Hotline 24/7
08983-08983

Thay đổi thói quen là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa và điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là một trong những căn bệnh phổ biến của xã hội, không chỉ ở những người cao tuổi mà còn ở cả những người trẻ tuổi thường làm việc trong văn phòng. ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, để việc điều trị có kết quả tốt, người bệnh cần tuân theo các chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

1. Thoát hóa đốt sống cổ là một bệnh lý đĩa đệm

Đầu tiên, xin được hỏi BS, thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thoái hóa đốt sống cổ không phải căn bệnh mới xuất hiện, tuy nhiên gần đây lại được quan tâm nhiều hơn. Tuổi thọ của con người ngày càng dài, do vậy mà thường gặp tình trạng thoái hóa hơn. Bên cạnh đó, hiện tại có một số nghề nghiệp khiến vấn đề thoái hóa xuất hiện ở người trẻ nhiều hơn.

Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh lý tương tự như thoái hóa khớp ở đầu gối, điểm khác là không có phần khớp. Thực chất đây là tình trạng thoái hóa đĩa đệm. Bệnh lý đĩa đệm có rất nhiều loại và thoái hóa đĩa đệm (thoái hóa cột sống) là một trong số đó.

Từ thoái hóa đĩa đệm có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác, nhẹ nhất là đau. Tình trạng chèn ép dây thần kinh dẫn đến tê hay trầm trọng hơn là yếu, liệt tay.

2. Cúi cổ quá lâu khiến thoái hóa đốt sống cổ trẻ hóa

Những nguyên nhân nào có thể dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Yếu tố thường được nhắc đến nhất là tuổi tác, tuy nhiên, đây cũng là yếu tố không thể thay đổi được.

Nguyên nhân chính khiến bệnh xuất hiện ở người trẻ ngày càng nhiều là xu hướng cúi cổ và giữ một tư thế quá lâu. Công việc văn phòng, thói quen sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay khiến chúng ta thường xuyên trong tư thế cúi đầu, làm gia tăng áp lực lên đĩa đệm, dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh – Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Những triệu chứng của thoái hóa đốt sống

Những triệu chứng điển hình nào giúp chúng ta nhận biết tình trạng thoái hóa đốt sống cổ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Một số bệnh nhân gặp trường hợp đau cột sống cổ, đau cổ gáy. Tuy nhiên, đau cổ gáy không phải lúc nào cũng do thoái hóa gây ra, đôi khi có thể do giữ một tư thế quá lâu khiến cơ bị mỏi.

Khi tình trạng thoái hóa đốt sống nặng hơn, dẫn đến thoát vị đĩa đệm hoặc xuất hiện gai, dây chằng dày lên do bị xơ hóa chèn ép vào dây thần kinh dẫn đến tê tay. Triệu chứng ban đầu có thể là thỉnh thoảng mới bị tê. Trầm trọng hơn, những cơn tê xuất hiện cả ngày lẫn đêm.

Nặng hơn nữa, bệnh nhân bị yếu tay. Một số người chỉ mới 30, 40 tuổi đã cầm đồ vật không vững. Những trường hợp tay yếu hẳn có thể cần phải mổ.

4. Làm gì để chẩn đoán chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ?

Những người có triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, khi đến bệnh viện sẽ được làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với thoái hóa đốt sống cổ, các xét nghiệm được thực hiện chủ yếu về mặt hình ảnh học, thường dùng nhất là chụp X-quang. Tuy nhiên, X-quang đốt sống cổ hiếm khi phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm mà chỉ phát hiện khi đã xuất hiện gai hoặc có các tình trạng hẹp lỗ liên hợp (lỗ để dây thần kinh đi ra).

Để phát hiện sớm, thông thường bác sĩ phải sử dụng cộng hưởng từ MRI. Những trường hợp đã có dấu hiệu chèn ép thần kinh như tê tay, thường đánh rơi đồ đạc, bác sĩ sẽ chỉ định đo điện cơ để xác định nguyên nhân chính xác, do tổn thương thần kinh ngoại biên hay chèn ép thần kinh bên cổ.

5. Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây yếu liệt về sau

Xin hỏi BS, thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không? Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, bệnh nhân phải gánh chịu những hậu quả, di chứng như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đây là bệnh mãn tính nên nhìn chung sẽ không gây nên các tình trạng nguy hiểm khẩn cấp nhưng nếu để lâu, thoái hóa đốt sống cổ sẽ chèn ép thần kinh.

Chèn ép thần kinh nặng bắt buộc phải mổ. Thần kinh đi từ não xuống đều phải đi qua đoạn cổ. Do vậy, chèn ép thần kinh nhẹ gây tê tay nhưng nếu nặng hơn, không chỉ làm yếu, liệt tay mà còn yếu, liệt chân.

