Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao khi thức dậy vào buổi sáng thường gặp tình trạng cứng khớp?

Không ít trường hợp bị cứng khớp buổi sáng, ngay khi vừa ngủ dậy. Ban đầu, cơn co cứng khớp chỉ thoáng qua, ở mức độ nhẹ nên dễ khiến nhiều người chủ quan. Về lâu dài, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng và đi kèm các cơn đau nhức khó chịu, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động.

1. Bệnh cứng khớp là gì?

Khớp là vị trí các đầu xương kết nối với nhau, dựa vào mức độ hoạt động, khớp trong cơ thể được chia thành ba loại là: khớp bất động, khớp bán động và khớp động. Trong đó, khớp động hay còn gọi là khớp hoạt dịch, là loại khớp phổ biến ở các chi. Khớp hoạt dịch được cấu tạo gồm dây chằng giúp gắn các xương với nhau, gân giúp nối xương với cơ, sụn bao lấy đầu khớp để ngăn các xương tiếp xúc, bao khớp là lớp màng bao quanh khớp, giúp tiết ra dịch khớp để bôi trơn, giúp khớp vận động linh hoạt và nuôi dưỡng sụn. Nhờ cấu tạo và cơ chế làm việc của khớp mà quá trình vận động, thay đổi tư thế của con người được dễ dàng, thoải mái.

Bị cứng khớp là hiện tượng các khớp vận động khó khăn, người bệnh khó thực hiện các động tác như co duỗi khớp gối, gấp duỗi khớp bàn tay, ngón tay, cúi người, xoay cổ,... Triệu chứng khớp cứng thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài 1-2 giờ. Các khớp thường bị cứng khớp là khớp tay, khớp chân, khớp ở đốt ngón tay, ngón chân, khớp cổ,...

2. Nguyên nhân gây cứng khớp buổi sáng

Tình trạng khô cứng khớp tay hoặc chân vào buổi sáng có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:

- Viêm khớp: Các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp gây nên sự sưng viêm, đau nhức, nóng đỏ và co cứng ở các khớp vào buổi sáng.

- Thoái hóa khớp: Sụn khớp khi bị thoái hóa, mài mòn sẽ tạo nên các chồi xương, gây áp lực lên các dây thần kinh và dẫn đến cứng khớp kèm đau nhức vào buổi sáng.

- Hội chứng ống cổ tay: Dây thần kinh giữa ở ống cổ tay khi bị chèn ép sẽ khiến cho các khớp ngón tay sưng phồng, tê bì, ngứa ran, đau nhức và cứng khớp khi ngủ dậy.

- Hội chứng De Quervain: De Quervain là hội chứng xảy ra ở bao gân cơ dạng dài và ảnh hưởng đến gân của ngón tay, dẫn đến cứng khớp ngón tay.

- Biến chứng sau chấn thương: Sau khi bị chấn thương do tai nạn, chơi thể thao hoặc té ngã, sụn khớp và xương có thể bị trật hoặc nứt gãy, khiến cho các khớp bị co cứng khi thức dậy vào buổi sáng. Tìm hiểu các biện pháp phòng tránh chấn thương thể thao

- Ung thư xương: Đây là một căn bệnh hiếm gặp, có những triệu chứng như đau xương, chỗ đau sưng viêm, có cảm giác ấm nóng và cứng khớp vào buổi sáng khi mới ngủ dậy.

- Viêm bao hoạt dịch: Các bao hoạt dịch xuất hiện viêm và màng hoạt dịch dày lên, dẫn đến đau nhức và cứng khớp.

Một số bệnh lý khác cũng là tác nhân gây cứng khớp vào buổi sáng: 

- Bệnh tuyến giáp: Khi có vấn đề về tuyến giáp, ở phần cơ và khớp cũng có thể bị yếu, sưng phù và co cứng.

- Lupus ban đỏ: Bệnh này tác động đến các khớp gây nên tình trạng sưng viêm, đau nhức và tê cứng.

- Bệnh gút: Lượng axit uric không được đào thải ra ngoài sẽ lắng đọng tại các khớp, gây viêm sưng, đau đớn và co cứng khó chịu.

