi bị loãng xương nhưng cũng có bị đau bao tử. Tôi nghe nói là uống thuốc loãng xương thường có tác dụng phụ cho bao tử. Vậy mẹ tôi phải điều trị, dùng thuốc như thế nào trong trường hợp này ạ. Có loại thuốc nào ít tác dụng phụ cho đường tiêu hóa không thưa BS?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Hằng,

Thuốc điều trị loãng xương hiện nay ở Việt Nam có 2 nhóm chính: uống và truyền tĩnh mạch. Trong đó, thuốc uống thường gặp nhất là nhóm Bisphotphonate (Aledronate, Ibandronate, Risedronate) phải sử dụng khi đói có thể gây kích thích đường tiêu hóa cũng như gây viêm thực quản trào ngược. Do đó, nếu như mẹ bạn bị loãng xương và có đau bao tử thì có thể sử dụng loại thuốc truyền tĩnh mạch là Zoledronate (Aclasta) một năm một lần để hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Bạn đọc Berry - beberry…@gmail.com

Chào BS,

Mẹ con năm nay 52 tuổi. 1 năm trước mẹ con bị ngã xe xẹp đốt sống L1 và đã được phẫu thuật. Hiện tại, mẹ con rất hay đau thắt lưng hai bên, đi chụp X-Quang thì kết luận bị thoái hóa cột sống thắt lưng, có loãng xương L4. Mẹ con mỗi lần ngồi ăn cơm hay may (mẹ con là thợ may) đều rất đau.

Xin hỏi BS mẹ con có thể uống loại thuốc nào cho bớt đau, mẹ con đã uống thuốc loãng xương, uống sữa có canxi và một số thuốc trị cột sống như: celecoxib 100mg; ryzonal 50mg; magnesi-B6; nhỏ mũi miacalcic nasal 200, viên canxi 1 tuần uống 1 viên, uống thuốc 1 tháng vẫn không có kết quả.

Sau đó mẹ con chuyển sang điều trị BS tư và được cho thuốc: prindax 10; medrol 4, protelos 2g; gabahasan; synoxiB 60, điều trị được 3 tháng, nhưng vẫn đau tuy đau ít hơn trước.

Nhà con ở Vũng Tàu, xin hỏi BS mẹ con có tắm biển buổi sáng được không ạ? Như vậy có ích gì cho việc điều trị không ạ? Xin cảm ơn BS!


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Berry,

Do câu hỏi của bạn có nhiều vấn đề nên xin được trả lời từng phần:

-Trước tiên về chẩn đoán bệnh nếu chỉ té xe mà bị xẹp đốt sống tức là mẹ bạn bị loãng xương nặng có biến chứng gãy xương cần phải được điều trị loãng xương ngay bao gồm thuốc chống loãng xương kèm bổ sung canxi vitamin D và vật lý trị liệu để phòng ngừa gãy xương mới.

-Tình trạng đau lưng rất nhiều có thể do vừa thoái hóa cột sống vừa loãng xương xẹp đốt sống thuốc giảm đau phù hợp nhất có thể dùng được: liều thấp của kháng viêm không corticoid, paracetamol, thuốc giảm đau thần kinh và phải theo chỉ định của BS.

Riêng thuốc medrol là chống chi định vì đây là dẫn xuất của corticoid dùng kéo dài sẽ làm nặng thêm tình trạng gãy xương do loãng xương. Và thuốc miacalcic nasal nhỏ mũi hiện nay đã bị rút khỏi thị trường không còn được chỉ định cho điều trị loãng xương.

- Đi tắm biển vào buổi sáng rất tốt cho bệnh lý của mẹ bạn.


Bạn đọc Đặng Thị Quới - Bình Phước

Anh trai tôi năm nay gần 56 tuổi, đi đo loãng xương ở siêu thị được biết mật độ xương thấp. Vậy xin hỏi, anh tôi phải dùng thuốc gì để điều trị loãng xương? Xin cảm ơn BS!


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Đo loãng xương bằng máy siêu âm ở siêu thị không được dùng để chẩn đoán loãng xương vì vậy muốn biết được tình trạng sức khỏe xương của anh bạn cần phải đến 1 trung tâm cơ xương khớp để được đo mật độ xương bằng phương pháp DXA tại vị trí cột sống hoặc cổ xương đùi. Nếu thật sự loãng xương với phương pháp DXA, anh của bạn mới cần phải điều trị.

Bạn đọc Nguyễn Thị Việt Trang - TPHCM


Xin hỏi BS, tôi có thể đến BV nào để đo mật độ loãng xương, chi phí như thế nào ạ? Nếu có bị loãng xương thì chi phí để điều trị có cao không BS, Bảo hiểm Y tế có chi trả cho các thuốc này không ạ? Xin cảm ơn BS!

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Bạn có thể đến BV Nhân dân 115 để có thể đo loãng xương tại 2 vị trí trí cột sống và cổ xương đùi với giá 250.000 đồng. BHYT có chi trả cho điều trị loãng xương bằng thuốc hoặc truyền tĩnh mạch.

Bạn có thể đến khoa cơ xương khớp của BV Nhân dân 115 gặp tôi để được tư vấn cụ thể hơn.

Bạn đọc Thu Thảo - Huynhthuthao…@gmail.com

Chào BS,

Năm nay con 24 tuổi, công việc của con thường xuyên phải ngồi, có khi một ngày ngồi đến 11 - 12 tiếng. Mỗi lần con đi nhiều hoặc có việc ra ngoài phải đứng là y như rằng đêm đó chân con bị nhức mỏi, đau nhức lan xuống cả gót chân. Mỗi lần như vậy, con bóp dầu khoảng 20 phút thì đỡ dần ạ. Con bị như vậy 6-7 năm nay rồi, cũng đã đi khám nhiều nơi nhưng uống thuốc đều không bớt.

Xin hỏi mỗi lần con đau có thể uống thuốc giảm đau không ạ? Con có bị đau bao tử nữa ạ. Xin cảm ơn BS!


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn Thu Thảo,

Triệu chứng đau nhức của em chủ yếu là do kém vận động, như vậy phải dành mỗi ngày từ 30'-60' để tập thể dục. Đồng thời khi làm việc ngồi khoảng 30'-60' em phải đứng dậy đi tới đi lui 1 chút rồi quay lại công việc. Chỉ cần vận động đều đặn như vậy thì triệu chứng sẽ hết, không cần uống thuốc.

Bạn đọc Đức Tuấn - tuanttrl…@gmail.com

Cháu năm nay 28 tuổi, hơn 1 tuần nay thỉnh thoảng tay phải của cháu có cảm giác mỏi, có lúc đưa tay lên xuống thì thấy nhói đau khủy tay và nghe thấy tiếng kêu như trật khớp. Cháu có đi kiểm tra 1 phòng khám đa khoa xét nghiệm máu cho chỉ số CRP dương tính và BS kết luận bị viêm khớp dạng thấp.

Cháu muốn hỏi là dựa vào chỉ số xét nghiệm CRP này có thể kết luận được cháu mắc bệnh đó không ạ? Nếu không được thì giờ cháu nên đến BV nào và cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh ạ. Xin cảm ơn!


ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Đức Tuấn thân mến,  không thể nào chẩn đoán viêm khớp dạng thấp chỉ bằng xét nghiệm CRP.  Bạn cần đến cở sở y tế có khoa cơ xương khớp để khám nhé.

Bạn đọc Hoài Thịnh - An Giang

Cháu 27 tuổi, bị đau lưng bên phải hơn 2 tháng nay. Lâu lâu chỗ đau còn có cảm giác tê rần nhưng thay đổi tư thế thì hết. Hơn 1 tuần nay cháu có cảm giác đau trong xương chậu, cháu bôi kem có glucosamine thì thấy đỡ đau nhưng ngưng bôi thì lại đau tiếp.
Trước đó cháu có bị đau lưng do mang vác quá nặng (nhà cháu trồng lúa nên phải vác nhiều), không đứng ngồi bình thường được.
Với triệu chứng như vậy thì cháu bị bệnh gì và nên chữa trị thế nào ạ? Xin cảm ơn BS!

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Do trong thư em chỉ kể triệu chứng, chưa có khám thực thể cũng như chưa có làm xét ngiệm nên chưa thể nói chính xác em bị bệnh lý gì. Tuy nhiên qua triệu chứng em mô tả em bị tình trạng đau lưng mãn theo dõi do thoát vị đĩa đệm. Để có chẩn đoán xác định em nên đến một trung tâm y tế có khoa cơ xương khớp để khám và điều trị.



Bạn đọc Cấn Thị Tư - 32 tuổi, TPHCM

Chào BS, tôi thấy giờ có quảng cáo sữa ngăn ngừa loãng xương nhưng nhiều loại quá không biết đâu mà lần. Có loại mắc, loại rẻ, có người thì bảo dùng hàng nhập sẽ tốt hơn.

