Hotline 24/7
08983-08983

Tập kháng lực - “Cốt lõi” để phòng ngừa và điều trị bệnh lý thiếu cơ

Sự suy giảm cơ là một quá trình tự nhiên xảy ra ở tất cả mọi người, có thể dẫn đến chứng nhược cơ và tăng khả năng té ngã, mất thăng bằng ở người lớn tuổi. ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị Chuyển hóa Cơ Xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, dù là một vấn đề liên quan đến tuổi tác nhưng chúng ta có thể làm chậm quá trình này nhờ tập luyện và duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp.

1. Phân biệt mất cơ và teo cơ

Trước tiên, nhờ BS giải thích thêm: Mất cơ là gì? Tình trạng này phổ biến ra sao? Mất cơ và teo cơ có mối liên quan mật thiết với nhau như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Từ “mất cơ” cho chúng ta một hình dung cụ thể về việc số lượng cơ bị giảm sút, “teo cơ” lại dễ liên tưởng đến tình trạng cơ bị teo nhỏ. Cách giải thích này chỉ gần đúng với sự thật.

Cấu trúc cơ gồm rất nhiều sợi cơ dài, ngắn khác nhau, được tạo nên từ protein có nhiệm vụ co lại, giãn ra, phối hợp nhịp nhàng để chúng ta vận động, di chuyển. Vì vậy, khi số lượng sợi cơ bị mất đi, người ta gọi là mất cơ.

Trong một số bệnh lý mà số lượng cơ không suy giảm nhưng sợi cơ bị teo lại, thường gặp nhất ở các bệnh lý thần kinh, được gọi là teo cơ.

Như vậy, có thể thấy được rằng bệnh lý teo cơ và bệnh lý mất cơ không giống nhau và không đi đôi với nhau. Đối với bệnh lý mất cơ, số lượng cơ bị giảm sút sẽ ảnh hưởng đến sức của khối cơ, đồng thời dẫn đến mất chức năng cơ. Tóm lại, bản thân bệnh lý mất cơ có thể dẫn đến giảm hoặc mất chức năng vận động.

2. Tốc độ mất cơ tăng nhanh sau 50 tuổi

Tình trạng cơ bị “thâm hụt” này sẽ bắt đầu từ khi nào và đến độ tuổi nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Cơ cũng giống như xương hoặc chiều cao của chúng ta, được phát triển dần lên từ lúc nhỏ và thường đạt đỉnh vào khoảng 30-35 tuổi. Chúng tôi đã có nghiên cứu cho thấy, ở người Việt Nam, phần cơ phát triển đạt đỉnh vào khoảng 28-30 tuổi.

Sau lứa tuổi này, đường biểu diễn sự phát triển của cơ có 1 đoạn đi ngang rất ngắn và bắt đầu giảm dần. Từ năm 30 tuổi đến năm 50 tuổi, chúng ta chỉ mất từ 0,1-0,2% khối lượng cơ/năm.

Bước qua mốc 50 tuổi, tình trạng mất cơ diễn ra nhanh hơn, khoảng 1-2%/năm. Như vậy, trung bình trong vòng 10 năm (60-70 tuổi), một người có thể mất từ 10-20% khối cơ nếu không quan tâm và không có những biện pháp can thiệp.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng Đơn vị Chuyển hóa Cơ Xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 

3. Vì sao người lớn tuổi dễ bị mất cơ hơn?

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, mất cơ xảy ra nhanh như thế nào ở tuổi già? Tại sao người lớn tuổi lại mất cơ nhanh hơn?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Người lớn tuổi có 2 tình trạng cần lưu ý. Đầu tiên là tình trạng suy giảm các nội tiết tố, đứng đầu là nội tiết tố sinh dục estrogen ở nữ và testosterone ở nam. Đây là 2 hormone rất quan trọng trong sự phát triển của khối cơ.

Ngoài ra, người ta còn nhắc nhiều đến hormone tăng trưởng GH và yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF). Đây là những yếu tố bị suy giảm nồng độ khi tuổi tác lớn hơn, góp phần khiến cơ không phát triển được.

Qua nhiều nghiên cứu chứng minh, những tế bào thần kinh ở não truyền tín hiệu để cơ vận động, co bóp. Neuron thần kinh truyền xuống một cách tự động giúp các sợi cơ, khối cơ, bắp cơ co giãn tự động, góp phần vào sự phát triển của cơ.

