Hotline 24/7
08983-08983

Tăng huyết áp thai kỳ gây ra biến chứng tiền sản giật, sản giật

Tăng huyết áp thai kỳ nếu không kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, sản giật, hội chứng hellp, tổn thương các cơ quan, em bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung, gây nguy hiểm trong lúc mang thai và chuyển dạ. Đó là chia sẻ của BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm - Khoa Hậu sản A, Bệnh viện Hùng Vương.

1. Tăng huyết áp thai kỳ, rối loạn tiền sản giật, sản giật chiếm 5,5-8%

Tỷ lệ tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai hiện nay như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Những rối loạn huyết áp ở phụ nữ mang thai có nhóm tăng huyết áp thai kỳ, rối loạn tiền sản giật, sản giật với tỷ lệ chung khoảng 5,5-8% phụ nữ mang thai Việt Nam.

2. Phụ nữ bị tăng huyết áp sau 20 tuần tuổi thai gọi là tăng huyết áp thai kỳ

Phụ nữ mang thai được xác định tăng huyết áp khi nào?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Phụ nữ mang thai có tình trạng tăng huyết áp xảy ra sau 20 tuần tuổi thai được gọi là tăng huyết áp thai kỳ, còn với những người đã bị tăng huyết áp trước khi mang thai được gọi là tăng huyết áp mạn tính, đến khi mang thai sẽ chuyển thành dạng khác.

Riêng với tăng huyết áp thai kỳ có một nhóm đặc trưng cho sản phụ là tăng huyết áp kết hợp với sự hiện diện của đạm trong nước tiểu hoặc rối loạn các cơ quan khác như não, tim, thận, gan… đó là dạng có tiền sản giật hoặc sản giật.

3. Tăng huyết áp thai kỳ do đâu?

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng tăng huyết áp thai kỳ, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Cơ chế chính xác gây tăng huyết áp chưa được xác định rõ, tuy nhiên có thể nhận thấy ở thai kỳ bình thường khoảng 15-16 tuần tuổi thai sẽ có tình trạng xâm nhập của nguyên bào nuôi vào thành các động mạch xoắn tại tử cung. Sự xâm nhập này giúp động mạch mềm mại và giãn nở to hơn, khẩu kính lớn hơn, từ đó lượng máu từ mẹ qua con sẽ gia tăng. Điều này là một sinh lý phù hợp với thai kỳ giúp gia tăng lượng máu nuôi từ mẹ qua thai.

Ở những người có tình trạng tăng huyết áp, nhận thấy sự xâm nhập của nguyên bào nuôi kém hơn, mạch máu trong tử cung có khẩu kính nhỏ hơn và co thắt nhiều hơn so với mẹ mang thai bình thường, gây ra tăng huyết áp.

Khi giảm lượng máu tới thai sẽ kích thích bánh nhau tiết ra một số nội tiết khác để bù trừ lại các trường hợp thiếu máu nuôi thai, gây ra tổn thương trong các nội mạch của toàn bộ mạch máu trong cơ thể người mẹ. Vì vậy gây ra các tổn thương khác ngoài tổn thương ở nhau thai như tổn thương não, tim, gan, thận…

Tăng huyết áp là bệnh lý của lối sống và lứa tuổi, hiện tại do lối sống có nhiều áp lực công việc và cuộc sống dễ dẫn đến stress. Bên cạnh đó, lứa tuổi kết hôn của phụ nữ Việt Nam ngày càng muộn hơn, từ đó mang thai muộn. Khi mang thai, người mẹ có bệnh lý nền dễ dẫn đến tăng huyết áp trong thai kỳ.

Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng gây ra do thai và xảy ra ở mức sau 20 tuần, thai phụ đã bước vào tam cá nguyệt thứ hai, nếu có rối loạn tăng huyết áp trước đó sẽ là tăng huyết áp mạn tính, khi có thai đi khám mới phát hiện tình trạng tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu oxy mạn tính ngày càng nhiều, do đó huyết áp thai kỳ xuất hiện ở giai đoạn muộn.

