Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa viêm cân gan bàn chân

Viêm cân gan bàn chân là tổn thương cơ xương khớp thường xảy ra sau tuổi 40. Những người thường xuyên chạy bộ hoặc làm các công việc sử dụng nhiều đến gân cơ bàn chân là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này.

1. Tổng quan về viêm cân gan bàn chân 

Cân gan bàn chân là dải cơ trải dài từ các chỏm xương bàn đến xương gót, đóng vai trò giúp chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý. Nhờ đó, việc di chuyển trở nên dễ dàng và hạn chế làm tổn thương khớp khi vận động.

Tuy nhiên, khi phần cân gan bàn chân bị viêm (sưng) sẽ gây đau nhức kéo dài ở vùng mặt dưới xương gót khiến người bệnh khó đi lại, đặc biệt là khi đi chân trần trên nền cứng. Phần lớn trường hợp viêm cân gan bàn chân đều đi kèm với tình trạng gai xương.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm cân gan bàn chân

Những nguyên do gây ra viêm cân gan bàn chân bao gồm:

- Tuổi tác: Người lớn tuổi, nằm trong khoảng 40 - 60 tuổi, đặc biệt là nam giới rất dễ gặp phải viêm cân gan chân.

- Tập thể dục sai cách: Chạy bộ với cường độ cao, mang giày quá cứng hoặc miếng lót giày không phù hợp đều có thể làm căng và tổn thương cơ bàn chân, dẫn đến tổn thương ở cân gan chân. 

- Dị tật bàn chân bẩm sinh (bàn chân bẹt): Bàn chân bẹt là bàn chân không có hõm cong tự nhiên, gây mất cân bằng cơ thể, đi lại thiếu linh hoạt, khiến mô kết nối ở chân bị kéo dãn và lâu dần gây nên viêm cân gan bàn chân.

- Béo phì: Lượng mỡ thừa tích tụ trên cơ thể làm tăng áp lực lên các cơ gan bàn chân, khiến cho vùng cân gan bị sưng viêm.

- Tính chất công việc: Những người thường xuyên đứng một chỗ quá lâu, đi lại nhiều trên nền cứng, đi chân đất hoặc đi giày cao gót đều có nguy cơ làm tổn thương cân gan bàn chân.

3. Biểu hiện của bệnh viêm điểm bám gan bàn chân

Các triệu chứng của viêm cân gan chân thường gặp gồm:

- Đau xảy ra ở một bên bàn chân, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp bị đau ở cả hai bên.

- Đau buốt hoặc âm ỉ ở gót chân, vòm bàn chân, thậm chí lan ra cả lòng bàn chân.

- Đau thường khởi phát ở mức độ nhẹ, tăng dần theo thời gian hoặc sau khi người bệnh vận động.

- Đau nặng hơn vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy hoặc khi người bệnh đứng dậy từ tư thế ngồi.

- Đau có thể xuất hiện khi người bệnh co hoặc duỗi bàn chân hết cỡ.

- Người bệnh có thể cảm thấy đỡ đau nếu đi lại nhẹ nhàng.

- Bàn chân tê rần, ngứa ran, sưng tấy (triệu chứng này hiếm khi xuất hiện).

- Nếu cơ gân gan bị rách hoặc đứt, người bệnh sẽ bị đau cấp tính, có tiếng lách cách, sưng viêm cục bộ.

Xem thêm: Viêm cân gan bàn chân: Chẩn đoán và điều trị

4. Chẩn đoán bệnh viêm cân gan bàn chân

Các yếu tố sau đây được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm cân gan chân:

- Khám sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, các triệu chứng khó chịu và kiểm tra phần chân khó chịu để đưa ra chẩn đoán sơ bộ.

- Xét nghiệm hình ảnh: Để đảm bảo chẩn đoán chính xác và không nhầm lẫn với các bệnh lý khác (viêm khớp, viêm gân, gãy xương…), bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm hình ảnh khác nhau. Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà có thể sử dụng phương pháp chụp X-quang hoặc siêu âm.

5. Các biện pháp phòng ngừa viêm cân gan bàn chân

Viêm cân gan bàn chân là tình trạng khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại người bệnh cần phải lưu ý những điều sau đây:

- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức an toàn, tránh tình trạng thừa cân béo phì gây áp lực không tốt lên bàn chân. Tiến hành giảm cân khoa học bằng cách tập luyện và ăn uống lành mạnh.

- Sử dụng giày dép có kích thước vừa với bàn chân và có độ cao vừa phải, có thể sử dụng thêm miếng lót dày có khả năng hỗ trợ vòm chân. Tránh lạm dụng giày cao gót.

- Cần tránh thực các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến bàn chân như đứng trên bề mặt cứng, đi bộ quá nhiều, đi bộ hoặc chơi thể thao trên mặt sàn cứng hoặc gồ ghề, lặp lại một động tác ở bàn chân quá nhiều lần,…

- Nếu tính chất công việc phải thường xuyên đứng trong thời gian dài hoặc đi lại quá nhiều, bạn nên xoa bóp bàn chân thường xuyên giúp quá trình tuần hoàn máu đến cơ quan này diễn ra tốt hơn.

- Khi đứng hoặc đi lại, cần đảm bảo trọng lượng cơ thể phải phân bố đều ở cả hai bên chân. Chơi thể thao đúng kỹ thuật. Khởi động cơ thể thật kỹ trước khi chơi thể thao để tránh các tổn thương không mong muốn tại bàn chân. Đặc biệt là múa ba lê, nhảy cao, nhảy xa, nhảy aerobic,…

Viêm cân gan bàn chân gây ra tình trạng đau nhức ở gót chân và phần dưới cùng của bàn chân. Điều này đã khiến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu không điều trị đúng cách sẽ khiến cân gan bàn chân bị tổn thương nặng nề và gây ra tình trạng đau nhức gót chân mãn tính. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X