Hotline 24/7
08983-08983

Tầm quan trọng của khám sức khỏe tổng quát định kỳ

Trong bài viết này BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó khoa Nội Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115 và BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - BS Khoa Khám bệnh từ Bệnh viện Gia An 115 đã cho thấy tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Để từ đó, phát hiện sớm, ngăn ngừa các bệnh lý có thể xảy ra và rút ngắn thời gian điều trị.

1. Đột tử và đột quỵ khác nhau thế nào?

Trước hết, nhờ BS chia sẻ với khán thính giả về đột tử và đột quỵ. Đột tử và đột quỵ khác nhau như thế nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân trả lời: Thỉnh thoảng xem ti vi hay qua báo chí chúng ta biết được tin tức 1 cầu thủ bóng đá bị đột tử trên sân cỏ hay 1 cô gái trẻ đang chạy bộ buổi sáng thì đột nhiên bị đột tử hoặc 1 bác hàng xóm đang làm việc nhà thì bị đột quỵ.

Đây chính là nỗi lo lắng trăn trở của nhiều người. Hai bệnh lý này đều có sự khác nhau về mặt nguyên nhân và triệu chứng.

Đột tử (Sudden cardiac death hoặc Sudden cardiac arrest) là tình trạng tim ngừng đập đột ngột. Sau vài phút tim không bơm máu lên não được sẽ dẫn đến hiện tượng bất tỉnh và tử vong xảy ra rất nhanh, bất ngờ trong vòng ít phút.

Tình trạng ngừng tim này thường xảy ra trên những người trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường đang chơi thể thao, làm việc hoặc tập thể dục,… và xuất hiện ở người trẻ tuổi nhiều hơn.

Các nguyên nhân gây ra đột tử bao gồm: Hội chứng Brugada (Brugada syndrome) là một bất thường về rối loạn di truyền ở trong tim gây rối loạn nhịp tim, rối loạn rung thất hoặc nhanh thất dẫn đến đột tử; Hội chứng QT dài do bẩm sinh hay mắc phải;

Bệnh lý bất thường ở tim như bệnh cơ tim giãn nở hay cơ tim phì đại; Bệnh lý động mạch vành (là bệnh phổ biến nhất) như nhồi máu cơ tim. Đây là tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi tim do huyết khối hoặc do mảng xơ vữa; Rối loạn nhịp tim do hoạt động dẫn truyền điện học trong tim bị rối loạn dẫn tới tim đập nhanh bất thường.

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời bằng máy khử rung hoặc cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng ít phút sau đó.

Đột quỵ xuất phát từ thuật ngữ (Stroke) chính là đột quỵ não hay tai biến mạch máu não. Là tình trạng tổn thương não do mạch máu não bị tắc nghẽn hay vỡ đột ngột dẫn đến các tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất, chết dần và mất chức năng thần kinh.

Các biểu hiện của đột quỵ não bao gồm các triệu chứng cũng diễn ra đột ngột như: yếu hoặc liệt nửa người, nói đớ, méo miệng, tiểu không còn tự chủ, tiểu ra quần, thậm chí có thể rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê và tử vong.

Tuy nhiên, tình trạng đột quỵ khác với đột tử chính là thời gian tử vong không phải ít phút mà nó có thể diễn ra sau vài giờ, vài ngày, thậm chí nhiều năm.

Đột quỵ gồm 2 thể chính: Thứ nhấtnhồi máu não (hay gặp nhất) chiếm 75 - 85% các trường hợp đột quỵ. Nhồi máu não xảy ra khi có xuất hiện cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác tới mạch não gây tắc nghẽn mạch máu não;

Thứ haixuất huyết não (ít gặp hơn) chiếm 10 - 20%. Đây là tình trạng mạch máu não bị vỡ ra, máu chảy đột ngột vào xung quanh hoặc nhu mô não. Đặc biệt, thể bệnh này có xu hướng tử vong nhiều hơn.

Các nguyên nhân của đột quỵ thường liên quan đến tuổi tác, các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid. Sau 1 thời gian bị bệnh, nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị tốt thì sẽ có nguy cơ dẫn tới đột quỵ.