4. Tiền sản giật, sản giật, em bé suy dinh dưỡng, hậu quả của kiểm soát huyết áp kém

Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra những biến chứng gì?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Tăng huyết áp là các rối loạn toàn thân, do đó nếu kiểm soát không tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt đối với thai phụ sẽ gây ra biến chứng tiền sản giật, sản giật, cụ thể là các cơn co giật toàn thân gây ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, khi tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, mẹ mang thai còn tăng các bất thường lớn như hội chứng HELLP là tình trạng tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu, nghĩa là các cơ quan như gan, tiểu cầu hoặc toàn thân bị tổn thương.

Trên một người mẹ có mức độ huyết áp kiểm soát không tốt, em bé cũng bị ảnh hưởng, phổ biến nhất là tình trạng em bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung, gây nguy hiểm trong lúc mang thai và chuyển dạ.

>>> Mời xem thêm: Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai nguy hiểm thế nào, làm sao nhận diện?

5. Chóng mặt, buồn nôn, co giật, rối loạn thị giác, tri giác, dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ

Những dấu hiệu nào cảnh báo tăng huyết áp thai kỳ, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Nếu mức độ huyết áp gia tăng đột ngột ở mức cao sẽ có các dấu hiệu như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, thậm chí có những mẹ sẽ rơi vào cơn co giật, rối loạn thị giác - nhìn mờ hoặc rối loạn tri giác như hôn mê…

Tuy nhiên, khi huyết áp khi gia tăng ở mức trung bình một số người có thể không nhận ra nhưng vẫn có các dấu hiệu gián tiếp, khả năng xuất hiện tiền sản giật như phù chân nhanh, tăng cân nhanh, đó là dấu hiệu gợi ý nên đi thăm khám để kiểm tra có tăng huyết áp hay không.

6. Xác định tăng huyết áp thai kỳ bằng đo huyết áp

Làm thế nào để xác định thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Để chẩn đoán một tình trạng tăng huyết áp, việc đo huyết áp là đủ nhưng bắt buộc thực hiện đúng kỹ thuật.

Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm trương > 140mmHg hoặc huyết áp tâm thu > 90mmHg, thai phụ phải được đo ít nhất 2 lần, cách nhau ít nhất 4 tiếng, trong khoảng giữa thai phụ phải được nghỉ ngơi đầy đủ, không stress và vận động ảnh hưởng đến kết quả lần đo tiếp theo.

Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ, lượt đo đầu với mức huyết áp tâm trương > 160 mmHg hoặc huyết áp tâm thu > 110 mmHg, có thể chỉ chờ trong 15 phút, thậm chí cần xử trí ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Về vấn đề chẩn đoán tăng huyết áp chỉ cần đo huyết áp, tuy nhiên để chẩn đoán có tiền sản giật hay mức độ của tiền sản giật cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác. Trong đó, tiền sản giật là có sự xuất hiện của đạm trong nước tiểu, do đó cần xét nghiệm nước tiểu lấy một lần hoặc lấy trong 24 giờ để định lượng toàn bộ lượng đạm 24 giờ có trong nước tiểu của thai phụ.

Bên cạnh đó, thai phụ cần xét nghiệm máu để kiểm tra các tổn thương trên gan, thận, kiểm tra rối loạn đông máu hoặc thực hiện siêu âm để kiểm tra kích thước em bé và ảnh hưởng thai.

7. Khuyến cáo thai phụ trang bị máy đo huyết áp tại nhà

Thai phụ tăng huyết áp sẽ được theo dõi như thế nào?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Tùy vào mức độ tăng huyết áp của thai phụ bác sĩ sẽ quyết định có nên sử dụng thuốc tại nhà hay không, từ đó kê toa thuốc phù hợp.

Đối với thai phụ tăng huyết áp khuyến cáo nên có máy đo huyết áp tại nhà, đo ít nhất 2 lần mỗi ngày (sáng, chiều) hoặc đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày nếu cảm thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ… để kiểm soát huyết áp. Trong trường hợp huyết áp cao, thai phụ phải đến bệnh viện ngay.

