Hotline 24/7
08983-08983

Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô cùng quan trọng của cơ thể, giữ vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn - Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM sẽ giúp bạn đọc AloBacsi ìm hiểu tổng quan về bệnh lý tuyến giáp thường gặp và ăn gì, kiêng gì trong quá trình điều trị để giảm nguy cơ bệnh trở nặng.

Những bệnh lý thường gặp liên quan đến tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp là gì? Bệnh tuyến giáp gồm những bệnh lý nào, trong đó bệnh lý nào thường gặp nhất?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Tuyến giáp là một tuyến ở vùng cổ, nằm phía dưới khí quản và phía trước thanh quản. Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có vai trò tiết hormone để tăng tỷ lệ trao đổi chất.

Bệnh lý tuyến giáp chia thành 2 nhóm lớn: Nhóm về hình thể và nhóm về chức năng. Hai nhóm này không tách biệt mà có mối liên quan mật thiết với nhau. Nhóm về hình thể có những bệnh lý như nhân tuyến giáp, bướu giáp đa nhân, bướu giáp đơn nhân, ung thư tuyến giáp, phình tuyến giáp lan tỏa.

Khi bình thường, tuyến giáp tiết ra hormone như sinh lý. Các bệnh lý về nhóm chức năng như suy giáp, nghĩa là tuyến giáp tiết ra hormone ít hơn, làm giảm tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể từ 40 - 50%. Cường giáp là bệnh khi tuyến giáp tiết ra hormone nhiều hơn, làm tăng tỷ lệ trao đổi chất từ 60 - 80%. Viêm tuyến giáp là tình trạng đặc biệt khi tuyến giáp của bệnh nhân bị viêm, trải qua các giai đoạn cường giáp, bình giáp, suy giáp tùy vào ngoại nhân.

Khi kết hợp 2 nhóm này lại, chúng ta có rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nhìn chung lại, có 2 hội chứng thường gặp nhất là cường giáp và suy giáp.

Những thói quen gây bệnh tuyến giáp

Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp là gì? Những thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ và tỷ lệ mắc bệnh?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Như đã chia sẻ ở trên, cường giáp và suy giáp là 2 hội chứng thường gặp nhất nên nguyên nhân cũng xoay quanh 2 hội chứng này. Có 3 nguyên nhân chính gây bệnh cường giáp:

- Thứ nhất là cường giáp nguyên phát. Đây là bệnh lý tại tuyến giáp, thường gặp nhất là Basedow. Đây là một bệnh lý tự miễn ở tuyến giáp, chiếm tỷ lệ từ 60 - 80%. Ngoài ra còn các bướu giáp đa nhân hóa độc, u độc tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp.

- Thứ hai là cường giáp thứ phát: Ở ngoài tuyến giáp có các u tiết TSH từ trên não hay các u nguyên bào nuôi để tiết ra hCG giống như TSH, các hội chứng đề kháng hormone tuyến giáp, cường giáp trên những bệnh nhân có thai.

- Một số nguyên nhân khác như viêm tuyến giáp, chấn thương, xạ trị vùng cổ...

Suy tuyến giáp có những nguyên nhân hàng đầu là các bệnh lý tự miễn như bệnh viêm giáp Hashimoto hay do quá trình điều trị như phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, sử dụng i-ốt phóng xạ, xạ trị vùng cổ. Ngoài ra, các bệnh lý viêm giáp như viêm giáp bán cấp thoáng qua có thể gây suy giáp. Tình trạng bẩm sinh (bệnh nhân không có tuyến giáp bẩm sinh hoặc bệnh nhân không tự tổng hợp hormone tuyến giáp bẩm sinh) cũng là một trong các nguyên nhân.

Một số thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt hiện đại có thể ảnh hưởng lên các bệnh lý tuyến giáp:

- Uống cà phê: Trong cà phê có nhiều chất kích thích làm cơ thể tăng tiết hormone căng thẳng như Cortisol hay Epinephrine, làm cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, tăng tỷ lệ trao đổi chất và có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tuyến giáp.

- Ăn uống không lành mạnh, giảm cân cấp tốc: Ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều chất đường bột, ăn thức ăn nhanh hoặc giảm cân cấp tốc làm tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, ảnh hưởng đến trao đổi chất và ảnh hưởng đến các bệnh lý tuyến giáp.

