Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao con không cùng nhóm máu với bố mẹ?

Trong chương trình tư vấn, BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc AloBacsi liên quan đến vấn đề: Con không cùng nhóm máu với bố mẹ; nguyên nhân gây tăng men gan GGT; lưu ý khi điều trị vi trùng Hp; Polyp đại tràng không điều trị có chuyển sang ung thư...

Thảo My- tuthaomy...@gmail.com

BS cho em hỏi, chồng máu A, vợ máu B, sinh con ra máu O là tại sao ạ? BS giải thích giúp em được không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Chồng nhóm máu A, vợ nhóm máu B thì có thể sinh ra các con có nhóm máu A, B, AB và cả O nữa. Đây là vấn đề về di truyền học, bởi vì người chồng nhóm máu A có thể có 2 kiểu gien AA hoặc AO, vợ nhóm máu B cũng có thể có 2 kiểu gien là BB hoặc BO.

Trường hợp người chồng có kiểu gien AA và người vợ có kiểu gien BB thì 100% con sinh ra là có kiểu gien AB, và mang nhóm máu AB.

Nhưng trường hợp người chồng có kiểu gien AO và người vợ có kiểu gien BO thì có khả năng sinh ra các con có các kiểu phối gien như sau: AO, BO, OO, AB. Người mang gien OO thì sẽ có nhóm máu O thôi.

Đầu những năm 1900, dựa trên sự hiện diện của các kháng nguyên trên màng hồng cầu, các nhà khoa học đã xác định rằng con người có 4 nhóm máu khác nhau: O, A, B và AB. Hệ thống phân loại nhóm máu này (gọi là hệ thống nhóm máu ABO) cung cấp cho bác sĩ các thông tin quan trọng để lựa chọn nhóm máu phù hợp trong việc truyền máu.

Từ năm 1920, các nhà khoa học nhận thấy rằng các nhóm máu có thể di truyền cho thế hệ sau. Các nhà khoa học nhận định rằng họ có thể tiên đoán được nhóm máu tương đối của người con dựa trên nhóm máu của cha mẹ. Ngược lại, nhóm máu của con và của người cha (hoặc mẹ) đã biết cũng được sử dụng để xác định nhóm máu tương đối của mẹ (hoặc cha) chưa biết. Nhờ vậy, các nhà khoa học thời đó đã sử dụng nhóm máu để xác minh cha hoặc mẹ của một đứa trẻ.

Tuy nhiên, hiện nay việc xác định huyết thống dựa trên sự di truyền của nhóm máu chỉ mang tính tương đối nên độ chính xác không cao, bởi vì còn có hiện tượng đột biến gien nữa. Cho nên, mặc dù phương pháp tính nhóm máu ABO có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha con nhưng độ chính xác rất thấp, do đó không được chấp nhận cho mục đích pháp lý.

Tại sao con không cùng nhóm máu với bố mẹ?

1. Ho ra máu là triệu chứng lao kháng thuốc?

Jimbie - tdo5...@gmail.com

Dạ chào AloBacsi ạ, em điều trị lao phổi gần 3 tháng, hôm này vào lúc 8g em có hơi ngứa ngứa, ngực thì ho ra máu hơi đen. Trước đó, 1 tháng em có kết quả kháng sinh đồ không kháng thuốc. Và em vừa xét nghiệm đàm âm tính hôm 3/10 ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (hơn 2 tháng điều trị), vậy cho em hỏi trường hợp của em tại sao ho ra máu và có phải kháng thuốc không ạ? Em cám ơn bác sĩ ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Em đang điều trị lao theo phác đồ của chương trình phòng chống lao quốc gia, sau 2 tháng kết quả xét nghiệm đàm âm tính có nghĩa là không nhìn thấy vi trùng lao trong mẫu đàm khạc ra, điều này chứng tỏ lượng vi trùng lao trong phổi đã giảm, nhưng bệnh chưa khỏi và còn phải điều trị thêm vài tháng nữa cho đủ liệu trình vì còn các vi trùng lao khác nằm trong nhu mô phổi sâu. Kết quả kháng sinh đồ của em là chủng lao không kháng thuốc, đây là thông tin rất khả quan cho bệnh tình của em.

Triệu chứng ho ra máu ở thời điểm này nhiều khả năng là do di chứng tổn thương lao để lại, chứ ít nghĩ là do lao kháng thuốc. Vì vi trùng lao loại không kháng thuốc thì cũng có tạo hang trong phổi, các hang này có xâm lấn mạch máu và nhu mô phổi nên có thể gây ho ra máu.