Xin hỏi BS có phải sữa càng đắt tiền thì khả năng ngăn ngừa loãng xương càng cao phải không ạ? Tôi năm nay 32 tuổi, ở độ tuổi này có thể uống sữa ngăn ngừa loãng xương được chưa ạ? Và có bài tập nào tốt, có thể tập hàng ngày để ngăn ngừa loãng xương không thưa BS?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào chị,

Sữa chỉ là 1 loại thực phẩm cung cấp canxi, là 1 thành phần chủ yếu của xương giúp bảo tồn sức khỏe xương. Do đó, chị có thể dùng bất kỳ loại sữa nào cũng được không nhất thiết phải là sữa đắt tiền mới ngăn ngừa được loãng xương.

Chị có thể tập bất kỳ bài tập nào, hình thức nào đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày đều có hiệu quả phòng ngừa loãng xương.

Bạn đọc Dong Thuan - thuandong...@gmail.com

Chào BS !

Tôi năm nay 27 tuổi, tôi vừa bị tai nạn giao thông cách đây hơn 2 tháng, khi chụp hình X-quang thì được chuẩn đoán là gãy kín chéo xương bàn chân trái ngón 4.

Lúc đó, tôi không phẫu thuật mà yêu cầu bó bột vì sợ tốn kém, nhưng sau 2 tuần thì vẫn không có gì khác hơn nên tôi làm làm phẩu thuật, BS dùng 1 sợi dây thép cố định xương. Đến nay được 6 tuần, tôi có theo dõi phim chụp thì thấy có tiến bộ nhưng rất chậm, bàn chân vẩn còn tụ máu bầm và sưng.

BS cho tôi hỏi trường hợp của tôi trong bao lâu nữa xương sẽ lành, tôi thấy trên phim X-quang cũng không có thay đổi gì nhiều so với lúc chụp được 2 tuần, 4 tuần.

Nếu tính từ lúc bị gãy thì cũng đã hơn 2 tháng rồi đó BS. Có trường hợp liền xương mà trên phim không thấy gì không ạ?

Xin cảm ơn!

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào bạn,

Do không đọc được tổn thương trên Xquang của bạn nên không thể tra lời xương của bạn có liền hay không. Quan trọng trong thực tế bạn có hết đau và có đi lại được hay không.

Bạn đọc Nguyễn Minh Hòa - hmh...@yahoo.com.vn  

Anh em trước đây có chơi đánh cầu lông. Do bất cẩn nên bị đứt dây chằng gối. Sau khi đi phẫu thuật thì có thể đi bình thường. Nhưng dạo này anh em liên tục bị đau, anh ấy đi cà nhắc liên tục.

Cho em hỏi có phải đó là 1 trong những di chứng để lại phải không ạ và phải uống thuốc gì, làm cách nào để cho chân có thể bớt đau? Xin cảm ơn!

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào bạn,

Anh em cần phải được đi khám để xác định vấn đề của khớp gối và có biện pháp điều trị thích hợp.

Bạn đọc Nguyễn Khắc Lâm - Nghệ An

Em chào BS!

Em là Lâm, 22 tuổi. Cách đây 3 tháng em bị máy cắt cắt vào ngón tay khiến ngón tay cái bị đứt gân và gãy xương. Em được BS điều trị nối gân và cố định xương bằng đinh.

Sau 2 tháng em quay lại bệnh viện để phẫu thuật lấy đinh, BS có dặn sau phẫu thuật chờ ổn định vết thương thì nên tập cử động khớp sớm. 5 ngày sau phẫu thuật em thấy vết thương ngoài đã khô nên em chủ động tập nhưng sau khi tập 1-2 ngày em thấy khớp ở đốt ngón tay cái sưng lên cản trở việc tập. Thấy sưng nên em cũng không dám tập thêm.

BS cho em hỏi em bị sưng khớp thế là sao ạ? Có thể cho em lời khuyên được không ạ. Em cảm ơn BS!    

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:
 
Chào em,

Em cần đi khám để BS tư vấn về cách tập, thời gian tập… thích hợp và có hiệu quả mà không bị biến chứng.

- Bạn đọc today...@yahoo.com.vn

Chào BS,

Em bị khớp gối khoảng hơn 1 năm. Ban đầu gối bên trái của em chỉ bị rung giống như là một cánh tay làm việc mỏi. Khi em đứng, chân không đau, không bị xưng. Em đi chụp X-Quang ở phòng khám tư (gối và thắt lưng). BS nói em bị thiếu đốt sống ở dưới, nó hở ra nên ảnh hưởng tới chân trụ. BS cho em châm cứu ở phần thắt lưng, về nhà em thấy hơi đỡ một chút.