Ngoài ra, cứng khớp buổi sáng còn có thể do béo phì, ít vận động thể chất hằng ngày, ăn uống nghèo nàn, ngủ không đúng tư thế, thời tiết lạnh và ẩm ướt…

3. Cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng có nguy hiểm không?

Cứng khớp ngay khi thức dậy gây ra nhiều phiền toái, nếu đi kèm với đau khớp sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt và thực hiện các công việc thường ngày. Nếu tình trạng cứng khớp diễn ra trong thời gian dài thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như mất khả năng vận động, teo cơ, biến dạng khớp, tàn phế hoặc gây nên các bệnh về tim mạch.

Chính vì thế, khi bạn nhận thấy khớp bị cứng vào mỗi sáng thì không nên chủ quan, thay vào đó hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Cứng khớp buổi sáng khi nào cần thăm khám?

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt khi có biểu hiện sau: 

- Thường xuyên bị cứng khớp vào buổi sáng.

- Thời gian các khớp bị cứng kéo dài, có thể khoảng 1 tiếng hoặc hơn.

- Cứng khớp kèm đau nhức nghiêm trọng, mức độ đau tăng dần theo thời gian.

- Kèm theo sốt, người mệt mỏi.

- Tình trạng này làm hạn chế vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra sơ bộ sức khỏe như tiền sử mắc bệnh, triệu chứng và khả năng vận động của cơ thể. Tiếp đó, bác sĩ tiến hành một vài xét nghiệm như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm hoặc xét nghiệm máu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Xem thêm: Cứng khớp: Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

5. Các biện pháp điều trị cứng khớp

a. Giảm cứng khớp đơn giản tại nhà

- Chườm nóng, chườm lạnh hoặc tắm nước nóng: Chườm lạnh giúp giảm sưng viêm, co cứng và giảm đau nhức. Còn chườm nóng hoặc tắm nước nóng giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn các cơ để khớp hoạt động dễ dàng hơn.

- Thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập kéo giãn cơ, đi bộ giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng cường sản xuất endorphin (chất giảm đau tự nhiên) để giảm cứng khớp và đau nhức.

- Thay đổi tư thế ngủ: Bạn nên tránh nằm nguyên một tư thế hoặc kê tay làm gối để không chèn ép dây thần kinh, gây tê cứng khớp.

- Chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giảm dầu mỡ để tăng cường sức khỏe, giảm thiểu co cứng khớp buổi sáng.

b. Sử dụng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau (paracetamol, aspirin), thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, naproxen), thuốc bôi (capsaicin, salicylat) để giảm đau nhức và co cứng khớp.

Việc dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng hoặc tăng liều lượng vì có thể dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng. Điển hình là ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như thận, gan, dạ dày hoặc khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc.

c. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là các bài tập rèn luyện sức khỏe cùng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại để giúp người bị cứng khớp vào buổi sáng nhanh chóng phục hồi vận động, giảm đau nhức và co cứng.

d. Dùng các loại thực phẩm chức năng

Ngoài những cách trên, người bị cứng khớp vào buổi sáng còn có thể bổ sung các loại thực phẩm chức năng làm từ thảo mộc như dầu cá, hoa anh thảo, hạt lanh, cây lưu ly, glucosamine sulfate,… để cung cấp cho cơ thể omega-3, các chất hỗ trợ tái tạo sụn giúp giảm sưng viêm, đau cứng khớp.

6. Phòng ngừa chứng cứng khớp vào buổi sáng

Để đẩy lùi tình trạng cứng khớp buổi sáng, mỗi người nên:

- Thường xuyên rèn luyện cơ thể để tăng cường sức mạnh của cơ xương khớp.

- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng quá mức.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung canxi, vitamin D, collagen.

- Chú ý các tư thế khi ngủ.

- Uống đủ nước mỗi ngày.

- Hạn chế gây áp lực lên các khớp như mang vác vật nặng, bẻ ngón tay.

- Khám sức khỏe định kỳ.

Cứng khớp buổi sáng gây khá nhiều trở ngại trong sinh hoạt. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra và có hướng điều trị thích hợp, tránh để lâu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X