Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”

Người thành công luôn tạo nên điều khác biệt, và với nữ bác sĩ từng giải mã thành công gene người Việt để chữa loãng xương cũng không ngoại lệ. “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, đó là những gì ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Nguyên trưởng khoa Nội - Cơ xương khớp, BV Nhân Dân 115 đang làm.

Dù ở tuổi hưu nhưng BS Hồ Phạm Thục Lan vẫn nghiên cứu không ngừng nghỉ

Sở hữu 30 bài báo công bố quốc tế, nhiều bài được đăng trên tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực nội tiết, loãng xương, cơ xương khớp và rất nhiều công trình nghiên cứu về gene, BS Thục Lan là nhà khoa học Việt Nam có chỉ số H - index (chỉ số đánh giá cống hiến nghiên cứu khoa học cho quốc tế) cao nhất.

Đồng thời, bác sĩ Thục Lan còn là một trong 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2015. Lý do giúp vị bác sĩ có được những thành công trong sự nghiệp, ngoài việc suốt đời tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, bác sĩ luôn giữ vững niềm tin rằng, người Việt Nam không thua kém gì người dân các nước khác.

Chào bác sĩ Thục Lan, sau gần 1 năm nghỉ hưu, dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu, cảm xúc của bác sĩ bây giờ như thế nào?

Sau nghỉ hưu, công việc của tôi bận rộn hơn vì dồn hết vào nghiên cứu, đòi hỏi thời gian rất nhiều. Trước kia, cũng bận nhưng bận theo kiểu khác. Còn bây giờ, được làm việc mình yêu thích nên tôi thấy phấn chấn, năng nổ, nhiệt tình và hạnh phúc hơn.

Động lực nào khiến BS quyết tâm không ngừng thực hiện các công trình nghiên cứu của mình, dù đã nghỉ hưu và đã có nhiều công trình nghiên cứu thành công?

Hai động lực mà dù ở tuổi nào, vị trí nào, tôi cũng làm chứ không phải chỉ khi giữ chức này nọ.

Hồi nhỏ, người nhà tôi bị bệnh. Bác sĩ nói: “bệnh này nếu không có tiền thì không nên để trong bệnh viện làm gì, nên đưa về nhà”. Ngay lúc đó, tôi nhủ lòng, khi trở thành bác sĩ sẽ cố gắng không nói với ai những câu tương tự.

Em gái tôi bị viêm cầu thận cấp sốt xuất huyết, tiểu ra máu, dính cục, người mất đạm, phù lên.  Lúc đó mới giải phóng, kiến thức của bác sĩ vẫn còn “tranh sáng tranh tối”. Sau này học, tôi mới biết, bệnh đó chỉ cần xài corticoid là tự hồi phục 90%. Em gái tôi vẫn sống khỏe re tới giờ.

Thứ hai, tôi luôn tự hỏi tại sao các nước xung quanh cũng là người châu Á, da vàng như mình, xuất phát điểm thua mình mà giờ họ phát triển như vậy: Singapore, Thái Lan, Indonesia, đặc biệt là Hàn Quốc - phát triển quá sức. Tôi không tin người Việt Nam thua kém người dân các nước khác, chỉ có điều mình chưa nỗ lực hết sức nên còn lùi xa, thua xa. Nếu tập hợp được số đông những người quyết tâm thì có thể vượt kịp họ. Vì thế, tôi tập trung vào nghiên cứu.

Kể từ sau khi được vinh danh trong giải thưởng L'Oreal UNESCO cho phụ nữ trong khoa học vì công trình giải mã gen người Việt Nam và ứng dụng nó vào điều trị bệnh lý loãng xương, hiện tại, những công trình nghiên cứu của chị tiến triển như thế nào?

Xu hướng mới của thế giới là giải quyết mọi vấn đề từ những tế bào nhỏ nhất trong cơ thể: những phân tử, tế bào DNA hay còn gọi là gene. Đó nguồn gốc cơ thể sống của con người, mã di truyền cũng là mã của tất cả thành phần trong cơ thể.