Những trường hợp hay gặp di chứng này là người phát hiện điều trị lao trễ, phim chụp Xquang phổi lúc mới điều trị thấy tổn thương lao nhiều và nặng, người có tiền căn hút thuốc lá... Cũng có trường hợp ho ra máu do nguyên nhân chảy máu ở thành sau họng do trào ngược dạ dày, dịch acid ở dạ dày trào lên hầu họng gây kích thích ho và chảy máu, chứ nhu mô phổi không bị tổn thương nhiều.

Ngoài ra, ho ra máu trong thời gian điều trị lao còn có thể gặp do 1 số nguyên nhân khác, như rối loạn đông máu do chức năng gan, thận... Vì thế, tốt nhất em vẫn nên đến bệnh viện để kiểm tra lại, bao gồm soi họng, làm xét nghiệm huyết đồ, bilan đông cầm máu và chức năng gan thận là chủ yếu. Xác định nguyên nhân thì sẽ có hướng xử trí thích hợp.

Nếu máu không ra nữa hoặc giảm dần thì em theo dõi tiếp. Hạn chế vận động mạnh, nặng, gắng sức để không làm chảy máu nhiều hơn em nhé!

2. Chân có cảm giác rần rần, bệnh gì?

Đặnh Nhật Vy - nhatvy...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, chân trái em cứ bị rần rần như có con gì bò rất khó chịu mà mấy hôm nay em không bớt, như vậy là bị bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Nhật Vy thân mến,

Triệu chứng tê râm ran ở chân có thể do nhiều nguyên nhân như do tư thế không phù hợp gây chèn ép mạch máu - thần kinh, suy van tĩnh mạch chi dưới, huyết khối tĩnh mạch chi dưới, thiếu vitamin nhóm B và khoáng chất (magie, kali, canxi), xơ vữa động mạch, viêm tắc động mạch (thường ở người có hút thuốc lá), do viêm dây thần kinh ngoại biên (gặp trong bệnh đái tháo đường, bệnh thận...)...

Nếu cảm giác dị cảm này kéo dài mấy hôm vẫn không bớt, em cần đến bệnh viện để kiểm tra, đăng ký khám phòng khám nội tổng quát hay chuyên khoa Nội thần kinh đều được, em nhé!

3. Hạch nổi ở nách có khi nào chuyển sang ác tính?

Trần Khanh Dung - trankhanhdung...@gmail.com

Bác sĩ ơi, 2 ngày nay em nổi hạch ở nách khá đau tại vị trí gần ngực. Hôm nay lại nổi thêm 1 hạch gây đau nhức ở gần khuỷu tay nữa. Liệu đây có phải là hạch ác tính không và là dấu hiệu của bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Hạch hay hạch lympho là một cấu trúc trơn, hình bầu dục dẹp, rải rác dọc theo các mạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết có mặt ở khắp cơ thể, tập trung nhiều ở một số vùng như cổ, nách, bẹn. Bình thường các hạch trong cơ thể không sưng to lên đến mức có thể sờ chạm hay nhận biết được. Vì thế, hạch sưng lên, hay thường gọi là nổi hạch, là 1 triệu chứng bất thường của cơ thể.

Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng chứa các tế bào miễn dịch như lympho bào, đại thực bào... có chức năng miễn dịch chống lại các yếu tố lạ như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng... xâm nhập vào cơ thể. Trong quá trình đó các hạch có thể bị viêm và sưng lên. Một số trường hợp hạch sưng có thể là hạch ung thư hoặc di căn.

Nổi hạch ở nách và khuỷu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ các nguyên nhân lành tính không nguy hiểm như chấn thương, nhiễm trùng... cho tới các bệnh nguy hiểm như ung thư vú, ung thư hạch bạch huyết... Do vậy, cách tốt nhất là em hãy tới chuyên khoa ung bướu để thực hiện các xét nghiệm cần thiết giúp tìm ra nguyên nhân chính xác, và được điều trị sớm nếu cần thiết.

4. Đi tiêu ra máu ở phần cuối lọn phân, bệnh gì?

