Hotline 24/7
08983-08983

Tăng huyết áp, tiểu đường - 2 “sát thủ” hàng đầu gây đột quỵ ở người Việt

Nhân Ngày Đột quỵ Thế giới 29/10, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM nhấn mạnh, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Trong đó, tăng huyết áp, tiểu đường là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Ngoài ra, đột quỵ còn liên quan đến các bệnh lý thường gặp khác như béo phì, tăng cholesterol, và thói quen kém lành mạnh như thuốc lá, rượu bia.

Trong 4 người sẽ có 1 người nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai

Chương trình nâng cao kiến thức cho cộng đồng do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp cùng Phòng Y tế và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban tuyên giáo Quận ủy, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Người cao tuổi Quận 11 tổ chức.

Đông đảo người dân trên địa bàn Quận 11 thuộc Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 đến tham dự chương trình

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch, ung thư và là nguy cơ gây tàn phế hàng đầu hiện nay.

Đáng lo ngại hơn, căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. “Cách đây khoảng 5 năm, những số liệu cho thấy rằng nguy cơ suốt đời của một con người từ 25 - 95 tuổi, t lệ cứ 6 người sẽ có thể có 1 người bị đột quỵ trong tương lai. Song, hiện nay con số này đã thay đổi chỉ còn 4 người” - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM

Trong 10 người đột quỵ, chỉ có 3 người trở lại cuộc sống bình thường

Chuyên gia nhấn mạnh, hàng năm Hoa Kỳ phải mất khoảng 70 tỷ USD cho việc điều trị các bệnh nhân đột quỵ. Cứ 10 người bị đột quỵ thì có 2 người tử vong, 5 trường hợp và chỉ có 3 người quay trở lại cuộc sống bình thường. Tại Việt Nam, tăng huyết áp và tiểu đường là hai yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo: “Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ cho đến nay, cao huyết áp vẫn là “sát thủ số 1”, có đến 90% bệnh nhân đột quỵ đều có liên quan đến cao huyết áp. Khi chúng tôi thực hiện một thử nghiệm lâm sàng, thấy rằng 90% bệnh nhân đột quỵ do cao huyết áp. Nhưng đặc biệt nguy hiểm và đáng lo ngại là hơn 50% trong tổng số bệnh nhân không nhận thức được bản thân đã bị cao huyết áp.

Huyết áp bình thường của một người là 120/80 mmHg. Rất nhiều bệnh nhân huyết áp cao lên đến 140 - 150/80 mmHg nhưng vẫn nghĩ rằng ở độ tuổi của họ (70 hoặc 80 tuổi) mức huyết áp đó là bình thường. Đây là một quan niệm sai lầm, tất cả những chỉ số huyết áp từ 140 mmHg đều cần phải được điều trị và kiểm soát, để chúng ta phòng ngừa đột quỵ. Đây chính là lý do trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi luôn nhắc đến việc người dân cần phải kiểm soát huyết áp thường xuyên và chặt chẽ”.

Tăng huyết áp ở người Việt có liên quan chặt chẽ đến thói quen ăn mặn, ăn nhiều muối. Theo chuyên gia, điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tăng huyết áp và dẫn đến tỷ lệ mắc đột quỵ cao ở người Việt.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm: “Yếu tố nguy cơ thứ hai cũng rất quan trọng, đó là tiểu đường. Tỷ lệ mắc căn bệnh này đang ngày càng có xu hướng gia tăng và trong nhóm các bệnh nhân bệnh đột quỵ có thể lên đến từ 20 - 25%, chiếm khoảng 1/4 các trường hợp đột quỵ.

Ngoài 2 yếu tố trên, còn rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ khác như béo phì, tăng cholesterol máu và đặc biệt là những yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như thuốc lá (70% bệnh nhân nam hút thuốc lá mắc đột quỵ). Tất cả những yếu tố nguy cơ trên nếu được kiểm soát một cách chặt chẽ, sẽ giảm khả năng nguy cơ mắc đột quỵ” - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết.

90% bệnh nhân đột quỵ có các triệu chứng méo miệng, yếu liệt nửa người, nói đớ

Khi có các dấu hiệu nhận biết đột quỵ, người thân nên đưa bệnh nhận đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng đột quỵ rất dễ nhận biết, đó là đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng; chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động. Hơn 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có những triệu chứng này.

Các chuyên gia đang tập trung lắng nghe những thắc mắc về các vấn đề bệnh lý của người dân tham gia

Nếu phát hiện người nhà có những biểu hiện nêu trên cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất và có khả năng điều trị đột quỵ. Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất nhưng không có khả năng điều trị đột quỵ sẽ làm mất đi giờ vàng của bệnh nhân. Trong điều trị đột quỵ, giờ vàng là rất quan trọng, nếu bệnh nhân được đưa đến trễ thì não đã chết và khả năng cứu chữa sẽ rất thấp” - PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo.

Tổ chức Y tế thế giới - WHO đã lấy ngày 29/10 hàng năm là Ngày Đột quỵ Thế giới với mục tiêu nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động về đột quỵ trên phạm vi toàn cầu. Kể từ khi phát động chiến dịch, tính đến năm 2023, Ngày Đột quỵ Thế giới đã lan tỏa rộng rãi trên khắp thế giới.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X