Tôi đang thực hiện nghiên cứu VOS về bệnh mạn tính không lây bao gồm: tim mạch, nội tiết, ung thư, hô hấp. Đây là những bệnh hàng đầu gây ra tử vong. Nhóm nghiên cứu có một hoài bão là tìm ra hệ gene giải thích cho các hệ bệnh này. Hiện tại, đã làm được bước đầu: thu thập song song 1 bên là DNA, 1 bên là diễn tiến bệnh của tất cả bệnh nhân, tức là theo dõi họ trong 10 năm xem có xuất hiện những bệnh nào không, có liên kết với yếu tố nguy cơ nào không.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cố gắng giải mã các mối liên hệ giữa hệ môi trường (exposome) và hệ gene (genome) đến hệ bệnh (deseasome). Song song đó, tháng 8 năm nay, chúng tôi sẽ khởi động nghiên cứu ung thư.

Vì sao cần làm những nghiên cứu này? Nếu điều trị trên mỗi cá thể riêng lẻ có thể sẽ có những bất lợi. Khi điều trị, giữa bệnh này và bệnh kia, các thuốc có thể tương tác với nhau. Nhưng nếu tìm ra những yếu tố chung cho bệnh, tác động vào một yếu tố thì có thể phòng ngừa một loạt các bệnh hoặc các bệnh trùng lắp.

Sát cánh cùng BS Thục Lan là đội ngũ sinh viên trường y luôn hết mình với khoa học, được gọi bằng biệt danh thân thương "bộ lạc cơ xương"

Hầu hết các công trình của bác sĩ tập trung cho phụ nữ? Và cũng có những bài báo viết rằng bác sĩ ưu ái những học trò nữ hơn? Điều này có đúng không, và tại sao lại như vậy?

Điều này hoàn toàn đúng! Bản thân tôi thấu hiểu khó khăn của người phụ nữ dấn thân vào khoa học. Việt Nam xuất phát từ phong kiến, vai trò của phụ nữ là ở nhà, làm vợ, làm mẹ. Nhưng khi làm khoa học, công việc của nữ giới tương đương nam giới. Không riêng gì ở Việt Nam mà các nước Đông Á, nói là bình đẳng giới nhưng thật ra chưa bình đẳng.

Cho nên nếu được, phải ưu tiên cho nữ. Nhiều em có khả năng nhưng đứng giữa gia đình và công việc, không thể cân bằng để vượt qua, buộc phải lựa chọn gia đình. Như vậy, mình mất đi những nhân tài. Nếu khuyến thích, nâng đỡ và bồi dưỡng thì có thể các em sẽ đóng góp cho khoa học nước nhà nhiều hơn.

Tâm thế của một làm nghiên cứu là quyết tâm làm đến cùng, không nửa vời. Trước hiện trạng bệnh viện quá tải như hiện nay, bác sĩ cảm thấy thế nào với những bệnh nhân chưa được điều trị đến nơi đến chốn?

Tôi thấy vừa thương bệnh nhân, vừa thấy bức xúc. Cho nên tôi đi dạy siêng năng lắm. Thứ nhất, là truyền đạt kiến thức, thứ hai là hướng dẫn học trò áp dụng những kiến thức điều trị đúng cho bệnh nhân. Bây giờ tôi còn sức, cứ nói ra rả, không ít thì nhiều các em cũng thấm, cũng nhìn nhận đúng vấn đề.

Tôi không dám nói đúng - sai, tốt - xấu nhưng tôi vẫn duy trì lời thề Hippocrates. Nếu cứ làm ngơ, không dám làm, không dám đi trước thì làm sao có những người theo sau.

Chi phí để thực hiện các một công trình nghiên cứu không ít, thậm chí nhiều khi BS tự bỏ tiền túi ra để làm. Vậy lý do gì khiến BS vẫn dồn hết tâm huyết của mình cho việc tìm ra những giải pháp chữa bệnh mới?

Năm 2008, tôi hướng dẫn sinh viên làm đề tài, nếu tôi không thực hiện thì lấy đâu đề tài để các em tốt nghiệp. Tôi bỏ tiền túi hoàn toàn vì học trò mà, làm gì có tiền.