Theo thời gian, các neuron thần kinh này cũng mất đi, các tế bào của cơ không được hoạt động thường xuyên dẫn đến suy giảm.

Yếu tố thứ ba là dinh dưỡng. Nếu không được quan tâm đúng mức, chế độ ăn của người già thường thiếu hụt protein. Không chỉ vậy, sự chuyển hóa trong cơ thể để tổng hợp protein cho cơ sử dụng cũng bị suy giảm. Không có protein đồng nghĩa với việc bị mất cơ.

Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, có đến khoảng 14% người từ 60 tuổi mắc bệnh thiếu cơ. Đến nhóm 80 tuổi, tỷ lệ này tăng lên thành 50%, nghĩa là trong 2 người trên 80 tuổi thì có 1 người bị thiếu cơ.

Điều này cho thấy thiếu cơ là một căn bệnh phổ biến. Nghiên cứu của chúng tôi tại TPHCM ghi nhận, tình trạng mất cơ diễn ra sớm hơn, ngay ở những người 50 tuổi với tỷ lệ 14%. 

4. Bệnh lý thiếu cơ khiến tỷ lệ tử vong gia tăng

Tình trạng thiếu cơ, mất cơ kéo dài sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và chất lượng sống của người cao tuổi, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Theo nhiều nghiên cứu, tình trạng mất cơ không đơn thuần chỉ là giảm sức mạnh hay mấy chức năng của cơ mà còn gắn liền với một loạt bệnh lý nguy hiểm khác.

Cơ yếu làm tăng nguy cơ té ngã, từ đó tăng nguy cơ gãy xương do loãng xương. Gãy xương do loãng xương có thể làm tăng nguy cơ tử vong gấp nhiều lần so với những người không bị teo cơ, mất cơ.

Thiếu cơ còn gắn liền với những bệnh lý nội khoa mãn tính như hô hấp, tim mạch, ung thư và thậm chí là giảm trí nhớ Dementia hoặc Alzheimer. Đây là nguyên nhân tỷ lệ nhập viện điều trị tăng lên, bên cạnh đó là tăng tỷ lệ tử vong.

Như vậy, thiếu cơ là một bệnh lý thường gặp ở người già. Tuy nhiên, cả trong thực hành lâm sàng lẫn y khoa hiện nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

5. Mất cơ là điều tất yếu xảy ra theo quá trình lão hóa tự nhiên

Một trong những thắc mắc nhiều nhất của các bậc lão niên đó là: có phải cứ về già chắc chắn sẽ bị mất cơ, teo cơ hay những nhóm người nào sẽ bị đe dọa bởi tình trạng này hơn

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Sau 30 tuổi, các khối cơ bắt đầu mất dần đi một cách tự nhiên ở tốc độ chậm. Sau 50 tuổi, tốc độ mất cơ trở nên nhanh hơn. Như vậy, theo quy luật tự nhiên, tất cả chúng ta đều gặp phải tình trạng suy thoái của các bộ phận trong cơ thể.

Tuy nhiên, khối lượng cơ mất đi ở mỗi người là khác nhau. Ở một số người, cơ mất đi theo tiến trình tự nhiên, mật độ cơ đạt đến đỉnh cao lúc trẻ vẫn đủ để bù đắp và duy trì, họ vẫn có thể sử dụng khối cơ cho đến lúc về già.

Ở một số nhóm đặc biệt, tình trạng mất cơ này diễn ra nhanh hơn. Các yếu tố di truyền, các bệnh lý mãn tính đi kèm (bệnh thận mãn, tiểu đường, ung thư, HIV) là nguyên nhân thúc đẩy quá trình mất xương nhanh hơn. Vấn đề béo phì cũng góp phần khiến bệnh nhân bị mất cơ khá nhanh.

Khi có một hoặc nhiều các yếu tố nêu trên, tình trạng mất cơ ở một cá nhân sẽ tăng nhanh bất thường và khiến khối lượng cơ mất đi nhiều hơn so với những người mất cơ theo quy luật tự nhiên.

6. Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu cơ

Làm sao để bậc lão niên hay người thân sẽ nhận diện được nguy cơ mất cơ, thiếu cơ, teo cơ ạ? Các dấu hiệu nào cảnh báo điều này, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Bệnh lý thiếu cơ thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng hằng ngày, cả trong cộng đồng lẫn môi trường y tế.

