Hotline 24/7
08983-08983

Thầy thuốc ưu tú - BS.CK2 Trần Đình Thanh: Câu chuyện cái u bọc bã

Trên trang cá nhân của mình, Thầy thuốc ưu tú - BS.CK2 Trần Đình Thanh có bài chia sẻ về u bọc bã hay còn gọi là u tuyến bã, u nang biểu bì, u nhọt...: đặc tính của u này, phân biệt ra sao, chữa trị thế nào...

Thầy thuốc ưu tú - BS.CK2 Trần Đình Thanh là nguyên Trưởng khoa Ung bướu và bệnh phổi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM, hiện nay là Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

U bọc bã có rất nhiều tên gọi, dân gian hay gọi là u bọc bã, u tuyến bã, u nang biểu bì, u nhọt (dùng từ nhọt vì khi nhiễm trùng tạo mủ), thường theo cách điều trị dân gian: nặn và phải lấy cùi (bọc chứa bã)…

Các bác sĩ lớn tuổi hay gọi là Kyste sébacé là từ tiếng Pháp, theo tự điển bệnh học của GS.BS Trần Phương Hạnh là u bọc bã (Sebaceous cyst - tiếng Anh) là một u giả nằm rất nhiều vị trí ở da mông, mặt, da đầu… thậm chí cả phần da bộ phận sinh dục.

U được hình thành do lấp tắc các ống tuyến bã hoặc do tế bào mầm nguyên thủy của bao lông tăng sản và biệt hóa thành tuyến bã, do vậy u bọc bã không thấy ở lòng bàn tay và bàn chân.

Về cấu trúc u giống u bọc thượng bì; lòng u chứa chất bã khô, đồng nhất, ưa acid, giầu lipid nên ta thấy nhầy như mỡ.

U có thể vỡ gây tăng sản thượng mô ở mô liên kết giống như một cácxinôm (ung thư).hoặc gây áp xe.

U bọc bã có thể đơn độc là một u nhỏ hay một cục có đường kính vài cm. có khi có nhiều ổ trên người gọi là u bọc bã nhiều ổ.

Các u của tuyến bã khác:

- U tuyến bã (Sebaceous adenoma: hiếm gặp) là dạng u lành tính thường nhỏ, nhẵn và trơn và thường gặp là dạng xơ củ.

- U tuyến bã limphô tuyến mang tai : Sebaceous Lymphadenoma u lành hiếm gặp ở tuyến mang tai

- Cácxinôm bã (Sebaceous carcinoma): rất hiếm gặp nhưng ác tính.

- Bệnh sừng gai (Sebaceous keratosis) là một u giả ở da mặt trán thân người, tay chân có 3 dạng

+ Dạng tăng sừng

+ Dạng tăng gai có thể chuyển cácximôn trong thượng bì Borst Jadassohn

+ Dạng tuyến rất hiếm hóa ác trở thành cácximôn đáy bào

U bọc bã là những tổn thương trong da rất phổ biến mà hầu hết mọi người sẽ có ít nhất 1 lần trong đời có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trong cơ thể. Mặc dù tỷ lệ mắc u bọc bã là cao và lành tính, nhưng một số rất hiếm có sự biến đổi ác tính của u bọc bã thành ung thư biểu mô tế bào gai (vảy) là hiếm.

Theo y văn (các tài liệu tiếng Anh ) tỷ lệ mắc bệnh ác tính này thay đổi từ 0,033% - 9,2%. Có sự khác biệt lớn trong các tỉ lệ này là do sự khác biệt trong cỡ mẫu và dân số người chọn;

Collins và cộng sự, xác định tỷ lệ mắc thấp nhất ở mức 0,033% với cỡ mẫu là 9000 lần kiểm tra tất cả các u bọc bã và Bishop báo cáo tỷ lệ mắc cao nhất ở mức 9,2% với mẫu: 119 tổn thương u bọc bã nghi ngờ.

Đến nay chỉ có khoảng hai chục trường hợp biến đổi ác tính của u bọc bã thành ung thư biểu mô tế bào vảy được ghi nhận trong tài liệu. Sinh lý bệnh của biến đổi ác tính này vẫn chưa được hiểu rõ và chỉ có một số suy đoán cho rằng tình trạng viêm mạn tính kéo dài.

Theo tài liệu cũ nhất chúng tôi có vào năm 1925, Caylor đã hồi cứu rất chi tiết các y văn trước đó của nhiều tác giả đã báo cáo (xa nhất 1914) có 12 trường hợp u bọc bã tái phát chuyển ác tính ở các vị trí da đầu, vai bụng và gối trong đó 10 trường hợp ung thư tế bào gai và 2 trường hợp ung thư tế bào đáy.

Năm 1931 Bishop đã báo cáo hồi cứu có 11 trường hợp ung thư của u bọc bã tái phát, 9 trường hợp là cácxinôm tuyến và 2 trường hợp ung thư tế bào đáy, phần lớn các tác giả ghi nhận vị trí của u bọc bã là ở vùng mặt và vùng đầu khoảng sấp xỉ 20 trường hợp có kết quả ung thư tế bào gai. Các tác giả này cho rằng con số còn nhiều hơn nhưng vì thường các thầy thuốc phẫu cắt bỏ u bọc bã không làm giải phẫu bệnh.

Trong số các tác giả báo cáo thời đó có Broders và Wilson nêu tên "u nang bã nhờn" vì những chất được tìm thấy trong u là chất bã nhờn, màu trắng và dạng hạt có mùi khó chịu, trong khi họ xác định các khối u rắn chắc, có cấu trúc mỏng là "keratoma". Các tác giả cho rằng keratoma phát sinh từ các tế bào lót của ống dẫn chứ không phải từ tuyến bã liên quan. Từ keratoma tế bào lót này gây sự phát triển của ung thư biểu mô vảy, còn riêng Bishop thì không ghi nhận.

Một số các bào cáo gần đây u bọc bã sau phẫu thuật là cácxinôm tế bào gai

- Sumi Y và cộng sự 2012 báo cáo 01 phụ nữ 76 tuổi, u bọc bã đáy chậu bên phải

- Yeh L-P và cs năm 2013 báo cáo 01 một cụ ông 86 tuổi u bọc bã ở bìu

- Sze S và cs năm 2016 báo cáo 01phụ nữ 65 tuổi u bọc bã vùng âm hộ bên phải

- Park và cs năm 2018 mô tả một nam 51 tuổi u bọc bã ở đáy chậu khổng lồ 15cm (trong vòng 4 tháng u tăng kích thước).

- Adel A. Faltaous và cs năm 2019 mô tả ó cụ ông 77 tuổi, u bọc bã vùng hông trái có từ lâu và gần đây tăng kích thược nhanh > 2cm

Mặc dù hầu hết các u bọc bã là tổn thương lành tính và biến đổi ác tính là hiếm, các thầy thuốc khuyên cần có chẩn đoán phân biệt khả năng ác tính bọc bã với các tổn thương đáng ngờ và phải được xác định rõ giải phẫu bệnh của u bọc bã với bất kỳ đặc điểm nào sau đây:

- U bọc bã tái phát,

- U tăng trưởng nhanh, tiến triển nhanh,

- U bọc bã có đường kính lớn hơn 2cm và bã hỗn hợp không đồng nhất trong bọc.

- Vấn đề điều trị là phẫu thuật cắt bỏ rộng bờ rìa an toàn.

Ngoài ra bản thân người viết gặp 1 trường hợp cách nay 25 năm, người bệnh là một người trong môi trường y tế, nam, 33 tuổi, từ năm 19 tuổi khi còn học đại học, được chẩn đoán u bọc bã tái phát phẫu thuật nhiều lần chỉ mổ lấy bướu và dẫn lưu, năm thứ 14 bệnh nhân lại tái phát và sốt cao 39 độ, không ho khạc vào ngày nghỉ tết, nhờ khám và với tổn thương tái diễn nhiều lần hiện có nhiều đường rỏ mủ vàng theo vết mổ.

Tôi nghĩ trong đầu là đây không phải bọc bã mà có lẽ là tổn thương lao. Cho điều trị lao 2 ngày hết sốt và sau 1 tuần nghỉ tết bệnh nhân nhập viện sinh thiết và nạo vét tổn thương (khoảng 15cm) kết quả giải phẫu bệnh là tổn thương lao da trên tổn thương bướu bọc bã như vậy đây là lao trên nền bướu bọc bã, sau điều trị 12 tháng bệnh lành tốt đến nay sẹo lành, nhưng xấu, co dúm vì phẫu thuật nhiều lần.

Tóm lại: U bọc bã là dạng lành tính có ở nhiều nơi trên cơ thể người và gần như ai cũng có ít nhất một u bọc bã. Tuy nhiên cần phải chú ý các u bọc bã lớn > 2cm, tiến triển nhanh hay tái phát, trong những tình huống này cần phải dè chừng chẩn đoán và phẫu thuật rộng an toàn, nhất thiết phải làm giải phẫu bệnh. Việc điều trị tiếp tùy theo tình huống giải phẫu bệnh.

FB Tran Dinh Thanh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X