Điển hình như ở Euro diễn ra vào tháng 6/2020, tiền vệ Christian Eriksen đã bị ngừng tim khi đang thi đấu trước Phần Lan. Khoảnh khắc cầu thủ Đan Mạch gục ngã, ngừng tim đột ngột giữa trận đấu khiến cả thế giới bàng hoàng, bật khóc. Phản ứng “tia chớp” của trọng tài, đội trưởng và đội y tế đã cứu sống mạng người.

Giờ đây, Eriksen buộc phải đeo một thiết bị khử rung tim trong người trong mỗi lần ra sân thi đấu, rõ ràng cậu thủ này không yếu liệt, vận động hoàn toàn bình thường. Như vậy, trường hợp này là do ngừng tim và được cứu sống kịp thời. Nếu không thì gọi là đột tử.

Một ví dụ khác là bác hàng xóm 70 tuổi, bị đái tháo đường biến chứng suy thận, tang huyết áp đang điều trị. Cách đây 3 năm bác đột ngột ú ớ không nói được, liệt 1/2 người phải, tiểu không tự chủ, sau đó 30 phút đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Gia An 115 cấp cứu.

Bác sĩ chụp CT sọ não và chẩn đoán nhồi máu não. Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện và tập vật lý trị liệu, sau 15 ngày xuất viện. Hiện tại, bác nói rõ hơn, đã tự tập đi được bằng dụng cụ hỗ trợ thì đây gọi là đột quỵ.

Tóm lại, đột quỵ và đột tử đều là 2 bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong và tàn phế. Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ về 2 chứng bệnh này để có cách phòng ngừa cho bản thân và người thân yêu của mình. Bên cạnh đó, khi gặp các triệu chứng trên cần nhanh chóng gọi xe cứu thương đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

2. Vì sao đã khám sức khỏe định kỳ nhưng vẫn bị đột tử, đột quỵ?

Thưa BS, ngày nay việc chúng ta thăm khám sức khỏe định kỳ được trú trọng nhiều hơn. Tuy vậy vẫn có những trường hợp đã khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe định kỳ vẫn bị đột tử, đột quỵ. Vậy có phải do việc thăm khám chưa hiệu quả hay không?

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân trả lời: Đây là vấn đề băn khoăn của nhiều người. Ngày nay, việc thăm khám sức khỏe đã được chú trọng hơn. Tuy nhiên có những trường hợp vẫn bị đột tử, đột quỵ. Vì 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, từ phía khách hàng: Muốn tiết kiệm chi phí nên lựa chọn các gói khám chưa có nhiều danh mục khám phục vụ cho việc chẩn đoán đột tử và đột quỵ; Chưa hiểu hết vai trò của việc khám sức khỏe; Không trao đổi với bác sĩ về các thói quen, sinh hoạt, tiền căn gia đình để bác sĩ cho làm xét nghiệm chuyên sâu nhằm phát hiện bệnh sớm.

Thứ hai, từ phía nhân viên y tế: Thời gian khám ngắn nhưng bệnh nhân rất đông nên không nghe được hết các chia sẻ của khách hàng và không khám kỹ dẫn đến bỏ sót.

Thứ ba, từ phía máy móc trang thiết bị y tế: Máy móc quá cũ, chưa trang bị thêm những máy móc có thêm những tính năng mới giúp sớm phát hiện chẩn đoán bệnh.

3. Có nên khám sức khỏe tổng quát?

Xin hỏi BS, khám tổng quát có vô ích như nhiều người vẫn nghĩ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Sức khỏe của con người sẽ lão hóa theo thời gian. Trong từng giai đoạn phát triển của cơ thể sẽ có thể mắc một số bệnh đặc thù.

Ví dụ, với trẻ sơ sinh thì tầm soát các bệnh dị tật bẩm sinh là chủ yếu và theo dõi sự phát triển thể chất, vận động. Với thanh thiếu niên thì theo dõi sự phát triển thể chất, tâm sinh lý tuổi dậy thì, các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Với tuổi trung niên và lão niên cần theo dõi các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, bệnh lý đường tiêu hóa, gan mật…

Sức khỏe chịu sự tác động không ngừng của môi trường sống, công việc của từng cá nhân, áp lực công việc, áp lực gia đình…

Khám sức khỏe tổng quát là quy định bắt buộc trong chiến lược của ngành y tế “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bên cạnh đó, đây cũng là quy định bắt buộc khi tuyển nhân viên. Theo dõi sức khỏe định kỳ cho nhân viên trong các cơ sở làm việc của nhà nước, của các doanh nghiệp là nghĩa vụ và quyền lời của người lao động.