Triệu chứng của bệnh không rõ ràng, nhưng nếu quan tâm, người bệnh có thể nhận ra một số dấu hiệu như dễ mệt mỏi, gặp khó khăn khi đi lại, di chuyển. Các khối cơ ở bắp tay, đùi, bắp chân bị teo nhỏ lại có thể thấy được bằng mắt thường.

Khi tăng cân quá mức, các mô mỡ sẽ kích hoạt tình trạng viêm, dẫn đến mất cơ. Mất cơ ở bệnh nhân béo phì sẽ nặng hơn ở những bệnh nhân có thể trạng gầy.

7. Năm câu hỏi để tự kiểm tra bệnh lý mất cơ

Bên cạnh nhận diện bằng các triệu chứng, cần làm những xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh nào để chẩn đoán mất cơ, thiếu cơ, hay thậm chí là teo cơ cũng như mức độ của nó, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Triệu chứng của bệnh lý này khá mơ hồ. Trước hết, người bệnh có thể tự hỏi 5 câu hỏi để xem xét vấn đề:

  1. Sức khỏe có tốt không?
  2. Có bị dễ bị mệt không?
  3. Việc đi lại có thuận tiện không hay cần có sự trợ giúp của gậy chống hoặc cần người đỡ?
  4. Có đi lên, đi xuống cầu thang được hay không?
  5. Có hay bị té ngã không?

Khi có từ 2 vấn đề trở lên, khả năng cao người bệnh đang gặp phải bệnh lý thiếu cơ và cần đến cơ sở y tế thăm khám cụ thể hơn. Tại cơ quan y tế, để chẩn đoán chính xác hơn, người bệnh cần làm thêm một số test và xét nghiệm để đánh giá sức cơ và khối cơ.

Đo bằng máy DSA (Digital Subtraction Angiography - Chụp mạch máu số hóa xóa nền) được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá khối cơ. Đây là loại máy dùng để đo mật độ xương tại cổ xương đùi và cột sống lưng trong chẩn đoán loãng xương.

Riêng khi đánh giá khối cơ, bệnh nhân sẽ được đo toàn thân để cho kết quả chính xác nhất. So sánh với giá trị tham chiếu, bác sĩ sẽ biết được khối cơ đã mất bao nhiêu và có nằm trong trường hợp bị bệnh thiếu cơ hay không.

Trong trường hợp chi phí đo DSA quá tốn kém hoặc đơn vị chưa được trang bị, một phương pháp đơn giản hơn là đo bằng máy kháng trở sinh học.

Khối cơ mất sẽ đi kèm với sức cơ suy yếu. Máy đo sức cơ sẽ cho ra kết quả sau khi kiểm tra để tham chiếu với giá trị tiêu chuẩn, từ đó cho kết luận chính xác nhất. Nếu không có dụng cụ hay những bệnh nhân lớn tuổi không đủ sức, bài test đứng lên ngồi xuống với ghế trong vòng 30 giây sẽ cho một kết quả tương đối.

Test đi bộ với chiều dài quãng đường 4m và tính thời gian di chuyển sẽ tính được sức cơ của một người. Bài test kết hợp các động tác ngồi - đứng dậy - di chuyển tới 3m - di chuyển lùi 3m - ngồi cũng có thể đo được sức cơ dựa vào thời gian thực hiện.

Thuận tiện hơn nữa, hiện nay đã có thiết bị đeo tay để đo đạc và tính toán toàn bộ quá trình thực hiện test một cách tự động.

8. Vận động và dinh dưỡng là cốt lõi để điều trị thiếu hụt cơ

Khi phát hiện tình trạng cơ đang bị “thâm hụt”, bậc lão niên cần làm những gì để bù đắp cho phần hao hụt này, thưa BS? Những trường hợp nào cần điều trị và hiện nay y học hiện đại có các giải pháp nào để điều trị hiệu quả cho tình trạng này?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Vận động bao gồm vận động tạo sức bền, vận động căng cơ, vận động kháng lực,... Biện pháp điều trị hàng đầu để điều trị thiếu cơ là vận động kháng lực. Vận động đúng mức có thể giúp phục hồi khối cơ.

Trong cơ chế bệnh sinh đã nêu, một trong những nguyên nhân gây bệnh là thiếu hụt protein. Vì vậy, song song với việc tập luyện khối cơ, chúng ta phải cung cấp đủ lượng protein theo nhu cầu của cơ thể thông qua dinh dưỡng hằng ngày.

