Hotline 24/7
08983-08983

Tam thất - thuốc tăng lực của chị em phụ nữ

Tam thất có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, thể hiện ở các hoạt tính estrogen và hướng sinh dục, còn dùng trong trị vô sinh nữ. Tam thất có tác dụng giãn mạch ngoại biên nhưng không gây tụt huyết áp và cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể mạn tính.

I. Tổng quan về tam thất

Tên thường gọi: Tam thất.

Tên gọi khác: Sâm tam thất, thổ sâm, kim bất hoán.

Tên khoa học: Panax pseudo-ginseng Wall.

Phân họ: Họ Nhân sâm (Araliaceae).

alobacsi Tam thất - thuốc tăng lực của chị em phụ nữ

1. Nhận biết cây tam thất

Cây thảo, sống nhiều năm. Rễ củ hình con quay. Thân mọc thẳng, cao 30-50cm, màu tím tía. Lá kéo chân vịt, 3 -4 cái mọc vòng gồm 5-7 lá chét hình mác, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông cứng ở gân, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc thành tán đơn ở ngọn thân; hoa màu lục vàng nhạt; dài 5 răng ngắn; tràng 5 cánh rộng ở phía dưới; nhị 5; bầu 2 ô.

Quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín màu đỏ; hạt màu trắng.

Mùa hoa: tháng 5-7, mùa quả: tháng 8-10.

alobacsi nhận biết cây tam thất

2. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến tam thất

Tam thất có nguồn gốc ở phía nam Trung Quốc, được trồng từ lâu đời và không còn tìm thấy trong trạng thái mọc tự nhiên.

Cây được trồng nhiều nhất ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Triều Tiên. Ở Việt Nam, tam thất là cây nhập từ Trung Quốc (1970 - 1984). Các huyện Sa Pa, Lào Cao, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu.

Tam thất là cây thảo đặc biệt ưa bóng và ưa ẩm mát ở vùng núi cao (trên 1500m); về mùa đông nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C, nhưng phần thân rễ của tam thất vẫn tồn tại. Hàng năm vào khoảng tháng 2-3, từ đầu thân rễ mọc lên chồi thân. Chồi này sinh trưởng rất nhanh, chỉ sau 2-2.5 tháng đã đạt được kích thước cực đại, sau đó bắt đầu có hoa quả. Cây trồng đúng quy cách, được chăm sóc tốt sẽ có tỷ lệ đậu quả cao, khoảng 60%. Sau khi quả chín, toàn bộ phần thân trên mặt đất bắt đầu tàn lụi.

Hạt tam thất có khả năng nảy mầm khỏe, tỷ lệ này giảm dần theo thời gian.

Tam thất ưa khí hậu á nhiệt đới, nhiệt độ trung bình 15-20 độ C, cao nhất 33-34 độ C, thấp nhất 2-3 độ C, lượng mưa 1500-2700mm, độ ẩm không khí 80-90%, độ cao 800-1500m so với mặt biển.

Tam thất được trồng ở các vùng cao thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu, nhân giống bằng hạt. Hạt thu từ những cây 3 năm tuổi trở lên. Khi quả chín, thu về, xát, đãi sạch vỏ, tách lấy hạt. Ngâm hạt vào dung dịch Benlat 0.3% trong 10-15 phút rồi ủ trong cát ẩm, sạch, giữ ở nhiệt độ 4 độ C (trong tủ lạnh) 4-6 tuần rồi đem gieo vào tháng 12-1. Cách này đỡ công chăm sóc và hạt mọc đều hơn.

Đất vườn ươm phải là nơi cao ráo thoát nước, tiện chăm sóc.

alobacsi Lá cây tam thấtLá cây tam thất

Vườn ươm cần làm giàn che cao 1m trở lên, xung quanh dùng phên, cành cây cắm chắn gió. Chú ý tưới ẩm vừa phải, không được ẩm quả, dễ sinh bệnh thối củ thối gốc. Cây con được 1 năm tuổi đánh đi trồng ra ruộng. Thời vụ trồng vào cuối mùa đông đến đầu mùa xuân, khi cây còn đang ngủ đông.

Ruộng trồng tam thất nên bố trí trên đồi gò có độ dốc vừa phải, đất tốt, nhiều mùn, thoát nước, nhất là đất bazan, đỏ vàng, đất mới khai phá. Nếu trồng trên đất thuộc thì cây vụ trước nhất thiết không được là tam thất, cây họ cà, cây rau các loại phải là cây họ đậu hoặc ngô.

Tam thất không chịu được ánh nắng trực xạ, vì vậy, phải làm giàn che bớt 70-75% ánh sáng. Giàn cần làm cao 1.5m, chắc chắn, mái phủ bằng những nguyên liệu tương đối bền, thông dụng nhất là phên nứa đan thưa.

Tam thất bị khá nhiều sâu bệnh hại. Cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và trừ diệt kịp thời. Ngoài các loại sâu thông thường, cần chú ý phòng trừ sên, giun, chuột. Bệnh phổ biến nhất là gỉ sắt, phấn trắng, thối củ.

Tam thất trồng ít nhất 5 năm mới thu hoạch, càng để lâu càng tốt. Cần thu vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Củ đào bỏ rễ, rửa sạch đất, phơi gần khô, cho vào bao tải lăng hoặc dùng tay xoa cho nhẵn vỏ, sau đó lại đem phơi đến khô.

Bộ phận dùng của tam thất là rễ. Rễ tam thất được thu hái trước khi ra hoa, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, rồi phân loại thành rễ củ, rễ nhánh và thân rễ.

3. Thành phần dược chất của tham thất

Tam thất chứa nhiều nhóm thành phần hóa học, chủ yếu là saponin (4.42 -12%), thuộc kiểu protopanaxadiol và protopanaxatriol.

Nhiều ginsenosid: Rb1, Rb2, Rb3, Rc, Rd, Re, Rg1, Rg2-Rh1, Fz và glucoginsenosid Rf được phân lập từ toàn cây tam thất. Ngoài ra còn có các notoginsenosid: R1, R2, R3, R4, R6.

Lá còn có saponin với sapogenin là chất dẫn oxepan.

Tam thất có tinh dầu ở rễ (trong đó có α-guaien, β-guaien và octadecan) và ở hoa (trong đó có elemen, heptacosan, pentacosan).

Ngoài ra, còn có flavonoid, phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, dancosterol), pholysaccharid (arabinogalactan: sanchinan A).

alobacsi Hoa cây tam thấtHoa cây tam thất

II. Công dụng của tam thất

1. Công dụng của tam thất theo đông y cổ truyền

Tam thất được dùng theo công năng hóa ứ chỉ huyết, hoạt huyết định thống. Chủ trị các chứng xuất huyết ngoài và bên trong nội tạng, té ngã ứ huyết sưng đau.

Tam thất được dùng chữa thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, sau khi sinh huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, đi tiểu ra máu, có tác dụng hoạt huyết, làm tan ứ huyết, chữa sưng tấy, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ, vết thương chảy máu.

Dùng ngoài giã đắp hoặc rắc thuốc bột để cầm máu. Thân cây và lá tam thất cũng được dùng làm trà hãm hoặc nấu cao uống.

Trong y học cổ truyền Ấn Độ, tam thất là thuốc bổ và làm tăng khả năng thích nghi của cơ thể.

2. Công dụng của tam thất theo đông y hiện đại, các tác dụng đã nghiên cứu

Tam thất là một loại thuốc tăng lực.

  1. Tam thất có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, thể hiện ở các hoạt tính estrogen và hướng sinh dục, còn dùng trong trị vô sinh nữ.
  2. Tam thất có tác dụng giãn mạch ngoại biên nhưng không gây tụt huyết áp và không gây hại cho hệ thần kinh trung ương.
  3. Cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể mạn tính: bệnh nhân suy nhược cơ thể uống tam thất dạng cao rượu 1g/ngày trong 3 tuần lễ, cho kết quả tốt: ăn ngon miệng, ngủ tốt hơn, tăng trọng lượng cơ thể. Thuốc chế từ củ tam thất dùng để hồi lại sức của những người đã trải qua bệnh nặng, nhất là đối với phụ nữ khi sinh đẻ bị yếu.
  4. Rễ tam thất kích thích miễn dịch khá mạnh.
  5. Trên hệ thần kinh, tam thất kích thích tâm thần, chống trầm uất.
  6. Tam thất có hoạt tính chống oxy hóa tốt, duy trì lâu dài chức năng của hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh và da theo tuổi tác.
  7. Tam thất được áp dụng trong điều trị nhãn khoa vì có tác dụng tiêu máu tốt. Dược liệu được chỉ định dưới dạng nước sắc dùng uống, nhỏ mắt hoặc điện di cho bệnh nhân chảy máu trong mắt thuộc các loại: chấn thương, sau phẫu thuật, chấn thương đụng giập, xuất huyết trước và sau võng mạc, xuất huyết trong bệnh Eales.
  8. Đối với bệnh nhân cao huyết áp: Tam thất làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, đồng thời hạ huyết áp động mạch.
  9. Đối với bệnh nhân thiếu máu cơ tim: Tam thất làm giảm lượng oxy tiêu thụ của cơ tim 21.4%, do đó giảm nhẹ sức làm việc của tim và được ứng dụng điều trị thiểu năng mạch vành. Thành phần tác dụng được đánh giá là do flavonoid trong tam thất.
  10. Tam thất rút ngắn thời gian đông máu, do đó có tác dụng cầm máu, và các tác dụng khác là lợi tiểu, tán huyết. Tam thất là vị thuốc đặc biệt, vừa có tác dụng cầm máu, vừa có tác dụng tán huyết ứ, tiêu trừ khối máu tụ.
  11. Tam thất còn được dùng trong điều trị ung thư. Ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư lympho ác tính, trong 3 tháng điều trị đã có đáp ứng tốt, không độc.

