Những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát
Trong bài viết này, BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân và BS.CK1 Đoàn Thị Liễu, Bệnh viện Gia An 115 đã có những chia sẻ về lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát. Để từ đó, đợt kiểm tra sức khỏe trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn, giúp người dân dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe.
1. Những điều cần nhớ khi khám sức khỏe tổng quát?
BS ơi, nhờ BS đề cập thêm giúp em những lưu ý quan trọng cần nhớ khi đi khám sức khỏe tổng quát ạ? Nếu có xét nghiệm máu thì nhịn ăn uống bao lâu? Xét nghiệm nước tiểu thì có cần cách ngày có “bà dì” bao lâu và chú ý gì khi lấy mẫu ạ?
Với em cũng chưa đo huyết áp bao giờ, nên cũng muốn biết về nguy cơ của mình, do em hay có triệu chứng mệt khi đi nhanh, leo cầu thang, lắm lúc cảm giác hồi hộp, tim còn đập nhanh hơn dù không có hoạt động gì. Khám tổng quát em có được đo huyết áp không? Lưu ý gì khi đo ạ?
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân trả lời: Để khám sức khỏe tổng quát hiệu quả hơn, có một số điều bạn cần chuẩn bị khi thực hiện bài kiểm tra này là:
- Đối với xét nghiệm máu: Nên nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi đi khám, chỉ uống nước lọc. Một số xét nghiệm như xét nghiệm đường huyết tốt nhất nên nhịn ăn ít nhất 10 - 12 tiếng.
- Xét nghiệm nước tiểu: Nên vệ sinh bộ phận sinh dục sạnh sẽ, trước khi lấy bỏ giọt nước tiểu đầu tiên và lấy nước tiểu giữa dòng. Đối với phụ nữ đang chu kỳ kinh nguyệt xét nghiệm nước tiểu sẽ không chính xác vì trong nước tiểu sẽ có máu. Tốt nhất nên lấy nước tiểu xét nghiệm sau khi sạch kinh 2 - 3 ngày.
- Không hút thuốc lá và uống rượu bia ít nhất từ buổi tối trước ngày đi khám.
- Nếu bạn đang sử dụng thuốc huyết áp và tim mạch, bạn có thể tiếp tục sử dụng.
- Nếu bạn đang sử dụng thuốc kiểm soát đái tháo đường, ngày đi khám cần ngưng sử dụng thuốc.
- Khám phụ khoa: Phụ nữ không sử dụng thuốc đặt âm đạo, thụt rửa âm đạo hay quan hệ tình dục trong 2 ngày trước khi đi khám.
- Khi đi khám, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Nên mặc áo tay ngắn hoặc có thể kéo lên được để đo huyết áp và lấy máu dễ hơn.
- Nếu bạn bị tật khúc xạ: Nên đem theo mắt kính, không đeo kính áp tròng.
- Nếu bạn nội soi dạ dày hoặc đại trực tràng: 1 ngày trước khi đi khám chỉ nên sử dụng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa; hạn chế thực phẩm cứng, nhiều chất xơ; không ăn hay uống nước trái cây có màu đỏ, tím hoặc cam.
- Nên đem theo kết quả khám bệnh lần gần đây nhất và đơn thuốc đang sử dụng.
- Trước khi đi khám: Nên ngủ đầy đủ, tránh việc thiếu ngủ gây ra kết quả bất thường.
- Bạn không cần căng thẳng hay sợ hãi, hãy giữ tinh thần thoải mái.
Quan trọng nhất là bạn cần trao đổi cởi mở và thẳng thắn với bác sĩ về các tình trạng sức khỏe của mình. Ngay cả các chủ đề về tình dục, trầm cảm hay lạm dụng chất kích thích. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ đang dần trở thành một thói quen tốt của nhiều người để dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Chuẩn bị một số thông tin như trên sẽ giúp bạn có một đợt kiểm tra sức khỏe thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các triệu chứng của bạn cũng gợi ý bạn có nguy cơ và có thể mắc bệnh tim mạch, thần kinh hoặc tuyến giáp. Vì vậy, bạn nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa, để bác sĩ khám hỏi kỹ về triệu chứng, tiền sử và cho làm thêm một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, từ đó đưa ra tiếp lời khuyên cho bạn.