Em cứ để vậy thấy bình thường rồi bị lại. Chân không rung nhiều như trước nhưng lúc đi thấy không cân bằng, đứng hơi mất cảm giác và dùng chân phải nhiều hơn.

Gần đây em ngồi xổm, khi đứng lên là thấy đầu gối đau, không dùng sức được và chỉ dùng chân phải để đứng lên. Lúc ngồi, cảm giác gối trái thấy căng. Xin BS cho em lời giải đáp và em phải làm gì? Cảm ơn BS!

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Qua triệu chứng em mô tả chưa thấy là biểu hiện của bệnh lý khớp nguy hiểm. Do đó em đừng lo lắng thái quá. Tốt nhất em nên chọn 1 môn thể thao tốt cho xương khớp như bơi lội mỗi ngày 30-60 phút thì tình trạng của em sẽ được cải thiện.

- Bạn đọc Bạch Diệp - sorry...@yahoo.com

Thưa BS, cháu muốn hỏi là khi cháu xoay tay thì khuỷu tay có phát tiếng kêu, xương khớp háng đôi khi có nhói lên khi cháu lật người và khớp cổ tay nhiều khi bị tê buốt. Có phải cháu đang có dấu hiệu bị thoái hoá không ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Khi mình cử động mà khớp kêu vài tiếng là bình thường, không có gì phải lo lắng. Còn khớp háng háng hoặc khuỷu tay ở 1 vài tư thế mình làm ép đột ngột khi mình đổi tư thế thì sẽ hết tê. Không có gì phải lo lắng bạn nha.

- Bạn đọc Phạm Anh Toàn - Quảng Ngãi

Em bị run tay chân và rất hay bị vọp bẻ ở các ngón tay và chân. Tay em viết bài một chút thì rất hay bị mỏi, cố viết thêm thì các ngón tay đơ cứng ra không cầm nổi bút luôn. BS có thể cho em biết em bị bệnh gì không ạ?

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Hay bị cứng cơ thường nhất là do kém vận động, đo đó cách khắc phục tốt nhất đó là bạn bỏ ra 1 ngày từ 30-60 phút để vận động.

 

- Bạn đọc Nguyễn Thị Tuyết - nguyentuyet...@gmail.com

Xin chào BS,

Tôi là Nguyễn Tuyết Linh. Hiện tại tôi đang ở Hà Nội.

Tôi năm nay 22 tuổi. Tôi bị đau chân từ năm lên 8 tuổi.

Lần đầu tiên mà tôi nhớ nhất là bị ở chân phải, một năm tái phát khoảng 2 đến 3 lần, mỗi lần kéo dài từ nửa ngày đến 1 ngày. Cơn đau gây nhức từ mắt cá chân lên đến đầu gối, không kèm theo biểu hiện bên ngoài nào và khiến cho việc đi lại của tôi rất khó khăn. Sau đó, các cơn đau ngày một tăng dần. Cơn đau bắt đầu bị ở chân trái khi tôi khoảng 10 tuổi và hiện tại tôi có bị cả ở 2 tay.

Mỗi lần tái phát đau khoảng 1-2 ngày và bị khá thường xuyên. Hiện tại thì khoảng 1-2 tháng tôi bị 1 lần. Nếu tôi vận động nhiều, sử dụng rượu bia, cà phê hay thay đổi thời tiết thì chắc chắn sẽ bị đau. Tôi có đi khám ở nhiều nơi, lần đầu tôi được chuẩn đoán là đau dây thần kinh nhưng không chắc chắn, những lần sau, khi đau, tôi đi chụp chiếu và làm xét nghiệm thì tất cả đều cho kết quả bình thường nên không thể điều trị.

Vấn đề thứ 2 là gần đây, khi cơn đau hay tái phát thì tôi có để ý là mỗi lần bước thì phần đầu gối cực kì đau. Tôi cảm giác như nó không ăn khớp với nhau, cảm giác này chỉ mới xảy ra. Vì vậy, tôi viết mail này mong BS giải đáp giúp tôi những biểu hiện trên là bệnh gì và nếu đi khám thì tôi có thể khám ở đâu?

Cảm ơn BS.

ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan:

Chào bạn,

Có khả năng chị bị 1 vài bệnh của cơ xương khớp như đau xơ cơ hoặc chỉ do kém vận động. Để có thể xác định chính xác thì chị nên đến khám ở 1 trung tâm chuyên về cơ xương khớp.

Đã hết thời gian của buổi tư vấn, AloBacsi chân thành cảm ơn ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan đã dành thời gian giải đáp thắc mắc cho bạn đọc để tránh lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh cơ xương khớp.

AloBacsi.com
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X