Phan Anh Kiệt - thelight...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em có tiền sử viêm đại tràng sigma, đã nội soi cách đây nửa năm và đã hết. Nhưng gần đây em hãy đau giữa rốn, khi đi cầu, em thấy có máu ở cuối bãi, phân không đen, không biết là do lúc đầu phân to em phải rặn ra khiến cho niêm mạc bị rách và chảy máu hay do bệnh viêm đại tràng sigma của em tái phát và trở nặng nữa. Xin hỏi BS, em có cần đi nội soi lại không hay theo dõi xem còn có máu khi đi cầu nữa không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Anh Kiệt thân mến,

Đi tiêu ra máu ở phần cuối lọn phân có thể do nguyên nhân lành tính là trĩ xuất huyết, rách hậu môn do rặn khối phân to; nhưng mà, cũng có thể là do bệnh viêm đại tràng của em tái phát trở lại. Vì gần đây em có thêm triệu chứng hay đau giữa rốn, và bản thân bệnh viêm đại tràng cũng có thể tái phát, cho nên, tốt nhất em vẫn nên khám lại chuyên khoa tiêu hóa và soi lại đại tràng cho rõ những nghi ngờ đặt ra, nếu bệnh tái phát thì điều trị lại, em nhé!

5. Men gan GGT tăng do nguyên nhân nào?

Trương Thành Trung - thanhtrung...@gmail.com

Tôi xét nghiệm máu thì có chỉ số GGT 47,6 U/L ( chỉ số bình thường 8-47 U/L ), chỉ số AST và ALT đều trong khoảng cho phép. Vậy cho tôi hỏi chỉ số GGT tăng như vậy có vấn đề gì không? Xin cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Thành Trung thân mến,

Men gan có nhiều loại, gồm AST (còn gọi là SGOT), ALT (còn gọi là SGPT), GGT, ALP, mỗi loại tăng sẽ có ý nghĩa khác nhau. Loại men gan hay được kiểm tra trong khám sức khỏe định kỳ là AST và ALT, là 2 loại men gan đặc trưng cho tình trạng viêm của tế bào gan.

Loại men gan GGT được kiểm tra ở người có tiền căn uống rượu vì men gan này thường tăng do rượu và ứ mật, khi nghi ngờ viêm gan ứ mật thì bs thường kiểm tra cùng lúc GGT và ALP, còn nếu chỉ nghi ngờ do rượu thì chỉ làm GGT thôi.

Mỗi loại men gan sẽ có giới hạn ngưỡng bình thường khác nhau, nhưng dựa vào ngưỡng giới hạn của phòng xét nghiệm thì có thể sai. Như đối với AST và ALT thì chỉ cần trên 30 UI/L đối với nam là được tính là tăng rồi, chứ không phải dựa theo ngưỡng xét nghiệm có khi lên đến trên 47 UI/L mới tính là tăng là không đúng.

Nếu thật sự kết quả xét nghiệm của bạn chỉ có GGT tăng rất nhẹ, còn AST và ALT bình thường, thì nguyên nhân hay gặp nhất là có liên quan đến rượu bia trước đó, không nguy hiểm và không cần điều trị. Nếu bạn không hề uống rượu bia trong vòng 1 tuần trước khi xét nghiệm thì cần khám lại tại chuyên khoa gan mật (hoặc tiêu hóa) để BS xem lại toàn bộ xét nghiệm bạn đã làm, từ đó mới tư vấn kỹ hơn được, bạn nhé.

6. Những điều cần lưu ý khi điều trị vi trùng Hp?

Phạm Bích - Phambich...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi phiếu kết quả như vậy là có bị nhiễm Hp không ạ?

- thực quản: trơn láng, ko viêm loét

- tâm vị: ko viêm loét

- đáy vị: mềm,ko viêm loét

- thân vị: mềm, ko viêm loét

- góc bờ cong nhỏ: ko viêm loét

- hang vị: viêm sung huyết mức độ nhẹ

- môn vị: tròn đều

- hành tá tràng: ko viêm loét, thông thoáng

Clo test: dương tính

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Kết quả này là em bị viêm hang vị dạ dày do nhiễm Hp rồi, em nhé. Hp là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày thường gặp. Nhiễm Hp kèm có triệu chứng đau dạ dày thì cần phải điều trị tiệt trừ Hp, nếu chỉ điều trị viêm loét dạ dày đơn thuần mà không tiệt trừ Hp thì bệnh sẽ không hết và Hp có thể gây ra viêm loét kéo dài, viêm mạn và dẫn đến chuyển sản rồi ung thư dạ dày.