Sau đó, nhờ việc học và học rất nhiều, kiến thức tăng lên, tay nghề tăng lên, phòng mạch khá lên, thu nhập cũng có phần tăng lên. Tôi nghĩ tiền tôi kiếm được là nhờ vào nghiên cứu nên tiền làm ra, ngoài nuôi con ăn học, tôi lại dùng cho nghiên cứu. Tôi thấy như vậy là hợp lý.

Nhưng có lúc nào BS thực sự gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện nghiên cứu không?

Có chứ! Cho tới bây giờ vẫn chưa thực hiện xong nghiên cứu VOS là vì số tiền quá lớn, vượt ngoài khả năng thu nhập của tôi. Những nghiên cứu cần có số tiền vài tỷ trở lên, tôi không kham nổi. Đó là lý do tôi mở rộng quan hệ với quốc tế. Như công trình tôi hợp tác với ĐH Johns Hopkins (Mỹ) sắp tới lên đến 30 tỷ. Phía nước ngoài sẽ góp phần nhiều, Việt Nam chỉ bỏ ra một phần nhỏ khoảng vài tỷ thì có thể xin Sở Công nghệ làm được. Đây sẽ là khởi đầu. Sắp tới, tôi sẽ xin thêm tài trợ từ nước ngoài để có thêm nguồn kinh phí thực hiện tâm huyết của mình.

Bác sĩ là người đầu tàu chỉ đạo và dẫn dắt đội ngũ nghiên cứu về bệnh cơ xương khớp hàng đầu Việt Nam bao gồm những bác sĩ trẻ tài năng. Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về đội ngũ nghiên cứu này được không?

Đó là một đội ngũ rất quý mà cũng rất tội nghiệp, theo tôi mười mấy năm, từ khi là sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tôi đâu có khả năng chi trả lương cho các em. Các em làm việc cũng thiện nguyện như tôi, chỉ có kiến thức tăng lên, kỹ năng nghiên cứu tăng lên, học đúng theo chuẩn quốc tế, đó là quyền lợi duy nhất các em nhận được.

Tôi nghĩ, vài năm nữa thôi, tôi sẽ lui lại khi các em có đủ khả năng tiếp quản, duy trì và làm tốt hơn.

Tôi cũng đang gầy dựng thêm một nhóm nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực ung thư, hy vọng những em này cũng sẵn sàng và đủ nhiệt huyết để kế thừa.

Đối với những người yêu nghề như BS, chắc hẳn khó tránh khỏi những khó khăn. Vậy những khó khăn BS gặp phải trong quá trình nghiên cứu là gì? Làm cách nào BS vượt qua được?

Người làm khoa học, khó khăn trước mắt là kinh phí. Được cái, tôi lạc quan chứ thực ra tìm nguồn cấp vốn ở Việt Nam rất khó, nhưng phải thông cảm vì nước mình còn nghèo.

Dù tôi có một teamwork hỗ trợ nhưng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu hiện tại. Do ở nước mình, nghiên cứu khoa học vẫn là chuyện xa vời, đa số không quan tâm. Mong là những người trẻ có cách nhìn khác về khoa học vì nó xuất phát từ những khó khăn cần đối diện khi điều trị cho bệnh nhân. Thay đổi được quan niệm đó thì có lẽ nghiên cứu sẽ phát triển hơn ở Việt Nam.

Với tôi, quan điểm sống đúng rất quan trọng. Thời gian tôi khám bệnh, giảng dạy, điều trị, nghiên cứu, tìm tòi thì cái mà tôi tìm kiếm nhiều nhất là quan điểm sống. Tôi đọc rất nhiều sách triết để quân bình. Khi nào cảm thấy bị stress, tôi sẽ buông hết, sẽ đọc sách vượt qua khó khăn hoặc nhìn sự việc nhẹ nhàng, để nhanh tìm thấy sự thanh thản.

Qua những buổi trò chuyện, giao lưu trực tuyến với độc giả, ở chị có vẻ gì đó rất nhẹ nhàng, nữ tính  và điềm đạm. Nhưng dường như bên trong bác tồn tại một tính cách mạnh mẽ, quật cường?

Thời thiếu niên của tôi diễn ra trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn. Lúc tôi 13, 14 tuổi, thấy cảnh em út nhoi nhóc, em bị bệnh bác sĩ bảo không có tiền thì cho về, cả nhà phải bán đủ thứ như bán cà rem, bán từng mớ rau trái trứng...