Đó là 2 biện pháp không dùng thuốc, là yếu tố cốt lõi trong điều trị bệnh. Hiện nay, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không công nhận bất kỳ loại thuốc nào trong điều trị thiếu cơ.

Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, một số khuyến cáo vẫn chấp nhận phương pháp bù hormone. Nhưng phương pháp này không được xem là cốt lõi mà chỉ dựa trên sinh lý bệnh.

Vận động và dinh dưỡng là chìa khóa phòng ngừa mất cơ và teo cơ

9. Cung cấp protein qua chế độ ăn lành mạnh và phù hợp

Protein là “vật liệu” xây dựng chính của cơ bắp, nhưng dường như khi lớn tuổi, bậc lão niên lại có xu hướng ăn ít lại, thậm chí nhiều người ăn chay trường. Nhờ BS chia sẻ thêm, protein cho người lớn tuổi bao nhiêu là đủ cho một ngày/ một tuần?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Theo nghiên cứu, một người không bị thiếu cơ cần khoảng 1g protein/1kg cân nặng. Người mắc bệnh thiếu cơ có nhu cầu protein cao hơn, 1-2g protein/1kg cân nặng.

Ví dụ, 1 người bị thiếu cơ nặng 50kg sẽ cần phải nạp 50-100g protein mỗi ngày. Trong 100g cá thu chỉ có 20g protein. Nghĩa là người này phải ăn 250g cá thu mỗi ngày mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Nhiều người thường nghĩ đến thịt bò khi muốn bổ sung đạm. Tuy nhiên, đây lại là một nguồn chất béo bão hòa dồi dào, không được khuyến cáo cho người lớn tuổi, bệnh nhân cơ xương khớp và bệnh nhân thiếu cơ.

Những loại thực phẩm lành mạnh và chứa nhiều protein gồm cá, trứng, các chế phẩm từ sữa. Lòng đỏ trứng có hàm lượng cholesterol khá cao nên cần hạn chế sử dụng. Đối với sữa, các chuyên gia khuyên dùng sữa tách béo. Sữa chua cũng là một nguồn protein tốt mà người ăn chay có thể dùng được.

Ngoài ra, các loại hạt và ngũ cốc cũng là nguồn cung cấp protein cho những người ăn chay. Trong 100g đậu nành có đến 50g protein. Hạt quinoa, hạt chia, các loại đậu cũng chứa một lượng protein dồi dào.

Chính vì vậy, người ăn chay vẫn có thể bổ sung protein từ các loại thực phẩm phù hợp và lành mạnh. Chúng ta có thể cân bằng các nhóm thực phẩm để làm cho bữa ăn thêm đa dạng, phong phú.

10. Tập kháng lực vừa phòng ngừa vừa điều trị bệnh lý thiếu cơ

Để cơ không bị mất đi quá nhiều khi lớn tuổi, những việc nào cần làm ngay từ bây giờ, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan trả lời: Để tạo sức mạnh cho khối cơ, cả người trẻ và người lớn tuổi đều cần tập luyện kháng lực. Gym là bộ môn tập luyện kháng lực hiệu quả nhưng cần có dụng cụ và huấn luyện viên chuyên nghiệm hướng dẫn.

Biện pháp điều trị cốt lõi của bệnh lý thiếu cơ cũng chính là biện pháp để phòng ngừa bệnh. Đặc biệt, việc tập luyện có thể áp dụng từ lúc nhỏ, lúc trẻ cho đến khi về già. Hình thức tập và bài tập sẽ được điều chỉnh thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn.

Người lớn tuổi không có bệnh lý vẫn có thể tham gia một số bài tập với tạ, dải băng đàn hồi nhưng mức độ nhẹ hơn người trẻ. Nếu có các bệnh lý cơ xương khớp khiến vận động bị cản trở, bệnh nhân có thể chuyển sang những bài tập có tư thế nằm, ngồi phù hợp.

Người có sức khỏe quá kém kèm theo những bệnh lý tim mạch, tiểu đường, không thể vận động mạnh có thể tập các động tác nhẹ nhàng, vừa sức.

Tập luyện đúng cách luôn có hiệu quả giữ cho cơ không bị mất đi hoặc có thể tăng cường khối cơ của chúng ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X