Trị Hp thì BS sẽ phải dùng kháng sinh, vì đây là vi khuẩn, và phải dùng 2 loại kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế tiết dạ dày 14 ngày mới diệt được Hp (phác đồ chuẩn của hội tiêu hóa gan mật Việt Nam và thế giới), vì chúng trú ẩn sâu trong thành của dạ dày.

Em nên đến khám chuyên khoa tiêu hóa để được kê thuốc phù hợp (BS không được phép kê thuốc khi không trực tiếp khám cho người bệnh).

Sau đợt điều trị thì em cần tái khám lại để BS đánh giá và điều chỉnh thuốc cho em, có thể là sẽ tiếp tục điều trị thêm vài tuần để kiểm soát hẳn triệu chứng khó chịu rồi mới ngưng tất cả các thuốc trong 2 tuần-1 tháng, sau đó quay lại kiểm tra xem Hp đã được tiệt trừ chưa, kiểm tra lại bằng test hơi thở hoặc nội soi lại, vì xét nghiệm máu sẽ không biết được đã tiệt trừ thành công hay chưa, nếu thất bại với phác đồ điều trị Hp ban đầu thì BS sẽ đổi sang phác đồ khác cho em vì chúng rất “ranh ma”, nhưng mình cũng có nhiều phác đồ để đối phó với chúng nên em đừng quá lo lắng.

Ngoài ra, em cần hạn chế ăn đồ chua, cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, cafe, bia, rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.

7. Mắt mờ do di chứng chấn thương sọ não, có khắc phục?

Thanh Nguyễn - Yenthanh...@gmail.com

Em năm nay 22 tuổi, năm 19 tuổi em bị tai nạn chấn thương sọ não, khi mổ xong bác sĩ chẩn đoán bị mù mắt phải nhưng hiện giờ mắt của em vẫn còn nhìn thấy mờ mờ nhưng hơi bị lác ngoài. Vậy em có thể phẫu thuật kéo mắt lại được không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Thanh Nguyễn thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì BS nhận định khả năng gây mắt em bị lé ngoài là do liệt dây thần kinh sọ số VI - di chứng của chấn thương sọ não trước đây. Mặc dù em không đến mức mù hoàn toàn (thị lực 0/10), nhưng hiện tại mắt em cũng nhìn được mờ mờ thôi (thị lực tầm 2/10), vì thế việc phẫu thuật chỉnh mắt lé ngoài chủ yếu là cho vấn đề thẩm mỹ, chứ khó mà cải thiện thị lực đáng kể.

Em có thể đến khám tại bệnh viện chuyên về mắt để BS kiểm tra lại toàn bộ cho em, hi vọng là em vẫn còn có thể phẫu thuật chỉnh hình mắt được. Chi phí cho phẫu thuật này ở các bệnh viện công thường là 3 - 4 triệu/ 1 mắt, ở các bệnh viện tư là từ 5 - 6 triệu/ mắt, chưa kèm tiền khám bệnh và các xét nghiệm yêu cầu.

8. Làm xét nghiệm gì để chẩn đoán hội chứng Behcet?

Châu Trần - chau095...@gmail.com

Cho em hỏi xét nghiệm máu có xác định được hội chứng Behcet không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Bệnh Behcet (Tên tiếng Anh là Behcet’s disease), còn được gọi là hội chứng Behcet (tiếng Anh là Behcet’s syndrome), là một rối loạn hiếm gặp gây viêm mạch máu toàn thân. Bệnh có thể dẫn đến nhiều dấu hiệu và triệu chứng có vẻ không đặc hiệu và khó phát hiện ở giai đoạn đầu, bao gồm loét miệng, viêm mắt, nổi mẩn da và tổn thương và loét sinh dục.

Bệnh Behcet hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng viêm mạch máu. Các bác sĩ cũng không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán xác định bệnh Behcet. Cho nên, xét nghiệm máu không thể giúp xác định hội chứng Behcet.