Vì vậy, khám sức khỏe không bao giờ là vô bổ. Nhờ đó mà chúng ta có thể phát hiện kịp thời những yếu tố nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn, nhất là ung thư giai đoạn sớm giúp phòng bệnh, điều trị sớm... đỡ tốn kém về tài chính và rất hiệu quả. Nếu sống thọ mà mang nhiều bệnh thì cuộc sống sẽ không trọn vẹn.

4. Lợi ích từ việc khám tổng quát là gì?

Thông qua việc khám tổng quát sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin gì về sức khỏe, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân trả lời: Hiện tại, khám sức khỏe tổng quát là một gói rất thông thường mà các cơ quan xí nghiệp triển khai cho nhân viên.

Kiểm tra sức khỏe tổng quát đầu tiênkhám lâm sàng: Chúng ta sẽ được đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số BMI, kiểm tra mạch, huyết áp; Sau đó, khám tổng quát để đánh giá sơ bộ các cơ quan quan trọng như hô hấp, tim mạch, thần kinh, thận, tiết niệu tiêu hóa, cơ xương khớp; Khám các chuyên khoa khác như mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng; Khám phụ khoa ở nữ như tầm soát ung thư vú và cổ tử cung…

Thứ haicận lâm sàng. Ví dụ công thức máu cho chúng ta biết được người đó có bị thiếu máu hay đang bị viêm nhiễm hay không; Chỉ số sinh hóa máu; Chỉ số về chức năng gan thận, mỡ máu, điện giải đồ; Chức năng về tuyến giáp, acid uric, đường huyết; Có thể thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C;

Chụp X-Quang tim phổi cũng giúp phát hiện tình trạng phổi, vấn đề phổi liên quan đến tim, kích thước quai động mạch chủ. Ngoài ra, còn có thể phát hiện chứng phình động mạch chủ và một số bệnh lý như tim bẩm sinh, phát hiện tình trạng gãy xương như xương sườn, xương sống, phát hiện máy tạo nhịp hay máy phá rung;

Điện tâm đồ sẽ phát hiện được tình trạng rối loạn nhịp, bệnh lý mạch vành, hội chứng Brugada, hội chứng QT kéo dài; Siêu âm bụng giúp phát hiện các bất thường như gan, lách, thận, túi mật,  tử cung, buồng trứng, bang quang, tiền liệt tuyến; Siêu âm tuyến giáp nhằm phát hiện sớm bệnh lý tuyến giáp.

Khi khách hàng yêu cầu sẽ có những gói khám nâng cao hơn. Nhưng gói khám cơ bản đã giúp phát hiện ra một số bất thường trong cơ thể. Nếu phát hiện bệnh sớm thì khả năng chữa khỏi cao hơn và giảm chi phí điều trị.

5. Khám tổng quát giúp phát hiện nhiều bệnh lý

Nhờ BS chia sẻ một vài câu chuyện nhờ khám sức khỏe tổng quát phát hiện ra tình trạng sức khỏe và nhờ đó có hướng xử trí kịp thời ạ?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Hằng ngày, ngồi ở phòng khám có rất nhiều vấn đề xảy ra. Hiện nay, giới trẻ đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Có những bệnh nhân rất trẻ tự nguyện đến tầm soát sức khỏe, tuy nhiên có một số cô chú đến 50, 60 tuổi vẫn chưa một lần đi khám sức khỏe.

Nhờ khám sức khỏe mà phát hiện ra rất nhiều trường hợp như: Bệnh lý về máu (Thalassemia) bệnh nhân chưa bao giờ biết về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt này; Hoặc trong xét nghiệm sinh hóa máu, các trường hợp mỡ máu cao, tăng triglyceride, cholesterol,… được quan tâm hơn đến tình trạng viêm tụy cấp; Khi siêu âm cũng có thể phát hiện sỏi thận, sỏi túi mật, bất thường về nang buồng trứng…