- Thiếu i-ốt: Nhà nước đã phát động phong trào ăn muối i-ốt toàn dân, tuy nhiên ở những vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu muối i-ốt. Muối i-ốt là nguyên liệu để tạo ra hormone tuyến giáp. Chính vì vậy, thiếu i-ốt sẽ có nguy cơ bị bướu tuyến giâp và suy tuyến giáp.

- Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có rất nhiều chất kích thích có thể gây viêm tuyến giáp mạn tính, cản trở sự hấp thu i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp.

- Căng thẳng, stress: Thời đại ngày nay, nhiều người thường bị stress, căng thẳng khi làm việc quá mức, khiến tăng các hormone căng thẳng như khi uống cà phê, từ đó làm tăng tỷ lệ bệnh lý tuyến giáp.

- Ít vận động: Khi ít vận động, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể sẽ giảm xuống, có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh lý tuyến giáp.

Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới?

Những người nào có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn? Có phải phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp nhiều hơn đàn ông không, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Bệnh lý tuyến giáp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên những người có các yếu tố nguy cơ sau đây có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn số còn lại:

- Người có tiền sử gia đình đã có người bị bệnh lý tuyến giáp hoặc chính người bệnh đã từng mắc bệnh lý tuyến giáp, ung thư tuyến giáp.

- Bệnh nhân mắc các bệnh lý tự miễn liên quan đến tuyến giáp: thiếu máu ác tính, đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp,...

- Người bị thiếu i-ốt.

- Bệnh nhân có sử dụng xạ trị hoặc phẫu thuật vùng cổ.

- Người lớn tuổi: Người trên 60 tuổi, đặc biệt là nữ giới

Theo y văn ghi nhận, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn từ 5 đến 8 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ thay đổi hormone nội tiết tố nhiều hơn trong quá trình sống so với đàn ông. Phụ nữ thay đổi hormone trong 3 giai đoạn lớn của cuộc đời:

- Giai đoạn dậy thì: Khi bắt đầu có kinh nguyệt, tỷ lệ trao đổi chất tăng lên một cách đột ngột, tình trạng thay đổi hormone nột tiết tố nữ làm tăng khả năng mắc bệnh lý tuyến giáp.

- Quá trình mang thai: Mang thai là quá trình thay đổi nội tiết tố liên tục, từ đầu cho đến cuối thai kỳ. Thời gian đầu thai kỳ, hormone hCG tăng lên rất cao, làm thai phụ có nguy cơ bị cường giáp. Tuy nhiên, phụ nữ có thai vẫn có nguy cơ bị suy giáp khi cung cấp không đủ i-ốt cho cả mẹ và em bé. Đặc biệt, trong thai kỳ, khi tình trạng rối loạn miễn dịch xảy ra, bệnh nhân có nguy cơ mắc cường giáp hoặc suy giáp.

- Giai đoạn mãn kinh: Trong giai đoạn này, phụ nữ đã lớn tuổi, những hormone nữ giảm xuống nhiều, kèm theo mất ngủ, căng thẳng,... làm cho phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp.

Dấu hiệu của bệnh lý tuyến giáp xuất hiện trên toàn thân

Bệnh lý tuyến giáp có những dấu hiệu nào để nhận biết? Theo BS, đâu là dấu hiệu nhiều người bỏ sót nhất? Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp có dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác không?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến toàn thân nên triệu chứng của nó cũng sẽ xuất hiện trên toàn thân. Vì vậy, thường chúng ta dễ bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Những triệu chứng dễ nhầm lẫn và bỏ sót có thể là:

- Những triệu chứng về tâm thần kinh: Bệnh nhân cường giáp có thể có các triệu chứng rối loạn lo âu, cảm xúc không ổn định, thất thường. Bệnh nhân suy giáp thì ngược lại, lúc nào cũng chậm rãi, ít biểu cảm.

- Về tiêu hóa, những bệnh nhân cường giáp dễ bị tiêu chảy trong khi bệnh nhân suy giáp lại dễ táo bón.

- Về cơ xương khớp, những bệnh nhân cường giáp dễ bị vọp bẻ, yếu cơ còn bệnh nhân suy giáp bị đau nhức cơ.

- Về chuyển hóa, da của những bệnh nhân cường giáp lúc nào cũng nóng ẩm, nhất là ở bàn tay, có thể hơi sốt. Những bệnh nhân suy giáp lại có da khô, mỏng, tóc rụng.

- Lồi mắt hai bên không đều cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý tuyến giáp.

Như đã trình bày ở trên, bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng đến toàn thân nên triệu chứng của nó cũng sẽ xuất hiện trên toàn thân nên chúng ta dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót. Khó có thể phân biệt bệnh lý tuyến giáp với các bệnh lý tâm thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp, mắt. Bệnh nhân cường giáp đặc biệt có những lúc sụt cân, cần phải phân biệt với những bệnh lý khác như đái tháo đường, lao, ung thư,...

Bệnh lý của một cơ quan thường chỉ biểu hiện tình trạng ở cơ quan đó và chúng ta nhắm vào một cơ quan đó. Tuy nhiên, bệnh lý tuyến giáp biểu hiện toàn thân. Chính vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan kèm theo dấu hiệu nào đó về tuyến giáp thì bệnh nhân nên được kiểm tra chức năng tuyến giáp sớm. Đôi khi bệnh lý tuyến giáp lại không có biểu hiện nào rõ ràng, cụ thể cả. Những người có yếu tố nguy cơ nên kiểm tra chức năng tuyến giáp sớm để phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp bạn nên biết

Có những cách nào để chẩn đoán bệnh tuyến giáp? Khi bệnh nhân nghi ngờ mình có bệnh thì nên làm những kiểm tra, xét nghiệm nào?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Như cũng đã trình bày, bệnh lý tuyến giáp chia thành 2 nhóm: nhóm về hình thể và nhóm về chức năng. Những xét nghiệm cũng sẽ xoay quanh 2 nhóm này.

Đối với nhóm hình thể, phương pháp cận lâm sàng hàng đầu thường sử dụng là siêu âm tuyến giáp để phát hiện nhân tuyến giáp, phì đại tuyến giáp, mạch máu tăng sinh hay các dấu hiệu bất thường nghi ngờ ung thư. Ngoài ra, còn có một số hình ảnh học khác đặc biệt mà bệnh lý chuyên sâu như đo độ tập trung i-ốt, làm xạ hình tuyến giáp.

Đối với nhóm chức năng, chúng ta sẽ làm sinh hóa máu. Tuyến giáp tiết ra hormone FT3 và FT4 nên chúng ta sẽ định lượng hormone tuyến giáp trong máu. Có một loại hormone ở não được tiết ra để kiểm soát sự tiết hormone của tuyến giáp là TSH do tuyến yên tiết ra. TSH, FT3 và FT4 là 3 xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, còn một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra các bệnh lý phức tạp hơn, ví dụ như Anti TPO, TRAb,...

Chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tuyến giáp

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề gì trong chế độ dinh dưỡng?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Về chế độ dinh dưỡng, tùy vào bệnh nhân thuộc nhóm bệnh lý nào mà chúng ta sử dụng thực phẩm cho phù hợp. Theo quy tắc chung, bệnh nhân cần ăn đa dạng các loại thực phẩm và cân bằng các chất dinh dưỡng với nhau. Bệnh nhân tuyến giáp cần tránh một số loại thực phẩm mà bác sĩ yêu cầu không được sử dụng tùy theo bệnh lý.

Thực phẩm nên ăn khi bị bệnh về tuyến giáp

Những loại thực phẩm nào người bệnh tuyến giáp nên ăn nhiều hơn, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp cần bổ sung thêm vào chế độ ăn hằng ngày các loại thực phẩm như:

- Các loại trái cây mọng nước như dâu tây, kiwi, cam, quýt,... vì trong những loại trái cây này có nhiều chất chống oxy hóa, làm tăng hoạt động của tế bào tuyến giáp.

- Các thực phẩm chứa selen, kẽm như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, thịt gia cầm, cá. Kẽm giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất, selen sẽ hạ giảm tổn hại các tế bào tuyến giáp.

- Thực phẩm chứa omega 3 như dầu ô liu, gan cá,... có thể bảo vệ tế bào tuyến giáp.

- Rau xanh: Rau diếp cá, rau ngót, rau muống,... chứa nhiều magie giúp tế bào tuyến giáp hoạt động tốt.

