Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và biểu hiện của tình trạng cứng khớp

Cứng khớp là một trong những triệu chứng xương khớp thoái hóa thường gặp. Triệu chứng gây ra nhiều khó khăn trong vận động cho người bệnh, khiến các khớp khó co duỗi, mọi sinh hoạt bị hạn chế.

1. Cứng khớp là gì?

Cứng khớp là cảm giác đau khi di chuyển khớp, cử động của khớp bị hạn chế hoặc khó khăn, người bệnh không thể di chuyển hết tầm vận động bình thường của khớp. Nguyên nhân là vì khi già đi, sụn khớp (chất xốp bảo vệ các đầu xương) bắt đầu khô và cứng lại. Cơ thể cũng tạo ra ít dịch khớp hơn, là chất hoạt động giống như dầu bôi trơn để giữ cho khớp của bạn hoạt động trơn tru. 

Những điều này làm cho các khớp có thể không còn cử động tự do như trước nữa và dẫn đến triệu chứng cứng khớp. Không phải tất cả các khớp cứng đều là kết quả của tuổi tác. Nhiều tình trạng khác có thể gây ra cứng khớp như viêm khớp dạng thấp, lupus và viêm bao hoạt dịch, viêm khớp gout.

Người bệnh có thể cứng khớp vào mỗi buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu. Thời gian cứng khớp có thể kéo dài từ vài phút trong trường hợp nhẹ đến hơn 1 giờ trong trường hợp nặng.

Trong một số trường hợp, cứng khớp có thể đi kèm với triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau. Đây là dấu hiệu báo động của một tình trạng viêm khớp, viêm khớp gây phá hủy khớp và các mô xung quanh khớp do đó hãy liên hệ ngay với bác sĩ để giải quyết tình trạng này sớm nhất có thể.

Các yếu tố về lối sống, bao gồm chế độ ăn uống, vận động và cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp và dẫn đến cứng khớp.

2. Nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng cứng khớp

Đối với các tình trạng cứng khớp do nằm, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài thường sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn. Đây là tình trạng phổ biến, dễ đến và cũng nhanh đi nên nhiều bệnh nhân thường chủ quan. Tuy nhiên, trường hợp cứng khớp lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều ngày có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Một số nguyên nhân thường gây cứng khớp bao gồm:

a. Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh lý xương khớp tự miễn, trong đó các tế bào miễn dịch của cơ thể bị nhận diện sai và tấn công chính tế bào của cơ thể chính nó. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp thì các tế bào sụn khớp là vị trí bị hệ miễn dịch tấn công đầu tiên, gây ra các phản ứng sưng, viêm, đau rát tại các khớp.

Cứng khớp là một trong các dấu hiệu thường gặp của bệnh lý này, mức độ cứng khớp sẽ tăng dần theo mức độ của bệnh. Các khớp thường bị cứng trong trường hợp này là các khớp đối xứng hai bên như bàn tay, ngón tay, khuỷu tay, bàn chân, ngón chân,…

b. Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý viêm tại cột sống đặc trưng bởi hiện tượng vôi hoá cầu xương giữa các đốt sống. Hậu quả là các đốt sống thông thường tách rời sẽ bị dính liền lại với nhau và khiến cột sống hoạt động khó khăn hơn. Số lượng đốt sống dính với nhau ngày càng nhiều, thậm chí có thể khiến cho bệnh nhân bị dị tật, bại liệt. Cứng khớp trong viêm cột sống dính khớp thường xảy ra ở vùng cột sống và đôi khi cũng lan rộng ra vùng khuỷu tay, đầu gối nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

c. Thoái hoá khớp

Thoái hoá là quá trình suy giảm về cấu trúc và chức năng do nhiều nguyên nhân và thường là ảnh hưởng của tuổi tác. Tuỳ thuộc vào vị trí khớp bị thoái hoá mà cứng khớp có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau. Thoái hóa khớp diễn ra mạnh mẽ nhất sau 50 tuổi, đặc biệt là đối tượng phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh.

d. Bệnh Gout

Bệnh gout là một bệnh lý viêm xương khớp do sự tích tụ của tinh thể acid uric tại các vị trí này. Acid uric là sản phẩm chuyển hoá của protein, thông thường sẽ được loại bỏ theo nước tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, vì một rối loạn khiến cho việc thải trừ này bị ảnh hưởng hoặc cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric làm lắng đọng các tinh thể chất này tại các khớp. Các tinh thể này gây kích ứng hệ miễn dịch khởi phát các phản ứng viêm gây nên các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ, cứng khớp.

e. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là cấu trúc nằm giữa các khớp có tác dụng như một tấm đệm làm giúp làm giảm lực tác động, giúp bảo vệ các khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm, rò rỉ các vật chất lỏng bên trong ra ngoài làm giảm khả năng bảo vệ khớp, dẫn đến các đầu xương, sụn dễ bị tổn thương, thoái hoá. Cứng khớp, đau khớp vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy là dấu hiệu thường gặp của tình trạng trên.

f. Ung thư xương

Các tế bào xương phân chia không thể kiểm soát làm biến đổi hệ xương khớp. Đây là một nguyên nhân rất hiếm gặp nhưng cũng có khả năng gây ra tình trạng cứng khớp như các bệnh lý khác.

g. Bệnh Lupus ban đỏ

Đây cũng là một trong các bệnh lý tự miễn liên quan đến gen di truyền và sự tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bên ngoài môi trường ảnh hưởng đến đa cơ quan trong đó có hệ thống xương khớp. Bệnh thường ảnh hưởng đến niêm mạc da, đôi khi làm hư hại xương gây viêm đa khớp, thoái hoá và cứng khớp.

3. Các triệu chứng của bệnh cứng khớp

Cứng khớp cũng có thể gây ra các triệu chứng như:

- Đau khớp

- Hạn chế tầm vận động của khớp

- Đau tăng khi vận động

- Sưng khớp

- Biến dạng khớp

- Âm thanh nứt hoặc lục cục khi chuyển động.

Ở những bộ phận khác nhau như khớp ngón tay hay khớp gối mà bệnh có thể gây ra những triệu chứng khác nhau. Thông thường bệnh nhân sẽ có những biểu hiện chung như cơn đau nhức khi co duỗi khớp gối, tình trạng cứng khớp khi gấp duỗi cử động tay, chân, khó khăn trong khi cúi người, xoay cổ,… Những biểu hiện này thường sẽ tiến triển kéo dài trong 1 - 2 tuần và tái phát lại khi thời tiết chuyển mùa.

Xem thêm: Phòng ngừa viêm cân gan bàn chân

4. Đối tượng dễ mắc bệnh cứng khớp

Cứng khớp là một tình trạng phổ biến, bất kỳ ai ở mọi độ tuổi hay giới tính nào đều cũng có thể gặp phải nếu không có hướng phòng ngừa phù hợp. Tuy nhiên, một số đối tượng sau có nguy cơ cao dễ mắc phải tình trạng này:

- Người có độ tuổi từ trung niên trở lên (30 tuổi trở lên), độ tuổi càng cao thì phụ nữ có khả năng mắc bệnh này cao hơn nam giới do sự suy giảm tiết hormon sinh dục nữ ảnh hưởng nhiều đến hệ xương khớp.

- Tiền sử gia đình có người bị cứng khớp hoặc mắc các bệnh lý xương khớp khác.

- Người bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, ăn uống thiếu chất.

- Phụ nữ có thai hoặc trong giai đoạn vừa mới sinh em bé.

- Người thừa cân, béo phì.

- Người nghiện các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,…

- Người có tiền sử chấn thương, tai nạn lao động có ảnh hưởng đến xương khớp.

5. Các loại cứng khớp thường gặp

 a. Cứng khớp ngón tay

Cứng khớp ngón tay là một trong những triệu chứng thoái hóa khớp. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do các ảnh hưởng của tuổi tác, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và vận động. Tình trạng khô khớp ngón tay xuất hiện liên tục trong thời gian dài dễ gây ra tâm lý chủ quan, không chú ý đến để điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp nghiêm trọng và hạn chế khả năng phục hồi về sau.

b. Cứng khớp gối

Hiện tượng cứng khớp gối xảy ra khi các cơ khớp đầu gối gặp vấn đề và xơ dính lại khiến đầu gối bị co lại. Đây là tình trạng tương đối phổ biến bởi khớp gối là một bộ phận hoạt động nhiều và rất dễ bị tổn thương, thoái hoá. Các nguyên nhân thường dẫn đến cứng khớp gối là viêm màng hoạt dịch khớp gối, thoái hoá khớp gối, sự mỏng sụn chêm ở khớp, khô khớp gối.

Cứng khớp gối khiến bệnh nhân không thể bước xuống giường một cách dễ dàng vào mỗi buổi sáng, cần phải làm nóng khớp gối bằng cách xoay nhẹ khớp hoặc xoa bóp khớp một thời gian để khớp hoạt động trở lại bình thường.

c. Các vị trí khác cũng thường gặp tình trạng cứng khớp

- Cứng khớp cổ tay: Khớp cổ tay thường bị cứng trong các bệnh lý viêm, thoái hoá khớp, bệnh gout,…hoặc xuất hiện sau chấn thương, sau thời gian bó bột do gãy xương,…Cổ tay là vị trí khớp ít chịu trọng lượng của cơ thể đè nén nên thường có khả năng phục hồi nhanh hơn các vị trí khác.

- Cứng khớp cổ chân: Khớp cổ chân là vị trí rất quan trọng giúp bạn duy trì tư thế đứng vì đây là vị trí chịu rất nhiều trọng lượng từ phần trên cơ thể. Việc bị cứng khớp tại vị trí này khiến người bệnh vô cùng khó vận động. Tình trạng cứng khớp cổ chân thường xuất hiện do thoái hoá ở người từ độ tuổi 40 trở lên. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến cứng khớp cổ chân như viêm khớp cổ chân, thoái hoá khớp,…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X