Hotline 24/7
08983-08983

Tật dính âm môi ở bé gái, bao nhiêu tuổi có thể phẫu thuật?

Nhiều phụ huynh bối rối khi thấy con gái không có lỗ ở âm đạo, sau thăm khám bác sĩ nhận định trẻ bị “dính âm môi”. Vậy dính âm môi là gì? Bệnh có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào và bao nhiêu tuổi thì có thể phẫu thuật? Tất cả những thắc mắc này đã được BS Nguyễn Dy Lưu - Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM giải đáp trong bài viết sau đây.

1. “Âm môi” nằm ở vị trí nào và có chức năng gì?

Đầu tiên nhờ BS cho biết “âm môi” nằm ở vị trí nào và chức năng gì đối với cơ thể phụ nữ?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: “Âm môi” ở bé gái còn được gọi là bộ phận sinh dục ngoài. Thông thường, có 2 cặp âm môi là môi lớn và môi bé.

Cặp “âm môi” có chức năng bao phủ, che chở cho những cơ quan bên trong như âm đạo, âm vật hay niệu đạo.

2. Tật dính âm môi có thường gặp ở bé gái?

Tật dính âm môi ở bé gái thường được phát hiện ở độ tuổi nào ạ? Tỷ lệ trẻ bị tật này có cao không?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Bé gái thường được phát hiện tật dính âm môi vào khoảng 3 tháng tuổi - 6 tuổi. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ mắc tật này khoảng 0,5 - 6%, tức trong 1.000 bé sẽ có khoảng 5 - 60 bé mắc tật dính âm môi.

BS Nguyễn Dy Lưu hiện đang công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM

3. Dấu hiệu nhận biết tật dính âm môi

Người nhà có phát hiện tật này được không, hay BS khám mới biết ạ?

BS. Nguyễn Dy Lưu trả lời: Nhiều phụ huynh khi đến khám cho bé gái thường phát hiện những biểu hiện như:

  • Bộ phận sinh dục ngoài của bé bị dị dạng.
  • Không thấy lỗ niệu đạo.
  • Bé có biểu hiện rỉ nước tiểu ra quần sau khi tiểu xong.

Qua thăm khám thì các BS nhận thấy trẻ đã mắc tật dính âm môi.

4. Nguyên nhân gây tật dính âm môi?

Nguyên nhân gây dính âm môi là gì, thưa BS, có liên quan đến di truyền không?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Dính âm môi có thể do những nguyên nhân sau:

  • Viêm nhiễm.
  • Thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở trẻ ngay tại thời điểm đó.
  • Kích ứng tã.

5. Dính âm môi nguy hiểm ra sao?

Tật này có nguy hiểm không ạ? Nếu không phát hiện thì có gây nguy hiểm gì về lâu dài?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Dính âm môi thật sự không nguy hiểm, khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì các bé thường đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu dính âm môi không được điều trị, nước tiểu không qua được màng xơ cứng ở môi sẽ dễ gây ra tình trạng nhiễm trùng ngược lại lên trên. Trong trường hợp nhẹ, em bé có thể viêm âm hộ tại chỗ. Nếu nặng hơn, em bé có thể bị nhiễm trùng tiểu đường dưới hay nhiễm trùng đường tiểu trên.

6. Trẻ ở độ tuổi nào có thể tiến hành phẫu thuật tách dính âm môi?

Ở độ tuổi nào thì trẻ cần phẫu thuật tách dính âm môi ạ?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Thông thường, trong độ tuổi từ 3 tháng - 6 tuổi, bất cứ lúc nào phát hiện trẻ bị dính âm môi cũng đều có thể phẫu thuật tách dính.

7. Chăm sóc trẻ thế nào sau phẫu thuật tách dính?

Sau khi tách dính, bé cần được chăm sóc hậu phẫu như thế nào?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Phụ huynh cần lưu ý rằng âm môi sau khi tách dính vẫn có thể tái phát bởi nếu chỉ tách 1 lần thì âm môi chưa thể tách ra được hoàn toàn. Do đó, sau phẫu thuật tách dính, phụ huynh vẫn phải tự tách dính bằng tay cho trẻ bằng cách cầm 2 mép môi lớn tách ra mỗi ngày, động tác này sẽ giúp âm môi của bé được tách ra dần.

[DAP]

Hạch nách là gì? Điều trị ra sao?

Hiện tại, bé nhà em đang được 16 tháng, siêu âm được chẩn đoán là hạch nách. BS cho em hỏi hạch nách có nguy hiểm không và điều trị như thế nào ạ? (Cô Ba)

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Nguyên nhân gây hạch nách ở trẻ thường do phản ứng sau tiêm ngừa lao. Thông thường, trẻ sẽ có phản ứng nổi hạch ở vùng lân cận vị trí tiêm, thường ở nách hoặc thượng đòn. Theo đó, hạch nách thường khá lành tính.

  • Nếu hạch có kích thước nhỏ thì phụ huynh có thể theo dõi và hạch có thể tự nhỏ đi được.
  • Nếu hạch có kích thước ngày càng lớn thì bắt buộc phải phẫu thuật cắt hạch để tránh biến chứng vỡ hạch gây nhiễm trùng.

Mẹ sơ ý kéo khoá quần kẹt vào “cậu nhỏ” của con, phải làm sao?

Một bạn đọc gọi về tổng đài 08983 08983 hỏi rằng: “Thưa BS, em lỡ tay kéo khoá quần của con em và không may làm dính vào “cậu bé” của con em. Vậy chuyện này có nghiêm trọng không và cần xử lý như thế nào ạ? Con em bị một chút xíu thôi nhưng có để lại vết bầm ạ.”

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Trường hợp này được tính như vết thương ở vùng quy đầu. Theo đó, phụ huynh có thể theo dõi tình trạng chảy máu, nếu trẻ đã hết chảy máu rồi thì có thể theo dõi tại nhà. Sỡ dĩ trẻ bị sưng hoặc bầm là do quy đầu thường nhạy cảm nên sẽ dễ tổn thương hơn ở những vùng khác. Nếu trẻ có triệu chứng sưng bầm nhiều thì phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau.

Bé sơ sinh 6 ngày tuổi bị chảy máu ở âm đạo, do đâu?

Xin hỏi BS, bé nhà em được 6 ngày tuổi và bị chảy máu một ít ở âm đạo. Vậy hiện tượng này là gì và có nguy hiểm không ạ?

BS Nguyễn Dy Lưu trả lời: Trường hợp trẻ bị chảy một ít máu ở âm đạo có thể do trong bé vẫn còn một ít nội tiết tố của mẹ khi mang thai. Theo đó, phụ huynh chỉ cần theo dõi em bé. Sau một thời gian, nội tiết tố sẽ được đào thải ra ngoài và em bé sẽ hết tình trạng này. Nếu hiện tượng này kéo dài trong vài tháng thì nên đưa trẻ đi khám.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X