Khám sức khỏe tổng quát định kỳ quan trọng ra sao?
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe của bản thân, để từ đó có kế hoạch phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó còn giúp hạn chế được nguy cơ mắc bệnh, cũng như được điều trị sớm các bệnh lý nếu có. Trong bài viết dưới đây sẽ đưa ra 5 lý do giúp bạn có câu trả lời và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
1. Giúp hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe
Thông qua khám sức khỏe tổng quát định kỳ, sẽ biết được tình hình sức khỏe. Đồng thời tìm ra, ngăn ngừa hoặc giảm bớt tác động của bệnh tật nếu có. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh tật từ thói quen, lối sống, tiền sử bệnh và tiền sử gia đình cũng sẽ được phát hiện để có biện pháp điều chỉnh và phòng ngừa sớm.
Có một nghịch lý là nhiều người sợ đi khám sức khỏe vì “sợ khám ra bệnh”. Thực tế nhiều bệnh lý có thể diễn tiến âm thầm trong nhiều năm mà không có dấu hiệu, chỉ đến khi bệnh nặng mới gây ra triệu chứng. Khi đó việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn, chưa kể bệnh đã gây ra nhiều tổn thương không thể phục hồi được.
Kiểm tra sức khỏe tăng cơ hội phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Điều trị sớm mang lại cơ hội sống và khả năng phục hồi cho người bệnh. Tiêu biểu là ung thư, là khối u ác tính, nhưng phần lớn các loại ung thư thường gặp nếu được phát hiện ở giai đoạn tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm, có thể điều trị được, nâng cao tiên lượng sống.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh
Khám sức khỏe tổng quát là bài kiểm tra sức khỏe toàn diện, nhằm phát hiện sớm các bệnh lý để được điều trị. Nhưng khám sức khỏe tổng quát cũng giúp bạn phòng bệnh.
Có rất nhiều bệnh lý có thể phòng ngừa và kiểm soát được nếu kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh. Ví dụ, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gout…
Khi các chỉ số đường huyết, cholesterol hoặc acid uric trong máu có dấu hiệu tăng, các bác sĩ sẽ thông báo bạn có nguy cơ mắc bệnh và cần điều chỉnh lối sống. Thông thường, có chế độ tập luyện và ăn uống thích hợp, các chỉ số này có thể giảm xuống theo thời gian. Nhờ đó, bạn chỉ cần tự điều chỉnh mà không phải điều trị bằng thuốc.
Hoặc nếu trong quá trình nội soi đường tiêu hóa phát hiện polyp có khả năng tiến triển thành ung thư, bác sĩ có thể đề nghị cắt polyp để dự phòng nguy cơ.
Ngoài ra, khi khám sức khỏe tổng quát bạn cũng được cập nhật các thông tin về vaccine. Ví dụ như vaccine viêm gan B. Qua xét nghiệm máu, bạn sẽ biết lượng kháng thể trong cơ thể có đủ để phòng ngừa virus viêm gan B hay không. Nếu không, bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiêm vaccine bổ sung để phòng bệnh. Ngoài ra, có thể hỏi bác sĩ về các loại vaccine cần tiêm (nếu có).
3. Hạn chế xảy ra biến cố sức khỏe
Biến cố sức khỏe là các tình trạng xảy ra đột ngột, nguy kịch, có thể gây tử vong. Các biến cố sức khỏe có thể xảy ra do các bệnh lý mạn tính không được kiểm soát tốt.
Tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… có thể diễn tiến trong nhiều năm mà không có triệu chứng. Tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Tình trạng xơ vữa động mạch làm hạn chế máu lưu thông hoặc xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ nhồi máu não. Các yếu tố này, nếu không đi khám sẽ không thể phát hiện được.
Do đó, nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kịp thời ngăn chặn các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là những người có bệnh lý nền.
4. Khuyến khích duy trì các thói quen lành mạnh
Nhịp sống hiện đại bận rộn làm gia tăng tình trạng căng thẳng, ngủ ít hơn, ăn không đúng bữa hoặc quên ăn và ít vận động hơn. Thường chúng ta ít khi chú ý đến những thay đổi này nếu không có người nhắc nhở.
Những người thường xuyên đi khám sức khỏe có thể duy trì được các thói quen lành mạnh tốt hơn như: có chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân; tập thể dục thường xuyên; ngủ đủ giấc và biết cách quản lý căng thẳng.
Kiểm tra các chỉ số sức khỏe thường xuyên, bạn sẽ có động lực hơn khi thấy kết quả được cải thiện. Bên cạnh đó, nếu đã ý thức được thói quen sinh hoạt của bản thân có hại cho sức khỏe, bạn cũng sẽ chủ động hơn trong việc tự điều chỉnh lối sống của mình.
Các thói quen sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm hay cảm lạnh.
5. Tiết kiệm chi phí điều trị bệnh
Có thể bạn cảm thấy việc mỗi năm phải bỏ ra một khoản tiền để đi khám sức khỏe trong khi không bị bệnh là tốn kém. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát sẽ giúp dự phòng, ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tật ngay từ ban đầu. Trong nhiều trường hợp, còn giảm khả năng phải điều trị tốn kém như nằm viện, phẫu thuật, chạy thận hay cấy ghép nội tạng.
Việc điều trị sớm sẽ hạn chế các biến cố sức khỏe có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, mất thời gian trị liệu phục hồi chức năng, làm giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.
Trên thực tế, khám sức khỏe tổng quát định kỳ là khoản tiết kiệm trọn đời rất đáng để đầu tư. Tiêu biểu là một số loại ung thư nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm có thể điều trị được và việc điều trị cũng thuận lợi, hiệu quả và ít tốn kém hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình