Hotline 24/7
08983-08983

Tâm lý tốt giúp giảm độc tính trong điều trị ung thư

Trong chương trình “Rạng ngời sắc hồng”, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM CS2, các chuyên gia nhận định, bệnh nhân ung thư, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, nhưng nếu ổn định cảm xúc và dinh dưỡng đủ thì có khả năng phục hồi rất cao.

Tình yêu thương là một liều thuốc tốt

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư Ngày mai tươi sáng, chi nhánh TPHCM, cùng sự đồng hành của các đơn vị tài trợ, tổ chức Chương trình “Rạng ngời sắc hồng”.

Khuôn viên diễn ra chương trình “Rạng ngời sắc hồng” diễn ra vào sáng 12/10/2023, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM CS2

Chương trình nhằm tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, nhằm khích lệ tinh thần cho bệnh nhân nữ đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, giúp họ có thêm động lực và niềm tin chiến đấu với bệnh tật.

Tại chương trình, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ: “Chương trình là dịp truyền cảm hứng đến tất cả chúng ta, để có thêm động lực tiếp tục vươn tới cuộc sống sau này. Tình yêu thương trong chương trình như một liều thuốc có thể chữa bệnh, tốt hơn những liều thuốc khác”.

Phó giám đốc bệnh viện cho biết thêm: “Bệnh viện Ung bướu TPHCM vẫn đang tiếp tục cho mọi người thấy rằng, bệnh viện không chỉ là môi trường khô khan, cứng nhắc, không chỉ là truyền dịch, ống chích, phòng mổ, là những y lệnh điều trị. Bệnh viện Ung bướu ngày nay còn là nơi tập hợp tất cả tình yêu thương của cả cộng đồng, xã hội hướng tới bệnh nhân.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Bệnh viện Ung bướu bên cạnh chuyên môn, còn là nơi chia sẻ tâm lý, tình cảm của tất cả mọi người. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai mô hình này rộng hơn, đó là một trong những mục tiêu hướng đến người bệnh, ngoài chăm sóc người bệnh về thể chất, còn đem lại những chăm sóc về mặt tinh thần. Để làm được điều này, là sự đồng tâm của toàn xã hội”.

Bệnh nhân rất dễ bị trầm cảm nếu nhận kết quả mắc bệnh ung thư

Nhằm giải đáp các thắc mắc, tiếp thêm động lực cho những bệnh nhân có mặt tại chương trình, bệnh viện cũng đã tổ chức hoạt động giao lưu giữa người tham dự với các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên khoa về ung bướu, tâm lý và bệnh nhân từng điều trị ung thư vú thành công tại bệnh viện.

Tại hoạt động này, chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn đã cùng chia sẻ những vấn đề về tâm lý mà bệnh nhân thường gặp phải khi mới phát hiện ung thư.

Theo vị chuyên gia, tại Việt Nam, vẫn chưa có những nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân ung thư vú hoặc những bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, sẽ có các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần. Người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc. Trong đó, có các trạng thái cảm xúc như: buồn, tức giận, sợ hãi, cảm thấy ghét bỏ và không tin tưởng bản thân... cùng rất nhiều cảm xúc đan xen khác.

Sự căng thẳng, cùng nỗi lo quá lớn khi nhận những tin xấu, người bệnh rất dễ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó có trầm cảm, với một số triệu chứng như sau:

Thứ nhất, về hành vi, người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, không có động lực, không muốn làm việc và cảm thấy kiệt sức.

Thứ hai, về mặt nhận thức, người bệnh không đủ tập trung, lơ mơ, hay quên và không nhớ được những gì bản thân vừa nghe. Họ rất khó đưa ra quyết định và thực hiện quyết định đó mỗi ngày.

Thứ ba, về cảm xúc, khi phát hiện mắc ung thư, người bệnh sẽ luôn ở trong trạng thái buồn, cảm giác đang đứng trên bờ vực.

Tất cả những triệu chứng về hành vi, nhận thức, cảm xúc trên được gọi chung là trầm cảm. Đó là sự mất kết nối với bản thân ở thời điểm hiện tại. Trầm cảm còn là một cảm xúc bất mãn, không còn hy vọng và trên cả trầm cảm còn có lo âu. Vì vậy, nhiều trường hợp sẽ bị rối loạn lo âu trầm cảm hay gọi là rối loạn về cảm xúc. Tuy nhiên, đó là điều tự nhiên mà mỗi người gặp phải.

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn chia sẻ tại chương trình

Chị Mia Nguyễn cho biết, sự kết hợp giữa bác sĩ, người chẩn đoán và phác đồ điều trị rất quan trọng, để trả lời cho người bệnh những thắc mắc mà họ đặt ra. Lúc này, bệnh nhân có rất nhiều câu hỏi: Phải làm gì với bệnh lý, sức khỏe của mình? Triệu chứng, biến chứng và trị liệu như thế nào?... Một loạt các câu hỏi chỉ có người làm chuyên môn mới có thể trả lời cho bản thân người bệnh.

Nếu người bệnh ở trong trạng thái trầm cảm, họ sẽ không muốn đặt câu hỏi, không cần sự giúp đỡ, không muốn tìm hiểu, thờ ơ, cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Còn với những bệnh nhân ngay lập tức có thể ổn định cảm xúc, chấp nhận và đấu tranh tư tưởng, vực dậy cơ thể, tìm kiếm động lực từ gia đình, bạn bè xung quanh, người làm chuyên môn và nhà tâm lý, … những bệnh nhân đó có khả năng phục hồi rất cao.

Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, những người mới nhận được tin bản thân có triệu chứng và chẩn đoán mắc ung thư thì khả năng rơi vào trầm cảm rất cao, điều đó là tự nhiên. Chúng ta cần trao đổi với bác sĩ, họ sẽ chuyển gửi cho người làm công tác xã hội lâm sàng hoặc nhà tâm lý. Người bệnh sẽ được hỗ trợ, ổn định tâm lý nhanh nhất để bắt đầu vào cuộc chiến, vực dậy cơ thể đang yếu dần, kết nối lại với gia đình, đặt ra mục tiêu trong quá trình điều trị và lên kế hoạch trong những ngày chiến đấu với bệnh tật, giữ được tâm lý ổn định nhất.

Tâm lý của bệnh nhân tác động vào hiệu quả điều trị

Đề cập về việc ảnh hưởng của stress đối với quá trình điều trị ung thư, TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội Tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, việc bệnh nhân bị trầm cảm sẽ gây ảnh hưởng đến bản thân bệnh nhân, người thân, gia đình và ảnh hưởng đến bác sĩ điều trị.

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội Tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Việc tiếp xúc lần đầu tiên giữa bác sĩ với bệnh nhân hoặc người thân bệnh nhân vô cùng quan trọng. Lúc này có sự đồng cảm của hai phía mới có thể phối hợp chặt chẽ từ đầu. Bởi vì, nếu bệnh nhân có tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị. Người bệnh luôn trong tình trạng buồn bã, lo lắng, không hợp tác với bác sĩ, thậm chí là theo đuổi không đủ với liệu trình điều trị. Trong quá trình đó, nếu tâm lý không tốt dẫn đến đề kháng kém.

Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân có tâm lý yếu, độc tính của điều trị sẽ xảy ra nhiều hơn. Lý do dinh dưỡng của bệnh nhân không tốt, hợp tác điều trị giữa bệnh nhân và bác sĩ không cao.

Nếu bệnh nhân nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ của người thân, bạn bè và ngay cả cộng đồng, việc điều trị sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Vị chuyên gia bày tỏ: “Dù chỉ còn một ngày để sống, hãy sống hết mình, vui vẻ và tận hưởng với những gì mình đang có, thậm chí, những gì nặng nề, hãy buông bỏ bớt. ‘Quẳng gánh lo đi mà sống’, chuyện đâu còn có đó”.

Tình yêu thương gửi đến bệnh nhân K

Bà Hồ Thị Mỹ Hạnh - 54 tuổi, từng điều trị ung thư vú tại khoa Nội Tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết: “Sau một thời gian điều trị ung thư vú tại bệnh viện Ung bướu, hôm nay sức khoẻ của chị đã rất tốt, như những người bình thường. Hiện tôi tái khám định kỳ 3 tháng một lần. Trong thời gian điều trị, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện về cả tinh thần lẫn sức khỏe. Tôi nhận thấy các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu có tinh thần trách nhiệm rất cao”.

Bà Hồ Thị Mỹ Hạnh (áo hồng) sau điều trị tại bệnh viện, hiện sức khỏe đã rất tốt và tích cực tham gia các hoạt động của bệnh viện khi có lời mời

Ngoài hoạt động giao lưu, chia sẻ, bệnh viện còn có rất nhiều hoạt động như: trang điểm cho những người tham dự, trao tặng tóc cho nữ bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện, viết điều ước, check in backdrop... Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia giao lưu văn nghệ từ ca sĩ Ái Phương, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - PGĐ bệnh viện và công nhân viên tại Bệnh viện Ung bướu.

Ca sĩ Ái Phương, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - PGĐ bệnh viện và công nhân viên tại Bệnh viện Ung bướu giao lưu văn nghệ tại chương trình

Ông Trương Thế Tuấn (46 tuổi) - Đơn vị tặng tóc giả cho bệnh nhân tham dự chương trình cho biết: “Với 20 bộ tóc giả mang đến dành tặng cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tôi mong rằng bệnh nhân sớm lành bệnh, luôn luôn vui vẻ và nhanh được trở về với gia đình”.

Bà Lê Thị Dung (74 tuổi) chia sẻ: “Chương trình ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa,  giúp động viên, khích lệ bệnh nhân có thêm động lực, phấn chấn và an tâm điều trị”.

Kết thúc chương trình, bệnh viện đã gửi đến những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện,  có hoàn cảnh đặc biệt, những món quà khích lệ tinh thần.

Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Rạng ngời sắc hồng”:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X