Bác sĩ có thể chẩn đoán mắc bệnh Behcet, chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, như vết loét miệng xuất hiện ba lần trong vòng một năm và bất kỳ hai triệu chứng nào sau đây đều phát triển:

  • Vết loét sinh dục xuất hiện và sau đó biến mất
  • Vết loét da
  • Chích da dương tính, trong đó nổi mụn đỏ trên da khi bị chích bằng kim; điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người bệnh phản ứng thái quá với kích thích
  • Viêm mắt ảnh hưởng đến thị lực

9. Bớt sắc tố có di truyền cho các đời sau?

Minh Phương - Minhphuong...@gmail.com

BS cho em hỏi là bớt sắc tố vẫn có khả năng di truyền cho con cái sau này không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Bớt sắc tố có loại bẩm sinh và có loại mắc phải, trên một số cơ địa thì có liên quan đến yếu tố di truyền. Chỉ biết rằng, bớt sắc tố không phải là bệnh lây truyền, mà là bệnh do rối loạn sắc tố do gen, và chỉ có thể nói là nó có khả năng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ các nhà khoa học chưa xác định chính xác được điều này, do nghiên cứu về gien, di truyền và đột biến gien nhỏ rất phức tạp.

10. Polyp đại tràng không điều trị, có chuyển sang ung thư?

Ba Trang - batrang...@gmail.com

Nội soi đại tràng từ tháng 7/2020 có polyp 3mm sigma, không uống thuốc gì cả. Xin bác sĩ cho biết có nguy hiểm không và bao lâu thì tái khám?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Polyp đại trực tràng thực chất là những khối u lồi vào trong lòng đại trực tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng. Polyp đại trực tràng có thể có cuống hoặc không cuống và đa số polyp là lành tính, một số là ác tính, một số lúc đầu là lành tính nhưng theo thời gian chuyển sang ác tính.

Tất cả các polyp đại trực tràng khi phát hiện được đều cần phải cắt bỏ trọn vì có khả năng chuyển sang ung thư theo thời gian. Thủ thuật cắt bỏ trọn polyp đại trực tràng thường được tiến hành cùng lúc với nội soi đại trực tràng, nghĩa là đang soi mà BS nội soi thấy polyp thì sẽ cắt luôn, và gửi giải phẫu bệnh để xem bản chất của polyp này, chuyển sản hay dị sản hay loạn sản hay đã ung thư xâm lấn nhẹ... để phân tầng nguy cơ cho người bệnh.

Nếu đó là polyp lành tính, nguy cơ thấp thì người bệnh cần nội soi lại toàn bộ đại trực tràng trong vòng 3-6 năm sau cắt polyp. Trường hợp polyp nguy cơ cao, như tiền ung thư hay ung thư thì người bệnh cần nội soi lại toàn bộ đại trực tràng trong vòng 3 năm sau cắt polyp.

11. Điều trị "nghiện" corticoid như thế nào?

Daisico - daisi...@gmail.com

Thưa BS, nhờ BS chỉ cách để chữa cho mẹ tôi đang bị các triệu chứng nhiễm corticoid nặng lắm ạ. Mẹ tôi là người bị đau nhức xương khớp nên ai chỉ gì thì uống đó. Cách đây vài tháng có người bán loại thuốc gia truyền bà có mua uống trong 2, 3 tháng.

Sau đó bị phù người thì ngưng thuốc, hiện nay mẹ bị mệt mỏi, không làm gì nằm liệt, không muốn ăn uống, không muốn nói chuyện, lưỡi trắng, đau nhức xương khớp tăng, huyết áp tăng cao. Tôi đọc đươc thông tin từ AloBacsi nên muốn nhờ BS tư vấn giúp ạ. Xin chân thành cám ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Theo thông tin bạn cung cấp thì đúng là bác có nhiều dấu hiệu cho thấy bác đang nghiện corticoid và đang gặp phải hàng loạt tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid liều cao dài ngày - loại thuốc được pha trộn trong thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc. Bệnh của mẹ bạn còn gọi là Hội chứng Cushing do thuốc.

Về cơ bản, để điều trị Hội chứng Cushing do thuốc, BS cần phải kiểm tra tổng quát cho người bệnh để xem các bệnh hiện tại là gì, các biến chứng của corticoid hiện tại đến mức nào, để vừa phối hợp điều trị bệnh lý hiện tại (như viêm thoái hóa khớp, tăng huyết áp...) vừa dùng corticoid liều thấp để "cai" dần cho người bệnh.

Vì thế, với nhiều vấn đề hiện nay của mẹ bạn, bạn cần đưa mẹ đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát, từ đó BS mới có liệu trình điều trị thích hợp cho mẹ bạn được. Ắt hẳn là, để cai corticoid, mẹ bạn sẽ phải đi tái khám kiểm tra rất đều đặn, cái gì nghiện cũng dễ nhưng cai mới khó, bạn nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X