8. Thai phụ không được tự ý dùng thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ hiện nay có những phương pháp nào, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Nếu chỉ tăng huyết áp thai kỳ đơn thuần không kèm đạm niệu, thai phụ có thể được sử dụng thuốc để hạ huyết áp tại nhà. Có nhiều nhóm thuốc an toàn trên thai phụ như methyldopa, ức chế kênh canxi hoặc nhóm thuốc giãn mạch như hydralazine. Tuy nhiên không khuyến cáo thai phụ tự ý sử dụng thuốc, việc dùng thuốc hạ huyết áp thai kỳ cần được bác sĩ kê toa và điều chỉnh liều phù hợp.

Đối với thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật đa phần phải nhập viện để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai phù hợp, đồng thời lên kế hoạch chấm dứt thai kỳ đúng thời điểm, tránh biến chứng cho mẹ và thai.

9. Thuốc hạ huyết áp khuyến cáo an toàn cho phụ nữ mang thai có khoảng 3-4 nhóm

Tính an toàn của thuốc điều trị tăng huyết áp trên thai phụ như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Có rất nhiều nhóm thuốc kiểm soát huyết áp, đối với người không mang thai sẽ có nhiều lựa chọn. Đối với phụ nữ có thai khoảng 3-4 nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng an toàn trên thai phụ. Vấn đề cần lưu ý không được tự ý dùng liều khác với bác sĩ khuyến cáo hoặc tự ý mua thuốc.

10. Thai phụ nên tránh lo âu, căng thẳng, bổ sung dinh dưỡng theo khuyến cáo

Có những phương pháp nào giúp giảm huyết áp tự nhiên tại nhà?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Thứ nhất, bên cạnh việc dùng thuốc, thai phụ cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu không cần thiết. Ngoài ra, trong chế độ ăn nên giảm muối, khi nêm nếm cần bớt lượng muối, nước mắm, giảm thiểu việc sử dụng nước chấm.

Thứ hai, bổ sung canxi, vitamin D3, magie, được chứng minh giúp thai phụ bổ sung vi chất, tránh tình trạng xấu của tiền sản giật tốt hơn.

11. Giảm ăn mặn, bổ sung rau và chất xơ trong dinh dưỡng của người tăng huyết áp thai kỳ

Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ cần lưu ý những gì, thưa BS?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ tăng huyết áp nên lưu ý tránh ăn mặn, giảm muối, mắm, nước tương khi nêm nếm để thai phụ giảm tình trạng phù nề, giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Bên cạnh đó, thai phụ nên ăn bổ sung rau, chất xơ để tăng cường dưỡng chất tự nhiên.

12. Tăng huyết áp, tiền sản giật vẫn có thể sinh thường

Thai phụ tăng huyết áp thai kỳ nên sinh thường hay sinh mổ?

BS.CK2 Trần Thị Ngọc Tâm trả lời: Tăng huyết áp thai kỳ không phải yếu tố chỉ định mổ sinh. Việc chỉ định mổ sinh phụ thuộc vào chỉ định sản khoa như xuất hiện tình trạng suy thai, em bé nằm ngôi bất thường.

Còn đối với các tình trạng sản phụ xuất hiện tiền sản giật hoặc sản giật, đe dọa sức khỏe mẹ, cấp cứu, xuất hiện hội chứng hellp, có tán huyết, đe doạ phù phổi, trường hợp này việc chấm dứt thai kỳ nhanh là điều quan trọng. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc vấn đề cho theo dõi sinh thường hoặc mổ sinh tùy thuộc vào tình trạng sản phụ.

Bên cạnh đó, đối với tình trạng nặng, có các vấn đề suy chức năng gan, thận, rối loạn đông máu, nếu mổ sinh sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ và biến chứng cuộc mổ, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc trên lợi ích của mẹ và của thai để chọn mổ hoặc sinh thường. Trên thực tế, đa phần các trường hợp thai phụ có tiền sản giật hoặc tăng huyết áp vẫn được theo dõi sinh thường.

Trong quá trình chuyển dạ sinh, cơn đau khiến các mẹ lo lắng vấn đề tăng huyết áp, vấn đề này được khuyến cáo sử dụng các phương pháp giảm đau sản khoa là gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau, kiểm soát huyết áp tốt và thai phụ sinh thường như bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X