Hồi đó, suốt mấy năm trời, tôi không biết hạt gạo là gì, không biết miếng thịt là gì, chỉ ăn bột mì nướng cứng ngắt hoặc nấu với nước lõng bõng rồi bỏ bột ngọt vô, chan ăn. Một lần, tôi đến nhà bạn, gia đình khá giả, thấy nó lấy cơm trắng trộn thịt kho cho con chó, tôi nghĩ giá mà em tôi có chén cơm như vậy để ăn, chắc mừng lắm.

Có lần, đứa em trai tôi mới 6 tuổi bị té gãy tay, đau quá, ngồi trong trường, không dám về thì đứa em gái bị viêm cầu thận lúc đó 9, 10 tuổi đi qua, thấy em bị như vậy, hai đứa đưa nhau vô bệnh viện. Lúc đó, tôi quyết tâm không để người nhà gặp lại những cảnh này.

Tôi sống giản dị, hay giúp đỡ người khác và đặc biệt, không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Dường như tính cách này đã ăn sâu vào máu tôi vì những ký ức khó phai thời niên thiếu.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan và Tổng lãnh sự quán Pháp nhân dịp BS được nhận giải thưởng L'Oreal - UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học.

Vậy, đằng sau hình ảnh một người nữ bác sĩ, một giảng viên, một nhà nghiên cứu từ tốn, dịu dàng, trong cuộc sống của bác sĩ có những cơn sóng dữ dội nào không?

Đó là chuyện tôi và ông xã ly thân. Người ngoài nhìn vào có thể cho rằng đó là điểm yếu của người làm nghiên cứu. Tuy nhiên, đó là vì quan điểm của tôi và ông xã khác nhau.

Tôi không nghĩ do mình không cân bằng được giữa công việc và gia đình. Nếu chồng tôi hạnh phúc hơn và anh làm tôi thấy vui hơn thì đó là sự gắn bó, còn nếu chỉ là cãi cọ suốt ngày thì nên chia tay.

Chính con gái tôi là người quyết định, nó nói mẹ và ba nên chia tay. Khó khăn lúc đó không phải do cuộc sống hay từ phía người chồng mà từ đứa con của tôi. Nó đang ở tuổi teen, có những bốc đồng, phản kháng khiến tôi rất mệt mỏi. Phải 3 - 4 năm, nó mới quân bình và bây giờ, nó đã trưởng thành.

Tôi tự hào về con gái, vẫn để con gắn bó với bên nội, nhưng một tay tôi chăm sóc và nuôi dưỡng con thành người.

BS Thục Lan tranh thủ nghiên cứu sau giờ khám cho bệnh nhân

Suốt gần 30 năm trong nghề, đối với BS, ca bệnh nào đáng nhớ nhất, mang đến cho BS những cảm xúc không bao giờ quên?

Tôi có rất nhiều ca vui, ngoạn mục và không quên được.

Cách đây 5 năm, một bệnh nhân rất trẻ, chỉ mới ngoài 40, bị viêm mô tế bào ở chân, sốc nhiễm trùng rất nặng, đã điều trị ở hai bệnh viện lớn tại TPHCM nhưng không khỏi. Tôi đã quyết tâm cứu, ròng rã suốt mấy tháng, bệnh nhân khỏi bệnh. Nhưng trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị viêm thang sống đĩa đệm, bị liệt hai chân. Tôi lại nỗ lực chữa khỏi và trả lại được cuộc sống cho người bệnh ấy.

Sáng nay cũng mới có một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nặng, không nằm được, không ngồi được, đi tiêu, đi ngủ cũng phải đứng. Người đó nói với tôi rằng sống như tra tấn. Các nơi khác không dám mổ, vì sợ mổ chạm thần kinh là bệnh nhân chết. Khi đến gặp tôi, bệnh nhân chỉ đứng. Tôi hướng dẫn một vài động tác, cho thuốc uống. Bây giờ, người đó có thể chạy xe máy từ Bình Dương lên phòng khám của tôi.

Là một trong những bác sĩ giỏi về lĩnh vực cơ - xương - khớp, quan điểm của BS về nghề y như thế nào? Để trở thành một BS cơ xương khớp khớp giỏi cần hội tụ những yếu tố ra sao?

Tôi không dám nhận mình là bác sĩ giỏi. Đối với người làm nghề Y, mang niềm vui, sức khỏe cho người khác là mang hạnh phúc đến cho mình. Học, học nữa, học mãi để làm sao điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bởi mỗi sự thất bại trên bệnh nhân là bằng chứng cho thấy sự yếu kém của bác sĩ.

Bài học nào trong cuộc sống khiến bác sĩ thấm thía nhất? BS có thần tượng, ngưỡng mộ hay học hỏi theo một hình mẫu nào không?

Đến bây giờ tôi vẫn ngưỡng mộ bà Marie Curie. Bà có một câu nói rất hay, đại ý là cuộc sống này không ưu tiên cho phụ nữ, tuy nhiên nếu như nỗ lực vượt qua khó khăn thì có thể làm được bất cứ việc gì. Mình phải tự hào mình là một tặng phẩm của cuộc sống, được sinh ra và làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc và tốt hơn.

Bí quyết nào giúp BS ở độ tuổi này vẫn khỏe mạnh, lạc quan và yêu đời? Ăn chay có phải là 1 trong các cách giúp BS giữ gìn sức khỏe?

Một tháng tôi ăn chay 4 ngày, bình thường ăn gạo lứt muối mè, ăn nhiều rau. Mỗi ngày, uống 1,5l sữa.

Nhờ sống theo giáo lý của đạo Phật, tôi làm hết sức mình cho những việc tôi cho là đúng. Vì nỗ lực hết sức nên không có khái niệm được mất, không thành công thì có lẽ là ý trời, tôi không buồn, không lo lắng. Đã làm hết sức mình với tôi là thành công.

Thấy BS vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu của mình dù đã bước sang U60, đã làm được rất nhiều thứ cho y học, nhưng có khi nào bác nghĩ đến lúc mình sẽ dừng lại không?

Đáng lý phải dừng lại, nhưng tiếc là vẫn chưa có người kế thừa. Nếu có em nào sẵn sàng tiếp quản công việc, tôi sẽ chuyển giao ngay. Tôi sẽ nghỉ ngơi, vì đã đến lúc cần nghỉ ngơi rồi. Có điều, phóng lao thì phải theo lao. Có người tiếp sức, tôi mới yên tâm được. Hy vọng thời gian tới, làm việc với nước ngoài, hợp tác, mở rộng sẽ có những em tâm huyết thật sự để kế tục.

Được biết là từ thời đi học, BS học rất giỏi môn toán và đã từng nuôi ước mơ trở thành nhà khoa học, khám phá các vì sao. Nếu bây giờ, được lựa chọn lại, bác sẽ chọn trở thành nhà khoa học hay bác sĩ?

Đúng rồi, hồi xưa chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ chọn ngành Y. Hồi đó, tôi là học sinh giỏi toán trong trường. Tôi luôn nghĩ trong đầu, mình sẽ trở thành kỹ sư, nhà toán học hoặc nhà du hành vũ trụ. Nhưng sau sự cố của đứa em gái, tôi quyết tâm trở thành bác sĩ. Bây giờ, tôi rất hạnh phúc khi đã chọn ngành này.

Ngành này vui lắm. Tôi được tiếp xúc nhiều người, được khám bệnh cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua nghịch cảnh hoặc mang lại sức khỏe cho họ. Hạnh phúc ấy rất lớn. Các ngành nghề khác chưa chắc có được điều này.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn làm bác sĩ”

Nếu 70 tuổi vẫn còn khỏe, liệu bác có tiếp tục làm nghiên cứu không? Những dự định mới trong thời gian tới của bác sĩ là gì, bác sĩ có thể chia sẻ không?

Tôi luôn mong muốn được cùng con gái và bạn bè đi chu du khắp thế giới và đọc sách.

Tôi hy vọng với sự thông minh của người Việt, đội ngũ bác sĩ trẻ sẽ ứng dụng được những thành quả khoa học trên thế giới, không chỉ trong nghiên cứu ung thư mà còn trong các lĩnh vực khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X