Những bệnh nhân cường giáp cần bổ sung thêm đạm thực vật từ đậu hũ, các loại hạt. Bệnh nhân cường giáp hay bị sụt cân, giảm sức khỏe. Các loại đạm này có thể duy trì sức khỏe và duy trì cân nặng cho bệnh nhân.

Bệnh nhân suy giáp cần ăn thêm những thức ăn có i-ốt như muối i-ốt, rau câu, rong biển, các loại hải sản,... Nhìn chung các bệnh nhân suy giáp nên ăn các thực phẩm chứa i-ốt để tăng tạo hormone tuyến giáp.

Thực phẩm nào không nên ăn khi bị bệnh tuyến giáp?

Khi mắc bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân cần kiêng hay hạn chế những loại thực phẩm nào?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Những bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp nói chung nên kiêng các loại thực phẩm sau:

- Các loại thực phẩm có cafein hoặc những chất kích thích vì có thể làm cho cơ thể tăng tỷ lệ trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp.

- Các loại thức ăn giàu chất béo, thức ăn chiên ngập dầu để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hormone tuyến giáp.

- Thức ăn chứa nhiều carbohydrate như thức ăn nhanh ảnh hưởng đến việc trao đổi chất và nồng độ đường trong máu của bệnh nhân cường giáp và suy giáp.

Riêng bệnh nhân suy giáp nên tránh các loại thực phẩm chứa chất goitrogens. Goitrogens là chất làm cản trở sự hấp thu i-ốt vào tuyến giáp, có thể tạo bướu giáp, gây suy giáp. Bệnh nhân suy giáp nên kiêng:

- Đậu nành và các thực phẩm từ đậu nành: Ngoài tiết ra goitrogens, trong đậu nành còn có isoflavone ức chế men peroxidase - men tổng hợp hormone tuyến giáp.

- Các loại rau họ cải như bắp cải, súp lơ, củ cải trắng cũng chứa nhiều goitrogens. Tuy nhiên, bệnh nhân suy giáp vẫn có thể ăn được rau họ cải khi đã nấu chín vì goitrogens hầu như đã bị mất tác dụng, nhưng không nên ăn quá nhiều.

Bệnh nhân cường giáp không được ăn thực phẩm chứa nhiều i-ốt. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta chỉ được ăn khoảng 0,15mg i-ốt mỗi ngày, bệnh nhân cường giáp càng phải ăn ít hơn mức này. Những thực phẩm có i-ốt nhiều là muối i-ốt, rau câu, rong biển, hải sản nước mặn,...

Mắc bệnh tuyến giáp có phải kiêng đậu nành?

Có phải những người mắc bệnh lý tuyến giáp cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm họ đậu cũng như họ cải hay không? Nên lưu ý những vấn đề gì khi sử dụng các thực phẩm họ đậu và họ cải?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Những bệnh nhân suy giáp hoặc có bướu giáp không nên sử dụng những sản phẩm từ đậu nành và rau họ cải như củ cải trắng, súp lơ, bắp cải. Trong các thực phẩm này có chứa goitrogens có thể làm giảm hấp thu i-ốt vào tuyến giáp, giảm hormone tuyến giáp gây ra suy giáp và bướu giáp nặng hơn.

Bệnh nhân cường giáp vẫn có thể ăn đậu nành và các rau họ cải. Tuy nhiên cần phải cân bằng và không nên ăn quá nhiều.

Bênh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp không được tự ý giảm liều, ngưng thuốc

Bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp cần phải lưu ý những điều gì trong chế độ sinh hoạt, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Để sống chung với bệnh lý tuyến giáp, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nếu có bướu tuyến giáp thì cần phải theo dõi mỗi ngày. Cách đơn giản nhất là soi gương để quan sát bướu có những dấu hiệu bất thường như lớn lên, sưng, đỏ hay không. Nếu có cần phải đi khám ngay.

Bệnh nhân cần phải uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý giảm liều, ngưng thuốc. Không nên sờ, nắn bóp vùng tuyến giáp và nên tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Cuối cùng, bệnh nhân cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp

Cần phải làm gì để phòng ngừa các bệnh lý tuyến giáp?

ThS.BS.CK1 Cao Mạnh Tuấn trả lời: Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp là khám và phát hiện ra bệnh trên những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. Bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng lên bất kỳ ai, vì vậy khi có triệu chứng của bệnh lý cần phải đi khám ngay.

Đối với bệnh nhân đã có bệnh lý tuyến giáp, phải tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X