III. Cách dùng - liều dùng tam thất

Liều dùng: Ngày uống 4-9g, dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc. Nếu dùng ngoài thì lấy củ tươi giã đắp hoặc lấy bột rắc.

1. Một số cách dùng tam thất theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương

  • Chữa máu ra nhiều sau khi sinh: Tam thất tán nhỏ uống với nước cơm, mỗi lần 8g.
  • Chữa thiếu máu hoặc các chứng huyết hư sau sinh: Tam thất tán nhỏ, uống 6g.
  • Chữa các loại chảy máu, hoặc sưng u ở nội tạng, các loại thiếu máu do mất máu nhiều hay do giảm hồng cầu: Tam thất tán bột, mỗi ngày uống 6-12g. Chảy máu cấp thì uống gấp bội, bệnh mạn tính thì uống kéo dài nhiều ngày.
  • Chữa chảy máu khi bị thương: Lá tam thất giã nhỏ, trong uống, ngoài đắp.
  • Chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi và phụ nữ sau sinh:
  • Tam thất 12g, sâm Bố Chính, ích mẫu, mỗi vị 40g, kê huyết đằng 20g, hương phụ 12g. Tán nhỏ, uống mỗi ngày 20g. Hoặc có thể sắc uống với liều thích hợp.
  • Chữa viêm gan thể cấp tính nặng: Tam thất 12g, nhân trần 40g, hoàng bá 20g, huyền sâm, thiên môn, bồ công anh, mạch môn, thạch hộc, mỗi vị 12g, xương bồ 8g. Sắc uống ngày một thang.
  • Chữa tiểu máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu: Tam thất 4g, ngải diệp, ô tặc cốt, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 12g; đương quy, xuyên khung, đan bì, đan sâm, mỗi vị 8g; một dược, ngũ linh chi, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang.

alobacsi củ tam thấtCủ tam thất, tam thất cắt lát, bột tam thất

2. Một số cách dùng tam thất đã nghiên cứu

Bài thuốc gồm 3 dược liệu tam thất, trinh nữ hoàng cung và đu đủ đã làm giảm sinh khối u hay tổng số tế bào ung thư trên nghiên cứu lâm sàng, do đó làm giảm tốc độ phát triển u.

3. Dùng tam thất đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Không dùng cho phụ nữ mang thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

4. Dùng tam thất đối với đối với trẻ nhũ nhi

Không dùng tam thất cho trẻ nhũ nhi.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với tam thất

Vì một số tác dụng đối kháng, cấm dùng tam thất cho các đối tượng sau:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ rong kinh (mặc dù tam thất cầm máu nhưng lại có thể gây tán huyết cho kỳ hành kinh).
  • Trẻ em dưới 9 tuổi.
  • Người có tiền sử dị ứng với nhân sâm.
  • Không dùng quá liều chỉ định của tam thất.
  • Không dùng tam thất vào buổi chiều tối vì có thể gây khó ngủ.

Cần thông báo cho thầy thuốc biết nếu bạn có đang dùng song hành thuốc liên quan đến hoạt động đông máu (dù là thuốc kháng đông máu hay thuốc cầm máu) để điều chỉnh các loại thuốc cho phù hợp.

Trong nghiên cứu uống dài ngày tam thất, không thấy có biểu hiện độc qua các xét nghiệm về các chức năng gan, thận và máu.

Nếu có thể, hãy lựa chọn tam thất loại tốt để dùng. Hoạt tính sinh học của rễ củ tam thất 5 năm mạnh gấp 2 lần so với rễ củ 3 năm, gấp 8 lần rễ phụ và gấp 20 lần lá tam thất.

V. Bảo quản tam thất

Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X