6. Chỉ đi khám khi có triệu chứng sẽ gây ra hậu quả gì?

Ngược lại vẫn có những tình huống chỉ đi khám khi có triệu chứng hoặc quá sức chịu đựng. Điều này có thể đưa đến hệ lụy nào?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 31 tuổi được chẩn đoán viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP, chỉ đi khám, uống thuốc 2 tuần kháng sinh, triệu chứng đau bớt nên không tái khám theo hẹn. Sau 5 tháng, bệnh nhân đau thượng vị tái phát, ăn uống kém, khi tái khám nội soi kiểm tra phát hiện ung thư dạ dày.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 45 tuổi, khám bệnh vì lý do bụng ngày càng to. Bệnh nhân giấu việc trước đây bị viêm gan siêu vi B mạn, khi siêu âm mới phát hiện xơ gan cổ chướng.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân nam, 61 tuổi, đến khám lần đầu vì sụt cân, nuốt nghẹn, đau bao tử. Người bệnh có tiền sử viêm dạ dày tự mua thuốc uống. Đến khi nội soi dạ dày mới phát hiện u sùi thực quản gây hẹp thực quản, không thể đưa ống soi thám sát được dạ dày. Sinh thiết làm giải phẫu bệnh phát hiện ung thư thực quản.

Đây là đơn cử một số các tình huống trong phòng khám của Bệnh viện Gia An 115 bác sĩ nhận thấy. Có những bệnh lý đơn giản bác sĩ có thể giúp điều trị khỏi nhưng vì một lý do như công việc bận rộn mà lơ là sức khỏe sẽ để lại hậu quả. Khi đó tiền cũng không giúp chúng ta lấy lại được sức khỏe.

7. Khám sức khỏe tổng quát có gì khác so với tầm soát đột quỵ, tim mạch?

Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chỉ rõ hơn: Khám sức khỏe tổng quát có khác biệt như thế nào với tầm soát các bệnh hung hiểm như đột quỵ, bệnh tim mạch?

BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân trả lời: Các gói khám sức khỏe thông thường chỉ mang tính chất sàng lọc cơ bản, chưa thể phát hiện được hầu hết các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ hay bệnh lý tim mạch. Trong đó, chỉ có điện tim là phương pháp duy nhất giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh lý tim mạch. Điện tim đồ chỉ giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim, dấu hiệu bất thường về dày thành thất, lơn nhĩ hoặc tắc nghẽn dẫn truyền trong tim.

Do đó, nếu quan tâm và lo lắng về bệnh lý tim mạch và đột quỵ thì nên đến khám chuyên khoa Tim mạch và chuyên khoa liên quan đến đột quỵ. Khi đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám  kỹ lưỡng về hệ tim mạch và hỏi tiền sử bản thân, gia đình, thói quen ăn uống, sinh hoạt… Từ đó, tư vấn và cho làm thêm các xét nghiệm, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn nhằm phát hiện bệnh sớm hơn từ khi có những dấu hiệu nguy cơ mà chưa biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, rượu bia, lối sống ít vận động, béo phì, thừa cân, rối loạn mỡ máu… nên tầm soát bệnh lý tim mạch, đột quỵ thường xuyên hơn những người không có yếu tố nguy cơ.

8. Lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát

Vậy khi nào nên bắt đầu kiểm tra sức khỏe tổng quát và ai cần thực hiện, thưa BS? Bao lâu nên thực hiện kiểm tra sức khỏe một lần ạ? Tần suất khám có khác nhau giữa các độ tuổi/ngành nghề?

BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Mỗi độ tuổi đều có thể mắc bệnh nên tốt nhất phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Các chuyên gia y tế nhận thấy tuổi thọ Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, một số bệnh nguy hiểm đã trẻ hóa theo thời gian. Ví dụ như tai biến mạch máu não, đột quỵ, ung thư... trước đây xuất hiện ở các bệnh nhân lớn tuổi, nhưng ngày nay 30 tuổi cũng có thể đột quỵ.

Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ mỗi  tháng/lần, hoặc tối thiểu 1 năm/lần. Nếu có bệnh lý, cần thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Đặc biệt, những ngành nghề khác nhau sẽ có yêu cầu khám sức khỏe định kỳ khác nhau về thời gian, về các chỉ số khi thăm khám như ngành nấu ăn, ngành X-quang, thợ làm trong môi trường độc hại, nước thải, hầm mỏ...

Phần 2: Khám sức khỏe tổng quát như thế nào cho đúng?

Phần 3: Những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát

Trân trọng cảm ơn BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân, BS.CK1 Đoàn Thị LiễuBệnh viện Gia An 115 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X