Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa khớp bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40: Đề phòng với triệu chứng đau, cứng khớp

Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến, hiện chưa có giải pháp điều trị triệt để, song có thể kiểm soát hiệu quả, giải quyết cơn đau cho người bệnh. Điều quan trọng là đừng bi quan khi đối diện với căn bệnh, thay vào đó cần nhận biết sớm các triệu chứng để được điều trị hiệu quả, ngăn chặn các biến chứng.

Những thông tin này được BS Trần Thị Dung - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ Chăm sóc Sức khỏe Người cao tuổi khuyến cáo.

Chuyên gia cho rằng, theo tuổi tác, khối lượng cơ giảm, chất lượng xương cũng giảm, điều này kéo theo chiều cao cơ thể giảm, xương giòn hơn, dẫn đến các bệnh loãng xương, thoái hóa các khớp… Trong đó, thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến.

80% bệnh nhân thoái hóa khớp bị hạn chế vận động

BS Trần Thị Dung dẫn chứng thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, thoái hóa khớp chiếm 20% các bệnh lý về khớp. Đây là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Hay nói cách khác, thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa của sụn khớp, xương.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp có thể là do tuổi tác (thoái hóa khớp bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40, tuổi càng cao mắc bệnh càng lớn); béo phì (đặc biệt là thường gặp thoái hóa khớp gối); tổn thương khớp (do khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức); dị dạng bẩm sinh về khớp; di truyền.

Đây là bệnh mạn tính chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người có tuổi. Ngoài ra, người ngồi học và làm việc máy tính nhiều, người lao động nặng nhọc quá sức, người bị thoái hóa xương, người di chuyển - vận động nhiều cũng có nguy cơ bị thoái hóa khớp.

BS Trần Thị Dung chia sẻ về các bệnh lý thường gặp trên người cao tuổi, trong đó có thoái hóa khớp tại hội thảo do Nhãn hàng NattoEnzym - DHG Pharma tổ chức

Chuyên gia cảnh báo, các bệnh về xương khớp - trong đó có thoái hóa khớp, không chỉ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, chân tay kém linh hoạt, ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày, mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm. Một con số thống kê cho thấy, 80% bệnh nhân thoái hóa khớp bị hạn chế vận động, 20% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày.

“Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ sát vào nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn. Nếu thoái hóa khớp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hạn chế vận động, tàn phế. Ngoài ra, còn phải chi trả chi phí phí cao cho việc thay khớp” - BS Trần Thị Dung nhấn mạnh.

4 biểu hiện chính cảnh báo thoái hóa khớp

BS Trần Thị Dung thông tin, thoái hóa khớp có thể xảy ra trên nhiều vị trí. Thường gặp nhất là khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, bàn tay, đốt ngón tay, khớp háng. Ít gặp hơn còn có cổ chân, vai, khuỷu, khớp bàn đốt, cổ tay.

Chuyên gia cảnh báo, 4 biểu hiện chính cảnh báo thoái hóa khớp. Trong đó, đầu tiên là đau nhức, đây cũng là triệu chứng chính của bệnh. Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Hai là hạn chế vận động, các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn. Ba là biến dạng khớp (gù, vẹo, gai đột sống…). Bốn là teo cơ và có tiếng lạo xạo khi di chuyển.

Bên cạnh đó, mỗi vị trí khớp bị thoái hóa cũng có thể gây ra những triệu chứng điển hình khác nhau. Chẳng hạn, thoái hóa cột sống cổ gây cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến bả vai, cánh tay; thoái hóa khớp háng, cảm giác đau sâu phía trước háng, ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối; thoái hóa khớp gối đau tập trung ở đầu gối, người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.

Trong khi đó, thoái hóa cột sống thắt lưng ảnh hưởng đến thần kinh tọa gây cảm giác đau từ lưng xuống đùi và chân; thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay gây sưng đau, khiến ngón tay trở nên gồ ghề, cong nhẹ; thoái hóa khớp gót chân gây ra cơn đau khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên; còn thoái hóa các khớp ở ngón chân khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

Khi có những biểu hiện trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được đánh giá. Trên lâm sàng, thầy thuốc sẽ dựa trên những triệu chứng của người bệnh để chẩn đoán, bao gồm đau, cứng khớp buổi sáng dưới 30 phút, vận động khớp nghe lục đục, biến dạng khớp hoặc hiện tượng “kẹt khớp”, tràn dịch khớp, có thể gặp sưng nóng đau. Ngoài ra, có thể chỉ định một số cận lâm sàng như x-quang, siêu âm, MRI hoặc nội soi khớp, tùy từng trường hợp cụ thể.

Hiện, chưa có thuốc điều trị quá trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng đau, chống viêm, mang lại hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Do vậy, nguyên tắc là điều trị bệnh càng sớm càng tốt, để giúp phục hồi cấu trúc sụn khớp, giúp khớp hoạt động bình thường.

Xu hướng chung của y học là cá thể hóa điều trị, điều này cũng tương tự với thoái hóa khớp. “Việc điều trị cần toàn diện và lâu dài. Lập kế hoạch điều trị cho mỗi bệnh nhân, dựa trên nguyên tắc chung là phối hợp nhiều biện pháp vật lý trị liệu và bổ sung các dưỡng chất cần thiết, dịch khớp, sụn khớp…” - BS Trần Thị Dung cho biết.

>>> 5 biểu hiện cảnh báo thiếu máu não và 4T cần nhớ để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X