6. Không thể điều trị dứt điểm thoái hóa đốt sống

Thưa BS, liệu chúng ta có thể điều trị dứt điểm thoái hóa đốt sống cổ nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm không?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Nhắc đến thoái hóa, nhiều người thường nghĩ đến vấn đề tuổi tác. Để hết thoái hóa, chỉ có hai cách: Một là trẻ lại và hai là thay mới.

Nói một cách dễ hiểu, có một số phương pháp lấy đĩa đệm ra. Cột sống cổ có đến 7 đốt sống, tương ứng với 7 đĩa đệm, do đó chúng ta không thể lấy hết được. Chúng ta chỉ có thể tìm cách để tình trạng diễn tiến chậm đi, tốt nhất là có thể ngưng lại.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa và làm chậm diễn tiến bệnh là thay đổi lối sống, tư thế cũng như luyện tập. Chúng ta không thể chữa dứt điểm 100% bệnh thoái hóa đốt sống.

7. Ba phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Hiện có những phương pháp nào điều trị thoái hóa đốt sống cổ? Trong đó, phương pháp nào thường được các bác sĩ áp dụng nhất?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 3 phương pháp để điều trị thoái hóa đốt sống cổ.

- Phương pháp không dùng thuốc là phương pháp tốt nhất và có thể áp dụng từ giai đoạn sớm, từ giai đoạn ngăn ngừa bệnh đến giai đoạn nặng. Đối với phương pháp này, người bệnh cần thay đổi tư thế.

Từ độ tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường đã phải điều chỉnh tư thế. Hiện nay đã có những loại bàn làm việc có thể nâng lên hoặc nghiêng mặt bàn để có thể giữ tư thế tốt khi học, đọc sách, làm việc. Kê máy tính bảng, điện thoại ngang tầm mắt khi sử dụng.

Đối với những người thường xuyên sử dụng máy tính, tốt nhất nên mua màn hình lớn, độ cao ngang tầm mắt. Nếu sử dụng máy tính xách tay, nên sử dụng giá, kệ để kê cao lên.

Không nên giữ một tư thế quá lâu, hạn chế để cơ thể bị mỏi, tăng áp lực lên vùng cổ. Chúng ta có những bài tập riêng cho vùng cổ để tăng sức cơ, sức dây chằng vùng cổ. Các bài tập này còn giúp giảm tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

- Khi bệnh nhân bị đau và đến gặp bác sĩ, đa số sẽ được chỉ định dùng thuốc, bao gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, điều trị tình trạng chèn ép thần kinh.

- Trong trường hợp đã áp dụng 2 phương pháp trên nhưng tình trạng đau hoặc tê tay, tê chân vẫn nhiều, bị yếu liệt tay, bệnh nhân sẽ phải trải qua cuộc mổ. Tùy vào tình trạng chèn ép như thế nào mà bác sĩ sẽ áp dụng phương án mổ khác nhau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đau mãn tính có thể dẫn đến trầm cảm

8. Đau mãn tính có thể dẫn đến trầm cảm

Bệnh nhân cần lưu ý điều gì trong quá trình điều trị để sớm có kết quả, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Điều trị được phân thành điều trị chưa mổ và điều trị sau mổ. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ dùng thuốc và khó nhất là tuân thủ điều trị không dùng thuốc.

Tập vật lý trị liệu không chỉ có tác dụng về mặt thể chất mà còn đem lại kết quả về mặt tâm lý. Đối với những bệnh nhân bị đau kéo dài, ngoài cơn đau do tác động vật lý còn có tình trạng chuyển hóa đau do tâm lý.

Nghiên cứu cho thấy những trường hợp đau mãn tính có thể dẫn đến trầm cảm. Khi đó, việc phẫu thuật, dùng thuốc phải kết hợp với vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu để tăng hiệu quả giảm đau. Các bác sĩ điều trị không chỉ quan tâm đến vấn đề đau vật lý, thể chất mà còn chú ý đến tâm lý của người bệnh.

Bên cạnh sự tin tưởng và hợp tác tối đa từ bệnh nhận, còn cần có sự hỗ trợ từ người nhà để khả năng thành công cao hơn. 

9. Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ như thế nào?

Xin hỏi BS, chúng ta nên phòng ngừa như thế nào để không bị thoái thoái hóa đốt sống cổ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Cách phòng ngừa tốt nhất là điều chỉnh tư thế. Giữ cổ thẳng bằng cách nâng máy tính xách tay hoặc hoặc điều chỉnh bàn ghế để có tầm nhìn tốt. Đồng thời phải thay đổi tư thế cổ thường xuyên.

Khi sử dụng máy tính hoặc làm việc, đọc sách khoảng 1-2 giờ thì nên có một vài động tác để thư giãn đốt sống cổ. Tôi thường hướng dẫn bệnh nhân chỉnh chuông báo khoảng 2 tiếng/lần để đứng lên đi lại hoặc thư giãn đốt sống cổ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X