2. Chụp X-quang hay CT liên tiếp có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Trước đó 3 tháng em ho lâu ngày không khỏi nên có đi chụp X-quang rồi. Giờ em có nhu cầu kiểm tra sức khỏe tổng quát, nếu lỡ phải chụp X-quang hoặc CT thì có sao không ạ? Em lo việc chụp liên tiếp như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Tia X là một bức xạ điện tử mạnh có khả năng xuyên thấu qua cơ thể, đã được ứng dụng vào y học nhằm phát hiện các thương tổn bệnh lý như: kiểm tra tim phổi, phát hiện thương tổn xương, soi có cản quang đường tiết niệu...
Theo các nhà khoa học nghiên cứu về bức xạ, cho phép mức độ phóng xạ đảm bảo an toàn cho chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang của con người < 100 mSv/cuộc đời và dưới 25 - 50 lần chụp CT scan/cuộc đời. Trong khi đó, lượng tia X có thể bị nhiễm cho mỗi lần chụp X-quang phổi chỉ 0,025 - 0,052 mSv, rất thấp so với 100 mSv.
Nếu đã chụp X-quang cách đây 3 tháng, thì hiện tại vẫn có thể chụp X-quang theo gói khám sức khỏe tổng quát, vì tia bị nhiễm không quá nhiều đến mức phải lo lắng. Tuy nhiên, lượng tia X có thể bị nhiễm cho mỗi lần chụp CT scan cao hơn nên cần cân nhắc.
3. Trước khi khám sức khỏe tổng quát cần lưu ý gì?
Trước khi khám sức khỏe tổng quát cần tránh các loại thực phẩm nào? Lưu ý gì về các loại thuốc đang sử dụng, thưa BS? Các loại thuốc nào nên ngưng trước khi kiểm tra để tránh bị ảnh hưởng kết quả và loại thuốc nào không được dùng ạ? Em cảm ơn BS ạ.
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu trả lời: Một số các vấn đề cần lưu ý khi đi khám sức khỏe tổng quát:
- Nên đi khám vào buổi sáng để kết quả xét nghiệm máu được chính xác.
- Mang theo đầy đủ các xét nghiệm, toa thuốc, kết quả nội soi, MRI,... đã thực hiện qua.
- Vui lòng nhịn ăn ít nhất 8 tiếng để khi thực hiện các xét nghiệm sinh hóa được chính xác hoặc cần thiết nội soi dạ dày hay các chuẩn đoán MRI, cắt lớp vi tính có cảm quang...
- Không uống rượu, bia, cà phê hoặc các chất kích thích trước đó 2 - 3 ngày.
- Khi cần siêu âm bụng tổng quát vui lòng uống nhiều nước trước đó 1 giờ, nhịn tiểu.
- Đối với nữ: Nếu đang đến kỳ kinh nguyệt nên chờ kết thúc chu kỳ kinh nguyệt từ 5 - 7 ngày (thử nước tiểu, khám phụ khoa…); Nếu có thai hoặc nghi ngờ có thai vui lòng thông báo nhân viên y tế, kỹ thuật viên X-quang, CT scan, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Yêu cầu trao đổi chân thật các vấn đề bệnh lý, sức khỏe của mình với bác sĩ để được chọn lựa gói khám chuẩn xác nhất.
- Tốt nhất đặt lịch khám trước để được nhân viên y tế tư vấn.
Phần 1: Tầm quan trọng của khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Phần 2: Khám sức khỏe tổng quát như thế nào cho đúng?
Trân trọng cảm ơn BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Xuân, BS.CK1 Đoàn Thị Liễu và Bệnh viện Gia An 115 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình